Mỹ Thuận Diễn Nghĩa
GS.TS. Văn học Nguyễn Huệ Chi là con trai của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian GS. Nguyễn Đổng Chi – từng công tác ở Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, Viện Sử học, là thành viên Ban Cổ sử và Trưởng phòng Tư liệu Thư viện. Sau 1975, ông làm Trưởng ban Hán Nôm (tiền thân của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 1978), rồi Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, cho đến 1981 thì xin chuyển sang làm chuyên viên nghiên cứu của Ban Văn hóa dân gian (tiền thân của Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian). Ông nội ông là Nguyễn Hiệt Chi, tham gia phong trào Duy Tân ở Bình Thuận. Ông chú ruột là Nguyễn Hàng Chi bị Pháp xử chém vì cầm đầu phong trào chống thuế ở Nghệ – Tĩnh năm 1908. Bà nội ông là người thuộc dòng họ Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai. Trong gia đình ông còn có nhà Dân tộc học GS. Nguyễn Đức Từ Chi; bác sĩ Nguyễn Kinh Chi, Thứ trưởng Bộ Y tế trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và Đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I – IV và em trai Phó GS. Nguyễn Du Chi, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ.
Thuở nhỏ, ông học tại trường Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh, và sau đó theo học khóa đầu tiên của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp vào năm 1959. Từ năm 1965-1968 và 1969-1972, ông tốt nghiệp Đại học Hán học do Viện Văn học tổ chức hệ 4 năm.
Ông đã từng tham gia các công việc biên tập viên Nhà xuất bản Lao động. Từ tháng 1 năm 1961, ông chuyển về làm việc tại Viện Văn học. Năm 1984, ông được phong Phó giáo sư và 1991 bảo vệ LA đặc cách xuất sắc và được phong hàm Giáo sư.
Tại San Francisco 2010. Ảnh: sưu tầm trên mạng
Trong quá trình làm việc ở Viện Văn học, ông lần lượt đảm nhiệm các cương vị: cán bộ nghiên cứu Phòng Văn học Việt Nam cổ cận đại, nghiên cứu viên chính, phó trưởng Phòng Văn học Việt Nam cổ cận đại; trưởng Phòng Văn học Việt Nam cổ cận đại, nghiên cứu viên cao cấp. Ngoài ra ông còn đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện Văn học; chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học; Ủy viên Hội đồng Khoa học xét Phong Học hàm Nhà nước Liên ngành Ngữ Văn.
Năm 1994 ông được Hội Partage ở Pháp mời sang Pháp trình bày về văn hóa truyền thống của Việt Nam. Năm 2001, William Joiner Center thuộc Viện Đại học Massachusetts mời ông sang Hoa Kỳ tham gia một chương trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam ở hải ngoại.
GS. Huệ Chi là người có kiến thức, có tầm suy nghĩ sâu rộng, nhưng quan điểm thường tỏ ra độc lập, không bị bó buộc vào "khuôn khổ". Những công trình nghiên cứu của ông đăng đây đó "tuy nêu kiến giải học thuật, vẫn không tách hẳn cái nhìn phán xét thời sự ở một cự ly xa gần nào đấy, hoặc gửi gắm mục tiêu dân chủ hóa xã hội, tự do,… mà ông luôn tâm niệm".
Qua đoạn lý lịch trích ngang khá dài nhưng cũng đầy thú vị để mọi người trong giới cũng như ngoài giới học thuật nắm bắt được con người Huệ Chi được sinh ra, được xuất thân, được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục và học hành như thế nào. Kể từ khi ông bước vào con đường học thuật, ông đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian truân và thử thách để tôi luyện và hoàn thiện mình qua từng công việc, không ngừng đóng góp một phần sức lực của mình cho sự hoàn thiện từng ngày của khoa học nước nhà.
Sự thành công trong sự nghiệp của GS. Huệ Chi được hiện thực hoá qua rất nhiều công trình, với 4 công trình cá nhân, 19 công trình của tập thể cùng hàng trăm bài báo, tạp chí nghiên cứu trong nước, nước ngoài trên nhiều lĩnh lực. Tiêu biểu như: In riêng: Văn học Cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật (2013),… Chủ biên: Thơ văn Lý–Trần (2 tập, 1977, 1989), Nguyễn Trãi, khí phách và tinh hoa của dân tộc (1981), Từ điển Văn học (2 tập 1983, 1984 [với tư cách Ủy viên biên tập thường trực viết Lời mở đầu bộ sách, dưới quyền Chủ biên của GS Đỗ Đức Hiểu]), Gương mặt văn học Thăng Long (1990), Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù (1990); Cao Xuân Huy, tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu (1995), Hoàng đế Lê Thánh Tông, nhà chính trị quân sự và nhà thơ (1999), Liêu trai chí dị (nghiên cứu và dịch, 5 tập, 1989), Truyện truyền kỳ Việt Nam (quyển 2 và 3, 1999), Từ điển văn học (bộ mới) (2005), Thơ văn Lý–Trần tập II Quyển hạ [chưa in],…
Bộ Thơ văn Lý-Trần do Thiền viện Huệ Quang SG liều lĩnh in lậu đến lần thứ hai không thèm xin phép năm 2018
GS. Huệ Chi là một nhà nghiên cứu khoa học thực thụ, miệt mài hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Cuộc đời ông ít khi có những giây phút thư giãn, an nhàn bên gia đình, người thân và bạn bè. Khi nào cũng thấy ông mê mải, cần cù với công việc. Suốt ngày ông vùi đầu trong thư viện cơ quan, thư viện gia đình,… với biệt tài sử dụng máy tính như một chuyên gia công nghệ.
Tiếc thay, những đóng góp của ông càng lớn bao nhiêu, quý báu bao nhiêu thì kẻ ghen người tị bấy nhiêu. Có những kẻ văn hèn trí thấp, lương tâm rẻ hều lại đay đi đay lại những điều bịa đặt, không hiểu hoặc cố tình không hiểu đạo lý để rao giảng đạo lý. Qua những lời đàm đạo tâm huyết, những lời trần tình nhân ái, những lời phản biện khoa học sắc bén của ông trên văn đàn mấy tháng qua… mới thấy GS. Huệ Chi là người trọng tình, trọng lý, kiên định và tôn trọng nhân cách làm người.
Thế mà ông Boristo Nguyen (tôi không biết ông là ai, tầm cỡ thế nào, vì tra google tiệt không có một dòng thông tin nào) cùng một số người đã lôi ra một sản phẩm ra đời cách đây hơn năm mươi năm, việc biên soạn Thơ văn Lý–Trần và Nhật ký trong tù của Viện Văn học "xới lại" gây ra tai tiếng cho GS. Huệ Chi. Ông ta còn dựa danh chính trị báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số ra ngày 1-12-2018 để xuống tay với hy vọng làm một cú knock-out “Có phải GS Nguyễn Huệ Chi tìm ra tên của Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Tung” và trang FaceBook cá nhân của mình ("Đi mấy hôm mới về, tranh thủ update blog, thêm vài tút quanh chuyện Đại án văn chương Thơ văn Lý Trần"),… và bằng cái khích lệ của Son Kieu Mai: "… Đến năm 1972 thì nhóm Viện Văn học (trong đó có ông Huệ Chi, bà Băng Thanh) mới lên rập lại. Năm 1977 thì in trong Thơ văn Lý-Trần. Giờ mà đem hai bản dịch ra so sánh khéo lại ra những câu giống nhau đến từng chữ, giống cả dấu chấm, dấu phẩy nữa thì kể cũng mất công đấy anh Boristo Nguyen nhỉ?"… đay đi nghiến lại một điều không trung thực về GS. Huệ Chi nhằm hạ uy tín của ông, có biết đâu bài viết cuối cùng của GS, vẫn rất khoan hòa, đã phơi trần cái hố thẳm mà GS đã không thèm đưa ra trong suốt mấy năm, nay thì đưa cả Boristio nguyen và NH xuống hố không còn cách nào ngoi lên được như đông đảo độc giả ai cũng thấy rõ.
Trong một lần, cực chẳng đã, GS. Huệ Chi đã phiền lòng mà nói với bạn đọc rằng: "Ông Boristo Nguyen đưa vào bài nhiều trích dẫn. Trích đi rồi trích lại. Trích để phản bác, chỉ trích hoặc chất vấn tôi. Nhưng đọc thì hình như không đáp ứng được điều ông muốn. Trừ những chỗ hiểu sai văn cảnh phải bỏ qua, các đoạn trích khác chỉ cần bình tâm suy nghĩ, tôi tin chính ông đã có thể tự mình sáng tỏ".
Xin mọi người hãy bình tâm tìm hiểu, đọc và cảm hiểu về những trình công nghiên cứu, những bài trả lời thiện ý, thiện chí với báo giới và độc giả của GS. Huệ Chi qua các sự việc để có cái nhìn nhận đánh giá đúng đắn và công tâm hơn.
Sách Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù được NXB Giáo dục in và tái bản 6 lần trong thập niên 1990. Ảnh sưu tầm trên mạng
Tôi đã đọc bài của nhà nghiên cứu Chu Mộng Long – một cá tính khoa học mạnh mẽ, trong sáng và khó tính nhưng rất công tâm từng thốt lên: "GS. Nguyễn Huệ Chi không là thầy của tôi, tôi cũng chẳng quen thân hay nằm trong hội nhóm gì của ông. Nếu xét về quan hệ thì trên FB, tôi đã từng tranh luận nảy lửa với ông về ngôn ngữ, về một quan điểm chính trị nào đó. Những lúc đó, tôi có ghét ông ở sự lịch lãm đến ba phải, nhưng rồi tôi vẫn kính phục ông, một trí thức có trình độ và tâm huyết đối với quốc gia, dân tộc", đã viết: "Tôi chịu khó đọc hết loạt bài trả lời của GS. Nguyễn Huệ Chi mà lòng đau nhói. Dài nhưng khúc chiết, rõ ràng, không né tránh bất cứ điều gì. Thật thuyết phục. Nó giải tỏa những hoang mang, nghi vấn của tôi. Nhưng đau nhói vì tôi hình dung ông phải bỏ ra rất nhiều thời gian để truy lại ngọn nguồn sự việc và tư liệu đã chìm lấp sau hơn nửa thế kỷ. Thế mới thấy danh dự, tự trọng của một nhân sĩ trí thức cao hơn núi". Để kết cho một bài viết dài, Chu Mộng Long đã khẳng định: "Khổ thân ông. Lẽ ra ông phải dành thời gian và tâm huyết cho những việc lớn hơn. Tôi nghĩ đây là bài trả lời cuối cùng, ông không cần phải trao đổi thêm gì nữa".
Ông Quách Hạo Nhiên cũng phải kêu lên: "Bất lợi của GS. Nguyễn Huệ Chi là không có diễn đàn chính thống để đối thoại lại với những người tham gia đánh ông. Tờ VN TPHCM lâu nay là nơi để đám hồng vệ binh sử dụng làm công cụ để công kích không chỉ GS Nguyễn Huệ Chi mà còn nhiều trí thức chân chính khác. Thầy CML lên tiếng như vầy chắc chắn sẽ là lời động viên tinh thần rất lớn với GS NHC".
Còn Phan Nam Sinh đã trải lòng: "Tôi phục nhân cách khoa học của GS. Nguyễn Huệ Chi. Trước là lần ông viết bài thuật lại cho mọi người biết "nỗi lòng" của cụ thân sinh trong một bài viết "đánh" Phan Khôi hồi nhân văn – giai phẩm. Lần khác là lần ông viết sai một chữ Hán trong một bài tứ tuyệt của Phan Khôi. Khi tôi nhắc ông, ông đã không giận, nhận ngay, sau đó còn vài lần giúp tôi nữa".
Chị Băng Tâm cũng nhắc lại lời PGS Chu Mộng Long để tỏ bày tâm sự: "Rằng sự cố tình tấn công uy tín Nguyễn Huệ Chi chỉ vì đám giặc già khoa bảng trước khi xuống lỗ không ai nhớ mặt đặt tên hay vì bảo vệ đám quan tham đang ngứa ngáy khó chịu bởi trang Bauxite Việt Nam phản biện xã hội do ông Nguyễn Huệ Chi chủ trương?".
Giảng viên đại học Đặng Quyết Tiến thì có nhận định dí dỏm nhưng rất thực: "Tôi ngờ rằng nhiều kẻ chê bôi Ông Huệ Chi mà chưa bao giờ đọc thủng thiên Khảo luận THƠ VĂN LÍ TRẦN". Ông còn nói: “Nhân cách khoa học gia lỗi lạc của ông Huệ Chi thì chả có kẻ nào vấy bẩn được. Không ai làm Thơ văn Lí Trần tốt hơn ông. Không ai khảo Nhật kí trong tù kĩ lưỡng hơn ông. Không ai tổ chức biên tập văn chương chống Trung Quốc bành trướng hay hơn ông… Học giả như Huệ Chi cả trăm năm mới có một vài người”.
Nhà thơ Hoàng Hưng đồng thuận cùng Chu Mộng Long rằng anh luôn công bằng, đứng về lẽ phải, tôi và anh cũng từng cãi nhau nảy lửa rồi hiểu nhau, lại quý!
Bằng sự trân quý những bạn bè, đồng nghiệp, đồng môn thân hữu, có lúc Huệ Chi chia sẻ: "Từ những bài thơ phiên âm có lời dịch mà tái lập chữ Hán đã cực khó. Nếu lại không có lời dịch mà chuyển sang chữ Hán là vô cùng khó bạn Phan Nam Sinh ơi. Làm xong chỉ lo ngay ngáy. Được ai chỉ ra cho chữ nào chuyển sai thì mừng chứ ai mà giận được. Tâm lý người làm việc ấy là thế đấy. Mà xưa nay cũng rất ít người dám làm cái việc chuyển ngược như vậy. Cách đây hai năm, nể người bạn thơ cũng là dịch giả cừ khôi bên Mỹ nhờ chuyển 36 bài, tôi phải hỳ hục làm nhưng sau hai tuần được 16 bài thì kiệt lực, đành phải ngừng. Chắc anh ấy có giận, nhưng anh ấy không thể biết đó là việc bắc thang lên trời. Bài thơ cụ Phan chỉ là một bài tứ tuyệt nên dễ hơn rất nhiều. Sai là do tôi". Trong những lời trần tình ấy, ông Phan Nam Sinh chia sẻ với Nguyễn Huệ Chi rằng: "Chưa nói tới việc chuyển một bài thơ chỉ có phiên âm sang chữ Hán là cực khó như GS. Nguyễn Huệ Chi đã nói mà ngay cả việc chuyển một câu đối có phiên âm, có lời dịch sang tiếng Việt cũng không dễ. Nhớ là trong một câu đối chữ Hán của ông nội tôi (Phan Trân) có một chữ "thục" mà đọc hoài, tôi vẫn không biết là chữ "thục" nào. "Thục" là "ai" ((孰) hay "thục" là "chuộc" (贖)? Ấy là những trường hợp bản dịch không thực sát nghĩa hay là đã bỏ qua từ đó mà không dịch".
Tóm lại GS. Huệ Chi làm khoa học rất tỉ mẩn, dù là một chữ, một câu, một bài nghiên cứu hay, một công trình khoa học,… ông đều chu đáo, cẩn trọng và chăm chỉ như con ong hút mật tìm thấy ở đó những nhuỵ thơm và mật ngọt, như con tằm rút ruột nhả kén để dệt nên những công trình khoa học có giá trị và ý nghĩa, làm tài sản quý báu truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau.
Chu Mộng Long đã tâm sự: "Chữ với nghĩa không là chuyện đùa. Có làm mới biết vạn nan. Có cả một vốn chữ mênh mông rồi mới soi vào được một chữ. Mà đối với chữ Hán, chỉ một chữ thôi đã là cả một lịch sử kiến tạo của nó, hiểu và dùng hời hợt thì ai cũng làm được, nhưng hiểu đầy đủ để dùng đúng dùng hay mới là thánh chữ. Kẻ ít hiểu biết thường tưởng bở nên cứ ngồi phán như thánh".
Nghĩ lại đi, cá nhân nào, tổ chức nào đang tâm đi đánh một con người hết lòng vì khoa học, hết lòng vì Tổ quốc, vì muôn dân yêu dấu của mình. Con người trọng danh dự, trọng nhân cách GS. Huệ Chi xuất thân trong một gia đình văn hoá cách mạng truyền thống, được học hành bài bản, thấm nhuần văn hoá thuần phong mỹ tục, thấm nhuần tư tưởng đường lối cách mạng khoa học của Đảng, trải qua không biết bao nhiêu công việc khó khăn trên những chặng đường gắn bó với khoa học để bây giờ chúng ta có thể khẳng định rằng ông không thể là người con danh giá của gia đình cách mạng lại cam tâm làm hoen ố tổ tiên ông cha mình. Một con người tận tâm về khoa học, tận trung với quốc gia dân tộc lại cam tâm đánh mất mình, mất đi những tín nhiệm của các bậc khoa học tiền bối đã tin tưởng và giao phó cho mình vì những điều vu khống hay vu oan giá hoạ của một vài kẻ ngoại đạo bất tài.
Cuối cùng tôi mượn lời tâm sự của GS. Huệ Chi với Boristo Nguyen rằng:"Cứ chăm chăm đi đánh người thì không còn giữ được cái tâm sáng để biết đâu mới là đen hay trắng. Đó âu cũng là nghiệp, ông cứ nghiệm rồi sẽ thấy".
Tôi rất thích khổ thơ 4 câu của dịch giả Đào Phương Bình như là một minh triết:
Trí tuệ như trăng chiếu khắp trời
Sáng trùm trần thế, chẳng riêng ai
Ví người hiểu lẽ không phân biệt
Núi phủ mây chiều, cây cỏ tươi.
Trích một vài trao đổi trên FB Dũng Hoàng về bài
Boristo Nguyen đã bé cái nhầm của
GS Nguyễn Huệ Chi
Bài rất thuyết phục!
Có đọc vào bài mới biết công lực một chưởng môn cao thủ, cứ để chịu tiếng oan trong 4, 5 năm không nói, đúng dịp tung chưởng ra làm không những kẻ đánh hôi theo Nguyễn Hòa ná thở mà NH cũng xính uýnh. Chỉ một cú toi luôn cả hai. Khủng không? Kkk….
Hay! Đúng là phải đọc kỹ mới biết. Nhất tiễn song điêu, học lóm Kim Dung mà phong cho vị này danh hiệu ấy. Nhưng cũng khg nên quên người có tên Đặng Văn Sinh đã tả xung hữu đột trước giúp vị. Mà đòn phép của vị thì hình như cũng chỉ cốt chống đỡ chứ khg dám đường đường xuống tay cho đối thủ trắng bụng luôn. Bài tủ cứ giấu mãi, đến lúc nhột mới chịu lật hẳn ra, nói thế có lẽ đúng hơn. Có đủ oai phong mà lại chịu nhún, đã gọi cao thủ được chưa nhỉ?
Theo mình cao thủ hơn nhau ở chỗ chịu nhún đấy.
Trần Ban Tại hạ có vài lời với "mình" đây. Kg ai phủ nhận vị này thuộc thế hệ được đào tạo bài bản, thuộc loại HVT, PHL, kiến thức sâu rộng, lập luận đâu ra đấy, và hành xử theo lễ nghĩa thế hệ các vị. Nhưng đem những lễ nghĩa đó đối phó với cái lũ nửa chữ Hán không gặm nổi, chỉ biết rạch mặt vu vạ nhan nhản hôm nay là khg thức thời. Đã có một bằng chứng mười mươi làm chúng phơi bụng cả Borsito và NH mà lại cứ ỉm đi mãi bây giờ mới trưng ra, có kì quái khg? Có phải chúng được nước cứ lấn tới mãi làm khổ chính mình, như thấy đấy? Cho nên, dầu trong lòng có bái phục thì vẫn không thể tán thưởng cách nhún nhường của vị, hoặc nói chung là của cả thế hệ vị ta. Xin thêm: Tất nhiên là tại hạ cũng nghĩ rằng "không thèm chấp" có cái cao tay của nó.
Trần Ban Xin thêm một dẫn chứng: tại hạ vừa cất công đọc lại bài "Về bài "thưa lại" của ông Boristo Nguyen" bên trang Chu Mộng Long. Lời khen của thày Chu: "khúc chiết, rõ ràng, khg né tránh bất cứ điều gì" thì khỏi phải bàn thêm. Nhưng một cụ Vân dịch thơ chữ nho đến là khiếp đảm, ai đọc đến cũng hoảng vía, qua phân tích càng thấy đúng là lão nho vườn, thế mà vị GS lại cứ một hai nhún nhường: "dịch thơ chân chất mộc mạc", thế có phải tôn kính… nhầm chỗ rồi không? Nói cao thượng thì ừ, đúng, thế dưng mà cao thượng để cái lũ Boristo, SKM (?!!!) và ai đó đằng sau nữa lấn lướt làm hung thì cao thượng ấy có ích gì kg ta?
Hán Nôm Khoa rất công tâm, rất bác ái. Cho tôi gửi lời chia sẻ sự kính trọng.
Mỹ Thuận Diễn Nghĩa Tán thành ý kiến của bạn. Hán Nôm Khoa chê tôi tôi xin nhận, vì tạng người tôi là như vậy, không nói cạn tàu ráo máng được, cũng không muốn sinh sự với ai. Bất đắc dĩ mà đáp lại họ thôi. Cám ơn bạn đã chỉ ra chỗ nhược điểm.
Hán Nôm Khoa, xin chia sẻ với ý kiến của bạn. Nhưng theo mình thì GS có giải thích thì cũng là giải thích cho thiên hạ, cho những ai xưa nay lòng còn hồ nghi, nửa kính nể nửa nghi ngại GS, chứ mấy cái quân đánh thuê kia có giải thích vậy chứ giải thích nữa nó cũng không chịu hiểu đâu vì mục đích của chúng có phải là tranh luận cho rõ đúng sai đâu mà chỉ nhằm gieo rắc cái nghi ngờ trong lòng người khác thôi. Còn về cách GS vẫn khiêm nhường, nhã nhặn trả lời trước thái độ vô phép tắc của chúng là việc mình thấy mọi thế hệ nên học hỏi và làm theo. Chứ chả lẽ lại đi dùng những lời lẽ thô thiển như chúng thì cái văn hóa ứng xử nó chẳng còn có thể tồn tại ở tầng lớp nào hay chỗ nào trong xã hội nữa.
BAUXITE VIỆT NAM
Mùa đông Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2018.
M.T.D.N.