Thư giãn Chủ nhật
Tôi thấy post này của GS Phạm Thế Long mà không tin nổi (dù đó là sự thật):
“Một số đại học khối kinh tế-tài chính đang rục rịch bỏ môn Toán cao cấp khỏi chương trình đào tạo. Cái này đáng bàn nhiều hơn mấy đề thi THPT đấy!
PS: Học viện Ngân hàng đã chính thức hoá việc này từ năm học tới!”
Tại sao lại đến nông nỗi này? Chẳng nhẽ ở Việt Nam kinh tế không cần đến toán? Thế thì “hội nhập thế giới” ở chỗ nào?
Xin nhắc lại một chút:
Toán học và kinh tế luôn gắn liền với nhau trên thế giới. Keynes cũng là một nhà toán học, từng là tác giả của giáo trình về xác suất thống kê. Nếu đếm các giải thưởng Nobel về kinh tế gần đây thì hầu hết là cho các công trình rất nặng về mô hình toán học. Ngay ông Jean Tirole ở xứ Toulouse được giải Nobel kinh tế rất gần đây cũng là nhờ các công trình dựa trên game theory, là một chuyên ngành kinh tế do các nhà toán học phát triển lên từ thời John von Neumann. Con tôi ở Pháp học đại học ngành kinh tế, đã học hết 2 năm đầu cũng phải học rất nhiều toán, và khi thi lên đại học năm thứ 3 để vào “ENS Paris-Saclay” (trường sư phạm cao cấp, là một trong những trường elite của chính phủ, học ở đó được nhận học bổng mỗi tháng 1300E) thì môn toán cao cấp cùng là một trong những môn thi chính. Các ngành ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm ngày nay càng ngày cũng càng dùng nhiều toán cao cấp mô tả và xử lý các quá trình ngẫu nhiên. Bản thân tôi từng đem tiền về Việt Nam tổ chức các trường học hội thảo về kinh tế/tài chính cho sinh viên, mời các chuyên gia hàng đầu quốc tế như Paul Embrechts giảng bài, cũng rất nhiều toán trong đó, mà là toán cao cấp thật sự chứ không phải “chỉ có cộng trừ nhân chia”.
Rất là dễ hiểu vì sao toán và kinh tế rất gần với nhau, nếu hiểu cho đúng bản chất của cả hai thứ: Toán học là khoa học về tất cả các mô hình trừu tượng. Kinh tế cũng là khoa học về các mô hình, về … kinh tế. Tóm lại, cả hai đều là về các mô hình, toán học thì tổng quát, kinh tế thì cụ thể hóa. Việc áp dụng toán vào kinh tế do đó rất hiển nhiên: muốn biểu diễn được tốt các thứ thì cần phải có mô hình tốt đủ tinh tế, mà đã nói đến mô hình tức là nói đến toán học.
Vậy thì tại sao ở Việt Nam lại đi ngược lại thế giới, đi ngược lại chân lý đơn giản trên.
Theo tôi hình dung, bản thân các khoa học kinh tế và toán học không có tội. Tội nằm tại hệ thống giáo dục đã bóp méo các khoa học đó trong thời gian quá lâu ở Việt Nam, khiến chúng xa rời nhau:
– Kinh tế thì bị bóp méo đi thành lý luận suông kiểu cổ lỗ, mà không hội nhập theo các mô hình tinh tế hơn. Nhiều giảng viên kinh tế, kể cả ngài Bộ trưởng Bộ dục đạo văn, cũng từ “lý luận Mác Lê” mà ra, rất kém về logic toán học, nên họ sợ toán, phủ nhận toán.
– Toán học thì bị béo méo thành một đống hổ lốn hình thức giáo điều vô nghĩa (cứ nhìn kỳ thi THPT toán thì biết), người học chỉ học như con vẹt mà không thấy đâu ý nghĩa của từng khái niệm toán học, không hiểu nó là mô hình của cái gì hết, thế nên có học đến mấy kiểu như vậy cũng không áp dụng toán được vào đâu, để rồi kết luận là toán vô dụng.
Cả hai vấn đề trên đều nan giải, trong một nền giáo dục hình thức, giáo điều, đạo văn, giả dối, suy đồi.