Tính tất yếu của suy thoái kinh tế và sự bắt buộc đổi mới 2.0?

Hoa Nghi

Trung Quốc luôn là hình mẫu để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, và những vấn đề nội tại trong phát triển kinh tế lẫn cải cách thể chế chính trị nếu có cũng sẽ gợi mở một con đường đi tiếp theo của Việt Nam trong tương lai…

Ông Nguyễn Phú Trọng không quá coi trọng sự tăng trưởng kinh tế? Điều này đúng, khi ông từng khẳng định “suy thoái kinh tế không nguy hiểm bằng chính trị”.

Hướng giải thích về vấn đề này thế nào? Có thể đến từ việc, những chức vụ mà ông Nguyễn Phú Trọng kinh qua hoàn toàn mang tính “chính trị hàn lâm”, là một sinh viên học Văn, được đào tạo tại Liên Xô, làm tại Tạp chí Cộng sản, là Bí thư Thành ủy Hà Nội, và giờ là Tổng Bí thư. Chức Chủ tịch nước đến với Trọng như một chức vụ nghĩa vụ hơn là một vai trò đích thực. Và do đó, kinh tế chưa bao giờ là điểm nghĩ đến đầu tiên (hoặc ưu tiên) của ông Trọng.

Nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc thì khác, là người học Trường Kinh tế Quốc dân, phụ trách các mảng hành chính – kinh tế ở địa phương và giờ là người đứng đầu Chính phủ, trách nhiệm và vai trò của ông là làm mọi cách thức để vực dậy hoặc phát triển bằng được nền kinh tế qua con số tăng trưởng. Chính từ ưu tiên kinh tế, nên quá trình điều hành Chính phủ 2 năm qua, giữa ông và Trọng có lẽ tồn tại nhiều yếu tố phi đồng thuận về mặt chủ trương, chính sách.

clip_image002

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Phúc đang hướng xây dựng Chaebol kiểu Hàn Quốc, nhưng khác với Dũng, ông Phúc thận trọng bằng sự động viên, khuyến khích lẫn tạo cơ chế. Ông Phúc thường xuyên trao đổi với các lãnh đạo cao cấp thuộc tập đoàn Samsung như một cách để học hỏi kinh nghiệm, và việc xây dựng “Chaebol made in Vietnam” được tiến hành trên những tập đoàn tư có sẵn – Vingroup là một trong số các tập đoàn đó.

Jackma (Mã Vân) – ông chủ của đế chế công nghệ Alibaba – là đảng viên ĐCSTQ, và chính vì vậy – tập đoàn công nghệ giàu có này được xây dựng và gắn chặt với cơ chế trên cơ sở Đảng. Việt Nam cũng như vậy, không có quá nhiều người biết được, Vingroup có hẳn một Chi bộ Đảng ở bên trong.

Nếu ông Phúc cố gắng hỗ trợ một tập đoàn tư nhân trở thành một tập đoàn chủ lực như Samsung Hàn Quốc, thì sự phát triển nhảy vọt của Vingroup là một cơ sở đáng tin (mặc dù mang tính tạm thời) cho Chính phủ Việt Nam. Đồng nghĩa, về mặt tư duy kinh tế, ông Phúc có hơi hướng giống như ông Đặng Tiểu Bình (Trung Quốc) về xây dựng lực lượng kinh tế tư nhân. Một hình thức tư bản nằm trong lòng cộng sản rất đặc trưng để giữ gìn thể chế chính trị.

Ông Phúc cũng đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ thoái vốn (tái cơ cấu) các tập đoàn nhà nước, những tập đoàn vẫn quen lề thói “ăn bám thể chế”. Dù vậy, tốc độ đặt ra trong tái cơ cấu là khá khiêm tốn, và mục tiêu về khối lượng doanh nghiệp nhà nước bị thoái vốn năm 2020 có thể tiếp tục bị gia hạn.

Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình đang vừa xây dựng kinh tế tư nhân gắn chặt nhà nước, vừa nỗ lực tư bản hóa doanh nghiệp nhà nước.

Cũng giống như Việt Nam, Nhà nước Trung Quốc sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn, và thay vì để “thị trường” quyết định, Nhà nước với cánh tay vô hình sẽ xác định doanh nghiệp nào được trợ cấp, thị trường nào cần được bảo vệ, và khoản vay nào sẽ được đưa ra để hỗ trợ.

Tuy nhiên, trong một bài viết được đăng trên Washington Post, Robert J. Samuelson đã tìm hiểu tại sao Trung Quốc bám vào chủ nghĩa tư bản nhà nước. Đó là vì chính trị, chế độ phải nắm chặt kinh tế. Nhưng Trung Quốc đã phải sớm trả giá cho điều này. Bởi, vì muốn thay “thị trường” để quyết định, Trung Quốc đã tìm cách bảo hộ DNNN, ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ mới hoặc kế hoạch kinh doanh cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Và Mỹ thời kỳ Donald Trump hoàn toàn phản đối cách ứng xử này.

Trung Quốc buộc phải từ bỏ các chính sách nêu trên, nhưng điều này đồng nghĩa, Bắc Kinh sẽ “loại bỏ toàn bộ mô hình kinh tế của chính nó”..

Điều khá thú vị là bài viết của Robert J. Samuelson đã dẫn quan điểm của chuyên gia kinh tế Nicholas Lardy thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, tác giả của cuốn sách “Nhà nước đình công trở lại: Sự kết thúc cải cách ở Trung Quốc”. Ông lập luận rằng, vài năm trước, Trung Quốc dường như đang dần chuyển sang một hệ thống doanh nghiệp tư nhân, với số lượng công ty chiếm khoản 70% GDP.

Tập Cận Bình trong năm 2013, đã chi 57% các khoản vay đã được chuyển đến các công ty tư nhân và 35% cho các công ty do nhà nước kiểm soát. Nhưng đến năm 2016, các công ty nhà nước nhận được 83% các khoản vay, so với 11% cho các công ty tư nhân. Phần lớn khoản cho vay này đến từ các ngân hàng quốc doanh. Lý do cho sự thay đổi này là vì, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đang giảm từ 10% mỗi năm (2007 – 2009) xuống còn 6-7%, và tiếp tục giảm 2-4% trong các năm tới. Nhiều quan điểm lý giải điều này xuất phát từ việc Trung Quốc đã khai thác hầu hết các công nghệ hiện có; Trung Quốc có quá nhiều nợ; dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng, cản trở tăng trưởng lực lượng lao động.

Việt Nam cũng đang trong thực trạng nêu trên (cơ cấu dân số vàng đã qua; nợ quốc tế tiếp tục gia tăng – năm 2018 nợ nước ngoài quốc gia ở mức 49,7% GDP và dự kiến năm 2019 là 49,9% GDP; chưa có cơ sở công nghệ và công nghiệp nào vững chắc).

Nhưng quan điểm khác lại cho rằng, thặng dư thương mại giảm xuất phát từ quyết định sai lầm trong ủng hộ các công ty nhà nước, mà ông coi là kém hiệu quả. Trong khi lợi nhuận của các công ty thuộc khu vực tư nhân cao hơn gấp đôi so với các công ty do nhà nước kiểm soát. Điều này đồng nghĩa, khi Tập Cận Bình còn dựa vào DNNN thì sẽ càng làm suy yếu tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc. Và khi GDP giảm, thì tình trạng bất ổn xã hội, thất nghiệp, bất ổn tài chính, sẽ làm suy yếu quyền lực của ĐCS.

Việt Nam có vẻ đang tiệm cận vấn đề liên quan đến DNTN lẫn DNNN nêu trên (thoái vốn ở các DNNN đang cực kỳ khó khăn, trong khi thuế phí tăng làm cho hoạt động sản xuất – kinh doanh ở DNTN lâm vào nhiều khó khăn).

Khi kinh tế không được duy trì, thì Tập Cận Bình sẽ kết thúc số phận chính trị sớm hơn dự kiến được nêu ra trong Hiến Pháp (bỏ nhiệm kỳ Chủ tịch nước khiến Tập Cận Bình có thể nắm quyền đến chết). Nó đồng thời tác động đến Việt Nam, nhưng như đã đề cập trên, nền tảng Việt Nam về kinh tế vừa thiếu và yếu hơn so với Trung Quốc, nếu cải cách kinh tế theo hướng gia tăng hỗ trợ tư nhân, thoái vốn liên tục ở DNNN không diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam cũng sẽ sớm đối diện với khủng hoảng.

Điều này tác động như thế nào đến vị thế chính trị của các yếu nhân Nhà nước Việt Nam hiện nay?

Khi vai trò kinh tế được tăng lên, và khi bài toán kinh tế liên quan đến tư nhân và nhà nước được ông Nguyễn Xuân Phúc giải quyết quyết liệt như cách ông hô hào. Thì đồng thời, con đường Chính trị của ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ tăng lên, và chức vụ Tổng Bí thư có thể là điều mà ông Phúc sẽ đảm nhiệm trong tương lai.

Sự cởi mở về kinh tế với áp lực gia tăng và những khiếm khuyết của nền Trung Quốc có thể xem như một bài học chính trị đối với nhà lãnh đạo Việt Nam. Nhưng khi chủ trương kinh tế được đẩy mạnh để cứu vớt quyền lực của ĐCSVN, thì đồng nghĩa với quan điểm và đường lối của chính Trọng và Phúc cũng khác nhau. Và khi “suy thoái kinh tế quan trọng hơn suy thoái chính trị”, thì nó gợi mở một mô hình kinh tế mới mẻ hơn trong tương lai, một cuộc Đổi Mới 2.0 về kinh tế, và tác động làm biến chuyển chính trị.

Ở một khía cạnh khác, nếu từ đây đến khi đổi mới, khi ông Nguyễn Xuân Phúc còn ngồi trong vai trò chính trị chủ đạo Việt Nam, thì những doanh nghiệp tư nhân cỡ lớn như Vingroup tiếp tục hưởng lợi, dựa trên tham vọng chính trị và tiềm lực của chính tập đoàn này.

H.N.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in khủng hoảng thể chế, Suy thoái kinh tế. Bookmark the permalink.