Chính giới Mỹ và Anh lo cho tự do ngôn luận VN

Hôm 17/7, ba thượng nghị sỹ Hoa Kỳ, các ông Robert Menendez, Marco Rubio và Ron Wyden gửi thư cho hai tập đoàn Facebook và Google bày tỏ mối quan tâm về Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 6.

 

clip_image002

Giới chức Việt Nam cho biết sẽ mạnh tay xử lý ‘các nội dung xấu’ trên mạng xã hội. HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES

Được biết 17 dân biểu thuộc Hạ viện Liên bang Mỹ cũng đồng ký tên vào lá thư có nội dung tương tự, kêu gọi hai công ty nói trên chống lại những quy định của Luật An ninh mạng mà họ cho là chỉ trao thêm quyền lực cho các cơ quan đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến ở Việt Nam.

Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 17/7, dân biểu từ California ông Alan Lowenthal cho biết ông đồng ý viết thư này cho Facebook và Google vì thấy “lo lắng”.

Ông viết trong điện thư trả lời BBC:

“Đây rõ ràng là một phản ứng của một chính phủ lo sợ trước các cuộc biểu tình gần đây phản đối chính sách kinh tế và sự kiểm duyệt của chính phủ Việt Nam, cũng như các cuộc biểu tình lớn năm ngoái về thảm họa môi trường tại Formosa, và xem những cuộc biểu tình này như một mối đe dọa cho quyền lực của họ”.

Dân biểu Alan Lowenthal nhận định:

“Luật này không gì khác gì là một công cụ của thế kỷ 21 để chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp tự do ngôn luận và vận động chính trị ôn hòa của người dân Việt Nam.

“Tệ hơn nữa, nó làm cho các hãng công nghệ như Facebook và Google trở thành kẻ đồng lõa cho chính phủ Việt Nam qua việc buộc các công ty này phải xóa nội dung trong vòng 24 giờ kể từ khi có thông báo của các cơ quan an ninh Việt Nam”.

Cùng ngày 17/7, dân biểu Liên bang Chris Smith cho BBC biết:

“Chúng tôi khám phá ra Facebook đã chặn nội dung của một công dân Hoa Kỳ để tuân thủ yêu cầu của chính phủ Việt Nam – và chỉ sau khi bị thách thức, Facebook mới không khoá nội dung này nữa.

clip_image004

Từ trái: Lãnh đạo khối thiểu số Hạ viện, bà Nancy Pelosi, nghị sỹ Iraq Vian Dakhil nhận giải Nhân quyền 2016 và dân biểu Liên bang Mỹ Alan Lowenthal. ALEX WONG

“Việc kiểm duyệt nội dung của công dân Hoa Kỳ là không thể chấp nhận được, nhưng các nhà báo hay blogger Việt Nam không được ai bảo vệ – nếu nội dung của họ bị xâm phạm, họ sẽ vào tù. 22 blogger Việt Nam đã đi tù trong năm qua”.

Theo ông Chris Smith thì “các công ty như Google và Facebook có sức hấp dẫn lớn ở Việt Nam. Họ do đó có cả cơ hội và nghĩa vụ đạo đức phải thúc đẩy tự do ngôn luận và các quyền con người khác ở đất nước này”.

“Họ còn có trách nhiệm đẩy lùi giới hạn quyền tự do đó theo luật an ninh mạng mới. Chúng tôi sẽ kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ hỗ trợ cho các công ty trong nghĩa vụ này, đặc biệt khi việc kiểm duyệt và yêu cầu nội địa hóa dữ liệu là một rào cản thương mại và tạo những mối quan tâm sâu xa về nhân quyền”.

Trong thư gửi Facebook và Google, các vị dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đưa ra những yêu cầu chính, gồm:

Không lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam, vì làm như vậy có nghĩa là các dữ liệu này có thể bị Bộ Công an thu giữ bất cứ lúc nào;

Thiết lập các nguyên tắc minh bạch liên quan đến việc xóa nội dung, và không xóa nội dung chỉ vì nhà nước Việt Nam yêu cầu;

Nhanh chóng công bố số lượng yêu cầu xóa nội dung từ cầm quyền Việt Nam, và số lần mà công ty tuân thủ các yêu cầu này;

Cho hai Ủy ban Đối ngoại của Hạ Viện, Thượng viện và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ biết nội dung của các yêu cầu đến từ các giới chức Việt Nam, và chỉ ra những yêu cầu nào đã được tuân thủ, để Quốc hội và Hành pháp Hoa Kỳ biết rõ những ai đang bị chính quyền Việt Nam nhắm vào và tại sao.

clip_image006

Chính phủ Anh lo ngại về tự do biểu đạt ở VN

Báo cáo về Nhân quyền và Dân chủ năm 2017, do Bộ Ngoại giao Anh công bố hôm 16/7, nêu lên những lo ngại về tình trạng giam giữ các blogger, các nhà bảo vệ nhân quyền và việc thiếu không gian thích hợp cho các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam.

“Ở Việt Nam, chính quyền tiếp tục bỏ tù nhiều blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền, thường là với án tù dài hạn,” báo cáo của chính phủ Anh viết.

“Năm 2017 chứng kiến một số quốc gia đưa ra các điều luật hạn chế hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, hạn chế việc thách thức chính quyền và tự do ngôn luận.

“Chẳng hạn, chính quyền Việt Nam tiếp tục dùng các quá trình cấp phép kéo dài và quan liêu để làm chậm, và trong một số trường hợp, từ chối các dự án của các tổ chức NGO (phi chính phủ) được coi là nhạy cảm,” vẫn theo báo cáo thường niên này của chính phủ Anh.

Hợp tác với nhà nước

Luật An ninh mạng, có hiệu lực vào 1/1/2019 sau khi Quốc hội thông qua vào tháng 6/2018, yêu cầu các công ty nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu và mở văn phòng tại Việt Nam, theo Bloomberg.

Điều này đặt ra một vấn đề khó khăn cho các công ty này.

“Nếu họ tuân thủ luật (của Việt Nam), họ sẽ vi phạm các điều khoản về cung cấp dịch vụ của chính mình trong bảo vệ quyền riêng tư của người dùng”, Tim Bajarin, Giám đốc Creative Strategies Inc được Bloomberg trích lời.

Cũng liên quan đến chủ đề này, trả lời BBC News Tiếng Việt tại Hà Nội mới đây, Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh, nói Luật An ninh mạng là để “bảo vệ lợi ích của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước”.

Ông Nguyễn Thanh Hồng nói kể cả khi chưa có luật này, Google hay Facebook đã “cộng tác với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, cung cấp những thông tin liên quan đến một số cá nhân sử dụng không gian mạng mà vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Đây là chủ đề tiếp tục gây nhiều tranh cãi, thậm chí góp phần gây ra các cuộc biểu tình lớn ở Việt Nam thời gian qua.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-44874838

This entry was posted in Formosa, Luật An ninh mạng. Bookmark the permalink.