Bà Ina Lepel giữ chặt túi xách không hẳn chỉ vì tỏ ý khinh miệt giới quan chức Việt Nam đâu. Bà ấy còn… sợ nữa. Chẳng phải vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh khét tiếng trên đất Đức từ hai năm nay đang được đồn đại là một vụ trộm-cướp táo tợn và cực kỳ cao tay ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, do một Adam Worth tái thế, khiến cả châu Âu ngày đêm lo lắng không yên là gì. Người Nhật đã từng phải tống lao bao nhiêu nhân viên Vietnam Airline rồi. Nhân viên Vietnam Airline không phải đều là công chức nhà nước Việt Nam chúng ta cả đấy sao. Mà ngón nghề của họ cũng chỉ mới “tài giỏi” bằng cái móng tay của đám tướng tá núp trong ngành ngoại giao dưới quyền điều khiển trực tiếp của ông tướng Tô Lâm thôi. Sợ là phải chứ!
Khi ông TT Nguyễn Xuân Phúc lên diễn đàn LHQ mà cử toạ bỏ hết ra ngoài chỉ còn trơ lại các dãy ghế thì nói đó là vì thế giới không còn tin những lời hứa… cuội vốn đã lặp đi lặp lại trên diễn đàn này có đến hàng chục lần, trong khi nhìn vào đất nước Việt Nam vẫn chẳng thấy lời hứa thành sự thật ở đâu cả, xem ra là có lý. Nhưng ở đây, không hề thấy bà Vụ trưởng Ina Lepel bày tỏ một cảm xúc nào tương tự. Chỉ có cảm giác bà ấy đang nhìn ông Đại sứ Việt Nam Đường Minh Hưng mà cứ ngỡ là có cái bóng của ông Tô Lâm ẩn khuất phía sau. Ông Đại sứ nhà mình muốn giơ tay thân thiện đến mấy đi nữa thì bà ấy vẫn khư khư giữ lấy cái túi. Bà ấy hoảng thật đấy.
Bauxite Việt Nam
Trịnh Xuân Thanh ra tòa tại Hà Nội.
Không còn nghi ngờ gì nữa, quốc gia được giới chóp bu Việt Nam ve vuốt là ‘đối tác thân thiện’ – Slovakia – đang chuẩn bị cho động thái ‘xử’ đối với Việt Nam, hay chính xác hơn là đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thủ phạm ‘Đảng Cộng sản Việt Nam’?
"The head of the Slovak diplomacy clearly and categorically emphasised that the Vietnamese party’s previous explanations of the serious suspicions of the abduction of a Vietnamese national across Slovak territory are not satisfactory. (TASR) – Người đứng đầu ngoại giao Slovak đã nhấn mạnh một các rõ ràng và lớp lang rằng những lời giải thích trước đây của đảng (CS) Việt Nam về những nghi ngờ nghiêm trọng của vụ bắt cóc một người Việt trên lãnh thổ Slovak là không thỏa đáng (Danlambao).
Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak đã thẳng thừng tuyên bố như trên trong cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại New York vào cuối tháng Chín năm 2018, với nội dung chủ yếu xoáy vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – theo hãng thông tấn TASR của Slovakia.
Chi tiết rất đặc biệt trong tuyên bố trên là Ngoại trưởng Miroslav Lajcak đã chỉ đề cập về khách thể Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải nói tới ‘Nhà nước Việt Nam’ theo lối nói ngoại giao thông thường. Cách dùng từ xác quyết và mang tính phân biệt không kém xác quyết như thế cho thấy trong nhận thức và hành động ngoại giao của phía Slovakia, thủ phạm của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017 và sau đó ‘vận chuyển’ Thanh sang Bratislava của Slovakia để từ đó bay sang Moscow của Nga rất có thể đã hiện hình như ban ngày chứ tuyệt đối không phải là ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’.
Cách thức dùng từ không còn thuần túy ngoại giao hay cố gắng mang cung cách ngoại giao của Ngoại trưởng Miroslav Lajcak cũng khá tương đồng với một cử chỉ mới đây của giới quan chức Đức khi dự lễ kỷ niệm ngày lễ quốc khánh 2/9 tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức.
Trong buổi lễ trên, phía Đức chỉ cử một đại diện cấp thấp với chức vụ “Abteilungsleiterin” (Trưởng phòng hay Vụ trưởng) – bà Ina Lepel – đến tham dự lễ 2/9 của Việt Nam. Chức vụ của bà Ina Lepel là Vụ trưởng châu Á-Thái Bình Dương trong Bộ Ngoại giao Đức. Còn tại cuộc kỷ niệm quốc khánh 2/9 vào năm 2016, tức trước khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra và khi quan hệ giữa 2 nước còn “nồng ấm”, Chính phủ Đức đã cử bà Edelgard Bulmahn, Phó Chủ tịch Quốc hội Liên Bang Đức, đến tham dự lễ kỷ niệm quốc khánh Việt Nam.
“Không có hình tượng nào lột tả được thực trạng mối quan hệ hai nước hiện nay hay hơn là hình tượng Đại sứ Đoàn Xuân Hưng chìa tay ra, muốn bắt tay bà Ina Lepel đại diện chính phủ Đức, nhưng bà Ina Lepel vẫn khư khư giữ chặt túi xách” – trang Thoibao.de thuật lại một cách rất tượng hình và đối kháng về buổi lễ kỷ niệm 2/9 năm 2018.
Quả là như vậy, hình ảnh ‘hữu nghị Việt – Đức’ trên không chỉ cho thấy thái độ khinh miệt mà giới quan chức Đức dành cho giới quan chức Việt Nam, mà còn cho thấy người Đức đang cực kỳ cảnh giác trước những quan chức Việt Nam, trong bối cảnh mà hơn một năm trôi qua kể từ thời điểm mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, vẫn chẳng có bất kỳ một lời xin lỗi hoặc ‘cam kết không tái phạm’ nào được nêu ra từ phía Việt Nam.
Thậm chí trong bài diễn văn của mình, bà Ina Lepel chỉ dùng từ ‘nhân dân’ để nói đến tình hữu nghị giữa hai nước, mà không dùng từ ‘nhà nước’ hay ‘chính phủ’. Phải chăng người Đức đã quá chán ngán thói tuyên rao ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ và khách thể ‘Đảng Cộng sản Việt Nam’?
‘Giá treo cổ’ dành cho ai?
Với cuộc gặp Phạm Bình Minh, đây là lần thứ hai trong hai tháng liên tiếp, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak lên tiếng về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Vào đầu tháng Tám năm 2018, chỉ 4 ngày sau loại bài điều tra của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và tờ Dennik N của Slovakia về ‘cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák đã giúp Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của Chính phủ Slovakia’, Ngoại trưởng Miroslav Lajcak đã viết trong một bài bình luận trên tờ báo mạng pravda.sk, ra ngày 7/8/2018: “Không còn hoài nghi rằng kết luận của các nhà điều tra Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là nghiêm trọng và cho thấy một sự nghi ngờ rất lớn về sự đúng đắn của thông tin do phía Việt Nam cung cấp cho đến nay. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả mọi thứ được in trên báo là đúng sự thật, hoặc đã đủ để chúng tôi đưa ra tòa án. Cho đến khi nào vụ việc này chưa được kiểm tra kỹ lưỡng và các chi tiết chưa được làm rõ, thì chúng tôi không thể dựng lên giá treo cổ được” – (Thoibao.de dịch)
Đáng ngạc nhiên là từ ngữ mang tính hình tượng cực mạnh ‘giá treo cổ’ mà Ngoại trưởng Miroslav Lajcak trưng ra trong bài viết trên, bởi điều này dường như không phù hợp lắm, hoặc quá thô bạo so với âm điệu ngoại giao hoặc êm ái hoặc buộc phải tỏ ra êm ái. Từ ngữ này chỉ bộc lộ vào bối cảnh tác giả của nó không thể kềm chế được sự giận dữ và thấy không từ nào thích đáng hơn nó.
‘Giá treo cổ’ đe dọa dựng lên dành cho những quan chức Slovakia đã trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – chẳng hạn như cựu Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák. Nhưng ‘giá treo cổ’ cũng là lời cảnh cáo trực diện giới chóp bu Việt Nam.
Khác nhiều với văn phong còn cố gắng duy trì tính cách xã giao mà không muốn làm mất mặt Hà Nội trong một tuyên bố phản đối vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của Bộ Ngoại giao Đức vào tháng Tám năm 2017, lời lẽ của người đại diện cho Bộ Ngoại giao Slovakia là quá thẳng thắn và phẫn nộ.
Cũng trong bài bình luận trên tờ báo mạng pravda.sk, ra ngày 7/8/2018, Ngoại trưởng Lajcak viết:
“Trong lúc phiên tòa tại Berlin đang diễn ra, phía Đức tuyên bố, họ đã có những dấu hiệu nghiêm trọng, rằng nạn nhân bị bắt cóc đã được đưa bằng máy bay từ Bratislava (thủ đô Slovakia) đến Moscow. Nhiệm vụ của chúng tôi là thẩm tra những cáo buộc qua thông tin liên lạc với phía Việt Nam. Bác bỏ, nếu cáo buộc không đúng.
Vì cho đến nay, Việt Nam đã không cung cấp cho chúng tôi những bằng chứng đáng tin cậy cho thấy rằng cáo buộc của các nhà điều tra Đức là không đúng, cho nên chúng tôi đã buộc phải thực hiện một bước cụ thể – để giảm đại diện ngoại giao của chúng tôi tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không có Đại sứ tại Việt Nam vào thời điểm này – và chúng tôi không có kế hoạch bổ nhiệm một vị Đại sứ đến Hà Nội cho đến khi nào chúng tôi giải quyết xong vụ việc. Đây là một bước rất nghiêm trọng trong thực tiễn ngoại giao, biện pháp này không phải là đơn giản hoặc không đáng kể. Và nó không phải là bước duy nhất.
Nếu vụ việc này được xác định rằng Cộng hòa Slovakia đã bị Việt Nam lợi dụng, thì cần thiết phải có những biện pháp tiếp theo” (Thoibao.de).
Một cách chính thức, cuộc khủng hoảng Slovaka – Việt Nam đã bùng nổ – tròn một năm sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Đức – Việt. Bây giờ thì khó còn gì có thể cứu vãn được nữa.
Tháng Mười?
Một năm trước, cũng vào tháng Tám, Bộ Ngoại giao Đức đã làm một cử chỉ mà Hà Nội khó ngờ khi ra tuyên bố mạnh mẽ phản đối vụ mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin. “Việc này cũng phá vỡ lòng tin một cách nghiêm trọng” – một nội dung trong tuyên bố phản đối của Bộ Ngoại giao Đức. Và phía Đức kết thúc bản tuyên bố phản đối bằng “Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các hành động khác ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển”.
Sau tháng Bảy năm 2017, khủng hoảng Đức – Việt đã bùng phát và kéo theo quá nhiều hậu quả. Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, Nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đó đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
Hà Nội cũng khó ngờ rằng chỉ một năm sau cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt, cơn khủng hoảng thứ hai mang tên Slovakia – Việt và cả EU – Việt đang chuyển qua giai đoạn mới: thời kỳ đóng băng kéo dài nhiều năm.
Nếu quý vị tiếp tục nói rằng quý vị không lạm dụng lòng hiếu khách của chúng tôi và công dân bị bắt cóc của quý vị không có mặt trên chuyến phi cơ của chính phủ Slovakia, thì tôi yêu cầu quý vị hãy đưa ra lời giải thích không sai sót về việc quý vị đã đưa ông ta từ Đức về Việt Nam bằng cách nào, và Bất kỳ cách giải thích gây hiểu nhầm nào từ phía quý vị cũng sẽ gây ra những hậu quả cho quan hệ song phương giữa chúng ta, và chúng tôi cũng đang sẵn sàng có những hành động hạn chế trên cơ sở vì lợi ích của EU" – Ngoại trưởng Slovakia Lajcak nói thẳng thừng với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp tại New York vào tháng Chín năm 2018.
Phát ngôn mang tính ‘tối hậu thư’ của Lajcak xảy ra gần như đồng thời với các cuộc gặp song phương giữa hai Công tố trưởng của Slovakia và Đức gặp nhau ở Đức, và giữa Bộ trưởng Nội vụ của Đức và Slovakia – những cuộc gặp cho thấy tầm mức phối hợp giữa hai nước về vụ Trịnh Xuân Thanh đã được đẩy lên cao hơn nhiều so với vài ba mối liên hệ lẻ tẻ trước đây giữa cảnh sát hai nước.
Cách nói của Lajcak cũng gần như đã chắc chắn về một kế hoạch cho những hành động trả đũa tiếp theo của Slovakia đối với Việt Nam, mà đã được thống nhất bởi Tổng thống Slovakia Andrej Kiska, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini cùng các cơ quan tư pháp nước này.
Không có bất kỳ lời giải thích nào từ Phạm Bình Minh với Lajcak. Cũng tương tự thái độ câm nín của người đứng đầu ngành ‘ngoại giao Việt Nam thành công chưa từng có’ trước không biết bao nhiêu lần truy vấn của Bộ Ngoại giao Đức và Bộ Ngoại giao Slovakia về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Từ tháng Tám năm 2017 đến nay, sự im lặng kiên định và triệt để của Bộ Ngoại giao Việt Nam trước vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy Phạm Bình Minh không dại gì đi ‘đổ vỏ’ cho những kẻ gây ra vụ bắt cóc này. Rất có thể chính vì hành động ‘giãy ra’ như thế mà từ tháng Mười năm 2018, Phạm Bình Minh đã chính thức bị thất sủng trước Nguyễn Phú Trọng.
Chẳng bao lâu nữa, Chính phủ Slovakia – để tự bảo vệ lòng tự trọng của mình – sẽ phải tung ra một quyết định dù rất khó khăn nhưng thật sự cần thiết và cứng rắn với chính thể độc đảng ở Việt Nam và những kẻ bắt cóc.
Sau hai tháng điều tra của cảnh sát Slovakia và được sự hỗ trợ cận kề của cảnh sát Đức, thời điểm chẳng bao lâu nữa trên có thể sẽ rơi vào tháng Mười năm 2018 – chẵn một năm sau vụ Nhà nước Đức thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN