Ánh Liên
Hà Giang trở thành điểm nóng sau kỳ thi THPT quốc gia, lý gia vì phổ điểm cao bất thường của tỉnh này. Căn cứ vào phổ điểm, Hà Giang có thể ‘tự hào’ vì đã vượt qua các vùng đất học khác như Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Ninh Bình, và Hà Nội. Tuy nhiên, báo chí lên tiếng, thí sinh thi bức xúc, Thanh tra Bộ GD-ĐT vào cuộc cho thấy vấn đề ở khía cạnh khác.
Đầu tiên, điểm cao bất thường tại Hà Giang bị nghi ngờ là tiêu cực, bởi lẽ sự đột biến và bất thường về phổ điểm các môn ở tỉnh này. Facebooker Đỗ Ngọc Hà – Là một giáo viên tại tỉnh Hà Giang cũng phẫn nộ cho biết, ông chưa chứng kiến điều lạ lùng đến thế, nhất là khi điểm thi cho biết lượng học sinh đạt từ 8-9 điểm và từ 9-10 điểm môn Lý và môn Toán là ngang nhau.
Chính vì vậy, điểm cao giờ đây trở thành một yếu tố bị kỳ thị lẫn bức xúc hơn là một niềm tự hào của nhóm học sinh học được ở tỉnh Hà Giang, nó nhắc lại câu chuyện cách đây gần 6 năm về trước (2012), tại trường THPTDL Đồi Ngô (Bắc Giang) vì gian lận tốt nghiệp, dẫn đến quyết định xử lý kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên liên quan. Điều này có nghĩa là gì? Đó là sau 6 năm hết mình tuyên truyền về sự cải cách, cũng như làm mọi sức để thuyết phục người dân về tính hiệu quả và công bằng của kỳ thi hợp nhất, thì nay, Bộ GD-ĐT cũng đành bất lực trước tệ nạn tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.
Việc ông Vũ Văn Sử – Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang trả lời báo chí là ‘chưa phát hiện tiêu cực’ nó không khác gì với cách phân trần rằng, ‘tiêu cực chỉ là cá biệt, kết quả tốt nghiệp là thực chất’ của Phó bí thư tỉnh Bắc Giang 6 năm về trước nhằm chống chế tiêu cực ở Đồi Ngô. Tức ngay cả khi tiêu cực được phát lộ, thì hiện tượng bao che, giấu diếm, không nhìn thẳng vào sự thật vẫn diễn ra trước mắt. Và thực tế, trong một phản ánh mới nhất đến từ báo Dân Trí, đã có ít nhất 98 trường hợp bị can thiệp làm sai lệch kết quả thực, dung sai bị sửa cao nhất lên đến 8,75 điểm.
Facebooker Trần Cường chia sẻ cho hay: Một vài cá nhân ăn chơi nhảy múa thì điểm cao, còn những người đi thi Học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia thì điểm kém hơn. Những cá nhân tiêu cực được nhắc đến là những người đã có ô tô đi đến tận sân trường…
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang ‘chưa phát hiện ra tiêu cực’ liên quan tới việc điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại địa phương dù phổ điểm cao bất thường.
Thứ hai, kỳ thi gọp này vô tình tạo ra sức ép cho chính những học sinh học thực, nhưng đồng thời thả cửa cho những học sinh học yếu kém nhưng nhà có tiềm lực. Việc em P.H. – học sinh trường THPT chuyên Hà Giang – đạt gần 28 điểm khối thi A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) mặc dù kết quả học tập thường ngày đứng cuối lớp là một ví dụ cơ bản về sự chi phối của đồng tiền trong học vấn. Ngay cả khi vẫn đề tiêu cực bị phát lộ trên báo chí, thì em đã lên tiếng và cho rằng, ‘phần lớn đề thi và suy luận, hỏi ý kiến bạn cùng phòng’. Như vậy, chỉ với việc em ‘hỏi ý kiến bạn cùng phòng’ phần nào cũng cho thấy mức độ cởi mở của phòng thi tỉnh Hà Giang cũng như tính quy phạm quy chế của chính bản thân em. Thậm chí, nhiều học sinh tại Hà Giang cho biết, đã có tiêu cực ở khâu chấm thi từ năm ngoái, tuy nhiên vì năm ngoái phổ điểm các tỉnh cao như nhau nên không bị lộ,… Số tiền chi ra cho điểm là vài trăm triệu/ 1 môn.
Thứ ba, những em có điểm số cao đều có nguyện vọng vào trường đào tạo lực lượng vũ trang (công an, quân đội). Những năm gần đây, ngành học liên quan đến cảnh sát và quân đội trở thành top thu hút học sinh, đây là điều dễ hiểu khi lương và phúc lợi dành cho đối tượng này khá cao. Việc bãi bỏ sự phân tách kỳ thi, đưa về địa phương cũng đồng thời mở rộng cơ hội vào khối trường này cho các gia đình có tiềm lực. Việc chạy điểm vào trường vũ trang không phải vì thế mà thiếu cơ sở. Tệ nạn chạy điểm vào các trường đào tạo lực lượng vũ trang về lâu dài sẽ đào tạo ra những con người vừa thiếu tài, vừa thiếu đức,… Nói cách khác, đặt trong việc chạy điểm để vào trường quân đội, thì lực lượng tương lai này sẽ gián tiếp làm suy yếu khả năng của quân đội để chống lại 1 cuộc chiến tranh hiện đại trong tương lai.
Rõ ràng, càng cải cách càng thấy loạn, sự kiện bất thường tại Hà Giang cho thấy nỗ lực giáo dục đào tạo người tài và đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học trong những năm qua rơi vào bế tắc. Ít nhất là trong khâu kiểm soát đầu vào sinh viên và đầu ra của học sinh THPT có phần phá sản trước nạn ‘tiêu cực và thành tích trong giáo dục’. Vấn đề là những người trong Bộ GD-ĐT không nhận ra, hoặc nhận ra nhưng giá trị của mục tiêu giáo dục nằm thứ yếu so với mục tiêu cải cách nhằm thu lợi, bởi sau mỗi cuộc cải cách, thì các đề án mà Bộ GD-ĐT đưa ra thường phình to về mặt ngân sách đến mức khiến cho dư luận phát hoảng.
Facebooker Hà Trang trong một bình luận có liên quan đến tiêu cực này đã cho biết: Tiêu cực này gạo nấu thành cơm rồi, cũng dấy lên được một thời gian rồi lại xẹp. Đến bác sở bác còn kêu cái này tôi chưa biết, tôi xin từ chối câu hỏi này thì chúng cháu cũng chịu rôi. Ăn dây từ đầu lõ trở xuống.
Điều đó cho thấy rằng, mảng giáo dục tại Việt nam vẫn bết bát, ít nhiều vẫn bị chi phối bởi nguyên tắc: tiền tài là nguyên khí quốc gia.
A.L.
VNTB gửi BVN