Một bất hợp lý về lương hưu

Nguyễn Đình Cống

1- Giới thiệu

Bài này nhằm góp ý kiến với Hội nghị Trung ương 7.

Quỹ Bảo hiểm xã hội và đặc biệt là quỹ lương hưu đang gặp phải cảnh “ thu ít, chi nhiều”. Nếu tình trạng kéo dài sẽ đến lúc sụp đổ. Hội nghị Trung ương 7 đang bàn về lương hưu. Có một số nghi ngờ: “ Bàn thế để làm gì”, liệu có giải quyết được  vấn đề không, vì rằng “ Không thể dùng chính cái tư duy tạo ra vấn đề để giải quyết vấn đề”. Vẫn biết như thế, nhưng nhân cơ hội này, cứ cho rằng Đảng cũng có ý muốn tìm cách tháo gỡ mâu thuẩn, nên tôi xin vạch ra một bất hợp lý trong việc trả lương hưu hiện nay, may ra nó được quan tâm đến.

Theo hiểu biết của tôi, lương hưu (LH) gồm 2 phần: Tiền công dự trữ (TC) và Bảo hiểm nhân đạo (BH).

LH = TC + BH. Ở đây TC là phần để dành bắt buộc của người lao động khi họ đang làm việc và đóng bảo hiểm xã hội. BH là phần người lao động được hưởng do xã hội chu cấp, có tính nhân đạo, khi họ không còn nguồn thu nhập để bảo đảm cuộc sống.  Thời gian người lao động được hưởng lương hưu kết thúc vào lúc họ qua đời, không phân biệt đã lĩnh trong thời gian bao lâu và tình trạng kinh tế của họ. Tôi thấy cách trả LH như vậy có điểm không hợp lý, dẫn tới không công bằng và phần nào làm giảm thu, tăng chi.

Vào năm 2014 tôi đã 2 lần viết thư cho Quốc hội nêu ý kiến, nhưng không được phản hồi. Lần này tôi xin nhắc lại và giải thích thêm, mong được các đại biểu dự Hội nghị TƯ 7 biết đến, thảo luận; những ai quan tâm có dịp tham khảo và phản biện.

2- Lương hưu không hợp lý, không công bằng

Để làm dẫn chứng tôi nêu ra 2 trường hợp: Chị A cháu tôi và anh H bạn tôi. Chị A vào quân đội năm 23 tuổi, năm 48 tuổi xin nghỉ hưu với cấp bậc thượng tá, gia đình sung túc. Dự kiến A sẽ sống đến ngoài 90 tuổi, hưởng lương hưu khoảng trên 42 năm, gần gấp đôi thời gian đóng bảo hiểm xã hội (25 năm). Tình trạng kinh tế của A không cần đến trợ cấp nhân đạo. A thuộc dạng công ít, hưởng lợi nhiều.

Anh H, thầy giáo, đi làm và đóng bảo hiểm từ năm 24 tuổi, về hưu năm 60 tuổi, chết năm 67 tuổi, hưởng LH trong 7 năm, chỉ  bằng 1 phần năm thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Anh H thuộc loại làm nhiều mà hưởng ít. Anh H chết đi gia đình ban đầu gặp phải khó khăn.

Đó là 2 trường hợp, nêu ra để so sánh, tuy là đặc biệt, nhưng không phải ít gặp.

Ừ thì bảo hiểm, anh H hưởng ít để chị A hưởng nhiều. Nhưng gia đình anh H gặp khó khăn còn chị A vẫn sung túc, không cần đến sự giúp đỡ nhân đạo từ phía những người như H.

Anh H còn được hưởng LH 7 năm, trong thực tế khá đông người được hưởng ít hơn thế. Chị A có thể hưởng LH khoảng 50 năm, còn một số làm ít hơn mà có khả năng hưởng nhiều hơn thế.

om-nay-15-tang-luong-co-so-tu-1150000-dong-len-12

3- Ý kiến của tôi

Dân Việt có không ít người phát hiện ra tính ưu việt của lương hưu suốt đời nên đã tìm mọi cách “chạy” để vào làm trong các cơ quan nhà nước. Đó là một trong những nguồn làm phình to biên chế. Một số người cố mọi cách vào được biên chế, chủ yếu không phải để làm việc mà cơ bản để có lương hưu.  (Có một số không làm được việc gì, thậm chí còn có hại). Đến lúc quỹ lương hưu cạn kiệt nhiều người có trách nhiệm mới giật mình. Tôi có đề xuất sau:

Đề xuất 1: – Chỉ trả LH trong thời gian tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, nếu người ấy còn sống, gặp khó khăn thì chuyển sang chế độ trợ cấp như đối với người già yếu (họ phải làm đơn xin trợ cấp).

Đề xuất 2: -Khi người hưởng LH chết sớm, chưa nhận đủ LH theo thời gian  quy định, nếu gia đình có yêu cầu thì Bảo hiểm xã hội trợ cấp một khoản  bằng một phần tư đến một phần ba số tiền còn lại.

Đành rằng công bằng chỉ là tương đối, nhưng khi đã thấy rõ bất công thì nên thay đổi. Hơn nữa nếu làm theo đề xuất trên đây có khả năng tăng thu và giảm chi.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in lao động, phản biện, Xã Hội. Bookmark the permalink.