Nâng cao dân trí – Giới thiệu sách “Tại sao các quốc gia thất bại” (đoạn 2)

Nguyễn Đình Cống

Lý thuyết do hai kinh tế gia hàng đầu Daron Acemoglu và Jemes A. Robinson đề xuất trong cuốn sách nổi tiếng Tại sao các quốc gia thất bại (Why Nations Fail) (hai bản dịch khác nhau của Nguyễn Quang A – trên mạng – và Nguyễn Thị Kim Chi – NXB Trẻ) tưởng chừng như đơn giản so với bộ sách Tư bản của K. Marx giải thích mọi biến động kinh tế trong xã hội bằng đấu tranh giai cấp. Nhưng đó là một lý thuyết cực kỳ thông thái, kết quả của một quá trình nghiên cứu ròng rã trong 15 năm, áp dụng chuẩn xác cho mọi hình thái kinh tế xã hội của loại người từ viễn cổ đến tận ngày nay.

Thoạt đọc vào ta tưởng hai tác giả hình dung sự vận động của nhân loại trên con đường hàng vạn năm là những ván bài súc sắc ở bất kỳ nơi đâu trên địa cầu, trong đó có 4 quân bài chủ yếu: 1. Quân bài thể chế chính trị chiếm đoạt; 2 Quân bài thể chế chính trị dung hợp; 3. Quân bài thể chế kinh tế chiếm đoạt; 4. Quân bài thể chế kinh tế dung hợp. Và các giống người khác nhau được phân bố trên bề mặt trái đất trong trường kỳ lịch sử cứ thế đem cả 4 quân bài đó bỏ vào một cái hộp rồi lắc đi lắc lại nhiều lần. Kết quả, mở hộp ra xem sự kết hợp giữa 4 quân bài là như thế nào. Nếu quân bài 2 kết hợp với quân bài 4 thì giống người ở tại vùng đất đang xóc bài sẽ may mắn hưởng thụ một nền kinh tế cực kỳ phát triển và một thể chế văn minh, nền chính trị pháp quyền sớm ra đời và công nghiệp hóa nhanh chóng phát triển. Còn nếu gặp phải những sự kết hợp khác, các dân tộc chơi bài sẽ chịu đựng một tình trạng kém may mắn. Tuy vậy, trong những kết hợp khác nhau mà các giống người nhận được khi chơi bài, vẫn có những kết hợp kiểu này khả dĩ hơn kết hợp kiểu kia, có chút hứa hẹn cải thiện kinh tế đất nước nhanh hơn hay cải thiện chính trị thông thoáng hơn. Còn như chẳng may rơi vào sự kết hợp giữa quân bài 1 và quân bài 3 thì hoàn toàn kẹt cứng, hoặc giả trong ngắn hạn tưởng như có những thời đoạn có phát triển bùng nổ ghê gớm, nhưng rồi thực tế đều nhanh chóng sụp đổ không cách nào cưỡng nổi. Đó chính là tình trạng của loài người suốt “đêm dài” Trung cổ. Và đó cũng là tình trạng mà các quốc gia trong thế kỷ 20, bị ám vào học thuyết của ông Marx, nổi lên làm cuộc cách mạng vô sản chuyên chính trời long đất lở, xây dựng một thể chế chính trị chiếm đoạt kết hợp chặt chẽ với một thể chế kinh tế tập trung (một cách gọi khác của hai chữ ”chiếm đoạt”), đẩy gần một nửa dân số nhân loại vào những thảm họa khôn lường. Liên Xô là nhà nước đi đầu, cướp chính quyền bằng bạo lực từ năm 1917 nhưng đến 1991 thì… phải giải thể. Các nước CS còn lại nhận ra lập tức nguyên nhân của khủng hoảng là sự kết hợp bất lợi 13 mà họ đã mất nhiều thập niên nhắm mắt theo đuổi, vội vàng tìm cách xóc lại hộp súc sắc để tạo ra một sự kết hợp mới. Lõi đời nhất là tay chơi Đặng Tiểu Bình, đã nhanh chóng chuyển dịch từ kết hợp 13 sang 14 (tất nhiên 4 đây không phải là 4 đúng nghĩa mà cũng chỉ là 3 có cải tiến ít nhiều). Thế là mô hình CS Trung Quốc bỗng nhiên vù vù phất lên. Đến mức kẻ tiếp nối cơ ngơi họ Đặng – Tập Cận Bình – nhảy tót lên ngai, một mặt biết rõ chỗ yếu chết người của cái mô hình cải lương rởm của đất nước y, lo xua đội quân chuyên gia đi sang các nước kinh tế hàng đầu giở trò ăn cắp công nghệ, mặt khác huênh hoang tuyên bố chỉ vài ba mươi năm nữa Trung Quốc sẽ là bá chủ thế giới. Nhưng y là kẻ không biết phận nên đã gặp phải một tay chơi khác của cái xứ sở vốn rất thạo chơi là Huê Kỳ, ngài donald Trump, đã vỗ cho y một cái, vạch vôi vào trán, chỉ ra rằng sự kết hợp 14 (giả tạo) của mô hình đất nước mày trước sau cũng sẽ chết thôi. Ngón giả dối ấy ông còn rành hơn mày nhiều. Hệt như thuở xưa một ông hàng thịt cho anh chàng hám danh một cái tát được kể trong sách Nho lâm ngoại sử, Bình có vẻ choáng váng, có vẻ đã hơi tỉnh ra…

Vậy đấy thưa các bạn. Hai tác giả đã chỉ ra rất xác đáng không phải những phân bố về mặt tài nguyên, sông ngòi, rừng vàng bể bạc, nghĩa là về mặt địa lý dành cho loài người những số phận may mắn hoặc hẩm hiu trên mặt đất khác nhau, cũng không phải quá trình tiến triển về văn hóa của mỗi sắc tộc vốn không đồng nhất, càng không phải sự thông thái hay dốt nát của những chủng người đa dạng sinh ra trên trái đất này, quyết định các quốc gia đã và đang tồn tại là thất bại hay thành công. Trong thực tiễn hoạt động của xã hội con người từ xa xưa cho đến hôm nay trên mọi vùng đất, những nhân tố bề ngoài có vẻ rất quan trọng đó kỳ thực đều vô nghĩa. Trước sau chỉ có sự kết hợp của 4 quân bài mà ta đã nói ở trên là quyết định mà thôi. Nếu sự kết hợp đúng đắn theo dạng thức 2 & 4 thì quốc gia ấy có tương lai, còn nếu kết hợp sai, theo các dạng thức còn lại thì tùy theo dạng thức nào mà quốc gia đó nhất định sẽ đứng ở vạch mốc nào.

Đất nước chúng ta không may chịu số phận làm cái đuôi của một hệ thống ngỡ rằng sẽ cầm cờ đỏ giải phóng nhân loại, sẽ đem hạnh phúc đến cho tất cả mọi giống người, ngờ đâu đó chỉ là ảo tưởng nó đẩy dân tộc lao vào chém giết và cứ ngủ mê trong chém giết đã hơn 70 năm. Nay nếu những kẻ cầm chịch không sớm tỉnh ra để điều chỉnh lại sự kết hợp của “hai quân súc sắc” cho đúng với quy luật kết hợp của một phần nhân loại văn minh đã vượt lên rất xa, thì sẽ cam phận khốn khổ cả một đời hoặc nhiều đời là diều không cần bàn cãi.

Xin giới thiệu tiếp cùng các bạn bản tóm tắt các phần cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại (Why Nations Fail) của GS Nguyễn Đình Cống, một sự tóm tắt công phu, giản dị, dể hiểu, với ước vọng góp phần nâng cao dân trí cho đất nước chúng ta.

Bauxite Việt Nam

Các thể chế chính trị và kinh tế, có thể là dung hợp, nó khuyến khích sự tăng trưởng kinh tế. Hoặc có thể là chiếm đoạt, nó trở thành những vật cản trở sự tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia thất bại khi chúng có các thể chế kinh tế chiếm đoạt, được ủng hộ bởi các thể chế chính trị  chiếm đoạt, chúng cản trở và thậm chí chặn sự tăng trưởng kinh tế.

Có vẻ hiển nhiên rằng mọi người đều có lợi ích trong việc tạo ra loại thể chế kinh tế mang lại thịnh vượng. Chẳng phải mọi công dân, mọi chính trị gia, và thậm chí một nhà độc tài cướp bóc  đều muốn làm cho nước mình càng giàu càng tốt? Không đâu! Tăng trưởng kinh tế, do các thể chế có thể mang lại, tạo ra cả những người thắng và những kẻ thua, có thể đồng thời tái phân phối thu nhập và quyền lực theo một cách mà kẻ độc tài cướp bóc và những kẻ khác có quyền lực chính trị có thể trở nên tệ hơn, chứ không phải khá hơn. Ðiều này đã là rõ trong Cách mạng Công nghiệp ở nước Anh,

Như thế sự tăng trưởng tiến lên chỉ đạt được nếu không bị chặn bởi những kẻ thua kinh tế  hoặc thua chính trị. Thua kinh tế đối với người lường trước rằng các đặc quyền kinh tế của họ sẽ bị mất , thua chính trị đối với những người sợ rằng quyền lực chính trị của họ bị xói mòn.

Trong một chính thể chuyên chế, một số elite có thể sử dụng quyền lực để dựng lên các thể chế kinh tế họ ưa thích. Cách duy nhất để làm thay đổi các thể chế chính trị chuyên chế này là phải buộc elite tạo ra các thể chế đa nguyên hơn.

Chương 2 – CÁC LÝ THUYẾT KHÔNG HOẠT ÐỘNG

Địa hình địa vật

TIÊU ÐIỂM của cuốn sách là giải thích sự bất bình đẳng thế giới và cả một vài hình mẫu rộng có thể nhìn thấy dễ dàng ẩn núp bên trong nó. Nơi đầu tiên trải qua sự tăng trưởng kinh tế bền vững là nước Anh. Vào đầu thế kỷ 21, các nước giàu nhất có thu nhập bình quân đầu người trên 20.000 đô la/năm. Các nước nghèo nhất, dưới 2000.

Tác giả dẫn ra các nước giàu và nghèo trong khoảng gần 2 thế kỷ vừa qua. Ở châu Mỹ, nước giàu là Hoa Kỳ, Canada, theo sau là Chile, Argentina, Brazil, Mexico; nước nghèo như Bolivia, Guatemala, và Paraguay. Châu Phi có nhiều nước nghèo ở vùng Hạ Sahara. Châu Á có các nước giàu như Nhật, Đài loan, Hàn quốc, Singapore, các nước nghèo như Afghanistan, Haiti và các phần của Ðông Nam Á (thí dụ, Campuchia và Lào), Bắc Triều Tiên.

Cái gì giải thích những sự khác biệt lớn này về nghèo khó và thịnh vượng và các hình mẫu tăng trưởng? Vì sao các quốc gia Tây Âu và các nhánh thuộc địa của chúng đầy người định cư Âu châu bắt đầu tăng trưởng trong thế kỷ mười chín, hầu như không nhìn lại? Cái gì giải thích sự xếp hạng dai dẳng về bất bình đẳng ở bên trong châu Mỹ? Vì sao các quốc gia Phi châu hạ-Sahara và Trung Ðông đã không đạt kiểu tăng trưởng được thấy ở Tây Âu, trong khi phần lớn Ðông Á đã trải nghiệm tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh dễ gây tai nạn?

Người ta có thể nghĩ là, sự thực rằng sự bất bình đẳng thế giới là hết sức lớn và hợp logic và có các hình mẫu được vẽ sắc nét như vậy, thì có nghĩa rằng nó có một sự giải thích được chấp nhận rộng rãi. Không phải vậy. Hầu hết các giả thuyết mà các nhà khoa học xã hội đã đề xuất cho nguồn gốc của sự nghèo khó và thịnh vượng đơn giản không hoạt động và không giải thích được tình hình một cách thuyết phục.

Giả thuyết địa lý

Một lý thuyết được chấp nhận rộng rãi về các nguyên nhân của sự bất bình đẳng thế giới là giả thuyết địa lý, cho rằng sự cách biệt [divide] lớn giữa các nước giàu và nghèo được tạo ra bởi những khác biệt địa lý. Sự bất bình đẳng thế giới, tuy vậy, không thể được giải thích bằng khí hậu hay bệnh tật, hay bất cứ phiên bản nào của giả thuyết địa lý. Hãy chỉ nghĩ về Nogales. Cái tách hai phần ra không phải là khí hậu, địa lý, hay môi trường bệnh tật, mà là biên giới Hoa Kỳ-Mexico.

Nếu giả thuyết địa lý không thể giải thích nổi những khác biệt giữa Bắc và Nam Nogales, hay Bắc và Nam Hàn, hay Ðông và Tây Ðức trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, liệu nó vẫn có thể là một lý thuyết hữu ích cho việc giải thích những khác biệt giữa Bắc và Nam Mỹ? Giữa châu Âu và châu Phi.

Một phiên bản khác có ảnh hưởng của giả thuyết địa lý đã được thúc đẩy bởi nhà sinh thái học và sinh học tiến hóa Jared Diamond. Ông cho rằng những nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa các lục địa vào lúc đầu của thời kỳ hiện đại, năm trăm năm trước, đã dựa vào các nguồn lực lịch sử khác nhau về các loài thực vật và động vật, mà sau đó đã ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp. Lập luận của Diamond cũng đã bị thực tế bác bỏ.

Giả thuyết địa lý không chỉ không hữu ích cho việc giải thích nguồn gốc của sự thịnh vượng suốt lịch sử, và đa phần là sai trong sự nhấn mạnh của nó, mà cũng không có khả năng giải thích thế đất (tình hình đặc trưng) mà chúng ta đã bắt đầu chương này

Cuối cùng, các yếu tố địa lý là không hữu ích cho việc giải thích không chỉ những khác biệt mà chúng ta thấy khắp các phần khác nhau của thế giới, mà cũng chẳng giúp ích cho việc giải thích vì sao các quốc gia như Nhật Bản hay Trung Quốc lại trì trệ trong các thời kỳ dài và rồi bắt đầu một quá trình tăng trưởng nhanh. Chúng ta cần một lý thuyết khác, tốt hơn.

Giả thuyết văn hóa

Lý thuyết được chấp nhận rộng rãi thứ hai, giả thuyết văn hóa, liên kết thịnh vượng với văn hóa.  Giả thuyết văn hóa không chỉ dựa vào tôn giáo, mà nhấn mạnh cả các loại khác của niềm tin, giá trị, và đạo đức.

Nhiều người vẫn cho rằng những người châu Phi nghèo bởi vì họ thiếu một đạo lý làm việc tốt, vẫn tin vào phù thủy và ma thuật, rằng Mỹ Latin sẽ chẳng bao giờ giàu bởi vì người dân của nó hoang toàng và túng quẫn, Tất nhiên, nhiều người một thời đã tin rằng văn hóa Trung Quốc hay các giá trị Khổng giáo là không thân thiện với tăng trưởng kinh tế, mặc dù ngày nay người ta om sòm nói về tầm quan trọng của văn hóa làm việc Trung Hoa như động cơ tăng trưởng ở Trung Quốc, Hồng Kông, và Singapore.

Giả thuyết văn hóa có hữu ích cho việc hiểu sự bất bình đẳng thế giới? Có và không. Có, theo nghĩa rằng các chuẩn mực xã hội có liên quan đến văn hóa, là có ý nghĩa và khó thay đổi, Nhưng thường là không, bởi vì các khía cạnh đó của văn hóa không quan trọng cho việc hiểu về làm thế nào chúng ta lại tới đây và vì sao sự bất bình đẳng thế giới lại dai dẳng. Các khía cạnh khác, thí dụ như mức độ mà người dân tin cậy lẫn nhau hoặc có khả năng hợp tác, là quan trọng nhưng chủ yếu chúng là kết quả của các thể chế, chứ không phải là nguyên nhân độc lập.

Trung Quốc, bất chấp nhiều thiếu sót trong hệ thống kinh tế và chính trị của nó, đã là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của ba thập kỷ vừa qua. Sự nghèo khó của Trung Quốc cho đến cái chết của Mao Trạch Ðông đã chẳng liên quan gì đến văn hóa Trung Hoa.

Giả thuyết văn hóa cũng vô ích cho sự giải thích các khía cạnh khác của địa hình địa thế [tình hình] xung quanh chúng ta ngày nay. Tất nhiên, có những khác biệt về lòng tin, thái độ văn hóa, và các giá trị giữa Hoa Kỳ và Mỹ Latin, nhưng hệt như những khác biệt giữa Arizona, và Sonora, hoặc giữa Bắc và Nam Hàn, những khác biệt này là hệ quả của các thể chế và lịch sử thể chế khác nhau của hai nơi. Cuối cùng, các thái độ văn hóa, mà nói chung là chậm để thay đổi, bản thân chúng không chắc giải thích được sự tăng trưởng kỳ diệu ở Ðông Á và Trung Quốc. Mặc dù các thể chế tồn tại dai dẳng, trong những hoàn cảnh nhất định chúng cũng thay đổi nhanh chóng, như chúng ta sẽ thấy.

Giả thuyết dốt nát

Lý thuyết được ưa chuộng cuối cùng về giàu nghèo là giả thuyết dốt nát. Nó khẳng định rằng sự bất bình đẳng thế giới tồn tại bởi vì chúng ta hay những kẻ cai trị chúng ta không biết làm thế nào để biến các nước nghèo thành giàu.

Mặc dù giả thuyết dốt nát vẫn ngự trị cao nhất giữa hầu hết các nhà kinh tế học và trong giới làm chính sách phương Tây, nhưng nó không giải thích được các nguồn gốc của thịnh vượng quanh thế giới và cũng chẳng giải thích được tình hình (thế đất) quanh chúng ta – thí dụ, vì sao một số quốc gia, chẳng hạn Mexico và Peru, chứ không phải Hoa Kỳ hay Anh, đã chấp nhận các thể chế và các chính sách bần cùng hóa đa số công dân của họ, hay vì sao hầu như toàn bộ châu Phi hạ-Sahara và hầu hết Trung Mỹ lại nghèo hơn Tây Âu hay Ðông Á rất nhiều.

Chúng ta sẽ chứng tỏ rằng việc đạt sự thịnh vượng phụ thuộc vào việc giải [quyết] một số vấn đề chính trị cơ bản. Chính xác bởi vì kinh tế học đã giả thiết rằng các vấn đề chính trị đã được giải mà nó đã không có khả năng tìm ra một lời giải thích thuyết phục cho sự bất bình đẳng thế giới. Việc giải thích sự bất bình đẳng thế giới vẫn cần đến kinh tế học để hiểu các loại khác nhau của các chính sách và những dàn xếp xã hội ảnh hưởng thế nào đến các khuyến khích và hành vi kinh tế. Nhưng nó cũng cần chính trị học.

Chương 3 – TẠO RA THỊNH VƯỢNG VÀ NGHÈO KHÓ

Kinh tế học vĩ tuyến 38

Vĩ tuyến 38 phân cách Triều Tiên (Bắc) và Nam Hàn từ 1945. Các chính phủ ở Bắc và Nam đã chọn  những cách khác nhau để tổ chức nền kinh tế của họ. Nam Hàn đã không là một nền dân chủ. Cả Lý Thừa Vãn và Păc Chung Hy, đã đảm bảo các vị trí của họ trong lịch sử như các tổng thống chuyên quyền. Nhưng cả hai đã cai trị một nền kinh tế thị trường nơi quyền tài sản tư nhân được công nhận, và sau 1961 Pắc đã thực sự dùng sức mạnh và ảnh hưởng của nhà nước để ủng hộ sự tăng trưởng nhanh, hướng tín dụng và các khoản trợ cấp cho các hãng thành công.

Tình hình ở phía bắc đã khác. Kim Nhật Thành, một nhà lãnh đạo của những người du kích cộng sản, đã xác lập mình như nhà độc tài vào năm 1947 và, với sự giúp đỡ của Liên Xô, đã đưa vào một dạng cứng nhắc của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung như một phần của cái gọi là hệ thống Tự lực, chẳng bao lâu đã chứng tỏ là một thảm họa. Trong khi đó, ở miền Nam, các thể chế kinh tế khích lệ đầu tư và thương mại. Nam Hàn mau chóng trở thành một trong những “Nền kinh tế Thần kỳ” của Ðông Á, một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Không phải văn hóa, chẳng phải địa lý, cũng chẳng phải sự dốt nát có thể giải thích các con đường rẽ theo các hướng hoàn toàn khác nhau của Triều Tiên và Nam Hàn. Chúng ta phải ngó tới các thể chế để có một câu trả lời.

Các thể chê kih tế : dung hợp và chiếm đoạt 

Các nước khác nhau về thành công kinh tế của họ bởi vì các thể chế khác nhau của họ, các quy tắc ảnh hưởng đến nền kinh tế hoạt động như thế nào, và các khuyến khích làm động cơ thúc đẩy người dân.

Sự tương phản của Nam và Bắc Triều Tiên, của Hoa Kỳ và Mỹ Latin, minh họa một nguyên lý chung. Các thể chế kinh tế dung hợp (inclusive) như ở Hoa kỳ và Nam Hàn khuyến khích hoạt động kinh tế, sự tăng năng suất, và sự thịnh vượng kinh tế. Các quyền tài sản tư nhân an toàn là chính yếu, bởi vì chỉ những người với các quyền như vậy mới sẽ sẵn sàng đầu tư và tăng năng suất.

Các thể chế kinh tế của Bắc Triều Tiên hay của Mỹ Latin thuộc địa không có các tính chất này. Quyền tài sản tư nhân không tồn tại ở Bắc Triều Tiên. Ở Mỹ Latin thuộc địa, đã có tài sản tư nhân cho người Tây Ban Nha, nhưng tài sản của người bản địa đã rất không an toàn. Chúng ta gọi các thể chế như vậy là các thể chế kinh tế chiếm đoạt (extractive) bởi vì các thể chế ấy được thiết kể để vắt, chiết, khai thác thu nhập và của cải từ tập hợp của xã hội để cho một tập đoàn con khác chiếm đoạt.

Các động cơ của sự thịnh vượng

Các thể chế kinh tế dung hợp tạo ra các thị trường không chỉ trao cho người dân quyền tự do để theo đuổi nghề nghiệp phù hợp nhất với tài năng của họ trong cuộc sống mà cũng tạo ra một sân chơi bằng phẳng tạo cho họ cơ hội để làm. Những người có các ý tưởng hay sẽ có khả năng khởi tạo các doanh nghiệp, những người lao động có xu hướng đi làm các công việc nơi năng suất của họ lớn hơn, và các hãng kém hiệu quả có thể được thay bằng các hãng hiệu quả hơn. Thể chế này cũng mở đường cho hai động cơ khác của sự thịnh vượng: công nghệ và giáo dục.

Khả năng của các thể chế kinh tế để khai thác tiềm năng của các thị trườngdung hợp, khuyến khích đổi mới công nghệ, đầu tư vào con người, và động viên tài năng và kỹ năng của số đông cá nhân là cốt yếu cho tăng trưởng kinh tế. Giải thích vì sao rất nhiều thể chế kinh tế không thỏa mãn các mục tiêu đơn giản này là chủ đề trung tâm của cuốn sách này.

Các thể chế chính trị dung hợp và chiếm đoạt

Chính trị là một quá trình, theo đó một xã hội chọn ra các quy tắc mà sẽ chi phối nó. Trong khi các thể chế dung hợp có thể là tốt cho sự thịnh vượng của một quốc gia, thì một số người hay nhóm, sẽ khấm khá hơn rất nhiều bằng cách dựng lên các thể chế chiếm đoạt (thí dụ lãnh đạo của các chính quyền độc tài, toàn trị). Khi có sự xung đột về các thể chế, cái gì xảy ra sẽ phụ thuộc vào những người nào hay các nhóm nào chiến thắng trong trò chơi chính trị – ai có thể kiếm được nhiều sự ủng hộ, nhận được các nguồn lực thêm, và tạo được các liên minh hữu hiệu hơn. Tóm lại, ai thắng phụ thuộc vào phân bố quyền lực chính trị trong xã hội.

Các thể chế chính trị xác định ai có quyền lực trong xã hội và quyền lực đó có thể được sử dụng cho các mục đích nào. Nếu sự phân bố quyền lực là hẹp và không bị ràng buộc, thì các thể chế chính trị là chuyên chế (absolutist), như được minh họa bởi các các nền quân chủ chuyên chế trị vì trên khắp thế giới trong phần lớn lịch sử. Dưới các thể chế chính trị chuyên chế như ở Bắc Triều Tiên và Mỹ Latin thuộc địa, những người có thể nắm quyền lực này sẽ có khả năng đặt ra các thể chế kinh tế để làm giàu cho chính họ và làm tăng quyền lực của họ gây phí tổn cho xã hội.

Ngược lại, các thể chế chính trị mà phân phối quyền lực rộng rãi trong xã hội và bắt nó phải chịu các ràng buộc, là các thể chế đa nguyên. Thay cho việc được trao cho một cá nhân duy nhất hay một nhóm hẹp, quyền lực chính trị thuộc về một liên minh rộng hay một đa số của các nhóm.

Max Weber đã có định nghĩa nổi tiếng về nhà nước, đồng nhất nó với “độc quyền về bạo lực hợp pháp” trong xã hội. Không có sự độc quyền như vậy và một mức độ tập trung hóa mà nó cần phải có, nhà nước không thể đóng vai trò của nó với tư cách người thực thi pháp luật và trật tự, chưa kể đến cung cấp các dịch vụ công và cổ vũ và điều tiết hoạt động kinh tế. Khi nhà nước không đạt hầu như bất cứ sự tập trung hóa chính trị nào, thì xã hội sớm muộn sẽ sa đọa vào hỗn loạn.

Có sự đồng vận [synergy] mạnh giữa các thể chế kinh tế và chính trị. Các thể chế chính trị chiếm đoạt tập trung quyền lực vào tay một elite hẹp và đặt ít ràng buộc lên việc sử dụng quyền lực này. Các thể chế chính trị dung hợp trao quyền lực một cách rộng rãi, sẽ có xu hướng nhổ bật rễ các thể chế kinh tế tước đoạt nguồn lực của nhiều người, dựng các rào cản gia nhập, và ngăn hoạt động của các thị trường sao cho chỉ một số ít được hưởng lợi.

Các thể chế kinh tế dung hợp sẽ không được ủng hộ và cũng đã chẳng được ủng hộ bởi các thể chế chính trị chiếm đoạt. Hoặc chúng sẽ biến thành các thể chế kinh tế chiếm đoạt làm lợi cho các nhóm lợi ích hẹp nắm quyền, hoặc động học kinh tế mà chúng tạo ra sẽ gây bất ổn cho các thể chế chính trị chiếm đoạt, mở đường cho sự nổi lên của các thể chế chính trị dung hợp. Các thể chế kinh tế dung hợp cũng có xu hướng làm giảm các lợi ích mà elite có thể hưởng bằng thống trị các thể chế chính trị chiếm đoạt, vì các thể chế đó đối mặt với cạnh tranh trên thương trường và bị ràng buộc bởi các hợp đồng và các quyền tài sản của phần còn lại của xã hội.

Vì sao không luôn luôn chọn sự thịnh vượng

Các thể chế chính trị và kinh tế, có thể là dung hợp, nó khuyến khích sự tăng trưởng kinh tế. Hoặc có thể là chiếm đoạt, nó trở thành những vật cản trở sự tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia thất bại khi chúng có các thể chế kinh tế chiếm đoạt, được ủng hộ bởi các thể chế chính trị  chiếm đoạt, chúng cản trở và thậm chí chặn sự tăng trưởng kinh tế.

Có vẻ hiển nhiên rằng mọi người đều có lợi ích trong việc tạo ra loại thể chế kinh tế mang lại thịnh vượng. Chẳng phải mọi công dân, mọi chính trị gia, và thậm chí một nhà độc tài cướp bóc  đều muốn làm cho nước mình càng giàu càng tốt? Không đâu! Tăng trưởng kinh tế, do các thể chế có thể mang lại, tạo ra cả những người thắng và những kẻ thua, có thể đồng thời tái phân phối thu nhập và quyền lực theo một cách mà kẻ độc tài cướp bóc và những kẻ khác có quyền lực chính trị có thể trở nên tệ hơn, chứ không phải khá hơn. Ðiều này đã là rõ trong Cách mạng Công nghiệp ở nước Anh,

Như thế sự tăng trưởng tiến lên chỉ đạt được nếu không bị chặn bởi những kẻ thua kinh tế  hoặc thua chính trị. Thua kinh tế đối với người lường trước rằng các đặc quyền kinh tế của họ sẽ bị mất , thua chính trị đối với những người sợ rằng quyền lực chính trị của họ bị xói mòn.

Trong một chính thể chuyên chế, một số elite có thể sử dụng quyền lực để dựng lên các thể chế kinh tế họ ưa thích. Cách duy nhất để làm thay đổi các thể chế chính trị chuyên chế này là phải buộc elite tạo ra các thể chế đa nguyên hơn.

Sự thống khổ đằng đẵng của Congo

Congo là một quốc gia nghèo khổ ở Châu Phi trong suốt chiều dài lịch sử.

Trước đây Vương quốc Congo  được cai trị bởi nhà vua. Các vùng xa thủ đô được cai trị bởi một elite, đóng các trò Thống đốc của các phần khác nhau của vương quốc. Sự giàu có của tầng lớp elite này dựa trên các đồn điền nô lệ và việc khai thác thuế. Các loại thuế rất tùy tiện; một loại thuế thậm chí đã được thu mỗi khi mũ của vua rơi xuống. Ðể trở nên thịnh vượng hơn, người dân Congo lẽ ra đã phải tiết kiệm và đầu tư. Nhưng đã không bõ công, vì mọi sản lượng tăng thêm mà họ sản xuất ra với công nghệ tốt hơn đều sẽ bị vua và elite của ông ta tước đoạt.

Sau nhiều năm là thuộc địa, Congo độc lập vào năm 1960, Các thể chế kinh tế chiếm đoạt của Congo lại được ủng hộ bởi các thể chế chính trị chiếm đoạt cao độ. Tổng thống Mobutu đã sử dụng nhà nước để làm giàu cho mình và cho các cánh hẩu của ông.

Lịch sử của Vương quốc, và gần đây hơn của Congo, minh họa một cách sinh động cho việc các thể chế chính trị xác định các thể chế kinh tế ra sao và, thông qua các thể chế này, xác định các khuyến khích kinh tế và quy mô cho tăng trưởng kinh tế như thế nào. Nó cũng minh họa mối quan hệ cộng sinh giữa chủ nghĩa chuyên chế chính trị và các thể chế kinh tế trao quyền và làm giàu cho số ít gây thiệt hại cho số đông.

Tăng trưởng dưới các thể chế chiếm đoạt

Congo ngày nay là một thí dụ cực đoan, với sự vô luật pháp và các quyền tài sản rất không an toàn. Tuy vậy, trong hầu hết trường hợp sự cực đoan như vậy không phục vụ cho lợi ích của elite, vì nó sẽ phá hủy tất cả các khuyến khích kinh tế và tạo ra ít nguồn lực để khai thác. Luận đề trung tâm của cuốn sách này là, tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng gắn với các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp, trong khi các thể chế chiếm đoạt dẫn đến sự trì trệ và nghèo khó. Nhưng điều này không ngụ ý rằng các thể chế chiếm đoạt chẳng bao giờ có thể tạo ra tăng trưởng, cũng chẳng ngụ ý rằng tất cả các thể chế chiếm đoạt được tạo ra bằng nhau.

Có hai cách khác biệt nhưng bổ sung cho nhau mà theo đó tăng trưởng có thể nổi lên dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt. Thứ nhất, cho dù các thể chế kinh tế là chiếm đoạt, tăng trưởng là có thể khi elite trực tiếp phân bổ các nguồn lực cho các hoạt động có năng suất cao mà bản thân họ kiểm soát..

Một thí dụ là tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa ở Liên Xô từ Kế hoạch Năm Năm lần thứ nhất trong năm 1928 cho đến tận các năm 1970. Các thể chế chính trị và kinh tế đã mang tính chiếm đoạt có thể đạt sự tăng trưởng kinh tế nhanh bởi vì nó đã có thể sử dụng quyền lực của nhà nước để chuyển các nguồn lực từ nông nghiệp, nơi chúng đã được sử dụng rất kém hiệu quả, sang công nghiệp.

Loại thứ hai của tăng trưởng dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt xuất hiện khi các thể chế cho phép sự phát triển của các thể chế kinh tế dung hợp một chút, cho dù không hoàn toàn. Nhiều xã hội với các thể chế chính trị chiếm đoạt sẽ lảng tránh các thể chế kinh tế dung hợp bởi vì sợ sự phá hủy có tính sáng tạo (phá hủy cái cũ, lỗi thời, sáng tạo ra cái mới). Nhưng mức độ, mà elite tìm được cách để chiếm độc quyền quyền lực, thay đổi qua các xã hội. Trong một vài xã hội, vị thế của elite đã có thể đủ an toàn nên họ có thể cho phép một số bước hướng tới các thể chế kinh tế  dung hợp khi họ khá chắc chắn rằng việc này sẽ không đe dọa quyền lực chính trị của họ. Một cách lựa chọn khả dĩ khác, tình thế lịch sử đã có thể đến nỗi ban cho một chế độ chính trị chiếm đoạt các thể chế kinh tế khá dung hợp mà họ quyết định không chặn lại. Những cách này cung cấp cách thứ hai mà theo đó tăng trưởng kinh tế có thể xảy ra dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt.

Công nghiệp hóa nhanh chóng của Nam Hàn dưới thời Tướng Park là một thí dụ. Park lên nắm quyền qua một cuộc đảo chính năm 1961, nhưng ông đã làm vậy trong một xã hội được ủng hộ mạnh mẽ bởi Hoa Kỳ và với một nền kinh tế nơi các thể chế kinh tế về thực chất đã là dung hợp. Mặc dù chế độ của Park là độc đoán, nó đã cảm thấy đủ an toàn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và thực tế đã làm vậy một cách rất tích cực  Khác với Liên Xô và hầu hết các trường hợp khác của tăng trưởng dưới các thể chế chiếm đoạt, Nam Hàn đã chuyển đổi từ các thể chế chính trị chiếm đoạt sang thể chế chính trị dung hợp trong các năm 1980. Sự chuyển đổi thành công này đã là do một sự hợp lưu của các yếu tố.

Cuối cùng, khi sự tăng trưởng đến dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt nhưng ở nơi các thể chế kinh tế có các khía cạnh dung hợp, như chúng đã là ở Nam Hàn, luôn luôn có mối hiểm nguy rằng các thể chế kinh tế trở nên chiếm đoạt hơn và sự tăng trưởng ngừng lại. Những người kiểm soát quyền lực chính trị cuối cùng sẽ thấy có lợi hơn để sử dụng quyền lực của họ để hạn chế cạnh tranh, để làm tăng phần của họ trong chiếc bánh, hay thậm chí để ăn cắp và cướp bóc từ những người khác hơn là ủng hộ sự tiến bộ kinh tế. Sự phân bố và khả năng để sử dụng quyền lực cuối cùng sẽ làm xói mòn chính nền tảng của sự thịnh vượng kinh tế, trừ phi các thể chế chính trị được biến đổi từ chiếm đoạt thành dung hợp ( còn tiếp).

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Dân trí, Thể chế. Bookmark the permalink.