Câu 1. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề thành lập đặc khu kinh tế tại Việt Nam?
Trả lời: Khái niệm đặc khu kinh tế VN, thực ra không phải là mới, nhưng vẫn có tác dụng lôi kéo của nó nếu làm đúng, chọn đúng, thể chế đúng. Cách đây 20 năm, khi Hồng Công sát nhập lại Trung Quốc, giới đầu tư Hồng Công rất hoang mang muốn tìm nơi thay thế. Lúc đó, đã có một số chuyên gia tham mưu cho Chính phủ lập đặc khu kinh tế cho VN nhưng bị rào cản về an ninh.
Đặc khu kinh tế là mô hình thu hút đầu tư nước ngoài có hiệu quả ở các nước chưa có nền kinh tế thị trường, thiếu khả năng quản lý, thiếu vốn đầu tư, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt thiếu khả năng phát triển các công nghệ sản xuất tiên tiến có khả năng cạnh tranh lớn (về công nghệ) trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các ưu thế của mô hình đặc khu kinh tế chỉ thích hợp phát huy tác dụng ở các nước có cơ chế quản lý hành chính bao cấp như các nước XHCN ở thời kỳ những năm 1980 với các nhà đầu tư có nền sản xuất tiên tiến vượt trội như Mỹ, Nhật mà thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Ngày nay, mô hình đặc khu kinh tế ít phát huy tác dụng vì các hình thức đầu tư FDI từ nhiều nước mới công nghiệp hóa (Trung Quốc, Nhật, Hàn, Singapore…) phát triển phổ biến và linh hoạt hơn, hơn nữa thị trường tiêu thụ hiện nay có sự cạnh tranh mạnh rất cần sự thay đổi công nghệ nhanh (Ví dụ hãng sản xuất điện thoại di động Nokia trước đây chiếm lĩnh thị trường lớn đã sơ xuất trong phát triển công nghệ liền bị phá sản bởi các hãng Samsung, Aple, Oppo…). Công nghệ in ảnh hóa chất biến mất do ảnh số… Vì vậy, trong bối cảnh biến động chính trị phức tạp hiện nay không thể bảo đảm rằng các nhà đầu tư vào đặc khu kinh tế hiện tại đang có uy tín có khả năng phát huy, duy trì đầu tư và phát triển lâu dài nên nhiều nhà kinh tế cho rằng lập đặc khu kinh tế hiện nay là không còn thích hợp.
Chuẩn bị dự luật đặc khu kinh tế VN chưa kỹ và các lý lẽ thiếu cơ sở khoa học và đặc biệt mâu thuẫn với thực tiễn. Chưa thấy luật có chế tài nào về công nghệ. Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân lại viện dẫn Bộ Chính trị đã quyết rồi thì Quốc hội phải làm luật là vi hiến, vì theo Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Thậm chí, ông Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” thì quả là nguy hiểm, vì không thể thử nghiệm cả vận mệnh quốc gia. Các bài học về chủ trương đầu tư trả giá quá đắt ở Dung Quất, Văn Phong, Bauxite Tây Nguyên, Nhân Hội, Chân Mây, Phú Yên, v.v. chưa đủ rút kinh nghiệm hay sao? Đừng nghĩ Tàu “dò đá qua sông” mà mình bắt chước vừa làm, vừa sửa. Hiện nay, ta không có cơ chế kiểm soát quyền lực. Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng liệu có quyền vào đặc khu kinh tế không, khi thị trường toàn bộ là chế độ tô giới? Đấy mới chính là những vấn đề cần cân nhắc bổ sung trước khi quyết định. Vụ Formosa có thời hạn 50 năm nhưng “úm ba la” thành 70 năm bây giờ vẫn cãi nhau vượt thẩm quyền Thủ tướng hay hay chính Thủ tướng cho phép.
Câu 2. Theo Điều 33 của dự thảo luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, Chủ tịch đặc khu được cho người nước ngoài thuê đất 70 năm và đặc biệt 99 năm nếu được Thủ tướng đồng ý. Bên cạnh đó, giá cho thuê biển của Việt Nam hiện cũng rất thấp, khoảng 7 triệu đồng/ha năm. Khi hình thành 3 đặc khu kinh tế như dự thảo luật, nếu không điều chỉnh sẽ thất thu và mất biển vì có thể hiểu là được khai thác cả mặt biển, cột nước và đáy biển. Quan điểm của ông về vấn đề này là gì?
Trả lời: Nếu đặc khu kinh tế chủ trương thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao thì họ không cần phải ưu đãi cho thuê đất dài hạn đến 70 năm. Chỉ những người có ý đồ “lấy đất, di dân” mới đòi hỏi đến 99 năm.
Đặc khu kinh tế là để dẫn dắt nền kinh tế đi lên hiện đại, mà không thấy nói công nghệ cao, đào tạo nhân lực… mà lại nói địa ốc, casino! Nếu không có chiến lược, tính toán cụ thể, không có phản biện thẩm định khoa học khách quan thì là cơ hội cho các quan tham, các “Vũ Nhôm, Út trọc” thâu tóm hết đất đai cấu kết với các nhà đầu tư phương Bắc để lại gánh nợ cho dân, cho nước.
Thuế thuê biển VN rất thấp 7 triệu đồng/ha năm, khi thành đặc khu kinh tế nếu không điều chỉnh sẽ thất thu và mất biển vì có thể hiểu là được khai thác cả mặt biển, cột nước và đáy biển. Ta mới nghĩ đặc thù ưu tiên này nọ ở diện hẹp nhưng khi giải quyết nó lại phải nhìn tổng thể. Việt Nam chưa đủ trí lực và mắc căn bệnh tư duy đến đâu, làm đến đó.
Với cơ chế quản lý nhà nước thiếu chế tài minh bạch trong luật đất đai của Việt Nam hiện nay không đủ khả năng giải quyết tranh chấp và hậu quả mâu thuẫn trong chuyển đổi và sử dụng đất đai (các vụ kiện xung đột kéo dài giữa Doanh nghiệp và dân ở Hà Đông, ở Đồng Tâm (Hà Nội), tại Đà Nẵng, Thủ Thiêm (Tp HCM), và nhiều nơi khác chứng tỏ Luật đất đai với điều 62 cho thuê đất 50 năm vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập làm phát sinh những vấn đề trầm trọng về kinh tế, ổn định chính trị,… chưa giải quyết được. Vì vậy, việc cho thuê đất dài hơn 50 năm, đặc biệt cho nhà đầu tư nước ngoài thuê cần phải có sự điều chỉnh/thay đổi nhiều điều khoản của Luật đất đai chặt chẽ phù hợp hơn.
Trong điều kiện biến động chính trị khu vực có xu thế diễn biến phức tạp căng thẳng cả về quân sự liên quan đến Biển Đông thì việc cho thuê đất ở các địa điểm và vùng biển nhạy cảm là không thuyết phục về bảo đảm an ninh. Vì vậy, cần có sự khảo sát nghiên cứu thống nhất giữa các cơ quan nhà nước về An ninh quân sự, về Luật, về Tài nguyên & môi trường, về Kinh tế,… để bổ sung vào luật đặc khu những điều kiện kiểm soát an ninh chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giá thuê đất và biển với điều kiện, chế tài cần thiết bảo đảm không gây ô nhiễm,… chặt chẽ hơn, chỉ chấp nhận được theo các điều luật, thông lệ quốc tế.
Câu 3. Theo Điều 43 của dự thảo, thuế được ưu đãi rất thấp. Vừa thấp (10%), lại được miễn thuế 4 năm, giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp, chỉ có đầu tư bất động sản là chịu thuế 17%, cũng không có thuế nhập khẩu hàng hóa đầu tư. Điều 40 miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm và giảm 50% sau đó. Có nhiều ý kiến cho rằng, với quá nhiều ưu đãi như vậy thì chính quyền các đặc khu sẽ không có nguồn thu, không có ngân sách để hoạt động, ngân sách sẽ bị thất thoát? Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Trả lời
Câu hỏi này rất đúng trọng tâm. Dự thảo luật có những cái bẫy về thuế và ngân sách dẫn đến tình trạng phá sản của chính quyền các đặc khu để nhà đầu tư nước ngoài tha hồ vùng vẫy khuynh loát.
Khi làm đặc khu kinh tế cần xác định rõ thu hút công nghệ cao, tài chính. Còn casino thì không cần ở những khu biển đẹp như vậy. Du lịch thì không cần đặc khu. Vậy Việt Nam đã xác định khách hàng (tức là những nhà đầu tư) là ai? Lấy gì để đảm bảo là các tập đoàn công nghệ cao, tài chính sẽ vào? Tại sao họ lại vào đây? Có gì đặc sắc thu hút họ?
Các nhà đầu tư có thiện chí họ không cần phải các ưu đãi như điều 40 và 43 nói trên. Điều họ cần nhất là chính sách thông thoáng, cơ chế rõ ràng, minh bạch, không có nhũng nhiễu, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Phía Việt Nam cần công nghệ nguồn và cao, thân thiện với môi trường, tỷ lệ sử dụng nguồn nhân lực địa phương cao và kết nối với các doanh nghiệp trong nước, nhất là công nghệ phụ trợ có sức lan tỏa rộng trong cả nước và khu vực.
Như đã phân tích về điều kiện bắt buộc quan trọng nhất của Đặc khu kinh tế (Câu hỏi 1) và những bất cập trong Luật đất đai hiện hành của Việt Nam (Câu hỏi 2), những biến động khó lường về chính trị và kinh tế trong khu vực nên việc xác định các mức thuế cần được Chính phủ giao các cơ quan chuyên môn và tham khảo, thuê tư vấn các nước khác xây dựng các luận cứ về mức thuế, cũng như các chế tài cần thiết về điều chỉnh thuế, cũng như chế tài về trách nhiệm của chính quyền đặc khu một cách chặt chẽ hơn.
Dư luận xã hội lo ngại là đúng vì cả 3 đặc khu kinh tế đều rất đẹp, rất đặc biệt, mà không thấy nhà nước nêu những nhà đầu tư văn minh, họ sợ các nhà đầu tư đến từ nước đang là mối đe doạ của VN và sự lo lắng đó cho thấy dân mất niềm tin vào bộ máy quản lý nhà nước.
Câu 4. Điều 39 của dự thảo luật cũng quy định, đặc khu được quyền bội chi không vượt quá 70% ngân sách thu. Như vậy phải đi vay để chi, có thể đưa đến tình trạng mất khả năng trả nợ? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Trả lời
Đây vừa là kẽ hở vừa ấu trĩ trong tư duy quản trị kinh tế. Vì thực chất điều 39 này là cho quyền đặc khu được lấy ngân sách nhà nước không quá 70% để bù vào. Chính phủ phải có luận cứ về quyền bội chi ngân sách của chính quyền đặc khu, đặc biệt là phải xây dựng được quy chế minh bạch và chế tài về kiểm tra, kiểm soát công khai thu chi và phát hiện xử lý kịp thời những sai phạm trong thu chi ngân sách.
Tổng vốn đầu tư 1.300.000.000.000.000 (1,3 triệu tỷ đồng) chưa kể sẽ còn đội vốn, chưa rõ sẽ lấy ở đâu, trong khi ngân sách thu không đủ chi, đang còn nợ như chúa chổm. Nếu dựa vào nguồn tài chính của Trung Quốc thì trên thế giới và ngay cả Việt Nam đã quá nhiều bài học nhãn tiền về “tiền mất tật mang” nhất là Vân Đồn, Bắc Vân Phong kế cận hay tiệm cận với “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Ngoài ra, xin lưu ý Dự thảo Luật “Khoản 3 Điều 7 khi tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài còn có thể được giải quyết tại Tòa án nước ngoài, trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.” Thử hỏi có vị lãnh đạo VN nào, lại chấp nhận cho tòa án quốc gia khác xét xử công dân mình khi sự việc xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia mình?
Câu 5. Ông có cho rằng cần xem xét lại dự thảo luật này, chưa nên thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này? Xin ông cho biết lý do?
Trả lời
Theo tôi biết, cuối những năm 80 đầu những năm 90, ông Võ Văn Kiệt rất muốn có đặc khu kinh tế. Nhiều người khác cũng có mong muốn đó, thậm chí Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng lúc đó còn được cử đi khảo sát nhiều nơi, trong đó có cả Subic của Philippines. Nơi được chọn để hình thành đặc khu là Phú Quốc. Đặc khu muốn thành công phải biến nó như một quốc gia trong quốc gia, Phú Quốc đáp ứng yêu cầu đó nhưng vì nhiều lẽ, ý tưởng đó không được chấp nhận.
Đến nay, mọi thứ đã thay đổi, mô hình đặc khu kinh tế bây giờ đã trở thành lạc hậu, bởi lẽ các đặc khu này sẽ mang lại lợi ích cho dân, cho nước bé hơn nhiều so với những cái hại mà nó đem lại. Việc thành lập đặc khu theo kiểu “chỉ định thầu” sau đó mới đề ra luật là không chấp nhận được, thể hiện rõ sự “len lỏi” của nhóm lợi ích vào việc xây dựng chính sách và luật pháp của nhà nước.
Trong bối cảnh kinh tế thương mại toàn cầu hiện nay, nhiều nước không còn quan tâm đến các đặc khu kinh tế vì đã lạc hậu. Nếu cần làm đặc khu kinh tế để có chính sách đặc biệt thu hút đâu tư thì cần tháo cho cả nước, để nội lực dân tộc bật dậy, sức mạnh đó mạnh hơn và bền vững hơn là nhà đầu tư từ bên ngoài.
Cần xem xét, bổ sung hoàn chỉnh, phổ biến rộng rãi trong các giới chuyên môn và nhân dân về dự thảo luật này. Chưa nên lấy ý kiến thông qua tai kỳ họp quốc hội lần này bởi những vấn đề bất cập như đã nêu ở phần phân tích nói trên.
Tiếp nối truyền thống “dựng nước và giữ nước” của tiền nhân, nhớ lời căn dặn của Hoàng đế Trần Nhân Tông “một tấc đất của tiền nhân cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Việc này, đã trở thành phép thử phân hoá rất nặng nề từ trên xuống dưới. Không cẩn thận, việc này sẽ thành một khủng hoảng xã hội. Chưa có sự kiện nào mà thu hút sự quan tâm của công luận như hiện nay. Vì sao trên mạng dấy lên một làn sóng phản đối rất mạnh mẽ của nhiều người có lương tri? An ninh của đất nước là vấn đề sống còn, sai một ly, đi một dặm, không thể đem ra đánh bạc. Nếu điều này chưa được cân nhắc đầy đủ, nhất là về các giải pháp đối phó với sự “phát triển khó lường” của tình hình do hoạt động và mưu đồ sâu hiểm của Bắc Kinh thì nhất thiết không ra Luật này.
Bộ máy hiện nay với những cán bộ chúng ta hiện có (với những yếu kém hiển hiện ở những vị trí quan trọng nhất), có đủ sức quản lý đặc khu với tất cả tính phức tạp và những rủi ro của nó để đạt được những cái lợi dự kiến và tránh cái hại dự kiến không? Riêng đối với câu hỏi này thì câu trả lời của tôi là KHÔNG.
Mà yếu tố này không đảm bảo thì tất cả mọi dự kiến tốt đẹp sẽ chỉ là mong muốn viển vông và tất cả nguy cơ sẽ trở thành hiện thực trong một sớm, một chiều.
Tôi tin rằng ban lãnh đạo đảng đã bàn, nhưng tôi cũng tin chắc rằng một khi nghe được những ý kiến phản biện từ mọi phía, nhất là những ý kiến sôi sục của toàn dân, chắc chắn ban lãnh đạo, trước hết là Bộ Chính trị sẽ có điều kiện cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Đó là cách làm việc tốt, nên phát huy, trong điều kiện một đảng lãnh đạo và cầm quyền.
Hoãn việc thông qua dự luật đặc khu kinh tế chỉ có tốt, không có gì xấu.
T.V.T.
Ông Tô Văn Trường gửi BVN