Tô Văn Trường
“Không nên xuất khẩu cát nhiễm mặn vì mặt hàng này không chỉ là khoáng sản trong nước đang cần mà còn là nền móng hình thành nên lãnh thổ quốc gia. Cát mặn cũng là nguồn tài nguyên quý không phải là vô tận, việc bán, tận thu dù công khai đến mấy cũng chỉ phục vụ lợi ích nhóm, vì giá bán của ta quá rẻ so với các nơi khác trên thế giới.
“Bộ Quốc phòng làm kinh tế đã là điều không ổn tí nào, nay lại đòi có cơ chế đặc biệt để xuất khẩu cát mặn là lạm dụng, rất đáng lo ngại vì “lợi bất cập hại”! Bộ Quốc phòng "đầu xuôi" thì sẽ có nhiều Bộ/ngành khác "đuôi lọt", dễ "tát nước theo mưa" vì cơ chế đặc thù thì ngành nào cũng vẽ ra được” – T.V.T.
Chí lý! Khốn nỗi, Bộ Quốc phòng thì cũng như các Bộ khác, đều do ĐCS VN lãnh đạo. Mà ĐCS VN hiện đang ở tận đỉnh của sự “bán nước cầu vinh” hiểu đúng theo nghĩa đen (cố thông qua bằng được Luật Đặc khu để bán đất cho Tàu trong nhiều chục năm, dù biết sẽ dẫn đến mất nước, thì không “bán nước cầu vinh” là gì). Bởi thế Bộ Quốc phòng dẫu nhiệm vụ trọng yếu là “quốc phòng” chứ không được làm kinh tế, nhưng thấy các Bộ khác “được ăn” thì cũng hốt chứ, có phải không nhỉ? Cho nên đâu phải họ không biết rằng bán cát nhiễm mặn với giá rẻ mạt là bán mất đi một nguồn vật liệu dự trữ quan trọng để đắp bồi, mở mang lãnh thổ. Chỉ có điều, đối với các ngài lãnh đạo bộ ấy, đem bắc đồng cân lên mà so sánh thì đắp bồi lãnh thổ cũng nào đã hệ trọng gì so với việc… căng phồng cái túi của mình. Câu “có thực mới vực được đạo” đặt vào đây mới chí lý và… chua chát làm sao!
Bauxite Việt Nam
Ngày 7/3/2017 Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp với các Bộ ngành đánh giá tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Tại cuộc họp này, Văn phòng Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tạm dừng cấp phép xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án xã hội hoá để nhà đầu tư chủ động trong việc xây dựng kế hoạch nạo vét và sử dụng sản phẩm tận thu.
Cụ thể hóa vấn đề trên, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn để bù chi phí nạo vét, duy tu các tuyến luồng đường thủy; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án đang thực hiện, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, công luận đang xôn xao về thông tin Bộ Quốc phòng lại mới kiến nghị Thủ tướng được xuất khẩu 25 triệu m3 cát nhiễm mặn theo quy chế đặc thù đặc biệt?
Đặc điểm cát ở Việt Nam
Cát xây dựng ở Việt Nam chia ra 4 loại thông dụng: Cát san lấp, cát bê tông, cát xây, cát tô (cát xây, cát tô có thể được gọi chung là cát xây tô). Cát xây, bê tông và cát tô là cát sông loại sạch, đảm bảo cỡ hạt theo tiêu chuẩn TCVN 1770 – 86 để sử dụng đúng cho từng loại công việc, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Cụ thể:
– Cát cho bê tông (cát vàng hạt lớn). Mô đun độ lớn từ 2,0 –3,3, hàm lượng muối gốc sunphát, sunphít không quá 1% khối lượng. Hàm lượng sỏi có đường kính từ 5-10mm không vượt quá 5% khối lượng. Hàm lượng mica không được lớn hơn 1% theo khối lượng. Cát tốt nhất để đổ bê tông là cát khai thác được được ở các sông lớn, suối,… vì cát ở đây thường sạch, ít tạp chất.
– Cát cho vữa xây trát. Mô đun độ lớn không được nhỏ hơn 0,7. Hàm lượng muối gốc sunphát, sun phít không quá 1% khối lượng. Hàm lượng bùn sét, hữu cơ không quá 5% khối lượng. Hàm lượng sỏi có đường kính từ 5-10mm : không có sét, á sét và các tạp chất khác ở dạng cục.
Riêng cát san lấp có thể dùng loại cát nhiễm mặn nhưng nếu dùng trực tiếp cũng có thể ảnh hưởng đến công trình do nồng độ muối cao và nhiều tạp chất có thể ăn mòn bê tông cốt thép trong hố móng. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu xử lý cát nhiễm mặn để phù hợp với các tiêu chuẩn xây dựng. Tháng 5/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ xây dựng trong nước; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành theo quy định (nguồn: http://baoquocte.vn/nghien-cuu-su-dung-cat-nhiem-man-phuc-vu-xay-dung-trong-nuoc-50034.html)
Tháng 3/2018, một doanh nghiệp là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Phan Thành, TP Cần Thơ đã nghiên cứu hệ thống xử lý cát nhiễm mặn phục vụ xây dựng, kết quả kiểm nghiệm cho thấy, cát bị nhiễm mặn sau khi xử lý có hàm lượng ion clo tan trong axit đều đảm bảo các thông số kỹ thuật, đảm bảo sử dụng tốt cho xây dựng công trình (nguồn: http://baocantho.com.vn/bien-cat-nhiem-man-thanh-cat-xay-dung-a96790.html)
Khai thác thực trạng và quản lý
Trước hết, phải khẳng định cát là một nguồn tài nguyên khoáng sản, không phải là nguồn tài nguyên vô hạn. Nhiều năm qua, việc khai thác cát, tận thu cát nhiễm mặn đã diễn ra ở nhiều địa phương ven biển. Một số khu vực được bồi lấp nhờ lượng cát từ thượng nguồn chuyển ra vùng cửa sông ven biển, ngược lại nhiều khu vực khác, cát bị thiếu hụt gây xói lở. Dọc cửa sông, bờ biển cát vốn không tự nhiên có, mà nó dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác. Do vậy, một trong những giải pháp bảo vệ bờ biển hữu hiệu không phải chỉ xây dựng các công trình cứng mà là giải pháp chuyển cát.
Vật liệu xây dựng: Thực tế dọc ven biển hiện nay nguồn cát phục vụ san nền vẫn đang là vấn đề nhức nhối vì nguồn cung thượng nguồn giảm. Các doanh nghiệp buộc phải sử dụng các nguồn cát mặn tận thu nạo vét các cảng, cửa sông để san nền khu đô thị, sân golf v.v… Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng đến 2020 tầm nhìn 2030 dự báo nhu cầu cát xây dựng đến 2020 của cả nước khoảng 130 triệu m3. Tổng công suất thiết kế của các cơ sở khai thác, chế biến cát xây dựng đạt khoảng 130-150 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nhu cầu sử dụng cát hàng năm hiện nay đã đạt ngưỡng 130 triệu m3/năm. Sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu sử dụng cát xây dựng những năm qua khiến mất cân đối cung cầu, dẫn tới sự khan hiếm cát xây dựng và giá cát đã tăng lên chóng mặt theo thời điểm.
Nhu cầu cát các nước trong việc bồi đắp, mở rộng lãnh thổ: Có thể nói rất nhiều nước hiện nay đang thu mua cát để bồi đắp, mở rộng bãi biển. Hà Lan, Singapore là một trong những nước điển hình. Tại sao Singapore không cho khai thác cát, mà còn mở rộng lãnh thổ ra? Trong khi chúng ta không bồi đắp, mà lại bán đi. Trường hợp nhu cầu trong nước tại thời điểm này chưa sử dụng thì nên tính đến phương án dự trữ làm nguồn sử dụng lâu dài, tránh việc phải nhập khẩu trong tương lai như hiện trạng của một số mặt hàng khoáng sản hiện nay.
Công tác quản lý: công tác lập, thẩm định, phê duyệt của một số dự án và lựa chọn đơn vị thực hiện dự án còn bất cập và hạn chế, công khai minh bạch còn nặng về hình thức bởi “quân xanh, quân đỏ”, chưa chọn được đơn vị có đủ năng lực triển khai dự án nên thời gian thực hiện kéo dài. Công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa lường hết được tác động phức tạp của quá trình nạo vét đến môi trường. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, trao đổi thông tin số liệu về khối lượng cát nhiễm mặn xuất khẩu của các dự án chưa thường xuyên. Công tác phổ biến tuyên truyền về chủ trương xã hội hóa việc nạo vét chưa kịp thời và đầy đủ, chưa công khai minh bạch trong việc thực hiện dự án để tạo sự đồng thuận. Bên cạnh đó, do năng lực có hạn, việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án kéo dài, chưa chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt, chưa cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho cơ quan báo chí để nắm rõ mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện dự án.
Giải pháp
– UBND các địa phương và các ngành rà soát, tính toán cân đối cung cầu cát sỏi xây dựng, cát nhiễm mặn và vật liệu san lấp. Rà soát, đánh giá lại nhu cầu cát các địa phương về quy hoạch khai thác cát tại các cửa sông, cảng biển (lộ trình, trữ lượng, quy mô, nguồn vốn, xã hội hóa). Quy hoạch những khu vực cần đổ cát gây bồi, hoặc cần san lấp tạo mặt bằng.
– Định giá thuế tài nguyên với nguồn cát nhiễm mặn.
– Công khai, minh bạch, tổ chức các đơn vị giám sát độc lập toàn bộ các khâu trong quy trình nạo vét tận thu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình hình thực hiện các dự án nạo vét khơi thông luồng.
- Xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng cát biển trong một số nội dung như: sử dụng làm nguyên liệu để chế tạo bê tông khí chưng áp, làm bê tông và vữa, làm vật liệu san lấp phục vụ chống sạt lở bờ biển, mở rộng và tôn tạo đảo và các khu vực ven biển có địa hình trũng, thấp.
– Các cơ quan chức năng, hoàn toàn có thể thẩm định, phát triển các nghiên cứu theo hướng tận dụng cát nhiễm mặn trong xây dựng để giảm lượng khai thác cát sạch trên các con sông nội địa, qua đó góp phần giảm thiểu hạ thấp lòng dẫn và xói lở bờ sông đang diễn ra rất nghiêm trọng khắp cả nước.
Lời kết
Không nên xuất khẩu cát nhiễm mặn vì mặt hàng này không chỉ là khoáng sản trong nước đang cần mà còn là nền móng hình thành nên lãnh thổ quốc gia. Cát mặn cũng là nguồn tài nguyên quý không phải là vô tận, việc bán, tận thu dù công khai đến mấy cũng chỉ phục vụ lợi ích nhóm, vì giá bán của ta quá rẻ so với các nơi khác trên thế giới.
Bộ Quốc phòng làm kinh tế đã là điều không ổn tí nào, nay lại đòi có cơ chế đặc biệt để xuất khẩu cát mặn là lạm dụng, rất đáng lo ngại vì “lợi bất cập hại”! Bộ Quốc phòng "đầu xuôi" thì sẽ có nhiều Bộ/ngành khác "đuôi lọt", dễ "tát nước theo mưa" vì cơ chế đặc thù thì ngành nào cũng vẽ ra được.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN