… đây là những người Trung Quốc, họ thừa biết đường 9 đoạn trơ trẽn và bất hợp pháp kia là gì, có ảnh hưởng thế nào đến quan hệ giữa hai nước. Họ đã cố tình mang theo nó, như để trêu ngươi, xúc phạm với người bản địa. Sâu xa hơn, rất có thể, đó còn là một âm mưu mang tính chính trị, theo tư tưởng bành trướng đặc trưng. Họ muốn truyền tải cái thông điệp sai trái rằng “đường 9 đoạn” kia thuộc về họ, và giờ là lúc họ mang đi truyền đạt với thế giới, trước hết là người dân Việt Nam, nơi ảnh hưởng trực tiếp.
Đương nhiên, điều đó là không thể chấp nhận đối với bất cứ người dân Việt Nam yêu nước nào. Chỉ tiếc rằng, không hiểu sao, một người làm đến chức Tổng cục trưởng lại có vẻ ngây thơ, coi nhẹ ý nghĩa chính trị của hành động xấc láo ấy.
Thử hỏi, nếu cơ quan chức năng không kịp thời phát hiện, để chúng mặc những chiếc áo ấy “diễu” vào địa phận nước ta, sau đó, trên báo chí, truyền thông xã hội thế giới xuất hiện những hình ảnh rồi chú thích với dòng chữ “ Đường 9 lưỡi đã xuất hiện và được Việt Nam chấp nhận”, lúc đó, ông Tuấn sẽ nghĩ như thế nào? Lúc đó, vấn đề đại cục là gì? Có phải chỉ là những con số thống kê lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc nữa không?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cần túm cổ áo lão Tuấn Tổng cục trưởng Du lịch lôi ra khỏi ghế quản lý ngành.
Việc nhóm hành khách Trung Quốc cố tình mang áo hình lưỡi bò là cố ý, có dụng ý (đúng như Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định), và vì thế nó không hề nhỏ. Xử lý công khai, mạnh mẽ để cho nhóm khác, tổ chức khác, cho kẻ nào còn có dụng ý xấu như vậy thì phải khiếp sợ… chứ không phải xử lý xuê xoa, phải xử lý nghiêm để chấm dứt, xử lý với thái độ của một đất nước có chủ quyền chứ không phải nấp váy lo đại cục. Phát biểu của ông Tuấn không phải chỉ non nớt về thái độ chính trị mà là hèn nhát. Chúng ta mời du khách toàn thế giới đến du lịch nhưng không có nghĩa là mềm mỏng, chèo kéo hoặc thả cửa cho những kẻ mất dạy, thủ đoạn, nhất là cố ý xâm phạm chủ quyền quốc gia. Dứt khoát như thế. Cần thiết phải xem xét sửa luật để nghiêm trị.
(VTC News) – Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định, việc du khách Trung Quốc mặc áo in hình “đường lưỡi bò” khi đến Việt Nam không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà nằm trong chiến lược “chiến tranh tuyên truyền” có bài bản của Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn PV VTC News, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng LLVTND, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam khẳng định, việc du khách Trung Quốc mặc áo in hình “đường lưỡi bò” khi đến Cam Ranh (Việt Nam) xảy ra mới đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà nằm trong chiến lược “chiến tranh tuyên truyền” có bài bản của Trung Quốc.
“Chiến tranh tuyên truyền” bài bản
– Việc một nhóm khách Trung Quốc khi sang Việt Nam du lịch đã mặc áo in hình “đường lưỡi bò” vừa được phát hiện ở sân bay Cam Ranh có phải là sự ngẫu nhiên, thưa ông?
Những hành vi này nằm trong một chiến lược, một lộ trình của Trung Quốc nên đừng nghĩ rằng đó là sự ngẫu nhiên hay một sự nhất thời. Có thể nói, hành động này là chiến tranh tâm lý, chiến tranh tuyên truyền, biến cái không thành có, biến cái nhỏ thành to.
Nếu không có động thái gì, người ta sẽ quen dần và chấp nhận nó để rồi đến lúc nhận ra bản chất thì đã muộn. Cho nên, tốt nhất là đừng có bàng quan, coi thường hay đơn giản hóa chuyện này. Nhất là khi người ta đã có một lộ trình, chiến lược cụ thể.
Du khách Trung Quốc mặc áo in hình “đường lưỡi bò” khi đến du lịch Cam Ranh. (Ảnh: Facebook)
– Tại một số nước, đối với những trường hợp vi phạm của du khách như trên họ xử lý rất nghiêm. Tuy nhiên, vừa rồi chúng ta đã không trục xuất. Vậy nên chăng chúng ta cần có biện pháp xử lý mạnh hơn đối với những trường hợp này?
Cần phải luật hóa và khi cần có thể phải trục xuất du khách nếu vi phạm, làm ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đối với chúng ta, vấn đề này càng không thể nhân nhượng được.
Trong đối ngoại chúng ta phải giữ được độc lập, chủ quyền của mình. Nếu ai đó làm phương hại đến văn hóa, lịch sử, truyền thống của người Việt thì cần phải có thái độ thật rạch ròi.
Tôi nghĩ là đừng vì lý do nào đó mà quên đi việc mình bị xâm phạm để rồi vẫn nhân nhượng. Tôi cho rằng làm như thế là không ổn, mọi thứ cần phải rạch ròi.
– Phải chăng động thái này cho thấy là dấu hiệu “leo thang” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông?
Trung Quốc hay tận dụng lúc thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đan xen, họ sẽ có những hành động gây cho người ta sự bất ngờ trong một thời gian ngắn.
Thiếu tướng Lê Mã Lương
Đây là điều nằm trong chiến lược căn bản và tư duy lâu dài của Trung Quốc. Thường thì Trung Quốc hay tận dụng lúc thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đan xen, họ sẽ có những hành động gây cho người ta sự bất ngờ trong một thời gian ngắn.
Đối với Trung Quốc, như tôi vừa nói, hành động của họ nằm trong một chuỗi lộ trình nên đừng ai nghĩ rằng vấn đề Biển Đông đang lắng dịu. Nhìn trên bề mặt thấy nước lắng dịu như thế nhưng ở dưới là những con sóng ngầm.
Vấn đề Biển Đông chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, để chúng ta bị rơi vào thế bất ngờ thì sẽ rất khó.
Năng lực quản lý của ngành du lịch đang “có vấn đề”
– Trước việc du khách Trung Quốc mặc áo in hình “đường lưỡi bò” khi sang Việt Nam, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng đây chỉ là “chuyện nhỏ” và không nên vì “chuyện nhỏ” này mà làm ảnh hưởng đến “đại cục”?
Trả lời như thế là không ổn vì đây không phải là câu chuyện ngẫu nhiên. Những người Trung Quốc đi du lịch là họ có chủ ý. Nếu không tỉnh táo, không nhạy cảm mà xem nó là chuyện bình thường thì người ta không chỉ làm có thế, người ta còn làm tới và làm nhiều thứ khác nữa. Lúc đó sẽ không ngăn chặn [kịp].
Chúng ta cần phải có thái độ kiên quyết trước những tranh chấp trong suốt những năm qua. Thái độ kiên quyết của chúng ta sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ với nước láng giềng, cũng không ảnh hưởng đến lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam.
Nếu ai nghĩ rằng thái độ kiên quyết của chúng ta ảnh hưởng đến quan hệ với nước láng giềng hay tiềm năng du lịch thì tôi cho rằng đó là suy nghĩ rất thiển cận.
Với những hành động cần phải ngăn chặn, nhắc nhở, chúng ta phải kiên quyết làm với một thái độ mềm mỏng và có văn hóa.
Trong câu chuyện này, chúng ta không thể xem là bình thường được.
– Vai trò và năng lực quản lý của Tổng cục Du lịch đang khiến nhiều người phải suy nghĩ, thưa ông?
Năng lực quản lý của những người được giao việc này là có vấn đề và chúng ta đừng đơn giản hoá chuyện này.
Có thể nói đây là vấn đề nhạy cảm nên những người làm du lịch, làm văn hóa chỉ cần xử sự không đúng mực cũng có thể dẫn đến sai lầm rất lớn.
Vì thế, những người trực tiếp làm nhiệm vụ này, nhất là trong thời điểm hiện tại phải là những con người có chiều sâu về kinh nghiệm, văn hóa và lịch sử.
Cần phải đào tạo những con người đạt đúng tầm nếu không chúng ta sẽ phải trả những cái giá rất đắt bởi khi chúng ta ngộ ra thì câu chuyện sẽ khó có thể kiểm soát được.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lưu Thủy
(Thực hiện)
Đọc thêm:
Áo ‘lưỡi bò’, tê liệt bộ máy và cận cảnh mất nước
Thiền Lâm
Việc 14 du khách Trung Quốc mặc áo “đường lưỡi bò” khi nhập cảnh sân bay Cam Ranh kéo dài suốt từ ngày 13/5/2018 đến nay vẫn không bị xử lý thích đáng, nếu không nói là không có bất kỳ động tác xử lý nào, không chỉ chứng minh cái hiện thực khốn quẫn một lần nữa chính quyền Việt Nam chỉ giỏi ‘hèn với giặc, ác với dân’, mà còn một lần nữa khiến lộ ra nguy cơ mất nước trong một cuộc chiến tranh không cần tiếng súng.
Chiến thuật áo ‘lưỡi bò’ ngay trước mũi các cơ quan bị xem là ‘cực kỳ vô trách nhiệm’ của Việt Nam sẽ khiến hình ảnh này trở nên bình thường hóa trong nhận thức và tâm lý của người dân, và khi đó sẽ là thành công của chủ trương ‘Hán hóa Việt Nam’.
Một phép thử chiến thuật mang tính thách thức của giới chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh là không cần phải bàn cãi: 14 du khách Trung Quốc đã được chuẩn bị như một hành vi tập thể, có tổ chức, đã đồng loạt cởi áo ngoài để lộ hẳn áo thun khoa trương hình ‘lưỡi bò’ tại sân bay Cam Ranh.
Nhưng trong suốt một tuần lễ từ ngày 13/5 đến nay, trong khi Phó Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa cho rằng “Chúng tôi phải điều tra, khi đấy mới có đủ cơ sở kết luận để có hướng xử lý”, thì cơ chế ‘phản ứng nhanh’ đã được thể hiện thành văn bản giữa Tổng cục Du lịch, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an vẫn chỉ là một con rùa không hơn không kém.
Ảnh: VOA
Có thể hình dung là sau vụ khiêu khích công khai của các du khách Trung Quốc, nhiều cơ quan ‘có trách nhiệm’ của Việt Nam đã quyết liệt… họp. Nhưng cũng hệt như rất nhiều cuộc họp thậm chí được tổ chức ở cấp Bộ Chính trị khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao thẳng vào vùng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông như chốn không người vào thời gian từ tháng Năm đến tháng Bảy năm 2014, đã chẳng có một giải pháp và hành động ra hồn nào được thực hiện. Rốt cuộc, bạc nhược và hèn yếu vẫn là đặc trưng lớn nhất của một chế độ luôn tuyên rao ‘bảo vệ chủ quyền lãnh thổ’.
Vào lần này cũng vậy, sau những cuộc họp liên ngành và chắc chắn vụ áo ‘lưỡi bò’ đã được báo cáo cho Thường trực Ban bí thư và Bộ Chính trị, vẫn không có bất kỳ cơ quan nào dám chịu trách nhiệm về việc thực thi một động tác cảnh cáo, càng không xử lý du khách Trung Quốc, thậm chí còn không dám công khai nêu ra bất kỳ một đề xuất nào để xử lý vụ việc tưởng nhỏ nhưng đã lộ rõ nguy cơ mất nước này.
‘Giải pháp’ duy nhất để xử lý vụ khủng hoảng trên té ra lại là ‘Không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đại cục’ – thuộc về Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn – một quan chức mà ngay sau phát ngôn này đã bị mạng xã hội phản ứng dữ dội. Nhiều người còn khẳng định thái độ của ông Tuấn không khác gì sự chuẩn bị cho hành vi bán nước.
Cuộc chiến không cần tiếng súng của Trung Quốc đã bắt đầu từ lâu và đang khởi động một giai đoạn mới. Từ nhiều năm qua, xã hội và toàn bộ thể chế đảng kèm chính phủ ở Việt Nam đã buộc phải quen với tình trạng thương lái Trung Quốc tung hoành mua nhiều mặt hàng nông sản và hải sản với giá cao, kích thích nông dân và ngư dân chặt cây này trồng câu kia để bán hàng cho họ, nhưng sau đó thương lái Trung Quốc ‘xù’ hợp đồng và khiến nông dân lẫn ngư dân Việt Nam rơi vào cảnh điêu đứng vì nợ vay ngân hàng và sản phẩm không tiêu thụ được. Đó là cuộc chiến và những thủ đoạn chiến tranh kinh tế.
Còn với chiến thuật áo ‘lưỡi bò’, hẳn là Bắc Kinh đã tính toán lấn từng bước và tự tạo hình ảnh ‘đường lưỡi bò’ ngay trên lãnh thổ Việt Nam, ngay trước mũi các cơ quan bị xem là ‘cực kỳ vô trách nhiệm’ của Việt Nam, và lâu dần sẽ khiến hình ảnh này trở nên bình thường hóa trong nhận thức và tâm lý của người dân, và khi đó sẽ là thành công của chủ trương ‘Hán hóa Việt Nam’.
Hình ảnh ‘đường lưỡi bò’ lại xuất hiện ở Việt Nam gần như trùng với một sự kiện được xem là ‘nhục quốc thể’: vào tháng Tư năm 2018, công ty khai thác dầu khí Repsol của Tây Ban Nha – liên doanh với Vietsopetro của Việt Nam – đã lần thứ hai trong vòng 9 tháng phải cắm mặt rút khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính phía đông nam Việt Nam. Nguồn cơn của vụ rút lui này, dù không hề được giới tuyên giáo và báo đảng Việt Nam thông tin, nhưng ai cũng biết đó là do sức ép của Trung Quốc.
Với bản đồ mới nhất được Bắc Kinh tự vẽ, ‘đường lưỡi bò’ liếm qua gần như toàn bộ các vùng biển có trữ lượng dầu khí mà Việt Nam đã hợp tác với Tây Ban Nha để khai thác, và đang định hợp tác với những công ty dầu khí của Mỹ và Nga để khai thác.
‘Nhục quốc thể’ không chỉ về vụ chính quyền Việt Nam phải ‘giương cờ trắng’ trước Trung Quốc khi muối mặt yêu cầu Repsol rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ vào tháng Bảy năm 2017 và tháng Tư năm 2018, mà còn là nỗi nhục không còn đất để chui trong phát ngôn ‘bán nước’ của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: ‘Không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đại cục’.
Với đà ‘bán nước’ đang ‘tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc’ từ phương Bắc và được ‘nội gián’ bởi không ít quan chức của chế độ phương Nam, có thể chẳng bao lâu nữa Bắc Kinh sẽ hoàn tất kế hoạch Hán hóa Việt Nam, đẩy nước Việt khốn khổ này vào vòng Bắc thuộc thêm một lần nữa, trong rất nhiều lần của lịch sử ‘bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước’.
T.L.
Nguồn: https://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/ao-luoi-bo-te-liet-bo-may-va-can-canh-mat-nuoc.html