Thủ Thiêm, Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm… và rất nhiều nơi khác đã tạo nên một tầng lớp mới của xã hội, gọi là “dân oan”. Mỗi năm, các cơ quan nhà nước (NN) nhận được khoảng 20.000 đơn thư khiếu kiện, trong đó có 70 đến 80% là đất đai.
Có lẽ, sự kiện Thủ Thiêm gợi ý những người có trách nhiệm cho nghiên cứu thấu đáo hơn về vấn đề đất đai.
Thông qua đất đai để tham nhũng là phổ biến nhất, tràn lan nhất, khủng khiếp nhất. Đảng đang chống tham nhũng, lấy lại lòng tin của nhân dân mà không giải quyết vấn đề đất đai cả về lý luận và thực tiễn thì khó đạt được điều mong muốn.
Tôi viết về nó như một góp ý có trách nhiệm.
Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Đảng và Nhà nước làm Cải cách Ruộng đất với khẩu hiệu “Người cày có ruộng”, lấy đất công điền, tịch thu ruộng đất của địa chủ, cường hào chia cho dân nghèo. Việc này được Đảng nâng lên tầm lý luận là: cuộc cách mạng dân chủ (CMDC).
Lứa chúng tôi và nhiều lứa khác được dạy dỗ: cách mạng dân tộc là giải phóng đất nước khỏi ngoại xâm và cách mạng dân chủ là người cày có ruộng (không phải khái niệm dân chủ như hiện nay – xin người đọc đừng hiểu lầm).
Tổng quan lại, cuộc CMDC của nước ta đã đi một vòng tròn và khó giải thích về lý luận. Từ tịch thu ruộng của địa chủ chia cho dân nghèo đến thu hồi ruộng của dân để giao cho tầng lớp tư sản mới (các chủ doanh nghiệp).
Hành trình đó được khép kín như sau:
* 1953-1954 tịch thu ruộng đất địa chủ, lấy đất công điền chia cho nông dân.
* 1958-1960, hợp tác hoá nông nghiệp, người dân góp ruộng thuộc sở hữu của mình vào làm ăn tập thể. Ban đầu vẫn được chia hoa lợi. Nhưng tâm lý đã chuyển dần sang là đất của hợp tác xã (HTX).
* 1980 thay đổi Hiến pháp, chỉ một nhóm từ “đất đai thuộc sở hữu nhà nước”, tự dưng dân toàn quốc mất đất mà NN không thông qua trưng thu, trưng mua. Không nơi đâu có sự phản đối vì hai lý: 1. Tuyệt đối tin vào Đảng và Nhà nước, và 2. Tâm lý không phải đất của mình mà là của HTX.
* Trước đó, 1979, toàn dân đói kém khi mọi nguồn viện trợ bị cắt, Đảng ban hành NQ6 với đường lối sản xuất lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Các cơ quan Trung ương cũng tìm đất phá hoang để sản xuất lương thực. Ngoài làm cho HTX, các xã viên được khai hoang mọi diện tích làm kinh tế riêng. Bắt đầu xuất hiện các diện tích đất tư.
* 1981, Chính phủ ban hành QĐ201Ttg, văn bản quản lý đất đai đầu tiên cho cả nước với tư tưởng đất đai là tư liệu sản xuất thuộc sở hữu nhà nước nên: “cấm mọi hành vi mua bán đất đai”. Đất khai hoang nói ở 1979 không đưa vào diện quản lý.
* 1986, khi nền kinh tế suy sụp, dân đói triền miên, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 100 cho khoán thử và sau đó Trung ương ban hành NQTW10 cho khoán ruộng trong toàn quốc, đất đai của HTX nhưng giao khoán cho từng hộ (sau này gọi là Khoán 10).
* 1987, tư tưởng của Đảng và Nhà nước là biến ruộng khoán sẽ chuyển từ HTX sang cho hộ nông dân nên Quốc hội xây dựng Luật Đất đai để áp dụng từ 1988. Để có bản đồ làm cơ sở quản lý, Chính phủ cho đo đạc và xây dựng bản đồ, sổ mục kê theo QĐ299. Sau này giải quyết tranh chấp đất NN căn cứ vào Bản đồ 299 là nguồn gốc từ đây. Luật 1987 đã bắt đầu có quy định về NN thu hồi đất của nông dân nhưng: thu hồi đất loại nào (loại theo chế định kiểu nông nghiệp, thổ cư, chuyên dùng chứ không phải hạng điền) thì trả lại đất ấy và trả đủ diện tích đã thu hồi. Không biết tại sao luật này không áp dụng, đến nay không ai nhắc đến, như nó chưa từng có.
* 1993 Quốc hội làm luật khác, luật này có hiệu lực từ 15/10/1993. Trong đó có mấy điểm sau đây cần chú ý: cấp đất, thu hồi đất phải trên quy hoạch, kế hoạch; Thủ tướng cấp thu hồi từ 1 ha trở lên, Chủ tịch tỉnh dưới 1 ha; Chỉ thu hồi đất có đền bù cho 4 loại công trình: an ninh, quốc phòng, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng; các doanh nghiệp chỉ được thuê đất (NĐ18CP). Cũng cần nói thêm, hồi đó ông Kiệt làm Thủ tướng, tư tưởng pháp quyền trong đất đai rất rõ. Ông còn có văn bản pháp luật hẳn hoi về đất doanh trại, gia binh, đất làm kinh tế quân đội không thuộc đất quốc phòng… Luật này có nhược điểm là khó khăn trong việc chuyển đất NN sang đất làm kinh tế khác như khu công nghiệp, nhà máy.
* 2003, Luật Đất đai sửa đổi bổ sung có một điều tiến bộ là được thu hồi đất vì mục đích kinh tế, nhưng người được hưởng lợi phải thương lượng với người đang sử dụng đất. Nếu điều này được áp dụng trên hai nguyên tắc là giá thị trường hoặc góp đất quy thành cổ phần thì đất nước không xuất hiện dân oan. Vấn đề không nằm ở luật mà ở áp dụng luật: chính quyền dùng sức mạnh Nhà nước, dùng vũ trang để đồng hành với doanh nghiệp ép dân thu hồi đất tạo ra điều vô lý: doanh nghiệp hưởng lợi còn chính quyền nhân dân thì đàn áp nhân dân tạo ra mâu thuẫn, kể cả đổ máu như Văn Giang, Đồng Tâm, tù đày như Dương Nội, mâu thuẫn kéo dài như Thủ Thiêm… Nếu dừng tại đây và điều chỉnh hai điều như đã nói thì mâu thuẫn được khu trú. Vì sao chính quyền bạo tay với dân, ai cũng đoán ra.
*2013, Quốc hội tiến thêm một bước nữa là không cần doanh nghiệp thoả thuận với người sử dụng đất mà NN đứng ra thu hồi, giải phóng mặt bằng và từ luật 2003 cho chủ tịch cấp huyện có quyền cấp đất thu hồi đất với hạn mức nhất định thì:
Chúng ta đã đi một vòng khép kín từ tước đoạt đất địa chủ chia cho dân cày đến thu hồi đất đai từ nông dân để giao cho tầng lớp tư sản mới.
Lưu ý thêm rằng, dù từ khi chia ruộng Cải cách Ruộng đất đến góp ruộng vào HTX và các luật sau này là cơ sở cấp giấy tờ về đất, nhưng từ 1958, những tờ giấy cấp chủ quyền về đất cuối cùng của thời sở hữu đất đã cách đây 60 năm còn sang thời dân chỉ còn quyền sử dụng vẫn chưa xong cấp giấy tờ. Việc chậm cấp giấy tờ là cửa ăn bẩn của rất nhiều quan chức.
Status này đã quá dài nên phần tham nhũng và hư hỏng từng mảng từ đất đai sẽ viết vào dịp gần đây.
T.Q.V.
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=201432844090751&id=100026721098594
(BBT BVN chuyển chữ viết tắt thành tự dạng đầy đủ khi biên tập bài viết này).