Thấy gì từ vụ ‘bắt bù’ quan chức Vinashin?

Thường Sơn

Sau vụ Nguyễn Ngọc Sự – cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin (Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam) bị Bộ Công an bắt vào đầu năm 2018, đến lượt Trương Văn Tuyến – cựu Tổng giám đốc Vinashin, và Phạm Thanh Sơn – Phó tổng giám đốc SBIC (tập đoàn được đổi tên từ Vinashin), đã bị ‘bắt bù’, khi trước đó tưởng đâu đã ‘hạ cánh an toàn’.

Vào ngày 10/12/2018, hai quan chức trên đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, các lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đề điều tra hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 105 tỉ đồng tiền ngoài lãi suất từ Oceanbank (đồng phạm với Trần Đức Chính, Kế toán trưởng Tập đoàn Vinashin).

Trương Văn Tuyến (trái) và Phạm Thanh Sơn

Một lần nữa, vụ án Ngân hàng Oceanbank và Hà Văn Thắm được khơi lại, nhưng đã chuyển sang giai đoạn 2.

Oceanbank còn ‘móc’ với những quan chức nào?

Oceanbank đổ bể vào năm 2014 dưới thời thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình và Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình. Trong thời gian hai năm 2014 – 2015, Ngân hàng nhà nước với sự chỉ đạo trực tiếp của Thống đốc Bình đã áp dụng cơ chế ‘mua giá 0 đồng’ đối với 3 ngân hàng sắp lao vào cảnh phá sản là Oceanbank của Hà Văn Thắm, Ngân hàng Xây Dựng của Phạm Công Danh và Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu của Nguyễn Xuân Sơn.

Tuy trên danh nghĩa là ‘mua 0 đồng’, nhưng về thực chất Ngân hàng nhà nước đã phải bỏ ra ‘tiền tươi thóc thật’ để cứu cho 3 ngân hàng này khỏi sụp đổ. Số tiền mà Ngân hàng nhà nước đã bỏ ra được lấy từ nguồn nào và bao nhiêu thì từ đó đến nay vẫn bị giới quan chức Ngân hàng nhà nước và các bộ ngành liên quan chôn giấu một cách đầy nghi ngờ mà không hề được minh bạch, cho dù đã nhiều lần trong các phiên họp quốc hội, nhiều đại biểu quốc hội đã chất vấn về vụ việc rất đáng nghi vấn này.

Rất nhiều dư luận đã nghi ngờ rằng toàn bộ số tiền mà Ngân hàng nhà nước chi xài để ‘mua giá 0 đồng’ được rút rỉa từ ngân sách, tức từ tiền đóng thuế của hàng chục triệu người dân.

Chỉ đến phiên tòa xử cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào đầu năm 2018, lần đầu tiên một con số mà Ngân hàng nhà nước đã dùng để ‘mua giá 0 đồng’ trong chiến dịch cứu vãn 3 ngân hàng trên mới được ông Thăng khai ra: khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhưng đây là chỉ là một phần chứ không phải tất cả số tiền dùng để ‘mua giá 0 đồng’. Tuy nhiên từ khi lời khai đó hiện ra cho đến nay, giới quan chức Ngân hàng nhà nước và cá nhân cựu thống đốc Nguyễn Văn Bình – người mà hiện nay đang là ủy viên bộ chính trị kiêm trưởng ban Kinh tế trung ương – vẫn câm như hến.

Sau khi vụ Oceanbank được đưa ra xét xử vào năm 2018, Hà Văn Thắm đã phải nhận án chung thân. Thế nhưng vụ án này lại móc xích với quá nhiều quan chức quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, trong đó có hai cái tên Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn vừa bị bắt.

Có thể xem vụ bắt Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn là đợt bắt bớ thứ ba dành cho giới quan chức lãnh đạo ‘con tàu đắm’.

Vào tháng Giêng năm 2018, chỉ vài ngày sau khi kết thúc phiên tòa “Thăng – Thanh” và vào lúc một phiên tòa khác xử Trịnh Xuân Thanh tội “tham ô” gần chấm dứt, chiếc xe thùng cảnh sát của Tổng bí thư Trọng lại tiếp tục đỗ xịch trước cửa nhà Nguyễn Ngọc Sự – cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin – nhân vật mà vào đầu năm 2017 đã trơ tráo tuyên bố rằng Bộ Tài chính phải có trách nhiệm với toàn bộ những khoản nợ của Vinashin…

Vào thời điểm đầu năm 2018, vụ khởi tố và tống giam đối với cựu quan chức Nguyễn Ngọc Sự đã đặt ra một dấu hỏi lớn về nước đi mới của Nguyễn Phú Trọng trên bàn cờ ‘đốt ló’: vì sao vụ án Vinashin đã trôi qua đến 7 năm với vụ xử “Phạm Thanh Bình và đồng bọn”, nhưng đến lúc đó được “xới lại”? Việc bắt Nguyễn Ngọc Sự chỉ đơn thuần là phạm trù cá nhân đối với ông Sự hay còn mang ẩn ý muốn nhắm đến một “cái ô” nào đã che chắn cho ông Sự?

Thêm vào đó, mặc dù vụ án “Phạm Thanh Bình và đồng bọn” đã trôi qua từ lâu và ông Bình đã phải nhận một mức án vài chục năm tù giam, nhưng vào tháng Tám năm 2017, việc Viện Kiểm sát Phú Yên bất ngờ phê chuẩn lệnh khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Bình đã phát ra tín hiệu về vụ Vinashin chưa kết thúc mà vẫn còn cái hậu của nó.

Cái hậu nào? Và củi nào?

*

So với những vụ việc mới hơn và chấn động hơn từ năm 2017 đến nay như Trầm Bê, Vũ ‘Nhôm’, vụ Vinashin chỉ là ‘chuyện nhỏ’ và lẽ ra đã có thể rơi vào quên lãng. Nhưng vì sao vào cuối năm 2018, Vinashin được khơi lại với những cái tên mới cáo bị ‘bắt bù’ là Trương Văn Tuyến – cựu Tổng giám đốc Vinashin, và Phạm Thanh Sơn – Phó tổng giám đốc SBIC (tập đoàn được đổi tên từ Vinashin)?

Hãy nhìn lại vụ bắt Nguyễn Ngọc Sự – cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin – vào đầu năm 2018.

Một chi tiết đáng mổ xẻ là khi đưa tin về vụ bắt Nguyễn Ngọc Sự, bản tin của báo Bảo Vệ Pháp Luật có đoạn “Trước đó, ngày 9/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1868/QĐ-TTg, điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Tại PVN, ông Sự là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính của cả tập đoàn. Tháng 8/2017, ông Sự đã nhận quyết định nghỉ hưu, thôi vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy”.

Cách đưa tin và có vẻ nhấn mạnh về “Thủ tướng Chính phủ” của báo Bảo Vệ Pháp Luật là khá đặc biệt, bởi thông thường báo chí Việt Nam khi đưa tin về quá trình của các nhân vật này kia thì chỉ viết ‘ông/bà được bổ nhiệm/trở thành…” mà không cần nêu rõ là ai bổ nhiệm.

Ở Việt Nam, nhiều người cũng biết rằng “Thủ tướng Chính phủ” vào năm 2012 là Nguyễn Tấn Dũng.

Đến khi đó và một lần nữa, “mọi nẻo đường đều dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại là quan chức cao cấp bị xem là phải chịu trách nhiệm về “quả đấm thép” mà sau đó đã trở thành “con tàu đắm” Vinashin.

Vào thời Nguyễn Tấn Dũng, số nợ của Vinashin đã lên tới khoảng 86 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 4 tỷ đôla, chiếm đến 2,5% GDP vào thời gian đó. Chẳng có cách gì trả nợ nổi, Vinashin đã trở thành một vụ án mang tầm cỡ quốc gia với thật nhiều quan chức tham nhũng và vô trách nhiệm. Nhưng phán quyết của tòa án đã chỉ dừng ở chính giới lãnh đạo Vinashin mà không có bất kỳ quan chức chính phủ nào phải trả giá.

Vào năm 2005, Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo chính phủ Việt Nam tìm cách phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu đôla, với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 7,125%/năm. Số trái phiếu này đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Sau đó chính phủ đã cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên. Nhưng khoản vay này không hiểu do nguồn cơn nào mà đã tiêu tán hết, để cuối cùng Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ. Tuy thế, hồ sơ vụ này gần như bị đóng lại. Báo chí chỉ dám hé môi rồi sau đó im bặt.

Vào năm 2010, Nguyễn Tấn Dũng lại chỉ đạo chính phủ Việt Nam phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Singapore với lãi suất 6,75%/năm. Số tiền này sau đó được chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn vay lại. Tuy thế, cũng không thấy tăm hơi nào từ số tiền “tái cơ cấu Vinashin”. Doanh nghiệp được mệnh danh là “con tàu đắm” này cứ lần lượt nuốt chửng các khoản tiền khổng lồ.

Đến năm 2014, lần thứ ba chính phủ Việt Nam phải tìm cách phát hành 1 tỷ USD trái phiếu. Tuy nhiên lần này có vẻ không còn “thành công” như hai lần trước đó. Đây cũng là thời gian mà những xung đột chính trị trong chính trường Việt Nam trở nên quyết liệt hơn hẳn trên cung đường “lập thành tích chào mừng đại hội 12 của đảng”.

Cuối năm 2015, chính phủ thêm một lần nữa cố gắng tạo ra kế hoạch “phát hành 3 tỷ USD trái phiếu đặc biệt ra quốc tế”. Nhưng đến giữa năm 2016 thì kế hoạch này đã hoàn toàn tan vỡ.

Đến cuối quý 1 năm 2017, đến lượt ‘kẻ đổ vỏ vĩ đại’ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải kêu lên: dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới 63,2 nghìn tỷ đồng, trong khi ‘con tàu đắm’ này tiếp tục cơn ác mộng lâu năm của nó khi tiếp tục lỗ đến 5.000 tỷ -7.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tình thế hiện thời là vô cùng bế tắc đối với ‘quả đấm thép’ (từ ngữ mà thủ tướng trước đây là Nguyễn Tấn Dũng đã dùng để vinh danh Vinashin). Còn ‘kẻ đổ vỏ vĩ đại’ – một biệt danh mà dân gian đặt cho thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc – hẳn đang không kém bế tắc khi không biết làm cách nào để kiếm tiền trả nợ cho hậu quả để lại bởi thủ tướng Dũng. Tình cảnh vẫn như cũ, vẫn hoàn cám cảnh. Vẫn không một khoản nợ đáng kể nào của Vinashin được xử lý. Tất cả vẫn nguyên trạng bế tắc…

Sau vụ trùm mafia tài phiệt kiêm chính khách lưu manh Trần Bắc Hà – kẻ được xem là tay hòm chìa khóa của gia đình Nguyễn Tấn Dũng – bị bắt vào cuối tháng 11 năm 2018, cú đánh bồi vào giới cựu lãnh đạo Vinashin lại tiếp thêm một mồi lửa vào cái lò đang dần nóng lên của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.

T.S.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Vinashin, Đốt lò. Bookmark the permalink.