ĐỪNG CHỤP MŨ THEO LỐI “CƯỠNG TỪ ĐOẠT Ý”

Tô Văn Trường

Hồ Chí Minh đã dạy: Phải có tự do tư tưởng. Mọi người được tự do phát biểu ý kiến kể cả ý kiến trái với cái chung. Những ý kiến trái chiều đó phải được tôn trọng, đưa ra tranh luận đối chiếu với thực tế, như thế là cùng nhau đi tìm chân lý.

Thế nhưng, lâu nay chúng ta đang sống trong thế giới biến đổi không ngừng. Công thức cho sự thành công của ngày hôm qua hầu như chắc chắn sẽ là công thức cho sự thất bại của ngày mai” (Michael Hammer). Trong thế giới đầy biến động đó, nước Nga và Đông Âu đã từ bỏ lý thuyết của thể chế CNXH Liên Xô cũ. Cộng sản Trung Hoa thì chuyển sang chủ nghĩa dân tộc. Trump hướng theo “American first”, nước Anh cũng Brexit. Ngay cả Putin cũng tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông vv… Những điều đó, buộc chúng ta phải luôn ở tư thế sẵn sàng để đón đầu những cơ hội thuận lợi mang lại lợi ích cho dân, cho nước và để đương đầu, vượt qua mọi thách thức do sự thay đổi ấy tạo ra.

“Chụp mũ” bằng những cụm từ ngô nghê, trừu tượng.

Lâu nay, nhiều vị lãnh đạo từ trung ương đến các địa phương mỗi khi huấn thị hay phát biểu trước hội nghị thường sử dụng cụm từ trừu tượng, ngô nghê như “tự diễn biến, tự chuyển hóa, và tham vọng quyền lực” để “chụp mũ” phê phán các đối tượng không “kiên định” đi theo lối mòn.

Đây là vấn đề “nhạy cảm” nhưng đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau “mổ xẻ” vấn đề này để giữ uy tín của Đảng. Đất nước chỉ có thể phát triển khi những người có trách nhiệm không né tránh những vấn đề được coi là cấm kỵ, mạnh dạn đặt lên bàn những vấn đề gay cấn để công khai thảo luận nhằm tìm ra đối sách.

Chúng ta sống trong cái xã hội này, nó quá quen thuộc, nên gần như trở thành phải chấp nhận mà sống. Những người tâm huyết luôn trăn trở với vận nước thường hay bị sốc, và đau đớn vì những gì mình chứng kiến, theo thời gian cũng bình thản hơn rất nhiều, vì hiểu đó là quy luật tất yếu của một lối đi “chính trị hóa” thê thảm toàn bộ đời sống xã hội theo kiểu áp đặt, ngộ nhận, “chụp mũ” lạc hậu, nhân danh bảo vệ Đảng mà thực ra là hại nước, hại Đảng, làm cho dân tộc ta bị kìm hãm tư duy.

Vận động luôn là thuộc tính cơ bản của mọi dạng vật chất, chuyển hóa là kết quả tất yếu của vận động. Việc dùng những từ ngữ (không thể xem là khái niệm nghiêm chỉnh), như “tự chuyển biến, tự chuyển hóa” trong các văn kiện chính thức và ngôn ngữ của lãnh đạo hiện nay là sai từ gốc, là “cưỡng từ đoạt ý” bất chấp tư duy thông thường của con người. Ngay từ trước Đại hội Đảng khóa XI, nhiều người đã đề cập đến vấn đề cơ chế và văn hóa của người Việt, đòi hỏi người đương chức, đương quyền tự đổi mới mình đặc biệt là đổi mới tư duy là việc rất khó. Suy cho cùng cái “thói quen” (như Lenin nói) và tư duy nhiệm kỳ vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của không ít người có thẩm quyền.

Thủ tướng Winston Churchill đã từng nói “To improve is to change; to be perfect is to change often”. (Nếu tự con người không thay đổi quan điểm theo năm tháng thì chẳng thể tự hoàn thiện được mình). Khổ nỗi là các vị lãnh đạo và giới truyền thông nước ta cứ nói nửa vời, theo kiểu mù mờ, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” thì diễn biến và chuyển hóa theo chiều hướng nào? Dù tự diễn biến hay chuyển hóa, tốt hay xấu cho đất nước mới là điều quan trọng. Nước nào, chế độ nào, thời kỳ nào mà chẳng có “chuyển hóa” và cần phải, “chuyển hóa”! Thành thử mấy cụm từ, mấy khái niệm ấy chẳng có tội tình gì trở thành những cụm từ và khái niệm mang ý tiêu cực, bị dùng để đe dọa và khép tội những công dân có trách nhiệm.

Đại hội Đảng khóa VI Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo “Đổi mới” tư duy cho viết lại báo cáo chính trị (Ảnh trên mạng).

Đảng tự chuyển biến, tự chuyển hóa tư duy từ Đại hội khóa VI

Trước hết, nên làm rõ hơn “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là thế nào trước khi phê phán. Chúng ta phải thừa nhận, con người luôn sống theo thói quen, nên tự đổi mới, nhất là đổi mới tư duy là không dễ. Khó, thậm chí rất khó, nhưng không phải không làm được. Thực tế, nhờ tự đổi mới tư duy, tức “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, bắt đầu từ những người lãnh đạo cao cấp nhất, chúng ta mới có Nghị quyết Đại hội đang VI (1986) đưa đất nước phát triển cho đến nay.

Đổi mới của Đảng từ 1986 thực chất là tự chuyển hóa về tư duy kinh tế, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường thay cho quan điểm ngự trị trước đó là xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác-Lênin xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất và Nhà nước quản lý nền kinh tế theo kế hoạch pháp lệnh.

Với tư duy đổi mới, lãnh đạo Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh đã dũng cảm viết lại Văn kiện Đại hội Đảng khóa VI chuyển hóa phương thức quản lý kinh tế đem lại chuyển biến tích cực cho nền kinh tế và cho đất nước nói chung. Đấy là thực tế chứng minh hùng hồn, là thước đo minh chứng cho việc tự chuyển hướng, tự diễn biến theo chiều hướng tích cực là cần thiết. Đường lối phát triển phù hợp quy luật phát triển của sự vật đã đưa nước ta vượt qua cơn khủng hoảng được toàn dân ta và bạn bè trên thế giới ghi nhận.

Không có người nào không tự diễn biến, tự chuyển hóa, kể cả người đã chết. Còn diễn biến theo chiều hướng tốt hay xấu là vấn đề khác. Chỉ một chiều coi tư duy ý thức hệ của Đảng cộng sản Việt Nam là chuẩn, còn diễn biến khác đi là tà đạo – cách nhìn sự vật như vậy là độc tài và độc quyền chân lý! Mà trong khi đó chân lý của tư duy ý thức hệ của Đảng, nếu Đảng tôn thờ tư duy ý thức hệ của mình như vậy thì đấy là chuyện của Đảng, nhưng không được ốp lên dân. Cầm quyền mà áp đặt lên dân như vậy là cai trị theo lợi ích của một nhóm người trong Đảng.

Ở Việt Nam, xưa nay công tác lý luận thường đi vào ngõ cụt, không thuyết phục vì tư duy giáo điều, làm thui chột những ý tưởng đổi mới. Nhớ lại, trước Đại hội Đảng lần thứ XI, ngay cả ông Nguyễn Văn An nguyên Chủ tịch Quốc hội khi phát biểu về “lỗi hệ thống” cũng bị “chụp mũ”. Người dân đủ trí tuệ để hiểu và đánh giá những ý kiến vì dân, vì nước của những vị trưởng thượng, chuyên gia gạo cội của nước nhà. Lịch sử bao giờ cũng công bằng và luôn đòi hỏi đánh giá sự thật và chỉ có sự thật.

Tham vọng quyền lực

Tham vọng quyền lực cũng thế! Nếu người ta tham vọng (dịch nôm ra là “mong muốn”- nghe có vẻ nhẹ hơn) quyền lực để được đóng góp nhiều nhất cho đất nước thì tốt chứ sao! Chỉ ghét là ghét cái đám quan chức “mũ ni che tai”, “gió chiều nào che chiều ấy” để bám giữ quyền lực mà thôi! Với cái đội ngũ cán bộ chiến lược phần lớn như vậy, lại thêm một đội tham mưu xu nịnh kiểu “Hòa Thân” nó phỉnh đủ thứ… thì đất nước đi đến đâu?

Khi đám đông ở trạng thái hỗn loạn, để ổn định và phát triển, ta cần đến một nhà độc tài, một nhà nước chuyên chính. Ngược lại, trong một xã hội độc tài, chuyên chính, để phát triển ta lại cần một nền dân chủ. Đây là “hai pha” của một chu kỳ phát triển, không có tốt và xấu. Tham vọng quyền lực là bản năng, cũng không có tốt và xấu, chỉ có yếu và mạnh. Muốn đánh gía một xã hội, hay một con người tốt hay xấu, đúng sai, ta cẩn hiểu đúng tình trạng của nó.

Tuy nhiên, nếu tham vọng quyền lực với nghĩa là khát khao nắm quyền nhưng theo nghĩa tiếm quyền – nghĩa là không có tính chính danh được nhân dân và pháp luật thừa nhận thì đó là tham nhũng quyền lực. Đây là tội tham nhũng tàn ác nhất, đẻ ra toàn bộ mọi tham nhũng khác, và gây ra cho đất nước nhiều tổn thất nhất so với bất kỳ tội tham nhũng nào khác.

Viển vông và bất hợp lý là một nan đề không dễ giải quyết, khi quốc gia được điều hành bởi một cơ chế chồng chéo, lẫn lộn giữa lãnh đạo chính trị và hành chính công quyền. Nếu không đổi mới tư duy phát triển, không thay đổi cách tuyển chọn nhân sự cấp cao (ưu tiên cho các nhà kỹ trị), không tiếp cận với kiến thức chung của nhân loại, không tự diễn biến, tự chuyển hóa theo hướng tích cực thì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giầu, nước mạnh xã hội công bằng dân chủ và văn minh có hình chữ S này sẽ trở thành một đất nước có hình dấu hỏi (?) với những trở trăn không bao giờ chấm dứt về con đường phát triển của đất nước.

Khi gửi bản dự thảo bài viết này, tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi chia sẻ, đồng tình, đặc biệt là ý kiến của Anh Vũ Ngọc Hoàng nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nguyên văn như sau:

“Tôi nhất trí với anh Tô Văn Trường về việc phải có nhiều ý kiến, nhiều bài viết đấu tranh phê phán lại các kiểu chụp mũ, quy chụp rất lạc hậu, nhưng họ nhân danh bảo vệ Đảng mà thực ra là hại nước, hại Đảng, làm cho dân tộc ta bị kìm hãm tư duy.

Hãy coi đó là một tệ nạn nguy hiểm, xấu xa và ác độc, mọi người có tri thức và lương tri phải liên tục và mạnh mẽ đấu tranh để chống lại, vạch mặt thói xấu ấy. Nếu chúng ta cứ cúi đầu chịu thua thì thật đáng buồn cho dân tộc và cho Đảng. Cán bộ lãnh đạo các cấp sắp tới kỳ đại hội đến đây cần phải có tiêu chuẩn là nhận thức đúng, biết bảo vệ và quyết tâm ủng hộ tự do ngôn luận, tự do thể hiện chính kiến. Ai còn lạc hậu, u tối trong việc này thì đừng ủng hộ họ làm lãnh đạo nữa, để đỡ khổ cho tập thể Đảng và cộng đồng dân tộc”.

Lời kết

Tôi viết bài này vào ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán xuân Kỷ Hợi 2019. Xin có mấy vần thơ coi như thay cho lời kết:

“Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông

Bàn tay tạo hoá nối vòng gần xa

Mong cho đất Việt quê nhà

Đổi thay, thay đổi để ta hoà đồng

Qua đi băng giá mùa đông

Xuân xanh cho đất tự lòng trổ hoa

Hè về giông bão sẽ qua

Thu vàng kén sắc nương qua đông tàn

Non cao, biển bạc, rừng vàng

Trời xanh cho ánh hào quang rạng ngời”.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Ngôn từ và nỗi ám ảnh sụp đổ, Tuyên truyền xã hội chủ nghĩa. Bookmark the permalink.