Sông Mê Kông lâm nguy

Trần Ngọc Cư phỏng dịch từ Asia Sentinel, 02-6-2010

Một chuỗi đập thủy điện đang đe dọa một trong những con sông vĩ đại nhất thế giới.

Vào đầu tuần này, Trương Quốc Bảo, viên chức hàng đầu thuộc Bộ năng lượng Trung Quốc (TQ), tuyên bố rằng để đạt chỉ tiêu phát triển nguồn năng lượng sạch vào năm 2020, Trung Quốc phải bắt đầu xây thêm nhiều công trình thủy điện to lớn.

Trong lúc nhiều quốc gia trên thế giới quyết tâm từ bỏ việc xây những đập thủy điện lớn chỉ vì hậu quả tai hại của chúng trên môi trường và xã hội, lời tuyên bố trên làm tăng thêm nỗi lo lắng về tương lai của con sông Mê Kông dài 5.400 kilô mét, trên đó đã có ba đập thủy điện đang hoạt động, hai đập rất lớn đang được xây cất và chí ít thêm chín đập nữa đã được lên kế hoạch, trong khi Trung Quốc và các nước ở vùng hạ lưu Mê Kông thi nhau giành nguồn nước và nguồn điện của con sông này.

Vào thời điểm lãnh đạo các quốc gia vùng hạ lưu Mê Kông – Việt Nam, Lào, Campuchia và nước chủ nhà Thái Lan – gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Ủy ban Mê Kông vào tháng Tư, mặt nước của con sông này xuống mức thấp nhất trong vòng hai thập niên qua vì nạn khô hạn kéo dài. Sông Mê Kông, một con sông chảy qua Trung Quốc, Miến Điện, Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, cung cấp lương thực, nguồn nước và đường vận chuyển cho khoảng 65 triệu người, rõ ràng là đang lâm nguy.

Tương lai của con sông này còn bị đe dọa vì một loạt thiên tai và hiểm họa do con người tạo ra. Trừ phi các quốc gia ven sông nỗ lực hợp tác quản lý tài nguyên của dòng sông một cách thận trọng và bền vững, những hành động khai thác của họ có thể tạo ra những nguy cơ an ninh lương thực, hủy diệt sinh kế của dân chúng, và gia tăng những căng thẳng trong vùng.

Đe dọa chính trên sông Mê Kông là do việc khai thác thủy điện mà ra. Trung Quốc đã có 5 đập thủy điện đang hoạt động và kế hoạch xây thêm khoảng 15 đập nữa từ cỡ lớn đến cỡ cực lớn (mega-sized) ở thượng nguồn. Nhưng không chỉ một mình Bắc Kinh chịu trách nhiệm về các mối đe dọa nói trên. Bản thân các nước Đông Nam Á cũng có dự án xây cất 11 đập thủy điện cho quốc gia mình ở hạ nguồn. Những đập này tự chúng sẽ không làm khô cạn nguồn nước của sông Mê Kông, nhưng sẽ ảnh hưởng đến thủy tính (hydrology) do biến đổi chu kỳ tự nhiên và lưu lượng từng mùa của nó. Theo một tường trình của Trung tâm Stimson, một viện nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Washington, nạn suy giảm phù sa do các đập thủy điện gây ra có thể đe dọa một trong những vùng có sản lượng lúa nước cao nhất, trong khi các dòng nước bị hỗn loạn sẽ gây nguy cơ cho các đàn cá di chuyển vào mùa đẻ trứng tại nơi này là vùng có nghề đánh bắt cá nước ngọt lớn nhất thế giới.

Những xu thế khác trong tương lai còn đáng lo ngại hơn nữa. Sức ép do dân số gia tăng và phát triển kinh tế sẽ tạo thêm sức ép lên các tài nguyên thiên nhiên vốn đã bị đe dọa. Theo dự phóng của Chương trình Bảo vệ môi trường LHQ (UN Environment Program), dân số ở vùng hạ lưu sông Mê Kông sẽ lên tới 90 triệu trước năm 2025, với hơn một phần ba sống trên các vùng đô thị gần sông. Toàn bộ nhu cầu nước uống và nước tưới lấy từ sông hồ cho việc tiêu thụ của vùng này, được phỏng tính là 43,7 tỉ mét khối năm 2002, sẽ tăng lên khoảng 56,7 tỉ mét khối vào cuối năm nay.

Những đe dọa do nạn thay đổi khí hậu cũng chờn vờn trong tương lai. Tổ chức bảo vệ thú hoang dã toàn cầu WWF (World Wildlife Fund) dự kiến sẽ có những nạn lũ lụt, hạn hán, bờ biển bị xâm thực, nước biển dâng cao và những đợt nóng rất khắc nghiệt sẽ xảy đến cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã nói rằng nếu mực nước biển dâng lên khoảng 75 cm vào năm 2100, thì 20 phần trăm Đồng bằng sông Cửu Long và 10 phần trăm TP Hồ Chí Minh có thể ngập nước.

Hiện nay sáu quốc gia ven sông Mê Kông chí ít cũng tỏ ra đã nắm bắt phần nào những đe dọa ngày một gia tăng, có khả năng dẫn đến cuộc khủng hoảng môi trường sắp tới. Tại hội nghị thượng đỉnh được triệu tập lần đầu vào tháng Tư (2010), trong lịch sử 15 năm của Ủy ban Nghiên cứu sông Mê Kông, Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan, ông Abhisit Vejjajiva, tuyên bố rằng sông Mê Kông “sẽ không qua được các nguy cơ” nếu những quốc gia liên hệ không chịu “đảm nhận một trách nhiệm chung nhằm duy trì tính bền vững của nó”. Lãnh đạo của bốn nước ở vùng hạ lưu sông Mê Kông – Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam – cũng đã thỏa thuận về những lãnh vực cần có “hành động ưu tiên”, bao gồm việc nghiên cứu những hiểm họa do nạn thay đổi khí hậu gây ra và tăng cường các nỗ lực phòng chống lũ lụt và hạn hán. Về phần mình, vào tháng trước Trung Quốc cũng bắt đầu đưa ra những dữ liệu, trước đây được giữ kín, về lưu lượng của khúc sông Mê Kông nằm trên lãnh thổ TQ, nhằm trả lời những phàn nàn cho rằng những đập thủy điện của TQ ở thượng nguồn đang gây ra tình trạng khô hạn kéo dài.

Tuy nhiên, các quốc gia liên hệ cần có nhiều nỗ lực mạnh dạn hơn nữa. Để thực sự tham dự vào Ủy ban Mê Kông, Trung Quốc và Miến Điện phải trở thành hội viên chính thức (full members) của Ủy ban này thay vì chỉ là những kẻ tham dự đối thoại (dialogue partners). Mặc dù Bắc Kinh có thể đúng khi cho rằng những đập thủy điện TQ không hề gây ra tình trạng khô hạn hiện nay, nhưng các quốc gia khác vẫn tiếp tục ngờ vực hành động của Bắc Kinh chỉ vì TQ không chịu chia sẻ dữ liệu với các quốc gia hạ nguồn hoặc không chịu ký vào Thỏa ước 1995 về việc hợp tác nhằm phát triển bền vững vùng hạ nguồn sông Mê Kông. Nếu Trung Quốc không có dấu hiệu muốn giải quyết những mối quan tâm của các quốc gia liên hệ, thì cảm thức chung, dù đúng dù sai, vẫn là: Bắc Kinh đang gặt hái những lợi ích thủy điện nhờ vị trí thượng nguồn của mình trong khi các quốc gia Đông Nam Á ở hạ nguồn Mê Kông phải gánh chịu nhiều thiệt hại môi trường.

Bản thân Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Lào phải tạo quân bình hơn nữa giữa nhu cầu kinh tế riêng và trách nhiệm chung đối với môi trường. Việc làm kế hoạch và quyết sách của chính phủ tại các quốc gia này thường không hội nhập đầy đủ ý kiến của địa phương hoặc thiếu sự đánh giá toàn diện về lợi và hại. Tại Campuchia và Lào, các chuyên gia thường phàn nàn là, các quan chức nhà nước thiếu khả năng quản lý và thiếu nhân sự cần thiết để tiến hành hay thông hiểu các nghiên cứu về tầm mức những tác hại môi trường có thể xảy ra.

Nhu cầu thương mại hay địa chiến lược cũng có thể khiến những chính phủ này bất chấp cả kiến thức, kể cả khi đã có sẵn kiến thức trong tay, như trong trường hợp của một số dự án thủy điện có liên quan tới đại gia Siphandone tại Nam Lào hay liên quan đến Chính phủ Trung Quốc, nước cấp viện trợ lớn nhất cho Campuchia. Các chính phủ cần xúc tiến việc làm kế hoạch có sự tham dự ý kiến của nhiều người hơn và cần đánh giá các dự án một cách chi tiết hơn trước khi đưa ra quyết định liên quan các công trình xây dựng hạ tầng đồ sộ. Mục đích là để thẩm định các yếu tố tiềm ẩn của những công trình này và đặt kế hoạch đối phó với hậu quả của chúng. [Người dịch in đậm]

Việc quản lý dòng sông xuyên biên giới nhiều quốc gia cần phải vượt quá phạm vi nghiên cứu và kế hoạch đối phó tình hình đột xuất. Các quốc gia phải tham khảo ý kiến nhau về bất cứ dự án phát triển quan trọng nào mà họ đang thực hiện, như đã được qui định trong thoả ước 1995, vì sông Mê Kông là một tài nguyên chung. Các quốc gia ven sông cũng phải cố gắng đi đến thỏa thuận một tiêu chuẩn chung cho toàn vùng hạ nguồn trong việc nghiên cứu các hậu quả môi trường và kinh tế-xã hội, như bản báo cáo của Trung tâm Stimson đề xuất. Ủy ban sông Mê Kông cũng phải mở rộng sự hợp tác của mình với các quốc gia như Hoa Kỳ, nhờ họ giúp phát triển nhân lực và khảo cứu. Việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, đưa ra Nỗ lực Hạ lưu sông Mê Kông (the Lower Mekong Initiative) tại cuộc họp cấp Bộ trưởng của ASEAN ở Thái Lan năm 2009, cùng với việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặt thêm một chức vụ về các vấn đề sông Mê Kông tại Vụ Đông Á/Thái Bình Dương, chứng tỏ Washington có ý chí chính trị, quan tâm và nguồn lực để tham gia vấn đề này.

Ngày nay ai cũng đã thấy rõ mối nguy sắp xảy ra cho sông Mê Kông. Vấn đề là, các quốc gia ven sông, các tổ chức quốc tế và các quốc gia quan tâm khác có chịu hợp tác với nhau, nhằm đảm bảo rằng những kịch bản thê thảm và những tiên đoán ảm đạm không trở thành hiện thực. Nếu không làm được việc này, trong khi an ninh năng lượng ngày càng khó khăn, một trong những con sông lớn nhất thế giới sẽ bị lâm nguy, với những hậu quả nghiêm trọng cho toàn vùng.

Prashanth Parameswaran là nghiên cứu sinh tại Project 2049 Institute, một viện nghiên cứu chính sách liên quan đến các vấn đề an ninh Châu Á, có trụ sở tại Washington, D.C.

Dịch giả Trần Ngọc Cư là một Việt Kiều tại Mỹ.

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Môi Trường and tagged . Bookmark the permalink.