Vì sao người Việt ghét Đảng Cộng sản Trung Quốc?

Trần Thành – Trúc Giang

“Trung Quốc là một cường quốc, với dân số đông nhất thế giới, diện tích rộng lớn bậc nhất. Nhưng có thể nói dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà đứng đầu là Tập Cận Bình, Trung Quốc hiện ra là một quốc gia xấu xa về mọi mặt, tráo trở và không đáng tin cậy. Những người sáng suốt thường không chơi với kẻ xấu”.

Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định như vậy về ‘ông bạn 16 chữ vàng – 4 tốt’ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là ‘đồng chí’ hay là ‘gã hàng xóm’ xấu tính phương Bắc?

Bàn luận về câu hỏi “vì sao lại tẩy chay hàng Tàu”?, theo ghi nhận ‘bỏ túi’ của người viết, do ghét Đảng Cộng sản Trung Quốc nên người Việt ghét lây luôn hàng Tàu. Chuyện ý thức hệ chính trị này có lẽ nguyên do đến từ những người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kể từ khi phía Trung Quốc khái quát phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, nêu trong Tuyên bố chung cấp cao 1999, phía Việt Nam lại ‘nịnh nọt’ thêm vào đó một chữ “vàng”. Chính “16 chữ vàng” đã tạo nên sự ngộ nhận to lớn.

Đồng ý Trung Quốc là một nước láng giềng quá lớn, không thể không tính đến và không thể thoái thác quan hệ. Thế nhưng trong lúc người Việt luôn nhắc nhở nhau cần luôn tỉnh táo trong mối quan hệ này, xác định một cách minh triết bản chất mối quan hệ ấy, tránh những điều mơ hồ, ngộ nhận; tránh cái bẫy ý thức tư tưởng có thể gây nhầm lẫn về chiến lược, nhập nhằng và mơ hồ giữa các ngôn từ hữu nghị, đối tác, đồng chí, đại cục,… thì xem ra những người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam lại không cùng nếp nghĩ ấy.

https://3.bp.blogspot.com/-z6TEANKuaYc/W1tXqC1ZxpI/AAAAAAAAACE/fXvIkmYmfas5hkOq2YJbxWZga13rlQjnwCLcBGAs/s640/ap643612572919.jpg

Người Việt trong một cuộc biểu tình phản đối dàn khoan HD-981 (Trung Quốc) xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Dự Luật Đặc khu là một ví dụ. Người dân Sài Gòn đã xuống đường ‘hưởng ứng’ (người viết dùng từ ‘hưởng ứng’ với lý do được lý giải ở phần sau của bài viết) cuộc biểu tình phản đối dự Luật Đặc khu, vì cho rằng dự luật này chỉ nhằm hợp thức hóa tất cả những gì mà Trung Quốc đã và đang đầu tư tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Thế nhưng Bí thư Thành ủy TP.HCM lại nói rằng “Thành phố rút kinh nghiệm, không để xảy ra biểu tình”. Phát ngôn này của ông Nguyễn Thiện Nhân được báo chí ghi nhận hôm 24-7 tại buổi Thành ủy gặp gỡ lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu trên địa bàn thành phố.

Biểu tình là một quyền Hiến định. Việc ‘không để xảy ra biểu tình’ trong thời gian chờ đợi thông qua dự Luật Đặc khu, xem ra không ngoài lý do tránh mích lòng ‘ông bạn 16 chữ vàng – 4 tốt’. Báo Tuổi Trẻ là nơi thấm thía việc ủng hộ quyền biểu tình của người dân, để rồi sau đó phiên bản điện tử của Tuổi Trẻ đã bị bị buộc đình bản 90 ngày.

“Tôi nghĩ rằng ông Bí thư Thành ủy TP.HCM tuyên bố sẽ tìm mọi cách để Sài Gòn không xảy ra biểu tình là có ít nhất 2 nguyên do: thứ nhất, cuộc biểu tình hôm Chủ nhật 10-6, thực chất được diễn ra theo một kịch bản tính toán trước. Ai là đạo diễn? Thứ hai, đồng chí tốt giờ đây chỉ còn Trung Quốc, bởi Cuba có vẻ đang chuyển hướng”. Luật gia Nguyễn Lan Phương (Hội Luật gia TP.HCM) chia sẻ.

Nếu như năm 1999 phía Trung Quốc đưa ra 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, thì đến năm 2002, Bắc Kinh lại khái quát một phương châm nữa, gọi là “4 tốt” với Đảng Cộng sản Việt Nam: “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt”.

Theo luật gia Nguyễn Lan Phương, điều mơ hồ nhất trong những điều mơ hồ lần này chính là hai chữ “đồng chí”. Nó hàm ý một điều phi lý, là hai bên cùng chung ý thức hệ, cùng chung chí hướng. Nó làm quên mất một điều sơ đẳng nhất của chính trị quốc tế trong mọi thời đại: Giữa các quốc gia, ‘không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn’.

“Nếu vì lợi ích vĩnh viễn thì cần ủng hộ người dân biểu tình phản đối việc cho thuê đất 99 năm, vì tin chắc vùng Vân Đồn giáp Trung Quốc, nếu cho thuê đến gần thế kỷ như vậy, Vân Đồn sẽ là tô giới của Trung Quốc”. Luật gia Nguyễn Lan Phương nhìn nhận.

Hiểm họa Bắc thuộc

Thế nhưng nếu quốc gia thuê đất thời hạn 99 năm như đề xuất ở dự Luật Đặc khu là các tập đoàn thực sự của người Mỹ, Pháp, Đức… thì có lẽ người dân Việt sẽ vỗ tay ủng hộ. Lý do cũng không ngoài chuyện vì ghét Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên người Việt ghét luôn người Trung Quốc qua Việt Nam làm ăn.

Luật sư Trần Hồng Phong biện giải: Khoảng 10 năm lại đây (thời Tập Cận Bình), Trung Quốc đã nghĩ ra một “mưu kế” rất thâm hiểm là gợi ý cho một số quốc gia nghèo khó vay tiền, đồng thời “tư vấn” và bày vẽ ra những dự án/ đặc khu khổng lồ với số vốn đầu tư lên tới nhiều tỷ đô la (nhưng hoàn toàn không khả thi, thiếu hiệu quả kinh tế).

Sau đó, khi dự án thiếu tiền thì tiếp tục bơm tiền cho vay, mục đích là để “nuôi” cho số lỗ của dự án ngày càng lớn. Chờ đến khi quốc gia sở tại không còn khả năng trả nợ nữa, thì đưa ra yêu cầu phải giao đất đó cho Trung Quốc thuê, lên tới 99 năm. Mà đó toàn là những vị trí hiểm yếu, yết hầu của quốc gia đó. Đó là những trường hợp của Srilanka, Campuchia v.v. Sập bẫy một cách đau đớn, di hại đến nhiều thế hệ mai sau.

“Những kẻ độc tài bao giờ cũng tự cho mình là giỏi nhất, hảo hảo, là không thể thay thế và luôn luôn muốn người khác phải phục tùng mình. Thậm chí tin rằng mình “yêu nước, cống hiến” hơn những người khác! Thành quả mồ hôi, nước mắt của người dân thì cứ nói là do mình “lãnh đạo”, bóp méo sự thật. Nếu có ai nói không đúng ý mình, thì dù là nói đúng, sẽ rất không thích, tức giận. Thậm chí dùng những thủ đoạn nhỏ nhen, tàn ác để trả thù, chèn ép.

Và tất nhiên đã là độc tài thì sẽ không bao giờ muốn chia sẻ quyền lực cho người khác (dù cùng là người như nhau, chứ không phải là tiên thánh gì). Chính vì vậy, những người sáng suốt không bao giờ chơi với những kẻ xấu. Vì biết rằng không sớm thì muộn, kẻ xấu sẽ “thịt” mình mà thôi”. Luật sư Trần Hồng Phong kết luận.

Việt Nam giáp biên giới với Trung Quốc, và có quá nhiều vấn đề liên quan, tồn đọng (thậm chí là sự ràng buộc, bao gồm cả những “bí mật” mà chỉ một số ít cán bộ lãnh đạo cấp siêu cao của Đảng Cộng sản Việt Nam mới biết – và hy vọng đó không phải là những tin bất lợi cho đất nước), cho nên trong câu chuyện của những người yêu nước, biết quan tâm đến thời sự, chính trị và vận mệnh đất nước – đề tài Trung Quốc hầu như không thể thiếu.

Bài viết này chỉ là lát cắt nhỏ của câu chuyện “Vì sao người Việt ghét Đảng Cộng sản Trung Quốc?”.

T.T. – T.G.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Âm mưu thâm hiểm của Trung Cộng, Âm mưu Trung cộng. Bookmark the permalink.