Võ ĐắC Danh
Kỳ I: Giấc ngủ ba trăm năm
Tôi đã bỏ ra một thời gian khá lâu để sưu tầm tài liệu liên quan đến lịch sử vùng đất Thủ Thiêm, nhưng hầu như không tìm thấy tư liệu nào để có thể gọi là "bề dầy lịch sử" của vùng đất nầy ngoài một vài trận chiến thời kỳ nhà Nguyễn cùng với những cuộc di dân cũng từa tựa như những cuộc di dân trên vùng đất phương Nam.
Song, điều đáng ngạc nhiên mà chưa thấy nhà nghiên cứu nào lý giải rằng vì sao chỉ cách trung tâm Sài Gòn có vài ba trăm mét bởi một con sông, mà Sài Gòn – ngay từ khi chiếm được Nam kỳ, người Pháp đã muốn biến Sài Gòn thành Hòn Ngọc Viễn Đông để cạnh tranh với các nước thuộc địa của Anh trong khu vực. Những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, dọc theo bờ sông Sài Gòn, cùng với thương cảng Bến Nghé, Bạch Đằng, hàng loạt công trình nguy nga đã được mọc lên trên đường Catinat (Đồng Khởi), Kênh Lớn (Nguyễn Huệ), Kênh Xáng (Hàm Nghi)… rồi đến nhà thờ Đức Bà, nhà hát Lớn, chợ Bến Thành… Sài Gòn đã trở thành thủ phủ của Đông Dương. Nhưng bên kia sông, cách Sài Gòn chỉ vài ba trăm mét, Thủ Thiêm như một vùng đất bị lãng quên.
Hai mươi năm với hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hòa, Sài Gòn đã trở thành Hòn Ngọc Viễn Đông thì bên kia sông Sài Gòn, Thủ Thiêm vẫn như một vùng đất bị lãng quên.
Sau năm 75, gần một phần ba thế kỷ, Sài Gòn phát triển khá rầm rộ với những khu đô thị mới mọc lên ở ngoại thành, những tòa nhà cao tầng mọc lên ở ven sông Sài Gòn, nhưng phía bên kia sông, Thủ Thiêm vẫn như một vùng đất bị lãng quên.
Có thể nói, trong lịch sử ba trăm năm hình thành và phát triển Sài Gòn, Thủ Thiêm như bị chìm trong giấc ngủ ba trăm năm. Rồi bỗng một ngày, Thủ Thiêm thức dậy, vội vã khoác lên mình chiếc áo đô thị mới còn dở dang trong tiếng khóc than, rên rỉ xé lòng của người dân mất nhà mất đất…
Và, chiếc áo ấy sẽ còn dở dang, nham nhở cho đến bao giờ?
Tôi nhớ cách đây gần hai mươi năm, một cô bạn đồng nghiệp kể chuyện vừa đi chơi Thủ Thiêm mới về, tôi ngồi nghe mà cứ hình dung như cô đang kể về một vùng đất xa xôi nào đó ở miền Tây Nam Bộ, rằng cô thuê một chiếc xuồng chèo đi len lỏi trong những con rạch hoang vu, mênh mông dừa nước, mắm, bần, cóc kèn, ô rô, cỏ lác, có cả những đám lúa ma, cô gặp nhưng người dân đi săn chuột đồng, cắm câu, giăng lưới, đặt lờ đặt lọp, làm ruộng, nấu rượu, nuôi heo… Rồi cô kết luận: Cách trung tâm Sài Gòn chỉ một dòng sông mà Thủ Thiêm giống như một miền cổ tích.
Nhà văn Sơn Nam được xem là nhà Nam Bộ học, nhưng trong cuốn sách Bến Nghé Xưa dầy 240 trang, ông chỉ dành cho Thủ Thiêm mấy dòng ngắn gọn: “Bên kia sông, chợ Thủ Thiêm ở làng An Lợi (thành lập chánh thức vào năm 1751), sau tách ra thêm làng An Lợi Đông, phía lưng giáp với Giồng Ông Tố chuyên ruộng nương và vườn tược, muốn qua Sài Gòn phải nhờ “con đò Thủ Thiêm”.
Có lẽ vì sự ngủ yên của Thủ Thiêm không có gì cần thiết để ông nghiên cứu chăng? Nhưng tôi chú ý cụm từ “con đò Thủ Thiêm” mà nhà văn Sơn Nam dùng co chữ nghiêng và đặt trong ngoặc kép.
Ầu ơ…
Bao giờ Chợ Quán hết vôi
Thủ Thiêm hết giặc em thôi đưa đò
Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
Nói là nói vậy, nhưng “con đò Thủ Thiêm” vẫn tồn tại đến hơn ba mươi năm kể từ ngày “Thủ Thiêm hết giặc”.
Cụm từ “con đò Thủ Thiêm” như là một thuật ngữ, một hình ảnh, một dấu ấn văn hóa mang tính đặc trưng của một vùng đất. Chưa có tài liệu nào cho biết “con đò Thủ Thiên” ra đời vào thời điểm nào, cũng có thể là vài trăm năm, trước khi có chợ Thủ Thiêm (1751), nghĩa là khi những cư dân đầu tiên trên vùng đất nầy có nhu cầu đi lại giữa hai bờ sông. Ngay cả cái bến đò Thủ Thiêm, người ta chỉ xác định được thời gian qua một dấu chấm trên tấm bảng đồ Environs de Saigon do chính quyền Nam kỳ vẽ vào năm 1911 để căn cứ vào đó như cái mốc lịch sử của bến đò.
Một tài liệu nghiên cứu tổng hợp về Thủ Thiêm cho biết, trước năm 1975, bến đò Cây Bàng có 127 chiếc đò, bến đò An Lợi Đông có hơn 60 chiếc, bao gồm đò dọc, đò ngang, đò chèo, đò máy. Chúng ta chưa có số liệu để so sánh rằng có bến sông nào trên đất nước nầy mà số lượng đò nhiều như Thủ Thiêm chăng?
Lịch sử thăng trầm của một bến đò qua bao thế kỷ, bao nhiêu thế hệ đưa đò, bao nhiêu thế hệ khách sang sông, bao nhiêu đời người mỗi ngày qua lại, bao nhiêu xác con đò đã qua đời, vùi lấp dưới đáy sông…!
*
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín với bút ký Đi Chơi Thủ Thiêm đăng trên báo Người Lao Động Cuối Tuần phát hành ngày 16 tháng 11 năm 2001, kể rằng, anh đến Thủ Thiêm lần nầy là lần thứ hai, lần thứ nhất vào đầu thập niên 80, lúc bấy giờ “con đường Lương Định Của còn là con đường độc đạo chạy một mạch lên ngã ba Cát Lái, không còn đường nào cắt ngang, với đất đỏ và ngổn ngang ổ gà, xe đạp phải men theo lề đường. Hai bên đường trống trơn toàn đất bãi với bần, đế, cỏ lác…”.
Đất Thủ Thiêm vào những năm nầy người ta sang nhượng cho nhau với đơn vị tính là công và mẫu, nhưng đến những năm cuối thế kỷ 20 bước qua đầu thế kỷ 21, khi dư luận râm ran về đại lộ Đông – Tây và đường hầm Thủ Thiêm thì đơn vị tính của đất chuyển từ công, từ mẫu sang mỗi mét vuông, và theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín thì lúc bấy giờ, tức thời điểm năm 2001, đất trên đường Lương Định Của đã lên đến ba triệu đồng một mét vuông.
Cách nay chưa lâu, khi câu chuyện về Đất Thủ Thiêm bùng nổ trên báo chí và mạng xã hội, đầy rẫy những hình ảnh với âm thanh gào khóc của những người dân mất đất, tôi đem câu chuyện về giấc ngủ ba trăm năm của Thủ Thiêm ra trao đổi với một người bạn, anh nầy vốn là cử nhân Phật học, một nhà phong thủy có uy tín, sau khi tốt nghiệp ở học viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, anh không đi tu mà ra làm kinh doanh ngành in và nghiên cứu về phong thủy, anh ngồi trầm ngâm nghe tôi kể về giấc ngủ của Thủ Thiêm bên cạnh ba trăm năm hình thành và phát triển của Sài Gòn, anh kết luận một câu ngắn gọn: Vậy là đất Thủ Thiêm chắc chắn có vấn đề về phong thủy.
Thật tình, tôi không rành và cũng không quan tâm tới vấn đề phong thủy, chỉ luôn đặt câu hỏi trong đầu vì sao cách Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông chỉ một con sông 300 mét mà Thủ Thiêm vẫn chìm trong giấc ngủ ba trăm năm?
Câu hỏi ấy đã thúc bách tôi lao vào tra cứu, tìm kiếm những tài liệu liên quan đến Thủ Thiêm, nhưng cuối cùng, đến giờ nầy vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Trong những ngày lang thang qua Thủ Thiêm, tiếp cận với những người dân kêu cứu vì mất đất, đầu óc tôi càng căng thẳng, cứ lảm nhảm như một thằng điên, gặp ai, ngồi với ai cũng kể chuyện Thủ Thiêm như nỗi oan ức của chính mình.
Một hôm, thằng em tôi nói: Hồi xưa, ông Nguyễn Tấn Đời có một dự án về Thủ Thiêm nhưng không thành. Tôi hỏi tài liệu đó ở đâu? Nó nói tôi quên rồi.
Gần suốt một đêm, theo đường dẫn của Google, tôi đọc gần hết những câu chuyện về Nguyễn Tấn Đời nhưng không hề tìm thấy cái dự án của ông về Thủ Thiêm, buộc lòng sáng hôm sau tôi phải nhờ “500 anh em trên facebook”. Và như một cơ duyên, chị Mai Lan, cựu phóng viên báo SGGP nhắn tin bảo tôi qua nhà chị lấy cuốn Hồi ký Nguyễn Tấn Đời.
Có lẽ trong chúng ta, không ít người biết về cuộc đời và sự nghiệp của tỷ phú Nguyễn Tấn Đời. Ông xuất thân từ một gia đình địa chủ ở Long Xuyên, nhưng khi được giao cho cai quản điền địa, ông đã đứng về phía tá điền để chống lại cha mình và bỏ nhà đi theo Việt Minh. Rồi vì một chuyện bất đồng với người chỉ huy, ông bỏ ngũ.
Năm 1945, toàn bộ ruộng đất và tài sản của gia đình ông bị Cách mạng tịch thu, bản thân ông bị kết án tử hình vì tội đào ngũ. Ông bỏ trốn lên Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Từ cuộc mưu sinh bằng công việc làm môi giới vật liệu xây dựng, ông trở thành chủ hãng gạch bông Đời Tân, vua cao ốc và trùm Ngân hàng Tín Nghĩa. Nhưng rồi không hiểu vì sao, ông bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tổ chức ám sát hụt chết hai lần rồi bị bắt giam, tịch thu gia sản cùng với cả hệ thống Tín Nghĩa Ngân hàng.
Năm 1975, ông vượt biên sang Canada với hai bàn tay trắng. Ở đây, ông bắt đầu gầy dựng lại cơ nghiệp và lại thành công với chuỗi nhà hàng Kobe từ Canada sang Bắc Mỹ. Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 1995 tại Orlando, bang Florida, Hoa Kỳ, thọ 73 tuổi.
Cuốn hồi ký ông xuất bản cũng tại Florida vào năm 1988, dầy 310 trang, trong đó ông dành hơn 5 trang để kể tóm tắt về dự án Mỗi Người Dân Một Mái Nhà như sau:
“Sau khi thành công trên đường sự nghiệp, một ngày đẹp trời nọ, tôi đứng trên cao ốc, tầng 12 của Président Hotel 727 đường Trần Hưng Đạo Saigon. Nhìn quanh tứ phía, tôi thấy nhà cửa dân nghèo ở Thủ đô được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông hay Saigon Hoa Lệ, người dân đang sống trong các chòi ọp ẹp, sình lầy, tối tăm, bẩn thỉu… Tôi chạnh lòng nhớ đến những tá điền quen thuộc xưa kia, họ mộc mạc, hiền lương, đầy tình người và thật thà, giản dị… Cũng tự nghĩ, dù tôi có làm giàu đến đâu đi nữa, chỉ được tiếng giàu có như “Thạch Sùng”, cũng chỉ ngày ba bữa ăn mà thôi, rồi khi chết, chỉ còn hai bàn tay trắng với một nấm mồ ở lòng đất lạnh.
Nay tôi đã giàu có rồi, dư ăn dư để, thử hỏi tại sao tôi phải tiếp tục làm giàu thêm để sống một nếp sống ích kỷ, không nghĩ đến kẻ bất hạnh nghèo khó, chân lấm tay bùn, họ chỉ vì an ninh mà bỏ nơi chôn nhau cắt rún, bỏ ruộng vườn, nhà cửa cũng vì chiến tranh, họ tìm nơi lánh nạn, nên đã chịu chui rúc như ổ chuột.
Vậy tôi phải làm gì, trước để giúp người dân, sau để lòng mình được an vui thanh thản, còn để lại tiếng tốt cho mai sau, hơn là cứ dấn thân vào tiền tiền, bạc bạc mãi.
Đắn đo suy nghĩ mãi, rồi cũng tìm ra được một chương trình “Mỗi Người Dân Một Mái Nhà” mà không tốn tiền công quỹ quốc gia”.
Theo Nguyễn Tấn Đời, chương trình “Mỗi Người Dân Một Mái Nhà” của ông được phác thảo với nhiều dự án trải dài từ các quận ngoại thành đến vùng ven đô thị của các tỉnh miền Nam. Giải pháp ông đưa ra là mua đất của dân theo giá cả hiện hành, quy hoạch thành các trung tâm thương mại và khu đô thị sang trọng, bao gồm những khu nhà song lập, biệt lập và nhà liên kế để kinh doanh, tạo ra nguồn quỹ để xây những khu nhà bình dân cấp không cho người nghèo.
Nguyễn Tấn Đời chọn Thủ Thiêm để thiết lập dự án đầu tiên cho chương trình Mỗi Người Dân Một Mái Nhà. Theo dự án nầy, ông sẽ mua 500 mẫu đất từ bến đò Thủ Thiêm lên Cát Lái. Ngay chỗ bến đò Thủ Thiêm, ông sẽ cho xáng múc con kinh chiều ngang 30 mét, sâu 25 mét, dài 500 mét ăn sâu vô đất liền. Ở đoạn cuối con kinh, ông cho làm cái hồ nhân tạo, ngang 500 mét, dài 1.000 mét, sâu 15 mét, dùng xáng thổi đất lên bốn phía bờ hồ để san lấp mặt bằng. Xung quanh bờ hồ và dọc theo hai bờ kinh, ông xây dựng thành khu thương mại, đồng thời, xây dựng những khu nhà biệt lập, song lập để kinh doang, tạo nguồn quỹ để xây dựng những khu nhà bình dân lân cận, cấp không cho người nghèo. Trong khu nhà bình dân sẽ có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, đường xá, điện nước, cây xanh, đầy đủ tiện nghi phục vụ cho đời sống.
Theo ông, Thủ Thiêm sẽ là một Saigon mới, một Hongkong thứ hai, có bến phà lớn, có xe bus qua lại liên tục cho người dân đi về với Saigon, Chợ Lớn để mưu sinh, có bến tàu thương mại để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh và ngược lại. Khu thương mại chung quanh bờ hồ và hai bên bờ kinh được ăn thông với sông Saigon để ghe thương hồ mang hàng hóa trực tiếp đến người tiêu thụ, giảm bớt trung gian. Hồ nhân tạo ngoài vai trò cảnh quan và giao thương còn là nơi sinh hoạt lễ hội với các hoạt động văn hóa tượng trưng cho miền sông nước. Trên các đường phố, mỗi lề đường sẽ được trồng mợt loài cây riêng biệt và giao cho từng gia đình chăm sóc, hàng năm tổ chức cuộc thi cây đẹp trong từng khu phố và cây đẹp trong toàn vùng để trao giải thưởng để khuyến khích người dân tham gia làm nên vẻ đẹp của thành phố.
Soạn thảo chương trình xong, Nguyễn Tấn Đời trình với Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, được ông Thơ góp ý, chỉnh sửa rồi trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Diệm cho mời ông Đời vào dinh, tỏ ý hoan nghinh.
Chỉ một tháng sau, chương trình Mỗi Người Dân Một Mái Nhà của Nguyễn Tấn Đời đã được ông Diệm phê duyệt trên nguyên tắc. Theo đó, ông Diệm quyết định xuất 500 triệu từ quỹ xổ số kiến thiết cho Nguyễn Tất Đời vay không lãi trong mười năm, với điều kiện ông Đời phải đem toàn bộ tài sản ra thế chấp cho Chính phủ, giao cho Nguyễn Tấn Đời được toàn quyền điều hành dự án dưới sự giám sát về kỹ thuật của Bộ Công Chánh và giám sát nguồn thu và nguồn chi của Bộ Tài Chánh.
Nhưng tiếc thay, dự án Thủ Thiêm chưa kịp triển khai thì Tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh.
Từ năm 1965 đến năm 1972, chính phủ đệ nhị Cộng hòa cũng đã hai lần thuê các chuyên gia nước ngoài lập đồ án quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm nhưng không thành. Nhiều người cho rằng do hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng theo bạn tôi thì đất Thủ Thiêm có vấn đề về phong thủy.
(Những phần tiếp theo: Nước mắt Thủ Thiêm)
Nguồn: Bottom of Form
https://www.facebook.com/dacdanhmientay/posts/1919197471474628
Kỳ II: Cú lừa ngoạn mục
Tháng Năm năm 2018, trong những ngày Thủ Thiêm trào nước mắt với tiếng kêu thảm khóc của những người dân bị cướp nhà cướp đất dậy sóng trên mạng xã hội, bất chợt người ta thấy trên Facebook của chị Mai Xuân Phượng có một status ngắn với những lời "Xin lỗi nhân dân, tôi ngàn lần xin lỗi nhân dân… với trách nhiệm là chủ tịch phường An Khánh, tôi đã thuyết phục bà con chấp hành giao đất, hy sinh lợi ích riêng tư rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó từ thời thơ ấu đến tuổi xế chiều để nhường chỗ cho việc hình thành khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tôi ngàn lần xin lỗi bà con vì tôi đã tin tưởng tuyệt đối cấp trên sẽ đưa dân mình vào tái định cư tại chỗ theo quy hoạch để cuối cùng tôi cũng cùng chung số phận với bà con, ra đi rồi không có chỗ để quay về. Xin bà con hãy tha thứ cho tôi – Mai Xuân Phượng, nguyên phó bí thư, chủ tịch phường An Khánh". Và rồi chỉ trong phút chốc, những lời xin lỗi ấy bỗng biến mất đi.
Cảm giác có cái gì đó bí ẩn ở người phụ nữ nầy, chúng tôi tìm đến chị ở phường Thạnh Mỹ Lợi, cách Thủ Thiêm hơn mười cây số.
Chị Phượng kể, gia đình chị ba đời sống ở Thủ Thiêm, tính ra đã hơn một trăm năm, từ khi nơi đây còn là vùng đất hoang vu. Cha chị, ông Mai Văn Năm đã từng làm phó chủ tịch xã An Khánh, mẹ chị, bà Nguyễn Thị Bông, từng là “Việt cộng nằm vùng”, từng vào tù ra khám và đã qua đời.
Chị Phượng đi Thanh niên xung phong từ năm 1976, tham gia tải đạn ở chiến trường biên giới Tây Nam. Sau một trận sốt rét rừng bán sống bán chết, chị được giải ngũ, đi học văn hóa, chính trị, rồi về An Khánh làm chủ tịch phường từ năm 1997 đến giữa năm 2004. Cũng trong những năm ấy, Thủ Thiêm được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành khu đô thị mới. Nhìn vào bản đồ quy hoạch, người ta hình dung một Thủ Thiêm nguy nga, tráng lệ như Phố Đông của Thượng Hải, như Manhattan của New York, một trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa mang tầm quốc tế, một khu đô thị sinh thái đậm chất Nam Bộ với những dòng sông, ao hồ, kinh rạch ngoằn ngoèo, những làng biệt thự, những tòa nhà chọc trời từ 32 đến 40 tầng soi bóng nước.
Nhưng theo chị Phượng, niềm vui lớn nhất của chị là 14 ngàn 600 hộ dân với 60 ngàn cư dân trong vùng dự án sẽ được tái định cư tại chỗ trên diện tích 160 héc ta theo quy hoạch. Nghĩa là họ sẽ thoát khỏi cảnh bùn lầy, ao tù nước đọng, nhà cửa nhếch nhác, âm u, muỗi mòng, rắn rết để tận hưởng đời sống của một khu đô thị Thủ Thiêm mang tầm quốc tế. Từng ngày, từng ngày đi tuyên truyền, vận động bà con trong phường giao đất, chị đã nói như thế. Và, bà con đã hăm hở giao đất cho nhà nước để ra đi về nơi tạm cư với một niềm tin như thế, một niềm tin đổi đời cho ngày trở lại với một Thủ Thiêm như một thiên đường.
Năm ấy, ông Mai Văn Năm, ba chị Phượng đã tám mươi hai tuổi. Chị Phượng còn nhớ như in, ngày dọn nhà ra đi, ba chị quảy cái túi trên vai, tay cầm cái bình thủy đứng trước sân, nhìn lại ngôi nhà, nhìn lại khu vườn mà rưng rưng nước mắt, ông nói hơn tám mươi năm ba đã gắn bó với nơi nầy, biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của một đời người… nhưng mà thôi… mình ra đi là để trở về với một Thủ Thiêm đàng hoàng hơn, văn minh hơn…
Nghĩ thế mà ông Năm vừa cười vừa lau nước mắt.
Nhưng sau đó không lâu, ông Năm lâm bệnh và qua đời ở nơi tạm cư. Chị Phượng nói… cũng may phước cho ba tôi là ông mang xuống mồ một viễn cảnh huy hoàng của Thủ Thiêm trong tương lai con cháu, cũng may phước là ông không phải chứng kiến cái cảnh ta thán nhân tình của Thủ Thiêm suốt gần hai chục năm qua khi mà sau đó hơn mười bốn ngàn hộ dân với hơn sáu vạn con người bị sa vào một cú lừa ngoạn mục, nghĩa là 160 héc ta đất tái định cư của dân bị cướp trên tay để biến thành đất kinh doanh của những đại gia bất động sản. Họ ra đi rồi không có đường quay lại như lời hứa ban đầu. Mỗi gia đình nhận một ít tiền hỗ trợ để mua đất tái định cư tận trên Cát Lái, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi và Nam Rạch Chiếc, cách xa nơi chôn nhau cắt rún của họ hơn mười cây số.
Dân Cát Lái, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi, Nam Rạch Chiếc lại bị người ta nhân danh “thu hồi đất để tái định cư cho dự án Thủ Thiêm”, phải chịu lây mất đất.
Nhưng lòng tham không dừng lại, dự án tái định cư cho Thủ Thiêm ở Nam Cát Rạch Chiếc, người dân ở đây bị thu hồi 90 héc ta, nhưng người ta lại bán cho tập đoàn Novalan 30 héc ta để xây làng biệt thự và tập đoàn Đất Xanh 30 héc ta để xây khu resort.
Chị Phượng vừa hỗ thẹn với bà con, vừa xót đau cho thân phận của mình bởi chính chị cũng nằm trong hàng vạn con người bị một cú lừa ngoạn mục.
Nguồn: https://www.facebook.com/dacdanhmientay/posts/1923962167664825
Kỳ III: Ta thán nhân tình
Các Mác từng nói: Khi lợi nhuận tăng lên 100 phần trăm thì cha nó nó cũng giết. Điều đó cũng có thể hiểu rằng, vì sao người ta bất chấp tình đồng loại, bất chấp đạo lý, bất chấp nghĩa nhân và luật pháp để đuổi hàng vạn người dân cố cựu ra khỏi Thủ Thiêm – vốn là nơi chôn nhau cắt rún của họ để nuốt trọn 160 héc ta đất tái định cư của dân mà Chính phủ đã phê duyệt.
Không có gì khó hiểu khi bùn đen đã trở thành vàng, không có gì khó hiểu khi đất từ hai trăm ngàn đồng lên vài trăm triệu đồng trên mỗi mét vuông.
Trong những trang tiểu thuyết, những tuồng tích kiếm hiệp, thỉnh thoảng ta thấy xuất hiện những tay giang hồ hảo hớn chuyên cướp của người giàu để chia cho người nghèo. Ngay cả cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền Việt Minh cũng tịch thu đất đai của điền chủ để phân phát cho tá điền. Vậy thì tại sao ngày nay, người ta nhân danh chính quyền của dân, do dân, vì dân lại đi cướp đất của người dân khốn khổ để giao cho những đại gia bất động sản tiếp tục làm giàu?
Điều nầy chỉ có những quan chức trong cuộc mới có thể tự lý giải với lương tâm (nếu có lương tâm) hoặc trả lời trước vành móng ngựa (nếu có thể lôi họ ra được vành móng ngựa).
Sau khi nuốt trọn 160 héc ta đất tái định cư của dân, lòng tham chưa thỏa mãn, người ta lại tiếp tục cướp luôn phần đất đai và cả sự sống của những hộ dân nằm ngoài khu quy hoạch. Nghĩa là họ không thể để cho người dân lân cận được “ăn theo” môi trường sang trọng của khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Chúng tôi gặp cụ Lê Huy Tiêu, 83 tuổi chống gậy đi từng bước chậm với sự dìu dắt của người vợ là cụ bà Trần Thị Mỹ, 77 tuổi. Hầu như mỗi ngày hai ông bà đều tới quán cà phê số 16 Vũ Tông Phan của anh Bùi Quốc Toản để trò chuyện cùng với hàng chục dân oan Thủ Thiêm, những người cùng nỗi niềm mất đất.
Ảnh 1: Tác giả với cô Mỹ và chú Tiêu
Anh Toản sau khi bị cướp đất cướp nhà, anh về đây thuê một căn phố để mở quán cà phê kiếm sống. Khách của anh hầu hết là những dân oan. Vốn là người học cao hiểu rộng, am tường về pháp luật nên anh Toản tư vấn hồ sơ khiếu kiện giúp cho từng hộ gia đình. Mỗi người khách đến đây đều quảy trên lưng một ba lô chứa đựng hồ sơ. Có lẽ, đó là phần tài sản duy nhất, sự sống duy nhất của họ sau khi nhà cửa đất đai bị cướp. Riêng cô Trần Thị Mỹ thì bộ hồ sơ của cô đóng thành một tập dầy cộm, có cả những bức ảnh màu chụp nhiều hình ảnh của khu vườn và ngôi nhà bị cướp.
Cô Mỹ và chú Tiêu thuộc thế hệ đầu của trường đại học Bách khoa Hà Nội. Chú Tiêu từng du học ở Đức, ở Liên Xô và từng làm chuyên gia cho Bỉ, cho Hà Lan rồi về nước làm việc ở Viện nghiên cứu khoa học của Bộ Thủy Lợi, cô Mỹ làm chuyên viên của Tổng Công ty xây dựng số 4.
Cô Mỹ kể rằng, hồi xưa quê cô ở làng Vũ Đại, cha cô, ông Trần Đức Thùy, gia đình nghèo không ruộng đất phải đi cạo mủ cao su. Năm 18 tuổi, ông tha hương cầu thực vào Nam, rồi sang Campuchia làm công nhân cho một đồn điền cao su của Pháp. Cô Mỹ được sinh ra trên đất khách. Năm 1945, cha cô hồi hương, tham gia Việt Minh ở Sài Gòn. Năm 1953, cô Mỹ được ra Bắc học phổ thông rồi vào đại học. Năm 1978, cả hai vợ chồng cùng chuyển vào Nam. Đầu thập niên 90, họ lần lượt về hưu và sống cùng con cháu trong căn hộ chung cư ở quận 5.
Năm 2001, họ qua Thủ Thiêm mua 2120 mét vuông đất ruộng trên đường Lương Định Của rồi san lấp thành một khu vườn, trồng xoài, trồng mít, trồng mận, trồng nhãn, trồng hoa kiểng và nuôi mấy đàn ong. Năm 2005, khi vườn cây bắt đầu cho trái, cô chú vừa mới tìm được niềm vui sau những năm khai hoang nhọc nhằn vất vả, cứ tưởng bắt đầu từ đây sẽ được tận hưởng thành quả lao động trong niềm vui của tuổi xế chiều. Cứ nghĩ, biết rằng tuổi mình không còn vui thú điền viên được bao lâu nhưng ít ra cũng làm nên một gia sản để lại cho đời con đời cháu. Nhưng có ngờ đâu nhân tai ập đến, cô nhận được thông báo giải thỏa với mức đền bù theo giá đấn nông nghiệp là 150.000 đồng một mét vuông cộng với 50.000 đồng công san lấp, nghĩa là họ sẽ đền bù cho cô tổng cộng trên 400 triệu đồng, nghĩa là tổng cộng số tiền không bù nổi công san lấp (!).
Cô Mỹ bắt đầu đi kiện, cuộc khiếu kiện kéo dài đến năm 2012, họ nâng lên mức đề bù cho cô mỗi mét vuông là 920.000 đồng, cô vẫn không chấp nhận. Lúc bấy giờ, những hộ chung quanh xóm cô đều bị cướp nhà cướp đất được mệnh danh bằng cụm từ cưỡng chế giải tỏa thu hồi đất. Cô nghĩ, trước sau gì cũng tới phận mình, nhưng với lòng tự trọng của người trí thức, cô không muốn bị tổn thương khi người ta đem cobe, xe ủi, xe cứu thương, cứu hỏa cùng với hàng trăm nhân viên công lực bao vây lôi mình ra sân để chiếm đoạt nhà cửa đất đai, cô lên quận làm giấy tờ thỏa thuận rằng, cô tạm thời giao đất cho chính quyền và tạm nhận căn hộ chung cư để tiếp tục đi khiếu kiện, tất nhiên, cô không chấp nhận đồng tiền gọi là đền bù giải tỏa trên hai tỷ đồng.
Vậy là từ ấy đến nay, 17 năm cô về sống Thủ Thiêm thì đã mất 14 năm đi kiện với hàng trăm lá đơn kêu cứu. Nhưng đất trời nào có thấu? Cô kiện thì cứ kiện, trên trang web của ban quản lý dự án người ta vẫn kêu gọi đầu tư vào khu đất của cô, và, trong các dự án giáp ranh với khu đất ấy, một mét vuông đã lên đến hơn 200 triệu đồng.
Tôi nhìn cô dìu chú Tiêu đi từng bước chậm mà không kềm được nỗi xót xa, cô chú sẽ còn tiếp tục đi kiện đến bao giờ, còn đủ sức và quỹ thời gian để đi kiện được bao lâu trong khi hai tấm thân già đã tới tuổi gần đất xa trời!
*
Ông Nguyễn Phi Thường, 71 tuổi, nhưng trông dáng người lụm khụm, khắc khổ, trầm buồn, lúc nào cũng như đang khóc. Có lẽ vì chuyện bi kịch đất đai đã quá sức chịu đựng của ông.
Ông Thường sinh năm 1948 ở Ninh Bình, năm 22 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ, vượt Trường Sơn vào Nam, tham gia những trận chiến bán sống bán chết ở Quảng Bình, Quảng Trị, Campuchia, mang trên người nhiều thương tích và chiến tích. Năm 1987, ông ra quân vì mất sức. Sau nhiều năm lang thang trong hẻm hóc ở Sài Gòn, đến năm 2001 ông cùng sáu anh em trong gia đình hợp sức, bán hết tài sản hùn lại sang Thủ Thiêm, thuộc phường Bình Khánh mua gần mười ngàn mét vuông đất ruộng chỗ cầu Cá Trê và giao cho ông Thường đứng tên cai quản. Thấy trồng lúa không khá nổi, ông xin chuyển sang đất thổ vườn, ông san lấp 400 mét vuông làm nhà ở, toàn bộ phần còn lại ông đào ao lên liếp, dưới nước nuôi cá, trên bờ trồng 400 cây xoài và tu dưỡng hơn 40 cây dừa của người chủ cũ. Những ao cá đã cho ông đủ cập nhật manh áo chén cơm, nhưng vườn xoài phải đợi chờ qua nhiều năm tháng. Nghĩ thế, ông Thường chuyển sang nghề kinh doanh cây kiểng, ông ươm trồng và mua bán các loại hoa.
Cần cù và chịu khó, chỉ sau ba năm, vườn kiểng An Bình của ông Thường trở nên nổi tiếng ở Thủ Thiêm, ông trồng mai vừa bán vừa cho thuê trong dịp tết, ông nhận chăm sóc mai cho khách, ông trồng cau sâm banh cung cấp cho các biệt thự sân vườn… 400 cây xoài và gần 50 cây dừa cũng đã đơm bông kết trái.
Thế rồi đùng một cái, nhà chức trách tới báo cho ông biết rằng đất của ông nằm trong khu quy hoạch, phải thu hồi. Người ta đưa cho ông bảng chiếc tính đền bù 150.000 đồng một mét vuông, hỗ trợ tái định cư 720.000 đồng một mét vuông với điều kiện phải ra đi tự tìm chỗ tái định cư, nếu ông nhận căn hộ chung cư thì sẽ không nhận 720.000 đồng của mỗi mét vuông phần hỗ trợ. Tùy ông lựa chọn. Không cần lựa chọn, không cần nghĩ suy toan tính, ông Thường hiểu ngay rằng, với một vườn kiểng, vườn cây ăn trái, ao cá gần một héc ta đổi lấy một căn hộ chung cư thì chỉ có thằng điên mới chấp nhận. Nhưng nghịch lý thay, đây không phải là cuộc thỏa thuận mà là sự áp đặt của kẻ cầm quyền. Chấp nhận hay không là việc của ông, còn việc của chính quyền là cưỡng chế thu hồi đất bằng bạo lực.
Ngày 14 tháng 10 năm 2011, khoảng mười giờ sáng, sau khi cưỡng chế hai căn nhà bên cạnh, họ kéo tới trước nhà ông, hàng trăm nhân viên công lực được trang bị tận răng trong tư thế sẵn sáng chiến đấu, xe cuốc, xe ủi, xe cứu thương, xe cứu hỏa cùng một đoàn xe tải xếp hàng chờ lệnh. Biết mình không thể chống cự, ông Thường cùng vợ con, cháu nội cháu ngoại chỉ biết khóc lóc đứng nhìn. Sau khi nhà chức trách đọc xong lệnh cưỡng chế, xe ủi, xe cuốc xông vào san phẳng ngôi nhà, nhân viên công lực cầm cưa máy xông vào quật ngã vườn cây. Vườn mai hàng trăm cây của ông và của khách gởi ông chăm sóc, trị giá hàng tỷ đồng bị chúng nó khiêng từng chậu chất đầy tám chiếc xe tải, chở đi đâu ông không biết…
Câu chuyện xảy ra gần tròn bảy năm, giờ ông Thường kể lại vẫn trong trạng thái kinh hoàng, rưng rưng nước mắt. Ông cho tôi xem bức ảnh chụp vường cau sâm banh bị chúng cưa đứt đọt, hàng trăm cây xếp hàng dọc hàng ngang, trông thê thảm như hàng trăm con người bị chém đứt đầu. Những bức ảnh chụp khu vườn xoài vườn kiểng hoa trái xum xuê cùng với những bức ảnh chụp khu vườn đổ nát, hoang tàng sau khi bị cướp. Ông Thường nói, nhà tôi hồi năm 1953 bị Tây đốt một lần, tới năm 1966, một lần nữa bị bom Mỹ đánh sập, nhưng không đến nỗi kinh hoàng, khủng khiếp như lần nầy…
Suốt bảy năm qua, ông Thường vừa cùng với bà con Thủ Thiêm đi kiện, mặt khác, ông xin vào làm bảo vệ cho một công ty để kiếm đồng lương phụ với con cái thuê nhà. Nhưng đầu năm nay, tuổi cao sức yếu, người ta không thèm thuê ông nữa.
Ảnh 2: Ông Nguyễn Phi Thường phát biểu với đoàn đại biểu Quốc hội
(Còn tiếp)
V.Đ.D.
Nguồn: https://www.facebook.com/dacdanhmientay/posts/1925237617537280