Trúc Giang
Có nhận xét rằng: trong cơ chế lãnh đạo quản lý đất nước theo kiểu độc đảng toàn trị hiện nay thì bất cứ người nào trong bộ máy cũng đều có thể đi đến chỗ tha hóa. Chức càng cao thì tha hóa càng mạnh. Hãy xem như ông Nguyễn Thiện Nhân, ông vốn là con nhà tử tế (cha ông là GS Bác sỹ Nguyễn Thiện Thành); bản thân ông trước đây thuộc về một số ít trong giới quan chức cao cấp được dư luận nhìn nhận là “sạch”; ông chưa có điều tiếng gì về chuyện tham ô tham nhũng. Ông lại là người có thực hàm thực học, là quan chức rất ít trong Bộ Chính trị có khả năng nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài mà không cần phiên dịch.
Khi được đưa từ một cấp phó ở thành phố HCM (mà thời đó quyền hành của ông hầu như chẳng có gì vì bị sếp kề cận trên ông quá lấn lướt), ra trung ương làm Bộ trưởng và được đưa vào tới Bộ Chính trị thì nhiều người đã kỳ vọng ông sẽ là nhân tố “đưa trí tuệ vào Bộ Chính trị”.
Thế mà, dường như trên cương vị nào ông cũng đều tỏ ra mờ nhạt, chẳng thể hiện được chút gì gọi là “bản lĩnh” hay “trí tuệ”. Làm Bộ trưởng Giáo dục, ông chẳng những không khắc phục nổi căn bệnh giả thành tích, ông cũng không thực hiện được bất cứ lời hứa nào với học sinh, sinh viên và giáo viên; làm Chủ tịch Măt trận Tổ quốc, ông không đưa ra được bất kì một ý kiến phản biện nào đáng kể (mặc dù theo lý thuyết thì Mặt trận có nhiêm vụ “giám sát và phản biện xã hội”)…
Rồi ông được đưa về làm Bí thư thành Hồ thế chân Đinh La Thăng. Ở đây, từ một Thiện Nhân, ông đã trở thành một… “Ác Nhân”, ví dụ rõ nhất là, vào tháng 6 vừa rồi, ông đã chủ trương (hay đồng lõa?) việc công an thành phố của ông tiến hành một chiến dịch bắt bớ, tra tấn, đánh đập người dân vô tội (còn ác độc, dã man hơn cả thời Đinh La Thăng), mà những con người ấy chẳng dính dáng gì đến biểu tình.
Chưa hết, trong khi hứa hẹn, thương cảm đến rưng rưng nước mắt với người dân mất nhà mất đất khốn khổ ở Thủ Thiêm, thì ông đã lại đưa ra chủ trương sẽ bán 26.000 ha đất nông nghiệp để thu 1,5 triệu tỷ đồng. Với ý tưởng này, chắc chắn ông laị sẽ gây ra một vụ Thủ Thiêm nữa không hề kém, vì 26.000 ha đất nông nghiệp kia đâu phải là đất hoang vô chủ?
Nực cười hơn nữa, chỉ cách nay vài hôm, ông đã phát biểu: “Muốn giảm ngập (ở TH HCM) thì dân đừng xả rác”. Ôi, nói vậy thì còn gì gọi là “trí tuệ” của con người đầy mình bằng cấp xịn nữa đây?…
Nói ông Nguyễn Thiện Nhân đến như trên thì thật là quá nặng, phải không ạ? Có điều, cũng chăng phải vì thù hận riêng tư gì với ông. Chỉ không may ở chỗ, phải mượn chuyện của ông, mà cũng chỉ có chuyện về ông mới thể hiện thật rõ vấn đề một người vốn hiền lương, có học thức đã tha hóa như thế nào dưới chính thể, chế độ này. Và chúng tôi cũng đã hình dung trước rằng, giả như ông Nhân mà đọc được những dòng trên đây, thể nào ông cũng vô cùng bức xúc. Có thể ông sẽ đập bàn đập ghế mà thét lên: “ Ai cho tôi (hoặc tao) lương thiện? Ai cho tôi được sử dụng trí tuệ? Hả???”
Bauxite Việt Nam
8g sáng Thứ bảy 7/7/2018, sau khi làm lễ truy điệu, đông đảo thân hữu cùng tang quyến đã tiễn đưa nhà báo Hạ Đình Nguyên về cõi vĩnh hằng trong sự canh gác nghiêm túc của… lực lượng an ninh địa phương.
Dăm câu chuyện ghi nhận từ các đồng nghiệp, thân hữu đến viếng nhà báo Hạ Đình Nguyên:
* Nhà báo Nguyễn Khắc Nhượng, cựu Tổng thư ký báo Thanh niên: Có người hỏi, ‘tại sao lại phải canh gác vậy? Họ sợ Hạ Đình Nguyên sống lại à?’ Tôi không hiểu tại sao. Có thể đó là nghi thức “quốc táng” dành cho những người yêu nước như anh Hạ Đình Nguyên chăng?
Mà thôi, dẫu gì thì như lời của người đứng đầu Chính phủ phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững 2018, chiều 5/7 rồi. Ngài Thủ tướng đã nói đại ý rằng, ‘Việt Nam tuy thu nhập thấp hơn nhiều nước nhưng được đánh giá là quốc gia có Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương’.
Ảnh minh họa. Ảnh: VNTB
Tôi có quen một bác đạp xích lô ở TP.HCM đã trọng tuổi. Cứ sau 5 giờ chiều, khi vô xong một xị rượu đế là bác đẩy xe vào sát hè phố, nằm tréo cẳng trên xe, lim dim mắt rất ư hạnh phúc, nhất quyết không đạp thêm cuốc xe nào nữa dù có khách đến gọi. Bác ngủ qua đêm trên chiếc xe xích lô của mình, không cần giường chiếu nhà cửa từ năm này đến năm khác, với sự mãn nguyện tuyệt đối qua xị rượu đế vào mỗi chiều. Rất tiếc tổ chức quốc tế nào đó khi đến Việt Nam để điều tra về mức độ hạnh phúc đã không gặp bác phu xích lô này, nếu gặp bác ắt họ đã xếp người Việt ta vào vị trí “đệ nhất hạnh phúc thế gian” rồi!
* Nhà báo Ngô Kim Hoa: Hôm làm lễ đưa tang anh Hạ Đình Nguyên, Câu lạc bộ (CLB) Phan Tây Hồ Đà Lạt có gửi vòng hoa đến phúng viếng, nhưng đã bị chặn ngay đầu ngõ cướp băng tang và xé vòng hoa.
Cũng có người đến đám tang, CLB tặng cuốn sách ‘Hãy ngồi xuống đây’ của anh Hạ Đình Nguyên nhưng khi ra đường đến ngã ba thì bị chặn lại xét và lấy mất.
Những trò này không lạ đối với những người đấu tranh cho dân chủ, đám tang luật gia Lê Hiếu Đằng hay nhà văn Bùi Ngọc Tấn… đều có tình trạng này. Đến nỗi sau này rút kinh nghiệm, để vòng hoa trót lọt có băng tang, thì những tổ chức hay cá nhân thường làm 2 băng tang, nếu bị cướp thì còn băng kia và vô đến nơi mới cài băng phúng điếu lên. CLB Phan Tây Hồ chưa có kinh nghiệm.
Tưởng ông Nguyễn Thiện Nhân về thành Hồ thì ít ra những việc làm táng tận lương tâm này sẽ không còn xảy ra… nhưng tiếc thay,… không có gì thay đổi.
* Nhà báo Thảo Vy, cựu Trưởng ban Chính trị tạp chí Tiếp thị Việt Nam: Tôi nhớ một lần hướng dẫn sinh viên thực tập báo chí. Nhóm các em này có kể về việc đã đăng ký làm đề tài “Văn chương ở đô thị miền Nam trước 1975”. Một trong những nguyên nhân khiến các em làm là… anh Hạ Đình Nguyên. Số là trong một chia sẻ nào đó với cánh nhà báo là dân hoạt động Thành đoàn Sài Gòn, anh Nguyên có nói rằng dường như người ta cố tình lãng quên dòng văn chương trong giới sinh viên Sài Gòn trước 1975.
Tuy nhiên khi các em này đăng ký đề tài thì thầy Trưởng khoa từ chối xét duyệt vì lý do… nhạy cảm chính trị. Một thầy cựu Trưởng khoa khác thì ủng hộ, nhưng lại không đủ thẩm quyền… Về sau, em Trưởng nhóm là chủ đề tài này trong dịp tình cờ gặp anh Hạ Đình Nguyên, em ấy có tâm sự và anh Hạ Đình Nguyên nhiệt tình cho số điện thoại của anh 090.373.52.. và hẹn gặp gỡ để giúp em này tìm hiểu thêm về “Văn chương ở đô thị miền Nam trước 1975”, với tư cách là người trong cuộc.
Mọi việc dừng lại ở đó. Đề tài của nhóm sinh viên dang dở. Em sinh viên ngày nào giờ là một phóng viên truyền hình nước ngoài. Em có nhờ tôi đến thắp nén nhang vì em đang công tác xa.
Nhìn những viên an ninh đã căng thẳng tại tang lễ anh Hạ Đình Nguyên, tôi cảm thấy chua xót trước câu nói, “Hy vọng vào thế hệ hôm nay, khi họ tìm hiểu lại một giai đoạn của thời chúng tôi và nhắc nhớ về văn chương được viết bằng chính sinh mạng của tác giả” của những người cùng thời với anh Hạ Đình Nguyên tại đô thị miền Nam trước 1975.
Chợt nhớ tới câu chuyện kể hôm chiều 7/7 của nhà báo Lưu Trọng Văn khi anh tường thuật “Hội thảo về chữ quốc ngữ” đang diễn ra tại Bồ Đào Nha, trong đó có đoạn: “Giáo sư Fernado De La Vieter Nodre từng là ứng cử viên Tổng thống Bồ Đào Nha đã nói: “Chúng tôi học ở người Việt Nam phẩm chất nhớ ơn”.
Xem ra nhiều người cộng sản hôm nay đã lãng quên quá khứ, và dường như uống nước cũng quên mất nguồn cội.
T.G
VNTB gửi BVN