Tuấn Khanh (Sài Gòn)
Sách của Đinh Quang Anh Thái, không giống như cách anh kể chuyện ngoài đời. Nếu có dịp ngồi với anh, nghe chuyện từ anh là được “nghe” với cả cử chỉ, cả tiếng thở dài, cả mỉa mai diễu cợt và cả nỗi căm căm, buồn nhân thế. Nhưng đọc văn của anh thì có vẻ lạnh hơn. Anh viết như để lại. Viết như chứng sử của đời mình và người. Đọc sách của anh, gấp lại, và rồi chợt nghĩ miên man lúc nào không hay.
Trong các câu chuyện ghi lại, Đinh Quang Anh Thái giới thiệu rõ tính cách của mình: một người cẩn trọng với chi tiết, e ngại những gì mơ hồ dù đó là tình tiết dễ hấp dẫn. Do đó, đọc sách của anh, sẽ khó tìm thấy được các đoạn văn bay bổng như “nghe nói là”, “có lời đồn rằng”… Đinh Quang Anh Thái viết như một tập wikileaks về những thứ mà người cùng thời không có cơ hội thấy, không có dịp chạm đến như anh. Thản nhiên, thật và đôi khi tàn nhẫn. Mọi con người anh mô tả, bằng những con chữ cân nhắc của một nhà báo, nhưng cuối cùng là đọng lại bằng trái tim đau đáu của một nhà văn.
Nói là lạnh lùng, nhưng len trong luống chữ, vẫn thấy những mầm giận dữ của của anh trồi lên trước những bất toàn khó tin, nơi quê hương của mình, nơi dân tộc của mình đang phải gánh chịu quá nhiều chương hồi kinh sợ của tư duy cộng sản.
Cộng sản, âm thanh của nó như tiếng gõ khô khốc ở cánh cửa nhà ban đêm, mà chỉ có chính người chủ ngôi nhà đó mới hiểu được cảm giác khủng bố, sự ớn lạnh và cả khinh bỉ của người nhận chân. Tập sách mà quý vị cầm trên tay, là những ghi chép có đủ những rung động thần kinh đó.
Năm 1985, Đinh Quang Anh Thái thoát được hai chữ cộng sản trên đời thật của mình, nhưng anh đặt lại hai chữ đó trên bàn, chiêm nghiệm nó với từng số phận con người, từng diễn biến, đi qua lăng kính cộng sản và rồi chép lại bằng suy nghĩ của một người chỉ còn chắt lọc sự ghét bỏ với cái ác, với âm mưu. Mọi điều khác, anh nhìn thấy đó là thời cuộc, và con người là nạn nhân của chính trị, của ảo tưởng và của cộng sản.
Và từ đó, vượt lên những giá trị khác biệt thù hằn hay định kiến, Định Quang Anh Thái mở ra từ số phận.
Nhà văn Joseph Conrad (1895-1923), viết trong cuốn Heart of Darkness, rằng “thật mỉa mai, chúng ta luôn trung thành với những cơn ác mộng mà chúng ta đã lựa chọn cho mình”. Những số phận con người mà Đinh Quang Anh Thái mô tả như Hà Sĩ Phu, Trần Độ, Lê Phú Khải, Phạm Quế Dương, Dương Thu Hương… đều là những số phận cố vượt qua hiện thực huyền ảo của chủ nghĩa cộng sản mà họ đã chọn.
Tiếng mối sầm sập ăn cả ngôi nhà của Gabriel García Márquez hay chiếc bàn ăn mỗi ngày run rẩy của Isabel Allende không là còn là thế giới dị thường của từng con người đi theo cộng sản – vì bản thân tư duy cộng sản ở Việt Nam đã đủ để biến mọi thứ thành dị thường với từng con người ấy – nhưng mỉa mai, là khi thoát ra khỏi, họ vẫn một chân bị xích vào ngày hôm qua với nỗi đau của bản thân, được phổ quát rộng đến chiều kích đủ mức để nhận ra, để bật ra tiếng gào thét từ tâm cảm rằng nếu không có những đổi thay, quê hương cũng méo mó, xiêu vẹo như chính cuộc đời họ vậy.
Đừng chờ đợi việc đọc những trang sách của Đinh Quang Anh Thái, quý vị sẽ rơi nước mắt, dẫu đó là những chương rất buồn. Thái không để cho người ta dừng ở đó. Đây không phải là những điều để lấy thương tâm. Những câu chuyện của Thái nhắc rằng những gì diễn ra ở Việt Nam, nước mắt thôi không đủ. Đau thôi không đủ.
Như đã nói, gấp sách của Đinh Quang Anh Thái lại, bất giác suy nghĩ miên man. Cây bút này như buộc người đọc phải như vậy. Những con chữ trong đó nhắc chúng ta là người Việt, quê hương chúng ta tên là điêu linh, dân tộc của chúng ta tên gọi rã rời.
Chúng ta là ai, chúng ta sẽ làm gì? Sách của Thái gửi những câu hỏi đó, ngay khi bạn nhắm mắt lại.