Hoa Nghi
Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) tạm thời hoãn ký kết, vì “lý do kỹ thuật”, nhưng đằng sau nó là câu chuyện nhân quyền với Luật an ninh mạng và những trấn áp mà Nhà nước Việt Nam tiến hành trong năm 2018.
VOA Tiếng Việt đặt một cái tiêu đề rất đau cho bản thân ông Thủ tướng, với EVFTA bị hoãn phê chuẩn trong lúc Thủ tướng VN đang “vận động” ở Davos.
Các báo nhà nước như VTV, VOV, Nhân Dân,… đưa tin về hoạt động của Thủ tướng Phúc, trong đó bao gồm gặp gỡ các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Apple – những đối tượng bị báo chí nhà nước răn đe trong đợt đầu năm nay,.. nhằm vận động các tập đoàn toàn cầu thúc đẩy để Liên minh châu Âu sớm ký chính thức và phê chuẩn EVFTA.
Trục trặc “kỹ thuật” trong những ngày cuối năm (âm lịch) trở thành món quà không hề tốt lành lắm đối với Nhà nước Việt Nam cũng như bản thân ông Thủ tướng. Bởi lẽ, đây là hiệp định thương mại cực kỳ quan trọng trợ giúp cho nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi vũng lầy, khi mà đối tác EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Và cùng với việc hoãn ký kết EVFTA cùng với việc chưa xóa thẻ vàng chống lại xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU khiến cho mọi sự nỗ lực của Thủ tướng bị xóa sổ trong phút chốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Sự cố nêu trên, đặt ở một góc nhìn nào đó – rõ ràng – trở thành một bài học về cái gọi là: ứng xử phù hợp với thông lệ quốc tế. Bao gồm tuân thủ về mặt hành động trong các cam kết nhân quyền, hơn là tiếp tục thực thi chính sách hình thức về mặt nhân quyền kéo dài hàng thập niên qua, dưới lớp bọc “an ninh quốc gia”. Sự tùy tiện trong áp dụng luật pháp trong nước không nên trở thành “thông lệ” khi thực thi cam kết các công ước về nhân quyền.
Hà Nội chưa bao giờ thực tâm hiểu được điều nêu trên, bởi họ luôn tin tưởng trình độ “đu dây” và “lách luật” nhân quyền của mình. Khi trong nước có thêm một lãnh đạo quyền lực, đứng đầu chức vụ Chủ tịch nước, người sẵn sàng bẻ cong Hiến Pháp và đặt nó nằm bên dưới Cương lĩnh Đảng, thì “đu dây” và “lách luật” càng trở nên mạnh bạo hơn bao giờ hết. Nhưng càng làm như thế, thì lại càng khiến ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp nhiều khó khăn trong thúc đẩy sự đi lên của nền kinh tế.
Từng là Phó Thủ tướng dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng, và giờ ông Phúc lại là người sửa chữa, thu dọn di sản tệ hại do người tiền nhiệm để lại. Cơ cấu hóa lại nền kinh tế trở thành một tiêu chính trị mà ông Nguyễn Xuân Phúc theo đuổi để đạt được một giá trị chính trị trong tương lai. Nhưng trên hết, nền kinh tế không nên quá bi đát để làm phát sinh ra những mâu thuẫn xã hội tiềm tàng.
Nắm giữ chức vụ Thủ tướng vào năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc thể hiện tính xông xáo của mình trong các sự việc phát sinh trong đời sống kinh tế – xã hội qua các lần “chỉ đạo”, từ chống hình sự hóa hành chính qua vụ quán café Xin Chào, cho đến các chỉ đạo liên quan đến tai nạn giao thông, quy đổi tiền tệ,… Và cao nhất là liên quan đến dự luật về đặc khu. Điều này cho thấy một sự “tỉ mỉ” và có phần “tâm huyết” trong điều hành quản trị quốc gia, bản thân ông Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa những các khiếm khuyết về mặt cơ chế qua quan điểm “trên nóng dưới lạnh” và chuyện tham nhũng (sân sau) trong cổ phần hóa DNNN.
Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nằm trong một cơ chế khó, nơi mà “1 người xây dựng 90 thằng phá, 9 thằng ngồi chơi”. Và đó là lý do vì sao mà dù đã đặt quyết tâm chính trị lên cao nhất, nhưng cải cách doanh nghiệp nhà nước (tích hợp sứ mệnh chống tham nhũng) bị thất bại, và nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu 5 năm trong cắt giảm mạnh số lượng doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn xuống còn 103 vào năm 2020 từ 583 vào năm 2016, khi con số này vẫn còn hơn 500 cuối năm 2018.
“Trăm dâu đổ đầu tằm” giờ đây trở thành câu thành ngữ miêu tả đúng tâm trạng và hoàn cảnh của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Khi ông phải tiếp tục vừa dọn dẹp di sản người tiền nhiệm, lại vừa dọn tiếp những hệ quả mà người “đồng chí Nguyễn Phú Trọng” thải ra, liên quan đến câu chuyện “trấn áp nhân quyền, bảo vệ chế độ”. Hoãn ký lần này gián tiếp đưa Việt Nam tiến gần sát hơn cảnh báo: Nếu lỡ cơ hội này thì không ai biết điều gì sẽ diễn ra trong nhiệm kỳ mới của Nghị viện Châu Âu.
Trong một khía cạnh khác, việc một số nhà hoạt động nhân quyền đón nhận tin hoãn ký kết EVFTA với tâm trạng phấn khởi không phải là vì “họ dân chủ cuội, yêu nước vờ, và trong lòng họ chỉ có mỗi nỗi hận thù. Mong muốn duy nhất của họ là đạp đổ chế độ bằng mọi giá” như Facebooker Trần Quốc Quân đánh giá, mà họ đơn giản muốn Hà Nội tuân thủ luật chơi quốc tế (trong đó có cam kết nhân quyền) hơn là cách ứng xử kỳ quặc như trước đây. Và phẩm giá con người phải được thực thi thay vì đánh tráo.
H.N.
VNTB gửi BVN