Vũ Quốc Ngữ dịch
Bất kỳ sự việc nào liên hệ đến quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay (nhất là vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong vụ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông mà Trung Quốc đang tìm mọi cách lấn chiếm thông qua việc áp đặt đường chín đoạn – mà Việt Nam thường gọi là đường lưỡi bò) đều trở thành những quan tâm của báo chí quốc tế. Vì vậy, dù cơ quan Tuyên giáo của Đảng CSVN và cơ quan Bộ Thông tin truyền thông của Chính phủ có muốn che chắn, ém nhẹm đến đâu thì cũng không thực hiện nổi. Mà che giấu để làm gì nhỉ? Bịt mắt, bịt tai, bịt miệng dân liệu có bịt nổi không? Dân không biết mà nước ngoài lại biết và bình phẩm thì ai sượng mặt với quốc tế, lãnh đạo Việt Nam hay là 90 triệu người dân? Chẳng lẽ cứ để mãi tình trạng như tục ngữ xưa đã nói: “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”? Hay là chờ đến lúc bọn xâm lược kéo đại quân niềm nở đến gõ cửa ông Trọng báo “tin mừng”, ông mới cho thông báo loan tin để toàn dân… mở tiệc?
Bauxite Việt Nam
Tranh cãi và âm mưu xoay quanh một nhóm khách du lịch người Trung Quốc mặc áo phông có in hình lưỡi bò (hay đường gấp khúc chín đoạn) thể hiện tuyên bố của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nếu mục tiêu của một số khách du lịch Trung Quốc là chọc tức Việt Nam, thì một cách chắc chắn để làm như vậy sẽ là nhập cảnh vào Việt Nam với chiếc áo phông khiêu khích chủ quyền của Hà Nội ở Biển Đông.
Vào đầu tháng Năm này, hơn một chục khách du lịch đến từ Trung Quốc đã hạ cánh xuống Cam Ranh, với những chiếc áo phông màu trắng có in hình bản đồ lãnh thổ và lãnh hải Trung Quốc bao gồm gần như toàn bộ biển Đông.
Các quan chức Việt Nam tại sân bay quốc tế Cam Ranh đã nhanh chóng ra lệnh cho họ cởi áo, nhưng không làm kịp thời để tránh một trận bão lửa chống Trung Quốc trên mạng xã hội.
Nhiều người Việt đã đăng lại hình ảnh du khách Trung Quốc với những chiếc áo phông khiêu khích đó lên mạng xã hội, và kêu gọi chính quyền trục xuất nhóm du khách đó. Một số khác chỉ trích các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vì hành động không kịp thời và đủ mạnh mẽ với vụ việc.
Việt Nam khẳng định yêu sách chủ quyền ở biển Đông, và Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng tuyên bố có chủ quyền ở vùng biển này. Sự cố áo phông đã gia tăng những căng thẳng lâu dài giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong tranh chấp vùng biển, một đường thuỷ quan trọng trong thương mại thế giới.
Vào năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và là nguyên nhân của nhiều cuộc bạo loạn chống Trung Quốc ở Việt Nam, một số người quốc tịch Trung Quốc đã bị giết và hàng trăm người khác đã phải rời khỏi Việt Nam vì những vụ việc bạo lực này.
Chính phủ Việt Nam tuyên bố bốn người đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong những cuộc biểu tình bạo lực đó. Hãng tin Reuters viết rằng vào thời điểm đó hơn 20 người Trung Quốc đã thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn nhắm vào các nhà máy Trung Quốc và nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khách du lịch Trung Quốc đã đổ xô vào Việt Nam, tạo nên sự bùng nổ du lịch. Gần 1,8 triệu du khách Trung Quốc đến Việt Nam trong bốn tháng đầu năm nay, tăng 39.7% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của cơ quan chức năng Việt Nam.
Trong khi Trung Quốc là nguồn khách du lịch nước ngoài chính của Việt Nam, thì vụ việc xảy ra với chiếc áo thun ở vịnh Cam Ranh đã được nhiều người coi là quan trọng.
Yêu sách mạnh nhất của Việt Nam ở Biển Đông nằm trên quần đảo Trường Sa. Người Việt Nam thường đi đến quần đảo đang bị tranh chấp bằng cách bay đến sân bay Cam Ranh và sau đó đi thuyền đến khu vực quần đảo mà Việt Nam đang nắm giữ nhiều điểm nhất.
Nhóm du khách mặc áo phông Trung Quốc có khả năng đi đến thành phố biển Nha Trang gần đó, nơi nhìn ra Biển Đông. Việc tiếp cận Trường Sa bị hạn chế chặt chẽ, ngay cả đối với công dân Việt Nam.
Các phương tiện truyền thông của Việt Nam, tất cả đều thuộc sở hữu nhà nước hoặc được kiểm soát bởi Chính phủ, đã có những lời lẽ mạnh mẽ đáng ngạc nhiên.
“Việc khách du lịch Trung Quốc mặc áo sơ mi với ‘đường bò lưỡi bò’ và vào đất nước của chúng ta hoàn toàn không thể được coi là một ‘sự việc nhỏ”, nhà báo Phạm Dương viết trong một bài báo trên tờ báo Người Lao động.
Người Việt Nam sử dụng cụm từ “đường lưỡi bò” để mô tả bản đồ chín vạch mà Bắc Kinh sử dụng để tuyên bố chiếm hữu gần như cả Biển Đông.
Bài báo của Dương là một phản ứng đối lập với một quan chức Chính phủ, người coi sự việc không đáng kể. Ông này cho rằng những người lãnh đạo quốc gia có cái nhìn khác vì du khách Trung Quốc là một nguồn thu cho đất nước.
Nhiều người Việt Nam đặt vấn đề làm thế nào mà nhóm du khách lại có những chiếc áo giống nhau, những chiếc áo không được chào đón tại Việt Nam.Với thực tế là Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ các nhóm du lịch ra nước ngoài, thì vụ việc dấy lên nghi ngờ rằng nhà nước Trung Quốc đứng đằng sau vụ việc này.
“Chúng ta không chấp nhận rằng một nhóm người Trung Quốc vào Việt Nam và sau đó khi cởi áo khoác của họ là thấy áo phông. Đây chắc chắn là một hoạt động có tổ chức và được lên kế hoạch, không phải là một sự tình cờ”.
Về phần mình, khách du lịch cho biết họ không biết việc mặc áo phông có in hình lưỡi bò là sự xúc phạm Việt Nam.
Trong một nền dân chủ tự do, một chiếc áo sơ mi với một thông điệp gây tranh cãi có thể khuấy động sự phẫn nộ của Internet rồi nhanh chóng bị lãng quên. Ở một quốc gia độc đảng Việt Nam, đáng chú ý là người dân địa phương sẵn sàng hạn chế quyền tự do biểu đạt của khách du lịch thông qua trang phục.
Rất ít người đã chỉ ra tiêu chuẩn kép, vì các công dân Việt Nam phải đối mặt với hạn chế hơn nữa nếu Quốc hội phê duyệt dự thảo luật an ninh mạng.
Dự thảo yêu cầu các trang web xóa “bất kỳ nội dung nào gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội và an toàn, hoặc các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân”. Tất nhiên, việc đánh giá những tiêu chí này do nhà nước quy định.
Một người Việt Nam ẩn danh ám chỉ xu hướng gây phiền hà này trong một bài đăng trực tuyến chưa được kiểm duyệt.
Ông lưu ý rằng du khách Trung Quốc có thể tự do mua áo có hình lưỡi bò trong khi nhiều người Việt Nam đã bị nhà cầm quyền Việt Nam trừng phạt vì tham gia biểu tình trên đường phố và mặc áo phông với bản đồ chín vạch của Trung Quốc bị gạch chéo.
Nhưng trong khi Việt Nam bận rộn giải quyết vụ áo phông của khách du lịch, Bắc Kinh tiếp tục thực hiện các hành động củng cố các tuyên bố của mình ở Biển Đông. Không lâu sau vụ việc, có tin Trung Quốc đưa nhiều máy bay ném bom ra nhiều đảo mà nó chiếm hữu ở vùng biển này.
V.Q.N.
Nguồn: Asia Times
VNTB gửi BVN