Phạm Đình Trọng
1. Ngôi mộ nhỏ góc vườn quê của nhà vua hiển hách và nấm mồ đất giữa rừng vắng của vị tướng lẫm liệt
Ngô Quyền dựng cọc Bạch Đằng đánh tan quân Nam Hán năm 938 chấm dứt gần ngàn năm ách nô lệ phương Bắc đè lên thân phận người Việt, trói vào số phận nước Việt. Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 đã dựng lên nền độc lập bền vững cho nhà nước Nam Việt. Ngô Quyền trị vì trên ngôi Vua tuy ngắn ngủi, chỉ có 6 năm nhưng nhà Ngô đã mở ra những triều đại huy hoàng Lý, Trần, Lê, Nguyễn, mỗi triều đại kéo dài hàng trăm năm. Từ đó, cương vực lãnh thổ nước Việt từ Châu Hoan, Châu Ái, từ lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Chu được mở rộng trải dài từ Hà Giang tới Hà Tiên, ra tận Phú Quốc, Thổ Chu về phía Nam và Hoàng Sa, Trường Sa về phía Đông. Vì vậy sử sách Việt Nam gọi Ngô Quyền là “Vua đứng đầu các Vua” của người Việt.
Ngô Quyền có công với dân với nước Việt lớn như vậy, có vị trí vẻ vang trong trang sử Việt oanh liệt như vậy nhưng khi làm xong sứ mệnh lịch sử lớn lao, khi thanh thản từ giã cuộc đời, vị Vua đứng đầu các Vua Việt Nam lại về yên nghỉ dưới nấm mồ bình dị trong mảnh vườn nhỏ của ông cha trên vùng đất trung du lúp xúp gò đồi xứ Đoài quê nhà. Không chiếm một mẩu đất sống của dân của nước, không xây lăng tẩm bề thế, không bia mộ tầng tầng lớp lớp.
Sau này dân làng Đường Lâm xứ Đoài quê Vua mới góp công, góp của lấp đền thờ vị Vua đứng đầu các Vua ngay trên nền ngôi nhà Vua sinh ra. Ngôi đền nhỏ bé, khiêm nhường hơn rất nhiều so với những tòa nhà lầu của người nông dân bình thường hôm nay. Không tượng đồng bia đá, không lộng lẫy vàng son, vật quí giá nhất trong đền thờ Ngô Quyền là cọc nhọn Bạch Đằng đã đâm thủng thuyền giặc Nam Hán từ hơn ngàn năm trước, đã đâm gục nền Bắc thuộc kéo dài gần ngàn năm.
Phía trước đền, cách vài trăm mét trên sườn dốc gò đồi là ngôi mộ Vua Ngô Quyền, bé nhỏ, đơn sơ, dung dị như một ngôi miếu dân dã cũng do dân làng quê Vua lập. Đền thờ Vua liền kề ngõ xóm nhà dân. Mái ngói đền Vua còn thấp hơn mái bằng tòa nhà lầu của người nông dân trong xóm. Mộ Vua kế bên vườn rau, vạt ngô, ruộng lúa của dân. Diện tích cả đền và mộ vị Vua đứng đầu các Vua của người Việt chỉ xấp xỉ một sào Bắc Bộ, ba trăm sáu mươi mét vuông. Ba trăm sáu mươi mét vuông của mái ngói nền nã màu đất trung du, của sân gạch Bát Tràng rêu phong, của đoạn đường lát đá ong vô cùng thân thuộc với đời sống hàng ngày của người dân. Ba trăm sáu mươi mét vuông của màu xanh cỏ cây hòa trong màu xanh mênh mang vô tận của làng quê Việt Nam. Không có gì khác biệt, không có gì ngăn cách với cảnh sắc, với không gian làng quê Việt Nam.
Không tốn một xu tiền thuế của dân cho việc trông coi đền nhưng suốt hơn ngàn năm qua hương khói không ngày nào tắt trong đền Vua, trước mộ Vua. Suốt hơn ngàn năm qua hồn thiêng Ngô Quyền, khí phách Ngô Quyền vẫn luôn hiện hữu giữa làng quê trung du yên ả.
Chấm dứt kiếp nô lệ cho dân, kết thúc ngàn năm Bắc thuộc cho nước, để lại cho nước trang sử vàng độc lập, lập lên triều đại phong kiến nhà Ngô rồi vua Ngô Quyền thanh thản trở về gửi xác trong mảnh vườn đồi bình dị quê nhà và gửi hồn trong màu xanh cỏ cây đất nước.
Không phải chỉ có một ông vua phong kiến Ngô Quyền biết kết thúc cuộc đời của bậc đế vương như một dân thường. Chỉ số chính xác nhất, rõ rệt nhất, ứng nghiệm nhất về sự thịnh suy của một triều đại chính là chỉ số về sự gần dân của bậc cai trị. Bậc cai trị nào cũng từ dân mà ra. Có chức quyền thì thành bậc cai trị nắm vận nước, lo phận dân. Khi sống chăm lo sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc, dân giầu nước mạnh. Cuộc đời gần gũi thân thiết với từng số phận người dân. Khi chết, chức quyền giao lại cho người khác, lại về làm dân, kết thúc đời người lặng lẽ, bình dị như mọi người dân. Những bậc cai trị đó đã tạo ra những thời huy hoàng của đất nước, triều thịnh, nước mạnh, dân an vui.
Trong lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương đến hôm nay chưa có vị tướng cầm quân nào có chiến công lừng lẫy như Trần Hưng Đạo. Đạo quân Nguyên Mông hùng mạnh đã chinh phạt, khuất phục cả dải lục địa từ Á sang Âu. Suốt 30 năm 1258 – 1288, ba lần Nguyên Mông cất quân đông tướng tài tràn vào đánh Đại Viêt. Ba lần Trần Hưng Đạo thống lĩnh ba quân nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông tan tác, giữ vững nền độc lập của Đại Việt. Vị tướng lẫm liệt, kiệt xuất để lại công lớn cho dân cho nước, viết lên trang sử Việt chói lọi như vậy, khi chết cũng chỉ có nấm mồ nhỏ âm thầm trong cánh rừng làng Vạn Kiếp, bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Ngược lại kẻ cai trị khi sống đã xa dân vời vợi bằng cuộc sống ăn tàn phá hại, cuộc sống giàu sang có được trên sự kiệt quệ của nước, trên sự khốn cùng của dân. Khi sống, bòn rút của nước, cướp bóc của dân. Cả cái chết vẫn còn làm hại nước khi chiếm đất sống của dân xây mả lớn, đền to ở một cõi riêng, tạo ra cả một không gian thần thánh cho cái chết của kẻ cai trị đầy tội ác với dân với nước.
2. Lăng mộ hoành tráng của ông cò cảnh sát cộng sản
Cách hôm nay hơn ngàn năm, thời Ngô Quyền, xã hội Việt Nam còn là thời phong kiến sơ khai. Nhà nước cộng sản ngày nay thực chất cũng chỉ là nhà nước phong kiến, chỉ khác là: nhà nước cộng sản không những học đòi tất cả những cái xấu xa, tệ hại của nhà nước phong kiến mà cái tệ hại phong kiến còn được cô đặc, nâng lên rất cao. Còn những nề nếp tốt đẹp của phong kiến thì người cộng sản không thể học được. Tuy có học hàm học vị cao chót vót, giáo sư, tiến sĩ nhưng văn hóa thực sự chỉ là văn hóa bổ túc công nông, đại học chuyên tu, đại học tại chức, nền tảng văn hóa đó không thể thấy và không thể học những giá trị, những khuôn mẫu tốt đẹp của xã hội phong kiến, những người cộng sản cầm quyền mở miệng ra là lên án xã hội phong kiến thối nát, bất công, nguyền rủa giai cấp phong kiến tội lỗi và những người cộng sản luôn vỗ ngực tự nhận là đảng cộng sản của họ không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân.
Trả lời cho tuyên truyền lừa bịp cộng sản không có gì xác đáng, thuyết phục hơn là hiện thực cuộc sống. Từ cuộc đời hiển hách công trạng để lại cho dân cho nước và cõi trở về trong lòng dân của ông vua phong kiến Ngô Quyền, của vị tướng phong kiến Trần Hưng Đạo đối chiếu với cuộc đời mang nặng nợ máu với dân, cuộc đời chiếm đoạt quá nhiều của dân và cõi trở về ngàn trùng xa cách với dân của ông cộng sản vừa lìa đời, ông cò cảnh sát cộng sản Trần Đại Quang, để thấy sự giả dối ghê tởm của tuyên truyền cộng sản và bản chất phản dân hại nước của người cộng sản.
Chưa cần xét đến mức độ kệch cỡm về thẩm mĩ, sự vung phí nguồn lực của đất nước, sự lạc lõng với thời đại của lăng mộ lạnh toát màu đá và ngạo nghễ đúng thói kiêu ngạo cộng sản, sừng sững trên cả trăm ngàn mét vuông đất kim cương giữa kinh kì của ông Vua cộng sản số một Hồ Chí Minh. Chỉ riêng tiền bảo quản xác ướp ông Hồ mà dân gian gọi là ông Minh Râu và duy trì hoạt động của cả một Bộ tư lệnh Lăng, mỗi tháng đã ngốn hàng trăm tỉ tiền thuế của dân. Chỉ lăng mộ của một ông cò cảnh sát cộng sản chiếm hơn sáu mươi ngàn mét vuông đất bờ xôi ruộng mật của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ ngàn đời đói đất cũng thấy sự giả dối, nhẫn tâm và bất lương cộng sản.
Tuy có hai năm cuối đởi ông cò cảnh sát leo lên đến tột đỉnh quyền lực, Chủ tịch nhà nước cộng sản, nhưng quãng đời hai năm ngắn ngủi đó ông Chủ tịch nhà nước cộng sản đã dành phần lớn thời gian cho những đợt nằm chữa bệnh trong bệnh viện và những chuyến đi tìm kiếm sự cứu rỗi nơi cửa Phật. Sáu lần nằm bệnh viện tận bên Nhật Bản, mỗi lần kéo dài cả tháng. Những lần vào điều trị bệnh viện trong nước còn nhiều hơn. Rồi thời gian tìm đến cửa Phật trong nước, ngoài nước. Đến tận thủ đô Phật giáo thế giới ở Gaya, bang Bihar, heo hút Tây Bắc Ấn Độ, nơi Đức Phật sống những ngày cuối cùng của kiếp người hữu hạn, nơi bắt đầu cuộc sống vĩnh hằng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tìm đến để gục đầu vào bức tường đá ngôi đền Mahabodhi, nơi Phật đi vào bất tử, mong Đức Phật đoái thương. Vì vậy dù có hai năm danh nghĩa là Chủ tịch nhà nước cộng sản nhưng cuộc đời thật sự của ông cộng sản Trần Đại Quang là cuộc đời ông cò cảnh sát cộng sản. Và hơn sáu mươi ngàn mét vuông đất ruộng màu mỡ của dân cho năng suất lúa cao đã về tay ông từ thời ông còn làm cò cảnh sát.
Ngàn đời đói đất, với người nông dân đồng bằng Bắc Bộ đất là vàng ròng, được tính từng tấc, từng li chứ không thể hào phóng, xa xỉ tính bằng thước, bằng mét và câu cửa miệng của người dân mang nỗi đói đất truyền kiếp là: bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu. Không có đất cày cấy, bố ông cò cảnh sát cộng sản phải mưa nắng lặn sông, lội đầm đơm đó, đánh dậm kiếm con cua con cá, mẹ ông phải buôn thúng bán bưng, đòn gánh đè xuống vai, gánh vã nải chuối, thúng khoai, sản phẩm của đất quê đi chợ xa chợ gần. Vậy mà ngay từ khi còn sống, biết rõ nỗi nghèo khó vì thiếu đất sống của người dân Kim Sơn, Ninh Bình quê ông, ông cò cảnh sát cộng sản Trần Đại Quang cũng nỡ chiếm 6,2 hecta, sáu mươi hai ngàn mét vuông đất ruộng màu mỡ, đất sống của người nông dân đói đất quê ông làm đất chết cho ông, làm khu lăng mộ kì vĩ cho ông về với tổ tiên của ông.
Thời nhà Nguyễn, dân số cả nước ta chỉ có mười triệu người. Đất rộng, người thưa, các Vua nhà Nguyễn thời phong kiến xấu xa, tồi tệ nhưng khi xây lăng mộ cho Vua còn biết nghĩ đến dân, dành đất sống cho dân. Ngày nay, nhà nước cộng sản Việt Nam đã cắt mười lăm ngàn cây số vuông đất biên giới phía Bắc, bằng diện tích tỉnh Thái Bình, dâng cho Tàu Cộng. Rồi những vùng đất rộng lớn đã trở thành đất sang nhượng cho Tàu Cộng như đất bô xít Tây Nguyên, đất Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh. Những vùng đất đã trở thành đất chết như đất phủ bùn đỏ ở Tân Rai, Lâm Đồng, đất bụi than Vĩnh Tân, Bình Thuận. Diện tích đất sống đang mất đi, đang co lại ngày càng lớn. Trong khi dân số cứ phình ra, đến nay dân số nước ta đã lên tới gần trăm triệu người. Dân số tăng gấp hơn chín lần so với thời triều Nguyễn. Đất sống của người dân vô cùng ít ỏi. Vậy mà một ông cộng sản từ khi chỉ là ông cò cảnh sát đã chiếm sáu mươi hai ngàn mét vuông đất màu của người nông dân đói đất quê ông làm lăng mộ cho mình.
Khu lăng mộ Vua Khải Định nhà Nguyễn trên núi giữa thiên nhiên hoang sơ cũng chỉ rộng 5.674 mét vuông. Lăng mộ của ông cò cảnh sát cộng sản Trần Đại Quang chiếm 62 000, sáu mươi hai ngàn mét vuông ruộng lúa của dân, rộng gấp 11 lần lăng Khải Định.
Thuê thầy địa lí vạch kênh tạo dòng chảy, tạo long mạch. Khoanh hồ hứng nước mưa tụ lộc trời. Chỉ riêng việc đào kênh, kè bờ, vét ao, trồng cây cổ thụ, tạo cảnh quan phong thủy cho khu lăng mộ và làm con đường nhựa thênh thang dẫn đến lăng của ông cò cảnh sát cộng sản đã phải đổ ra cả núi tiền, phải tính tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Nhìn núi tiền đổ ra dựng lên lăng mả ông cò cảnh sát cộng sản Trần Đại Quang lại phải nhớ đến lời khai của ông quan tham nhũng Dương Chí Dũng đã phải chi ra cả triệu đô la tìm kiếm sự che chở của những ông tướng cảnh sát điều tra vụ án Dương Chí Dũng. Lại phải nhớ đến tên tội phạm Phan Văn Anh Vũ núp danh nghĩa công an đã chiếm đoạt của nhà nước hàng ngàn tỉ đồng và bóng dáng tên tội phạm Anh Vũ luôn thấp thoáng, cặp kè phía sau ông cò cảnh sát Trần Đại Quang.
Hàng ngàn tỉ tiền đổ ra cho lăng mộ ông cò cảnh sát cộng sản trong khi người dân nghèo chỉ mắc bệnh thông thường, dễ chữa như lao phổi. Ngày nay được chữa kịp thời bệnh lao cũng chỉ như bệnh cảm cúm. Biết là bệnh lao nhưng không có tiền mua thuốc, không có tiền viện phí không dám vào bệnh viện. Đến lúc hấp hối đành đánh liều vào bệnh viện thì đã quá muộn vì lá phổi đã bị vi trùng lao khoét ruỗng rồi, không còn thuốc nào cứu được nữa. Chết rồi, không có tiền thuê ô tô đưa xác người chết từ bệnh viện về nhà, người thân đành bó xác chết trong mảnh chiếu rách, buộc xác chết sau xe máy. Manh chiếu hẹp, hai chân xác chết người nghèo thòi ra ngoài chiếu cứ lắt lẻo trên suốt chặng đường dài như đôi chân đó đang cuống cuồng chạy trốn số phận người dân đen trong nhà nước cộng sản.
Nhà nước cộng sản mua sự trung thành của khẩu súng, của sức mạnh bạo lực bằng ân sủng, bằng biệt đãi, bằng lon tướng ban phát tràn lan cho công an. Thời lạm phát tướng công an thì ông tướng Trần Đại Quang cũng chỉ sàn sàn cá mè một lứa giữa hàng trăm ông tướng công an khác. Vụ nhà nước Dega nổ ra, người dân Ê Đê, Ba Na, Gia Rai Tây Nguyên nổi dậy đòi quyền sống, đòi quyền làm chủ núi rừng ngàn đời của họ là dịp để ông tướng công an Trần Đại Quang lấy máu người dân Ê Đê, Ba Na ghi công với nhà nước cộng sản và bộc lộ lòng trung thành với đảng cộng sản của ông.
Cả cuộc đời làm cò cảnh sát, làm công cụ bạo lực của nhà nước chuyên chính vô sản, ông cò cảnh sát Trần Đại Quang đã có công rất lớn với nhà nước cộng sản trong việc duy trì nền độc tài cộng sản nhưng lại có tội rất lớn với dân, tước đoạt những giá trị làm người của người dân, trói buộc kìm hãm người dân trong tăm tối nô lệ cộng sản mà nô lệ cộng sản còn độc ác, man rợ hơn cả nô lệ Bắc thuộc và nô lệ Pháp thuộc. Máu dân và thân phận nô lệ của người dân đã đưa ông cò cảnh sát Trần Đại Quang lên tới chức bộ trưởng Bộ Công an và lên tới hàm Đại tướng. Thời ông cò cảnh sát Trần Đại Quang là Bộ trưởng Bộ Công an đã mở ra thời kiêu binh của công an. Công an lạm quyền. Bạo lực công an tràn lan. Hàng trăm người dân lương thiện bị công an đánh chết diễn ra khắp nơi, trên đường phố bình yên, giữa làng quê thanh bình, trong trụ sở công an, trong trại tạm giam. Dân oan bị quan tham cướp đất biểu tình ôn hòa đòi đất, người dân yêu nước biểu tình hợp pháp phản đối giặc Tàu Cộng xâm lược biển đảo đều bị công an vu cho người biểu tình tội gây rối trật tự công cộng, bị đàn áp dã man, bị bắt giam phi pháp. Phụ nữ bị đánh chan hòa máu mặt ngay trên đường phố. Đàn ông bị đánh chấn thương sọ não trong nhà giam.
Tồn tại bằng công cụ bạo lực nhà nước, nhà nước cộng sản dung túng bao che cho những tội ác tày trời mà đám quân của ông cò cảnh sát cộng sản Trần Đại Quang đã gây nợ máu với dân và những tội ác đó đã đưa ông cò cảnh sát Trần Đại Quang lên tới vị trí người đứng đầu nhà nước cộng sản. Tội ác của ông cò cảnh sát cộng sản Trần Đại Quang đã gây ra cho dân đã được nhà nước cộng sản dung túng bao che nhưng nhân dân dù bao dung vẫn đòi hỏi công bằng. Còn lịch sử luôn sòng phẳng và nghiêm khắc sẽ phán xét đảng cộng sản Việt Nam cùng những lãnh đạo hàng đầu của đảng trong đó có ông cò cảnh sát Trần Đại Quang tội chống lại nhân dân, chống lại dòng chảy tiến hóa của lịch sử, tội giam cầm, tù đày nhân dân trong nô lệ cộng sản.
Tượng đồng, tượng đá của Lênin, ông trùm cộng sản thế giới đang bị giật đổ, đập nát ở khắp nơi trên những đất nước đã phải trải qua những năm dài tăm tối cộng sản. Ông cò cảnh sát Trần Đại Quang chồng chất nợ tự do, nợ máu với dân, một tội đồ của lịch sử Việt Nam thì lăng mộ hoành tráng của một tội ác như vậy sẽ tồn tại được bao lâu?
3. Thần thánh hóa tội ác
Triều đại nào đến hồi suy vi cũng nảy nòi ra nhiều trò hại dân, hại nước. Chỉ đến triều nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng mới có lệ dồn của cải tài nguyên của nước, vắt mồ hôi nước mắt của dân xây lăng tẩm cho Vua. Dồn dập, hối hả xây lăng tẩm nhưng bảy lăng tẩm bề thế, trùng trùng lớp lớp đền đài của các Vua nhà Nguyễn cũng không chiếm một tấc đất ruộng của dân. Không để dân mất đất sống, các Vua nhà Nguyễn đều chọn những triền núi hoang, không có vườn ruộng của dân, xây lăng mộ.
Là lăng tẩm Vua nhà Nguyễn nhưng không thấy nhà mồ, chỉ thấy những đền đài mang vẻ đẹp của kiến trúc Phật giáo Việt Nam, mang thẩm mĩ tinh tế và tài hoa sáng tạo của dân gian Việt Nam đã tạo ra công trình hài hòa cùng thiên nhiên Việt Nam. Mái ngói rêu phong cổ kính đền đài thấp thoáng trong màu xanh thiên nhiên, như là một phần tư nhiên của thiên nhiên vĩnh hằng. Không gian trầm tư của lăng tẩm sâu hút trong tiếng rì rầm bất tận của rừng cây. Vẻ đẹp kiến trúc lăng tẩm của các Vua triều Nguyễn tô điểm thêm vẻ đẹp mĩ lệ, huyền ảo cho thiên nhiên đất nước đã trở thành công trình nghệ thuật của muôn đời, trở thành tài sản văn hóa của nhân dân. Đó là sự đền bù cho tài nguyên của nước, cho công sức của dân đã đổ ra để có lăng tẩm các vua nhà Nguyễn.
Thời cộng sản, lăng mộ Hồ Chí Minh, một nhà mồ đơn độc khổng lồ ngạo nghễ giữa không gian mênh mông kinh kì đã nghĩa trang hóa, tha ma hóa cả kinh đô ngàn năm văn hiến. Trần trụi, bê tông hóa cả vùng đất bảng lảng sương khói huyền thoại với chùa Một Cột nhỏ nhắn như một đóa sen, với núi Nùng chỉ là gò đất giữa ngàn xanh bách thảo nhưng lãng đãng hơi sương Hồ Tây như thực, như ảo. Nhà mồ Hồ Chí Minh xám xịt, lạnh ngắt màu đá lạc lõng giữa sắc màu đô thị, lạc lõng giữa thời đại liên tiếp những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đưa con người tới nền văn minh tin học, giải phóng con người khỏi những thế lực thần quyền, con người đã trở thành những siêu nhân làm chủ cả vũ trụ. Lăng Hồ Chí Minh làm sống lại thế lực thần quyền, thần thánh hóa một thế lực chính trị phàm tục, đẫm máu dân và đã hết vai trò lịch sử. Lăng Hồ Chí Minh đưa Hồ Chí Minh lên thành vị thánh của cả nước, dìm cả một dân tộc đau thương thành thần dân của một thế lực thần quyền, thành nô lệ của một ông thánh do tuyên truyền cộng sản thêu dệt lên.
Cũng như lăng mả Hồ Chí Minh, lăng mả Trần Đại Quang cùng lăng mả, nhà bảo tàng, nhà tưởng niệm những nhân vật cộng sản hàng đầu khác như Trần Phú, Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh… đều nhằm thần thánh hóa con người cộng sản và tổ chức cộng sản đã gây quá nhiều đau khổ cho dân, đã gây quá nhiều mất mát, nguy hại cho nước. Lăng mộ Hồ Chí Minh đưa Hồ Chí Minh lên hàng thánh của cả nước thì lăng mộ Trần Đại Quang sẽ đưa ông cò cảnh sát Trần Đại Quang hai tay ròng ròng máu dân lên hàng thánh của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Rồi lăng mộ Đỗ Mười, lăng mộ Nguyễn Đức Bình và lăng mộ nhiều ông thủ lĩnh cộng sản kế tiếp sẽ đưa các ông đó lên hàng thánh ở vùng quê các ông. Từ nay, bầu trời tâm linh của người dân Việt Nam chỉ có các ông thánh cộng sản và đất sống của người dân Việt Nam trở thành đất sa mạc chết với trùng điệp, san sát, hiu hắt những lăng mộ cộng sản.
Lí tưởng sống của người cộng sản được tô vẽ vô cùng cao đẹp: Người cộng sản không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân! Nhưng con người cộng sản trong cuộc đời thực từ lúc sống đến cả cái chết lại vô cùng thấp hèn. Những người cộng sản đã lấy máu của hàng chục triệu người dân Việt Nam, đã dìm cả dân tộc Việt Nam vào cuộc chém giết suốt gần nửa thế kỉ để làm cuộc cách mạng trừ phong phản đế, diệt trừ phong kiến, đánh đuổi đế quốc giành chính quyền cho người cộng sản. Khi có chính quyền trong tay, những người cộng sản đã thiết lập một nhà nước vừa là thế quyền độc ác, tàn bạo hơn cả chính quyền đế quốc xâm lược, vừa là thần quyền mê muội, tăm tối, ngột ngạt hơn cả thời phong kiến cổ hủ. Cuộc đời và lăng mộ những người lãnh đạo cộng sản đã chứng minh và ghi nhận về một thời bất hạnh của giống nòi Việt Nam và một thời đen tối của lịch sử Việt Nam, thời cộng sản.
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN. Chúng tôi tôn trọng quan điểm và phong cách riêng của người viết.