Chất vấn nghị trường và những phát ngôn bất hủ

Phiên chất vấn tại nghị trường vừa kết thúc với nhiều tranh luận bất hủ, có cả ưu điểm và ưu tư.

Ưu điểm và lắng đọng

Các phiên chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 7 đã xong.

Cùng với các cuộc thảo luận về báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giáo dục đại học, và về dự án đường sắt cao tốc, nội dung chất vấn đối với bốn Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề cập những vấn đề mà cử tri đang rất quan tâm. Quan tâm vì tính bức xúc của chúng mà cũng vì sự quản lý nhà nước đối với những vấn đề đó bộc lộ những yếu kém đáng lo.

Số thành viên Chính phủ trả lời chất vấn ít hơn, cho phép dành nhiều thời gian cho mỗi vị. Đó là những ưu điểm được cử tri ghi nhận.

Ngoài những mặt được, chưa được mà Chủ tịch Quốc hội đã kết luận sau mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, và đã phát biểu kết thúc sau phiên cuối cùng, có rất nhiều vấn đề đọng lại sau các phiên chất vấn. Xin được nêu lên mấy nội dung.

Sự phối hợp liên ngành phơi bày nhiều lỗ hổng

Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn: "Tôi có 3 cậu con trai, mấy bố con  cũng thích chơi game, nhưng không chơi game bạo lực, chỉ chơi game vui  vẻ thôi". Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn: "Tôi có 3 cậu con trai, mấy bố con cũng thích chơi game, nhưng không chơi game bạo lực, chỉ chơi game vui vẻ thôi". Ảnh: Lê Anh Dũng

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, sự phối hợp liên ngành còn quá nhiều lổ hổng và yếu kém. Đó là chưa nói đến sự phối hợp giữa trung ương và địa phương. Đây không phải là một vấn đề mới, vì đã được nói đến nhiều lần ngay tại diễn đàn Quốc hội từ các khóa trước. Bước tiếntốc độ cải tiến trong sự phối hợp, tôi tự hỏi không biết có thể đo được với đơn vị gì. Chỉ biết rằng, lỗ hổng và yếu kém có hậu quả là lãng phí, thất thoát, tham nhũng tài sản, ngân sách nhà nước và tại sao không thiệt hại đến văn hóa đạo đức, đến chủ quyền quốc gia?

Chỉ tại kỳ họp này, sự yếu kém thể hiện rất rõ qua việc cho thuê đất rừng. Cử tri khó có thể chấp nhận các lập luận theo kiểu “Bộ Nông nghiệp chỉ quản lý rừng, còn đất thì do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý“. Hay là cung cách quản lý: “Địa phương họ làm đúng luật. Khổ thế. Họ có quyền làm theo phân cấp. Bây giờ rà lại thì đúng là có chuyện”!

Việc chơi games online cũng vậy. Tác hại của trò chơi trực tuyến bị lợi dụng quá rõ nhưng chờ tới khi được chất vấn thì Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới tính với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông việc “sẽ mau chóng ngồi lại với nhau để tính cách giải quyết”. Các vị này còn quên Bộ Giáo dục và Đào tạo mà người đứng đầu đang kiêm nhiệm Phó Thủ tướng phụ trách mảng văn xã!

Có quá nhiều phát biểu bất ngờ đến mức bất hủ

Cử tri đã được mắt thấy tai nghe những phát biểu bất ngờ đến mức có thể gọi là bất hủ. Không ít trong một kỳ họp.

Việc không có cầu để qua sông đến mức người dân, lớn và bé, phải đu dây qua sông ngót 8 tháng sau cơn bão số 9 đã được vị tư lệnh ngành giao thông vận tải cho là một “sáng tạo bất ngờ”!

Về việc đồng bào đu dây qua sông Poko, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: "một sáng tạo không ngờ tới". Ảnh: Lê Anh Dũng.

Về việc đồng bào đu dây qua sông Poko, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: "một sáng tạo không ngờ tới". Ảnh: Lê Anh Dũng.

Công việc của Bộ trong vấn đề lễ hội “một mình chúng tôi làm không xuể, khó khăn quá“, cho nên theo Bộ trưởngvĩ mô thì Bộ chúng tôi cố gắng, chứ vi mô thì nhờ ĐBQH“!

Trong khi các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhiều chuyên gia am tường cho là luận chứng cho một dự án dự kiến sẽ chi nhiều chục tỷ USD là chưa đủ sức thuyết phục, thì một vị Bộ trưởng kêu gọi “Bài toán kinh tế, môi trường, công nghệ… chúng tôi đã tính hết. Quốc hội cứ quyết chủ trương đi”. Hoặc, liên quan đến dự án này, vị tư lệnh khác lại cho rằng “(…) hình như ban dự án này trách nhiệm quá nên làm quá kỹ” báo cáo với Quốc hội. Bất ngờ ở phát biểu trên chính là vị này đã quên rằng Quốc hội, theo Hiến pháp, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở nước ta.

Khi phát biểu rất dễ lỡ lời. Chính vì thế mới có câu “Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Mong rằng các vị vừa được nhắc đến, và những vị khác nữa hãy nhớ lấy lời dặn trên mà ai cũng biết, và rằng một thái độ từ tốn đôi khi cũng giúp giảm nhẹ cho một lời nói lỡ.

Đại ngôn không thay cho chất lượng dự báo

Rất nhiều cử tri, trong đó có tôi, còn khá bất ngờ trước những khẳng định, chắc như đinh đóng cột, về những điều sẽ xảy đến… mười năm, hai mươi năm, bốn mươi năm sau! Xin được dẫn: “Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng 6.000, lên 12.000 và sẽ đạt 20.000 năm 2050”.

Ai cũng biết trong một năm, hiện nay, tổng số tri thức và công nghệ được tạo ra cao gấp rất nhiều lần cách đây 50 năm và sẽ ngày càng nhanh hơn nữa. Mặt khác, ai có thể dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, và gần đây hơn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu? Và các cuộc khủng hoảng đó đã kéo các nền kinh tế và tự do hóa thương mại lùi bao nhiêu năm, chuyển hướng như thế nào?

Thú thật, những đại ngôn như “quyết tâm mang tầm chiến lược”, “lộ trình chiến lược” không đủ sức thuyết phục, nhất là khi cử tri liên hệ với chất lượng của công tác dự báo hiện nay và cách điều hành mà “bây giờ rà lại thì đúng là có chuyện“.

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-14-chat-van-tai-nghi-truong-uu-diem-va-lang-dong

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.