Từ 10 điều bi ai cho đến nỗi lo 9 điểm về ba đặc khu kinh tế

Ánh Liên

Hình như khi nghe trình diễn dự án đặc khu ở Quốc hội, chúng tôi có thoáng thấy cụ Tổng nở một nụ cười thật tươi. Chắc trong trí cụ nghĩ, thế là chúng nó mong cho mình sống đến 99 năm nữa đây. Có sống 99 năm nữa thì mới canh cho cái lò nóng rực đến đời chút đời chít chúng nó chứ. Mà cái lò cũng sẽ phải đắp to lên gấp trăm cái lò ta đang đốt hôm nay, vì nhất định sẽ có những bầu đoàn thê tử chúng nó đều phải kéo nhau vào lò. Từ khi lên ngồi trên chiếc ghế nóng này ta đã nhìn thấy chán chê những dự án to tát được trình ra mà dự án nào cuối cùng cũng đều đem tiền của nhà nước đổ sông đổ biển ráo, thậm chí đổ sang cho “Ông Anh”. Chỉ thấy túi đứa nào đứa ấy đều căng phồng đến mình cũng ngốt lên, chẳng biết đem đứa nào vào lò trước nữa. Cái thói “ăn to nói nậy” CS thì ra kinh khủng thật, thảo nào mà nước ngoài người ta phục mình là phải.

Bauxite Việt Nam

Mong muốn các đặc khu ra đời và hỗ trợ cho nền kinh tế Việt nam vượt qua các giai đoạn khó khăn cũng như tiến tới cái gọi là ‘cất cánh’ là mong muốn của nhiều người. Nhưng bên cạnh mong muốn và kỳ vọng, thì cũng tồn tại nỗi lo lắng không khác gì nỗi lo của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

“Không ai muốn có thêm nhiều ‘củi’ sau khi đặc khu ra đời!”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết sau khi nghe báo cáo dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc vào ngày 23.05.

Nỗi lo của ông đại biểu bao gồm 9 điểm; theo đó là có sự nôn nóng, chạy theo thành tích thông qua việc các đặc khu hiện tại chỉ chú trọng ‘ưu đãi về thuế thuê đất, mặt nước’; Luật đặc khu vẫn chưa thiết kế điều cấm với Hiến pháp và nguyên tắc cơ bản của pháp luật; chưa quy định rõ việc đầu tư có sử dụng và khai thác tài nguyên biển – nước phải tuân theo Luật Biên giới, Luật biển và Luật Tài nguyên nước; thời hạn giao đất quá dài lên đến 99 năm; chưa tính đến cái lợi và hại của việc mở casino; chưa chú trọng đến quy trình rà soát với nhà đầu tư chiến lược trong khi ưu đãi lớn, quyền hạn lớn.

Nỗi lo 9 điểm nêu trên phản ảnh về nỗi lo ‘đi tắt đón đầu’, chỉ thấy lợi ích trước mắt của đặc khu đem lại nguồn ngân sách cho tỉnh/quốc gia mà tìm mọi giá để thực thi, trong khi tính rủi ro về ưu đãi chưa tính đến; sự chồng chéo về luật đặc khu với các văn bản luật khác chưa tính đến. Nếu hiểu một cách toàn diện thì đặc khu hiện nay chỉ đem lại lợi ích lớn nhất cho các nhà đầu tư và đầu tư, cũng như tiềm ẩn những mối nguy hại về an ninh quốc phòng, bởi mọi yếu tố và phương án rủi ro chỉ dừng ở mức ‘sơ khai’.

Nhiều Facebooker cũng bày tỏ nỗi lo về tính ưu đãi của 3 đặc khu này, nhất là mảng cho thuê đất, và ví von 99 năm không khác gì một hình thức ‘nhượng địa’ mà Trung Quốc từng áp dụng đối với Hồng Kông thời kỳ thực dân Anh. Và nếu như thế, đặc khu vô tình trở thành tiền đồn để phá hoại an ninh quốc phòng, an ninh kinh tế của các thế lực thù địch thực sự đối với Việt nam. Nguy cơ này càng cao khi nền pháp quyền Việt nam còn yếu kém, soạn thảo – ban hành luật cho đến thực thi và giám sát còn chưa vững. Ai có thể dám khẳng định rồi đây, Phú Quốc – một trong những đặc khu kinh tế – không trở thành kiểu mẫu của ‘một quốc gia, hai chế độ’ tức từ ‘đặc khu kinh tế’ chuyển thành ‘đặc khu hành chính’; là bán đảo Crimea một thời bị chia tách khỏi nước Nga mặc dù hiện tại, từ chính sách và quy hoạch đều do T.Ư quyết?

Ở một khía cạnh khác, có thực 3 đặc khu sẽ là nơi thu hút đầu tư và sinh lợi hay đơn thuần đây chỉ là một vụ buôn bán đất lớn ở tầm quốc gia. Trước đó, không phương tiện truyền thông đại chúng nào phản ánh về tình trạng cò đất, sốt đất cũng như chuyển quyền sử dụng đất không hợp pháp tại ba đặc khu này; một số tập đoàn kinh tế tư nhân cũng nhảy vào và chiếm lấy đất vàng; cũng như sự buông lỏng quản lý đất đai trên địa bàn đặc khu (mà báo Tiền phong mới đây đã phải phản ảnh rằng, lập dự án ‘ma’ trên đất nông nghiệp, loạn phân lô bán nền, mua bán trái phép đất rừng, nhiều công trình dự án đã không tuân thủ qui hoạch, nhiều vùng biển đã bị bao chiếm trở thành “vùng cấm” của các nhà đầu tư,… đã băm nát đảo Ngọc trước khi trở thành đặc khu). Trong khi đó, dư luận nổi sóng vụ một số cán bộ, công chức, viên chức phòng ban ở huyện đảo Phú Quốc bỏ việc đi làm cò đất.

Đó chưa kể trình độ của các vị ĐBQH về đọc luật và thông qua luật hiện nay là khá hạn chế, không ai có thể tin tưởng được việc duyệt Luật đặc khu – vốn là nền móng quản lý kinh tế đặc khu – khi mà các vị ĐBQH từng có tỳ vết thông qua các văn bản pháp luật với nhiều lỗi sai sót nghiêm trọng, mà gần nhất đây là Bộ Luật hình sự tồn tại những sai sót khó có thể chấp nhận khi được thông qua. Do đó, nó không đơn thuần như cách nói của ông TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, người từng cho rằng không nên ‘lo sợ nhiều’ về Luật đặc khu, bởi, ‘Cứ lật qua lật lại, lo sợ nhiều quá thì không làm được đâu’.

Tính thiếu quản lý hành chính từ đầu và sự vội vã trong hình thành đặc khu khiến tính rủi ro trong phát triển đặc khu ngày càng cao đến mức, không ai sẽ đảm bảo các đặc khu này sẽ thành công. Rủi ro tiếp tục tăng cao, khi các đặc khu được ví như một ván bạc trong khi bản thân tiềm lực tài chính Việt nam hoàn toàn không dồi dào, và cơ sở pháp lý như ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu lên là còn ở giai đoạn ‘sơ khai’. Việc tiến hành cùng lúc 3 đặc khu với xuất phát điểm như nhau dù mang tính sống còn cho nền kinh tế, nhưng lần này cũng sẽ không còn ‘sợi kinh nghiệm’ nào để rút khi nó đổ bể hàng loạt và 1,5 triệu tỷ đồng (Việt Nam) sẽ trôi ra sông, ra biển và hàng loạt các hệ lụy khác nhau sẽ nảy sinh?

Câu chuyện đặc khu không khác gì những đề án liên quan đến hình thành Chaebol tại Việt Nam thời ông Nguyễn Tấn Dũng, cũng với tư duy ‘nhanh, mạnh’ nhưng lại thiếu vững chắc, trong khi nguồn tài chính quốc gia lúc đó không khó khăn như bây giờ, nhưng đề án Chaebol đó đã đổ bể, và trong gần 10 năm, nền kinh tế Việt Nam bị tổn thương cực kỳ mạnh mẽ.

Câu chuyện ‘nóng lòng’ khi hoạch định chính sách cũng đã từng hiện diện không ít trong quá khứ, ở cấp quốc gia là Chaebol, ở cấp vùng miền là sự ‘dày đặc cảng biển, khu kinh tế, sân bay’ nhưng kinh tế không cất cánh được.

Còn ‘củi’, không có ai cả, trách nhiệm toàn dân; 3 đặc khu với 99 năm lại càng không thể có củi để đốt, vì quá lớn và quá lâu.

Liệu nên chăng các vị trí thức phải lên tiếng và gióng hồi chuông cảnh báo các vị ĐBQH hãy đặt cả tâm thế của người dân nước Việt, tâm thế của sự sinh tồn của giống nòi Việt nam, tâm thế của một thời cha ông đổ máu xương đi mở đất mà hãy dừng bấm khi chưa sẵn sàng. Và liệu cần thiết cho một trưng cầu ý dân về vấn đề này?

Xưa có 9 điều bi ai của dân tộc, nay liệu có nỗi lo 9 điểm có phải là dự báo về sự tồn vong của dân tộc Việt?

A.L.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.