Sở GTVT Hà Nội… không muốn nói thêm việc bịt ngã tư!

Đọc mẩu tin này cứ tưởng cũng “Không [cần] suy nghĩ gì cả. Chuyện công việc bình thường!” (Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà nội); ấy thế mà nó không bình thường, nếu liên hệ với lời của Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CATP Hà Nội, Phó ban An toàn giao thông: “Hôm nay tổ chức vấn đề này có thể đúng, phù hợp với điều kiện, nhưng sang năm có thể không phù hợp vì số  người tham gia tăng lên, phương tiện giao thông tăng lên, thế rồi các ngã ba, ngã tư này phức tạp hơn thì vấn đề tổ chức giao thông cũng phải thay đổi… Ngay cả Nghị định của Chính phủ cũng có lúc phải thay đổi”.

Nó không bình thường ở chỗ thực thi một dự án giao thông, có tầm vóc ảnh hưởng đến dân chúng nội đô Hà nội, mà tầm nhìn chỉ có… một năm! Chính vì vậy nên chuyện “nay bịt, mai thông” được coi là “chuyện công việc bình thường” quả chẳng sai.

Biết như thế, để thấy siêu dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam, được các “chuyên gia” giao thông cao cấp dự đoán cho tới 2035 hay lâu hơn nữa nó hoang đường và hoang tưởng đến cỡ nào. Những chuyện tưởng nhỏ và vặt ấy mà làm còn không nên, tư duy cũn cỡn thì trí tuệ ở đâu ra để có thể phác thảo và thực thi những siêu dự án.

Đất nước này có lẽ đã vô phúc khi có những lãnh đạo tầm nhìn từng năm như thế!

Bauxite Việt Nam

Một ngã ba được bịt hồi năm ngoái. Ảnh: C.Hiếu

Một ngã ba được bịt hồi năm ngoái. Ảnh: C.Hiếu

VietNamNet trao đổi nhanh với ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Hà Nội xung quanh biện pháp bịt, mở ngã tư đang có nhiều ý kiến trái chiều.

– Thưa ông, vấn đề Hà Nội bịt, rồi mở ngã tư vừa qua đang rất được người dân quan tâm, và chuyện này đã được Đại biểu Quốc hội chất vấn cả Bộ trưởng Giao thông Vận tải trong phiên chất vấn ở Quốc hội, ông nói gì về điều này?

Vấn đề này, anh Nhanh (Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố – PV), Phó Ban An toàn giao thông thành phố đã trả lời rồi.

– Nhưng đây là vấn đề của Hà Nội mà Bộ trưởng phải trả lời thay, là người đứng đầu ngành giao thông Hà Nội, ông suy nghĩ gì không?

Tôi không suy nghĩ gì cả. Chuyện công việc bình thường!

– Nghĩa là có thể sắp tới mình có làm tiếp (mở tiếp) trên diện rộng hơn không, thưa ông?

Việc tổ chức đảm bảo giao thông vẫn phải làm thường xuyên và liên tục.

– Vậy ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?

Anh em theo dõi nhiều rồi, đừng hỏi anh nữa!

– Nhưng dư luận muốn các ông, những người thực hiện đánh giá về giải pháp mà các ông làm?

Thôi!

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Bộ sẽ cùng Hà Nội điều chỉnh!

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết:

Thực hiện Nghị quyết 32 và Nghị quyết 16 về các giải pháp chống ùn tắc và tai nạn giao thông, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có chi tiết các giải pháp.

Hà Nội bước đầu áp dụng một số giải pháp, trong đó có giải pháp còn nhiều ý kiến tranh luận như bịt ngã tư, nhưng cũng có một số hiệu quả như theo báo cáo của Hà Nội là xóa được 66 điểm ùn tắc, rút ngắn thời gian đi lại trong giờ cao điểm.

Tuy vậy, vẫn còn hạn chế cần khắc phục: một số nút, tuyến khó quay xe, có 20 nút không sử dụng đèn tín hiệu.

Vấn đề này Bộ sẽ cùng Hà Nội xem xét, điều chỉnh cho hợp lý hơn.

GĐ Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh: Tổ chức giao thông không nên cố định!

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí, Thiếu tướng  Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội nói rằng: “Người ta có thể làm, có thể phá bỏ và đó là chuyện bình thường trong giao thông”.

Ông Nhanh cho rằng, có hai luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Một luồng ý kiến nói, rào như thế sẽ không gây xung đột, giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể, người tham gia giao thông phải mất chút thời gian đi vòng, quay đầu xe, nhưng sẽ tránh được xung đột ở ngã ba ngã tư, từ đó sẽ  giảm ùn tắc giao thông.

Luồng ý kiến thứ hai, thực hiện như vậy vô hình trung làm cho hệ thống đèn chỉ huy giao thông mất tác dụng. Người tham gia giao thông phải đi vòng và người ta cho rằng, đi vòng như thế cũng gây xung đột.

Hôm nay tổ chức vấn đề này có thể đúng, phù hợp với điều kiện, nhưng sang năm có thể không phù hợp vì số  người tham gia tăng lên, phương tiện giao thông tăng lên, thế rồi các ngã ba, ngã tư này phức tạp hơn thì vấn đề tổ chức giao thông cũng phải thay đổi… Ngay cả Nghị định của Chính phủ cũng có lúc phải thay đổi.

“Tôi cho vấn đề tổ chức giao thông không nên cố định một vấn đề gì”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh bày tỏ.

CH

Nguồn: http://www.vnn.vn/xahoi/201006/So-GTVT-Ha-Noi-khong-muon-noi-them-viec-bit-nga-tu-915983/

This entry was posted in xây dựng. Bookmark the permalink.