BBC Tiếng Việt
Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom tại họp báo về hiệp định với Việt Nam hôm 17/10. Ảnh: EPA
Ủy ban nay sẽ gửi cho Hội đồng châu Âu đề nghị hoàn tất hai thỏa thuận này.
Nếu Hội đồng thông qua, hai thỏa thuận sẽ được ký và trình cho Nghị viện châu Âu.
Theo giải thích của Ủy ban châu Âu, một khi Nghị viện đồng ý, thỏa thuận thương mại sẽ được Hội đồng châu Âu ký kết để đi vào hiệu lực.
Còn thỏa thuận bảo vệ đầu tư với Việt Nam sẽ chờ các nước thành viên trong EU phê chuẩn.
Thỏa thuận thương mại
EU loan báo thỏa thuận thương mại sẽ xóa bỏ hầu hết thuế quan hàng hóa giữa hai bên, cũng cam kết phát triển bền vững (gồm tôn trọng nhân quyền, quyền lao động, bảo vệ môi trường).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố ngày 17/10 rằng hai thỏa thuận sẽ “đem lại lợi thế, lợi ích chưa từng có cho các công ty, người lao động và người tiêu dùng châu Âu và Việt Nam”.
Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmström giải thích: “Thông qua các thỏa thuận, chúng ta cũng có thể giúp lan tỏa đi các tiêu chuẩn cao của châu Âu, tạo ra khả năng để bàn thảo sâu sắc về nhân quyền và bảo vệ công dân”.
Theo thỏa thuận thương mại, Việt Nam sẽ:
-
Xóa bỏ ngay 65% các loại thuế nhập khẩu từ EU, và phần còn lại sẽ xóa bỏ trong vòng 10 năm.
-
Nhiều bộ phận của ô tô, hiện chịu thuế có thể tới 32%, sẽ thành 0% sau 7 năm. Ô tô (trừ loại có dung tích xi-lanh lớn) xóa bỏ thuế trong vòng 10 năm. Ô tô có dung tích xi-lanh lớn (trên 3000 cm3 với loại dùng xăng hoặc trên 2500 cm3 với loại dùng diesel) xóa bỏ thuế trong vòng 9 năm.
-
Hiệp định có 01 Phụ lục riêng quy định về các hàng rào phi thuế đối với lĩnh vực ô tô, trong đó Việt Nam cam kết công nhận toàn bộ Chứng chỉ hợp chuẩn đối với ô tô (COC) của EU sau 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực
-
Một nửa hàng xuất khẩu dược phẩm EU sẽ ngay lập tức miễn thuế, và nửa còn lại thì sau 7 năm (hiện chịu thuế tối đa 8%).
-
Rượu vang, rượu mạnh, bia xóa bỏ thuế tối đa là trong vòng10 năm. Rượu và đồ uống có cồn xóa bỏ thuế trong vòng 7 năm.
-
Thịt heo đông lạnh sẽ miễn thuế sau 7 năm, thịt bò sau 3 năm, sản phẩm sữa sau khoảng 5 năm.
-
Việt Nam cam kết xóa bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu đối với hàng hóaxuất khẩu sang EU, và cam kết không tăng thuế đối với các sản phẩm còn lại(trong đó có dầu thô và than đá).
EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm: 1 số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp), EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
EU sẽ không hoàn toàn mở cửa cho hàng nhập khẩu thuộc diện “sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm” của Việt Nam. Sẽ có quota để hạn chế số lượng hàng được EU miễn thuế, gồm các sản phẩm nông nghiệp như gạo, tỏi, nấm, trứng, đường…
Việc miễn thuế cho một số sản phẩm Việt Nam trong khu vực giày dép, dệt may sẽ chịu thời gian chuyển tiếp tối đa 7 năm.
Để hưởng ưu đãi, EU sẽ áp dụng quy định về nguồn gốc hàng hóa, theo đó, buộc dùng vải sản xuất ở EU, Việt Nam hay Hàn Quốc (EU có thỏa thuận thương mại với nước này).
EU giải thích điều này để bảo đảm sản phẩm các nước mà EU không có thỏa thuận sẽ không thể được hưởng ưu đãi vào EU qua ngả Việt Nam.
Thỏa thuận đầu tư
Theo EU, thỏa thuận bảo vệ đầu tư sẽ bao gồm các “quy định hiện đại” được thực thi nhờ Hệ thống Tòa án Đầu tư mới có, thay thế các thỏa thuận song phương của 21 nước trong EU (hiện có tổng cộng 28 thành viên) đã có với Việt Nam.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) ban đầu kết thúc đàm phán tháng 12/2015.
Nhưng tháng 5/2017, Tòa án Công lý Châu Âu ra ý kiến về thẩm quyền phê chuẩn các FTA của EU.
Theo đó, các nội dung về đầu tư gián tiếp của nước ngoài và cơ chế nhà đầu tư kiện Chính phủ sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của cả cấp EU và cấp quốc gia các nước thành viên (tức là nội dung này phải được cả EU và quốc gia thành viên đồng ý mới có hiệu lực).
Vì thế, để hiệp định có thể sớm hoàn tất, ngày 26/6/2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất.
Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một về thương mại và một về đầu tư.
Tháng 8/2018, hai bên công bố chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với Hiệp định Thương mại (FTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (nay có tên là IPA).
Hiệp định thương mại tự do thuộc thẩm quyền ký kết của Ủy ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu.
Hiệp định bảo hộ đầu tư (bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư) cần sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên.