Phó Thủ tướng phân tích về ICOR vẫn “tít mù nó lại vòng quanh”

Tô Văn Trường

Người bạn là chuyên gia kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh nhắn tôi có lời bình về bài báo của tác giả Hà Vũ (theo VnEconomy) giải thích cho đại biểu Quốc hội của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Không thể đánh giá ICOR tăng vọt là do đầu tư công kém hiệu quả”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, nhìn chung trong giai đoạn 2011 – 2015 hiệu quả kinh tế – xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện. Hệ số ICOR của Việt Nam đã giảm dần trong từng giai đoạn.

Nếu so sánh với giai đoạn trước, những năm đầu giai đoạn 2016 – 2020 hệ số này có xu hướng cao hơn. Cụ thể, ICOR bình quân (tính theo giá so sánh năm 2010) năm 2016 là 6,41, năm 2017 giảm nhẹ còn 6,21, giai đoạn 2011 – 2015 đạt 5,05 còn giai đoạn 2006 – 2010 là 5,18.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng giải thích, hệ số ICOR thường tính theo khoảng thời gian hay theo từng giai đoạn, còn phụ thuộc vào các yếu tố như sự thay đổi công nghệ hay tỷ lệ kết hợp giữa vốn và lao động. Nhưng chính đây là điều cần biết, nếu thay đổi công nghệ, thay đổi kết hợp giữa vốn là lao động không đưa GDP tăng cao hơn nếu không có chúng thì đầu tư thay đổi công nghệ để làm gì?

Hiệu quả đầu tư thể hiện bằng hệ số ICOR được cơ quan thống kê Việt Nam tính toán cho toàn bộ nền kinh tế bao gồm đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Hệ số ICOR không tính theo thành phần kinh tế, do vốn đầu tư công chủ yếu được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, không mang lại lợi nhuận trực tiếp.

Do vậy không thể đánh giá hệ số ICOR tăng vọt là do đầu tư công kém hiệu quả, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất từ đó giảm hệ số ICOR.

Do vậy, tỷ lệ vốn đầu tư công chiếm trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đang có xu hướng thấp đi, tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài. Đầu tư công sẽ đóng vai trò là nguồn vốn mồi, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư vv…

Người đọc ngạc nhiên khi thấy Phó Thủ tướng cho rằng không thể tính ICOR cho kinh tế nhà nước? Theo tôi tìm hiểu, chúng ta hoàn toàn có khả năng tính ICOR cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, và so chúng với ICOR của doanh nghiệp tư nhân hay FDI để xem ai hiệu quả hơn chứ? Bởi vì Phó Thủ tướng chỉ cần ra lệnh cho Tổng cục Thống kê công bố GDP và đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước là tính được ngay. Thật khó hiểu, cho đến nay, tại sao Chính phủ lại không rạch ròi tính cho từng khu vực của nhà nước?

Cái gọi là kinh tế nhà nước hiện nay bao gồm an ninh quốc phòng, hành chính, sự nghiệp giáo dục y tế, đoàn thể và doanh nghiệp nhà nước thì làm sao tính được? Thế nhưng khi tính nợ công thì Phó Thủ tướng lại cố tình không tính nợ doanh nghiệp nhà nước?

Theo tôi tìm hiểu số liệu về các loại hình doanh nghiệp đã có từ 2007 đến 2016, nhưng Tổng cục Thống kê chưa công bố. ICOR là xuất phát từ quan hệ tổng cung của Harrod-Domar và Kaliwa để tính toán cái này phải có số liệu về vốn theo nghĩa tổng giá trị tài sản cố định của đơn vị hoạt động sãn xuất (capital stock) mà chỉ tiêu này Tổng cục Thống kê Việt Nam không có. Tổng cục Thống kê chỉ có chỉ tiêu vốn theo nghĩa tiền bỏ ra đầu tư chứ không phải vốn theo nghĩa tổng giá trị tài sản cố định (capital stock) tức là tổng của giá trị còn lại của các đầu tư vào tài sản cố định từng năm (gross capital formation) tính đến thời điểm đánh giá. Chính vì thế họ chỉ tính và công bố ICOR hàng năm cho cả nền kinh tế và tuyên bố trong thông cáo báo chí là “ngon” rồi. Tính cho doanh nghiệp nhà nước thì hoàn toàn được vì số liệu tương đối đầy đủ.

Theo chuyên gia Vũ Quang Việt: ICOR là cách tính đơn giản, gần đúng thôi. Cách làm là lấy tăng GDP chia cho tăng đầu tư để biết quan hệ tổng quát trong năm. Nếu mà trong năm GDP giảm hay tích lũy giảm thì không tính được. Do lý do này mà phải tính chung cho một số năm để loại ảnh hưởng bất thường.

Cách tính cơ bản là phải tính được capital stocks và từ đó tính capital services, nhưng cách tính này là rất phức tạp, cần dãy số rất dài. Cách tính cơ bản cho thấy rõ chi phí về tư bản, và hiệu quả của các tài sản phi tài chính, mà các tài sản tạo ra capital services không giống nhau vì mức độ tác dụng theo thời gian cũng như thời gian có tác dụng là khác nhau của từng loại tài sản.

Có thể tính ICOR riêng cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI nếu biết được GDP và đầu tư tài sản phi tài chính ở các khu vực này. So sánh kết quả thì biết tuy rằng khi tính ICOR chung cho cả nền kinh tế thì còn có đầu tư của nhà nước về hạ tầng, và đầu tư này sẽ splill over sang khu vực khác.

Vấn đề là cho đến nay, Tổng cục Thống kê không công bố GDP và đầu tư về tài sản phi tài chính (tức là tích lũy) của các khu vực doanh nghiệp trên. Nhưng thông tin này chắc chắn Tổng cục Thống kê có sẵn vì nếu không, thì họ sẽ không tính được GDP từ khu vực nhà nước. Vốn bỏ ra khác hoàn toàn tích lũy, nó bao gồm giải tỏa đất, vốn bỏ ra nhưng chưa thực hiện.

Tổng cục Thống kê làm gì có capital stock? Xem ra, ý kiến giải thích về ICOR của Phó Thủ tướng vẫn còn rất “tít mù nó lại vòng quanh”!

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in ICOR. Bookmark the permalink.