‘Không đưa Chính phủ lên chỗ sơn cùng thủy tận’

“Hai năm trước chúng ta đã bấm nút thông qua Nghị quyết về mở rộng Hà Nội, ván đã đóng thuyền. Nay bàn chuyện quy hoạch cũng là bàn để cho thuyền to đẹp hơn”, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu ý kiến trong phiên thảo luận sáng 15/6 về đồ án Quy hoạch chung Thủ đô.

Có lẽ bàn một chuyện “ván đã đóng thuyền”, lại chỉ là góp ý, tham khảo chứ không có quyền quyết định thông qua hay không nên rất ít đại biểu đăng ký nói, thậm chí nói không hết giờ quy định (7 phút) và hội trường có nhiều hàng ghế trống.

Việc đưa trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì và xây trục tâm linh Thăng Long vẫn bị xem là “phi thực tế và lãng phí”.

“Dựa vào núi mà bền, cha ông đã lên từ lâu”

ĐB Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc): Chúng ta có thể xác định tầm nhìn xa hơn, tới 2100

ĐB Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc): Chúng ta có thể xác định tầm nhìn xa hơn, tới 2100

Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), xét về phong thủy, không ai đưa Chính phủ lên chỗ sơn cùng thủy tận, trừ trong trường hợp chiến tranh, vì dựa lưng vào núi không có hậu.

Trong báo cáo giải trình, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cam đoan “không có chuyện dời đô lên Ba Vì” mà chỉ để dành quỹ đất cho tương lai nhưng theo ĐB Thuyết, không phải tự nhiên người dân nghĩ ra việc đưa Trung tâm hành chính chuyển lên Ba Vì mà ý tưởng xuất phát từ Bộ Xây dựng.

Bộ trưởng cho rằng phải hiểu Hà Nội ở đây là ranh giới hành chính. Nếu ranh giới hành chính lên tận Ba Vì, đưa lên đấy thì cũng vẫn trong phạm vi Hà Nội, chứ không phải là chuyển. Lập luận như thế không được. Ngay trong nhà mình nếu mình dời bàn thờ đi khoảng 1m là cũng thành vấn đề đại sự rồi. Bây giờ bảo chuyển cơ quan hành chính lên trên đấy mà nói vẫn ở trong ranh giới Thủ đô Hà Nội thì tôi cho rằng không ổn”, ông Thuyết lập luận.

Còn theo ĐB Trần Du Lịch (TP HCM), nếu Chính phủ đã nói dành quỹ đất dự kiến 40 – 50 năm nữa mới làm thì dự trữ tốt nhất là đất nông nghiệp, do vậy không nên tiếp tục bàn về việc này vì chỉ gây ra đầu cơ đất.

“Tôi không nghĩ 50 năm nữa bộ máy hành chính phình tới mức cả khu Mỹ Đình không đủ, phải lên Ba Vì. Chúng ta không nên vội vàng. Dường như vì có hành chính ở Ba Vì nên mới đẻ ra trục Thăng Long – Nội Bài, phải vậy chăng? Nếu như không đưa trung tâm hành chính lên đó nữa thì có hình thành trục đó không?”, ông Lịch chốt lại.

Trừ Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo xin được nói với tư cách lãnh đạo HN (chứ không phải trong vai ĐBQH), các ĐB Hà Nội phát biểu đều không tán thành dời trung tâm hành chính lên Ba Vì.

ĐB Rcom Sa Duyên (Gia Lai):  Cần công bằng trong các quyết định có liên quan đến lợi ích, tránh tập trung lợi ích vào một số nhóm đầu cơ

ĐB Rcom Sa Duyên (Gia Lai): Cần công bằng trong các quyết định có liên quan đến lợi ích, tránh tập trung lợi ích vào một số nhóm đầu cơ

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Đào, nửa thế kỷ sau, Chính phủ điện tử phát triển thì không cần đến trụ sở to đẹp.

ĐB Phạm Thị Loan cho rằng nếu Bộ dứt khoát khẳng định không có một cuộc dời đô thì đừng nên vấn vương thương tiếc ý tưởng cũ mà phải bỏ hẳn dự định chuyển lên Ba Vì. “Coi như đây là môt khu đất dự trữ, cũng là khu hành lang xanh, đất nông nghiệp, để tránh hiểu nhầm và biến động giá đất”, bà Loan đề xuất.

Một số ý kiến ủng hộ cho rằng khu vực hành chính dựa vào núi sẽ tạo thế bền vững. Nhưng, theo ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình), “nếu dựa vào núi mà bền vững thì ông cha đã lên lâu rồi. Bền vững nhất là dựa vào lòng dân. Khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long với dân, vùng này đã phát triển sầm uất đến ngày nay. Chuyển khu hành chính lên vùng ấy, chúng tôi cho là không phù hợp”.

“Trục lãng phí”

Vấn đề “lợi ích nhóm” tiếp tục được ĐBQH nhắc đến khi bàn lý do xây trục Thăng Long. Nhiều câu hỏi được đặt ra, như bao nhiêu dự án sẽ “ăn theo” trục đường này khi các lý lẽ đưa ra hầu như chỉ dựa vào những ước đoán mơ hồ như “kết nối văn hóa xứ Đoài”, “trục tâm linh”…

Hai ngày nay, đoàn chủ tịch liên tục nhắc nhở đại biểu không được vắng mặt từ nay đến hết kỳ họp

Hai ngày nay, đoàn chủ tịch liên tục nhắc nhở đại biểu không được vắng mặt từ nay đến hết kỳ họp

Gọi đây là tuyến đường đắt đỏ vì ngốn tới 1.000 hecta đất lúa, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cho rằng trước nay trên thế giới không nước nào và không ai chỉ bằng một trục đường thẳng mà có thể kết nối văn hóa giữa các vùng miền.

Với ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), trục Thăng Long chỉ nên tồn tại trong tâm thức, thay vì định danh vì đây là kẽ hở dễ bị các nhà đầu cơ bất động sản lợi dụng. Ông Đào tha thiết mong trục đường này chỉ nên gọi là trục giao thông Ba Vì.

Gọi đây là “trục lãng phí”, ĐB Nguyễn Minh Thuyết nói không thể tiếp tục xây thêm một trục lớn khi mà bên trái đã có đường Láng – Hòa Lạc rộng 140m, bên phải là đường 32.

Hai tuyến đường này vẫn có thể đảm nhận sứ mệnh kết nối hai vùng văn hóa, hơn nữa, thời đại mới có nhiều cách kết nối mà chẳng cần xây đường, chẳng hạn Internet.

Nếu khăng khăng xây trục đường này tạo điểm nhấn thì theo ông Thuyết, chẳng nên tốn kém cho cái gọi là điểm nhấn.

Đường này là đường cụt. Hai nữa nó chọc thẳng vào Ba Đình, tức là vào Trung tâm nhà của chúng ta, Trung tâm của Thủ đô chúng ta về mặt phong thủy là người ta kiêng, không có con đường nào chọc thẳng vào cửa nhà như thế”, ông Thuyết cảnh báo.

ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) còn nhẩm tính trục Thăng Long sơ qua đã tốn 10km vuông.

Tất cả góp ý trên sẽ được tổng hợp chuyển tới Thủ tướng và Chính phủ trước khi phê duyệt đề án.

“Lý do xây trục Thăng Long nói là để phát triển giao thông không thuyết phục. Báo cáo về đường sắt cao tốc cũng của Chính phủ nói chúng ta có một khuyết điểm là đã tập trung quá đáng vào phát triển giao thông đường bộ, làm cho phương tiện cá nhân tăng thêm, gây ách tắc v.v. Đến báo cáo này vì muốn làm trục Thăng Long lại nói phải phát triển giao thông thì tôi không biết sự thống nhất đó trong Chính phủ  là như thế nào”.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết

LN – Ảnh: Lê Anh Dũng

Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201006/Khong-dua-Chinh-phu-len-cho-son-cung-thuy-tan-916239/

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.