Thiền Lâm
Giàn khoan của Repsol ở Biển Đông Ảnh: RFA
Vietnam – Cali Today News – “Bản lĩnh Việt Nam” – một lối tuyên giáo không còn giới hạn liêm sỉ nào – đã tiến đến thời kỳ mà chỉ mới bị Trung Quốc dọa nạt một chút về chính trị, kinh tế hoặc quân sự là đã “đái ra quần” – như một cách ví von rất lịch sử ngàn năm Bắc thuộc của dân gian đương đại.
Sau hai lần liên tiếp phải cắm mặt rút khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ trong khu vực Bãi Tư Chính ở vùng đông nam Việt Nam vào tháng Bảy năm 2017 và tháng Tư năm 2018, đến đầu tháng Năm năm 2018, hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha mới lần đầu tiên hé lộ về việc đang ‘nói chuyện’ với đối tác Việt Nam là PetroVietnam để đòi bồi thường do phải ngưng dự án khoan dầu ở mỏ Cá Rồng Đỏ ngoài khơi Việt Nam.
Thông tin trên được nói ra bởi Miguel Martinez – người phụ trách tài chính của hãng Repsol – tại một cuộc họp báo qua điện thoại theo hãng tin Reuters.
Nếu ở “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, Petro Vietnam có thể phải bồi thường cho Repsol khoảng 36 triệu USD – kinh phí mà Repsol đã phải bỏ ra để thăm dò dầu khí, thì đến tháng Ba, con số bồi thường đã lên đến 200 triệu USD.
Chưa biết VietsoPetro có đồng ý với việc đòi bồi thường của Repsol hay không, nhưng chí ít hợp đồng thăm dò và khai thác bên đã bên bờ vực đổ vỡ.
Việc chỉ đến thời điểm này Repsol mới ‘mở miệng’, dù vẫn giữ thái độ hết sức dè dặt, đã phác lộ một tâm thế thất vọng chua chát trước ‘bản lĩnh Việt Nam’.
Vào tháng Bảy năm 2017 khi lần đầu tiên phải cắm mặt rút khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ trong khu vực Bãi Tư Chính ở vùng đông nam Việt Nam, đã chẳng một quan chức nào của Repsol hé nửa lời về nguyên nhân lẫn nỗi cay đắng vì nguy cơ mất sạch phần kinh phí ban đầu cho hoạt động thăm dò – khi đó là được cho là khoảng 36 triệu USD.
Tháng Bảy năm 2017 đã xảy ra một sự kiện mà xứng đáng được liệt vào loại “nhục quốc thể”: chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” khi yêu cầu Repsol ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhưng vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Vào tháng Tư năm 2018, một lần nữa Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Cũng vẫn do sức ép không hiểu đến mức độ nào của Trrung Quốc. Tin tức này cũng không phải từ hệ thống chính trị hay báo chí nhà nước Việt Nam, mà lại là từ giới truyền thông quốc tế – vào lần này là cây bút Bill Hayton của đài BBC – đã phát hiện ra vụ “giương cờ trắng” không còn đất mà chui xuống như thế.
Đến lúc đó, tình thế đã trở nên bi kịch hơn hẳn: không những các giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa đã chẳng thể khiến Trung Quốc hoảng sợ, mà cả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018 – theo lời ‘cầu viện’ chính thức của Bộ Quốc phòng Việt Nam – cũng chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc.
Trong toàn bộ câu chuyện có lẽ chưa hề kết thúc của Repsol, người ta phải tự hỏi ‘đối tác chiến lược Tây Ban Nha đâu rồi?”.
Bởi trong cả hai lần Repsol phải rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đã không có bất kỳ phản ứng nào từ phía Tây Ban Nha – một quốc gia mà Việt Nam đã ký kết “đối tác chiến lược” vào năm 2009.
Hai thất bại liên tiếp ở Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017 và tháng Tư năm 2018 đã khiến lộ ra một sự thật quá cay đắng: trên trường quốc tế, chính thể Việt Nam chưa bao giờ cô độc đến thế, bất chấp ‘thành công đối ngoại chưa từng có’ của chính thể này là sở hữu đến chẵn một tá đối tác chiến lược cho đến nay, bao gồm cả hai ‘tân binh’ là Ấn Độ và Úc được ký kết vào đầu năm 2018.
Vẫn biết rằng mỏ Cá Rồng Đỏ có trữ lượng ước tính đến 45 triệu thùng dầu thô và 172 tỷ mét khối khí mà có thể mang lại một cứu vãn được ngày nào hay ngày nấy cho nền ngân sách nợ nước ngoài như chúa chổm và đang chứa chất quá nhiều dấu hiệu cạn kiệt của Việt Nam, nhưng liệu còn có đối tác nước ngoài nào dám chen chân vào Bãi Tư Chính để cùng Việt Nam khai thác dầu khí sau việc giới quan chức Việt đã muối mặt để yêu cầu Repsol rút khỏi Cá Rồng Đỏ?
Nếu Tây Ban Nha – quốc gia được Việt Nam xem là đối tác chiến lược – mà còn chẳng có nổi một thao tác nào bảo vệ cho Repsol, liệu đối tác ngoài nào dám nhảy vào mỏ Cá Rồng Đỏ để thay thế cho Repsol và đương đầu với những trò vây hãm đầy tiểu xảo và ti tiện của hải quân Bắc Kinh?
T.L.
Nguồn: https://www.baocalitoday.com/viet-nam/ca-rong-va-ban-linh-viet-nam.html