Nhà thơ Trần Vàng Sao, được biết đến với những bài thơ ‘yêu nước’ nhưng ‘đau đớn’. Bản quyền hình ảnh: PHƯƠNG ĐÔNG
Nhà thơ Trần Vàng Sao, được biết đến với những bài thơ ‘yêu nước’ nhưng ‘đau đớn’, qua đời ngày 9/5.
“Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình” là tên một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ gốc Huế sinh năm 1942.
Nhưng nổi tiếng hơn có lẽ phải kể đến tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình”, do Nhà xuất bản Giấy Vụn xuất bản.
Nhà thơ ‘yêu nước mình’
Báo chí của nhà nước Việt Nam có nhiều bài viết về nhà thơ [Trần] Vàng Sao sau khi ông mất.
Tờ Tuổi Trẻ gọi ông là ‘nhà thơ yêu nước mình’, [Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao được – BVN chú thích] in năm 1967, được đánh giá là một trong 100 bài thơ Việt hay nhất thế kỷ XX.
Còn tờ Người Lao Động nói thơ của [Trần] Vàng Sao có ‘giọng điệu không lẫn với ai.
Ông Hồ Thế Hà, Đại học Khoa học Huế, được Tuổi Trẻ trích lời, nói “Bài thơ của một người yêu nước mình” là điển hình cho phong cách Trần Vàng Sao:
… Tôi yêu đất nước này cay đắng
Những năm dài thắp đuốc đi đêm
Quen thân rồi không ai còn nhớ tên
Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
Áo mồ hôi những buổi chợ về
Trang VnExpress bình luận rằng:
“Bài thơ dài 155 câu được tác giả trình bày theo lối tự do. Nét đặc trưng của bài thơ là sự hòa quyện giữa cảm xúc trữ tình của tác giả với hình tượng đất nước, đặt trong liên hệ với người mẹ, người thân, người yêu và quê hương khốn khó cùng khát vọng độc lập tự do, khát vọng làm người chân chính”.
‘Nhà thơ có số phận thăng trầm’
Tờ Người Lao Động gọi ông là ‘nhà thơ có số phận thăng trầm’ trên bài viết ngày 10/5.
Trước đây, có vẻ như ít báo trong nước nhắc đến nhà thơ Trần Vàng Sao. Còn những bài thơ táo bạo của ông, như bài ‘Tau chưởi’, thì chỉ có cách tìm trên Google, theo nhà văn Nguyễn Viện.
Tau chưởi
tau tức quá rồi
tau chịu không nổi
tau nghẹn cuống họng
tau lộn ruột lộn gan
…………….
tau đầu tắt mặt tối
đổ mồ hôi sôi nước mắt
vẫn đồng không trự nõ có
suốt cả đời ăn tro mò trú
suốt cả đời khố chuối Trần Minh
kêu trời không thấu
tau phải câm miệng hến
không được nói
không được la hét
nghĩ có tức không
tau chưởi
tau phải chưởi
tau chưởi bây
tau chưởi thẳng vào mặt bây
không bóng không gió
không chó không mèo
mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước
giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây
đặng nghe tau chưởi
….
Năm 1988, nhà thơ Trần Vàng Sao tiếp tục nổi tiếng với bài thơ “Người đàn ông 43 tuổi nói về mình” đăng trên tạp chí Sông Hương năm 1988. Một bài thơ mang đến cho ông nhiều ‘khổ sở’.
Bài này chỉ tự sự, “miêu tả rất thật cảnh sống lặng lẽ của mình mà cũng đủ khiến nhiều kẻ quyền hành bất an và ra tay bịt miệng ông”, cây bút Uyên Vũ từ Sài Gòn từng bình luận trên một bài viết về những vần thơ ‘đau đớn’ của Trần Vàng Sao gửi BBC.
Tên tuổi ông được để ý hơn từ năm 2005 với bài “Bài thơ của một người yêu nước mình” [Năm 2005 NXB Giáo dục đã chọn “Bài thơ của một người yêu nước mình” của Trần Vàng Sao vào danh sách 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20], và nhất là khi mạng Talawas đăng tập hồi ký “Tôi bị bắt”, kể về những năm tháng ông “bị bắt rồi được thả ra và sống như trong tù” (chữ của Trần Vàng Sao).
Còn nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì gọi Trần Vàng Sao là ‘nhà thơ bị cầm tù trong sự thật’ Facebook cá nhân. Ông Hảo nhớ lại:
“Thỉnh thoảng ra Huế, tôi lại ghé ngôi nhà ở Vỹ Dạ thăm Trần Vàng Sao. Anh có gương mặt cổ quái, già nua như người của thế kỷ thứ 17, 18 còn sót lại. Thông qua cuốn sách anh viết: “Tôi bị bắt”… “tôi tìm thấy ngôi nhà tù vĩ đại trùm lên cả thế hệ chúng tôi. Đó là những tù nhân được thả rông đã bị cầm tù tư tưởng, thậm chí tâm hồn bị nhốt trong tù mà lại cảm thấy tự do.”
Theo tiểu sử của nhà thơ [Trần] Vàng Sao được Trần Mạnh Hảo đăng ở bài viết trên trang cá nhân, [Trần] Vàng Sao là con liệt sĩ. Ông “tham gia phong trào thanh niên sinh viên đấu tranh theo Việt Cộng” và từng sống năm năm tại “chiến khu rừng Thừa Thiên Huế” để “viết báo viết văn phục vụ đảng”.
Nhưng “miền Bắc xã hội chủ nghĩa năm 1970 nghèo đói” khiến ông “thất vọng”.
“Ông bắt đầu viết nhật ký để thoát khỏi những ẩn ức thực tại có thể làm anh tuyệt vọng đến vỡ tim mà chết vì cái xã hội cộng sản bánh vẽ kia…”, nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết.
“Từ một nhà thơ dùng tên lá cờ làm bút hiệu, ông đã bị đấu tố, bị coi là kẻ phản động, nói xấu lãnh tụ, đả kích chế độ. Ông đã bị trù dập, cô lập, và bị hành hạ đến sống dở chết dở trở thành một kẻ bị mọi người khinh bỉ, xa lánh”, theo tác giả Uyên Vũ từ TP Hồ Chí Minh.
‘Vĩnh biệt thi sỹ Trần Vàng Sao’
Lời tiễn biệt thi sỹ Trần Vàng Sao cũng được nhiều cây bút đăng tải trên mạng xã hội ngày 10/5.
Facebooker Dũng Trung kể lại: “Tháng 9/2013, tôi và Lê Minh Phong ghé Huế thăm ông, uống với ông vài chai bia, nghe ông kể chuyện bị đoạ đày kinh khiếp…”
“Chẳng biết sao lúc đó tôi lại hứng thú lấy bút giấy ra ký hoạ chân dung và nụ cười của người đàn ông khốn khổ này”.
“Hôm nay ông đi. Ông đi thanh thản!”
“Cầu mong ông đến được nơi nào đó vui vẻ hơn, hạng phúc hơn… Đỡ đói, rét hơn nơi này”.
“Hy vọng ở nơi mới, đất nước mới, đồng bào mới, các “đồng chí” mới… sẽ ăn ở, đối xử với ông tử tế hơn!”
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cảm thán: “Anh đã đi theo cha mình là liệt sĩ, nguyện đứng dưới ngọn cờ đỏ sao vàng mãi mãi nên mới có bút danh Trần Vàng Sao…”.
“Ngôi sao vàng kia không chấp nhận anh, không cho phép anh nhìn và viết ra sự thật. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Với chữ nếu, ta có thể bỏ tháp Eiffel vào cái chai”. Vâng, nếu sống lại, trở về thời 20 tuổi, Trần Vàng Sao chắc chắn sẽ lấy bút danh là Trần Vàng… Vĩnh biệt ngôi sao của ảo tưởng đã bị sự giả dối nuốt sống, cũng như cuộc đời anh đã bị lý tưởng kia nuốt sống và nhả ra một cái bã người tội nghiệp, khổ đau uất hận đến chết. Trần Vàng …Sao, thương anh vô cùng! Anh một nhà thơ đã bị sự thật cầm tù…”.
*
Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1942 ở Thừa Thiên, Huế.
Năm 1962 ông thi đỗ tú tài rồi dạy học ở Truồi, tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha.
Từ 1965 đến 1970, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành uỷ Huế, viết báo với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao.
Sau tháng 4 năm 1975, Trần Vàng Sao xung phong về quê công tác nhưng ông bị gạt khỏi danh sách như một kẻ “có vấn đề”.
Ông tự trở lại Huế làm liên lạc ở xã, sau đó được bố trí công tác tại Phòng Văn hóa thành phố Huế rồi được điều về làm liên lạc ở xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ), Huế cho đến khi nghỉ hưu năm 1984.