“Tại sao chị được quyền hỏi hỏi tôi về việc ấy?”

Nguyễn Tường Thụy

Buổi trưa hôm nay 15/6/2018, trên mạng xã hội facebook có chương trình phát trực tiếp chất vấn các đại biểu Quốc hội đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Thực hiện chương trình là chị Nguyễn Thị Tâm, dân oan Dương Nội (quận Hà Đông) và cộng sự.

https://2.bp.blogspot.com/--7Gj4MvF0nY/WyUzzPYoMkI/AAAAAAAAEiw/PLtfSNlMujwkeuuiQnXkL0G6LowmFTtKQCLcBGAs/s640/AV.JPG

Đây là một chương trình rất đặc biệt, một hình thức thực hiện quyền giám sát của cử tri đối với các đại biểu Quốc hội rất độc đáo. Trong thời gian phát có tới 7000 người theo dõi. Cho đến lúc này, tức 7 giờ sau, chương trình đã có 7057 chia sẻ, 5000 like.

Câu hỏi đặt ra cho các đại biểu Quốc hội rất đơn giản: Ngày 12/6/2018, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng, đại biểu bấm nút chấp thuận hay phản đối?

Đơn giản vậy nhưng xem ra lại là câu hỏi rất khó đối với các đại biểu Quốc hội. Chương trình gọi điện thoại tới 20/30 đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội. Có 10 đại biểu chưa tìm ra số điện thoại.

Kết quả nhận được như sau:

1. Đại biểu Nguyễn Doãn Anh: máy bận. Cuối chương trình gọi lại thì trả lời muốn hỏi thì đến cơ quan tôi làm việc để tôi trả lời. Nhưng hỏi địa chỉ cơ quan ở đâu thì… tắt máy.

2. ĐB Dương Minh Ánh: Nghe xong câu hỏi thì tắt gọi lại không được.

3. ĐB Nguyễn Quốc Bình: không liên lạc được.

4. ĐB Nguyễn Chiến (Trưởng đoàn Luật sư Hà Nội): tìm được 2 số. Số máy thứ nhất không liên lạc được. Gọi số thứ 2 có bắt máy nhưng nghe câu hỏi thì tắt máy.

5. ĐB Nguyễn Hữu Chính (Chánh án Tòa án HN): Có chuông nhưng không bắt máy.

6. ĐB Nguyễn Văn Cường: nói không muốn trả lời qua điện thoại, mời đến gặp trực tiếp.

7. ĐB Nguyễn Văn Được: không liên lạc được.

8. ĐB Đỗ Đức Hồng Hà: sau khi nghe câu hỏi thì để nguyên máy. Chờ 2’30” không trả lời.

9. ĐB Đào Thanh Hải: không liên lạc được.

10. ĐB Ngọ Duy Hiếu: nói hôm 12/6 đi công tác.

11 ĐB Trần Thị Phương Hoa: vặn lại: “Tại sao chị được quyền hỏi hỏi tôi về việc ấy” rồi tắt máy.

Sau đó đại biểu này gọi lại, nói tôi theo số đông, khi bị hỏi riết thì thừa nhận bỏ phiếu thuận

(câu chuyện với đại biểu này có riêng 1 video, mời bạn đọc xem video thứ 2)

12. ĐB Trần Thị Quốc Khánh: trả lời lòng vòng. Khi chương trình yêu cầu trả lời thẳng vào câu hỏi thì nói tôi không thể trả lời câu hỏi này.

13. ĐB Nguyễn Thị Lan: nghe xong câu hỏi thì tắt máy.

14. ĐB Vũ Thị Lưu Mai: trả lời không đồng ý (tức bỏ phiếu chống).

15. ĐB Bùi Huyền Mai: nghe xong câu hỏi, nói tôi đang họp rồi tắt máy.

16. ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc: nghe xong câu hỏi đột ngột tắt máy.

17. ĐB Lê Quân không bắt máy. Cuối chương trình gọi lại vào số thứ 2, nói không tiện trả lời, tắt máy.

18. ĐB Nguyễn Văn Thắng: nói nhầm số.

19. ĐB Dương Quang Thành: không bắt máy.

20. ĐB Nguyễn Anh Chí: không bắt máy. Gọi lại thì nói giọng rất gay gắt

Như vậy, trừ đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói bỏ phiếu chống, 1 người vắng mặt hôm bỏ phiếu, 3 người không liên lạc được, 1 người nhầm số, còn lại 15 người (75%) hoặc là tỏ ra khó chịu, hoặc là lẩn tránh, thái độ coi thường cử tri.

Qua buổi chất vấn này, cho thấy các đại biểu Quốc hội không nhận thấy trách nhiệm của mình là đại diện cho dân, vào được Quốc hội rồi tự coi mình là tầng lớp khác, trên dân, coi thường dân.

Đã có nhiều nhận xét không thiện cảm về Quốc hội Việt nam, gọi những đại biểu QH Việt Nam là nghị gật.

Buổi phát trực tiếp này cho thấy, những lời nhận xét về Quốc hội VN chẳng còn là lời đồn, không ưa thì nói xấu nữa. Nó phản ảnh đúng tư cách, nhân cách, tri thức, trình độ văn hóa, tâm huyết của mỗi đại biểu. Đó là một sự thật cay đắng và đau xót cho cử tri VN. Đất nước rồi sẽ còn đi đến đâu khi vận mệnh được trao cho những đại biểu Quốc hội như thế này?

Chương trình trực tiếp hôm nay, nhiều người nhận xét là chương trình Live Stream hay nhất. Chương trình không chỉ đơn thuần là chuyện chất vấn 20 đại biểu Quốc hội xem ai bỏ phiếu thuận, ai bỏ phiếu chống một đạo luật. Ý nghĩa của nó là người dân, cử tri phải biết quyền của mình và sử dụng nó ra sao. Đại biểu Quốc hội hay những lãnh đạo không phải là cái gì cao siêu, cấu tạo khác thường mà người dân không dám động đến. Chỉ khi nào lãnh đạo, nghị sĩ biết sợ dân như ở các nước dân chủ thì lúc ấy xã hội mới bình thường. Khi đó, những lời rêu rao dân chủ, tự do, hạnh phúc là những điều mặc nhiên, chứ không cần trương lên trên các khẩu hiệu hay ra rả phát ở các đài phát thanh, nhan nhản trên báo chí.

N.T.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in quốc hội, Ý dân. Bookmark the permalink.