Ánh Liên
(VNTB) Những ngày kỷ niệm 30.04 năm nay đặc biệt trong tâm thức những người mong muốn sự hòa giải để tiến lên, trong bối cảnh Triều Tiên và Hàn Quốc cùng ngồi trò chuyện trở lại tại Bàn Môn Điếm như những người anh em, với nghi thức cổ truyền Cao Ly.
Đặc biệt cũng là vì một phần vừa qua, Bộ sách Lịch sử 15 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn phát hành vào tháng 08.2017 đã thay cách dùng từ ‘ngụy quyền Sài Gòn’ trước đây bằng danh xưng ‘Chính quyền Sài gòn’, thay ‘ngụy quân’ thành ‘quân đội đội Sài Gòn’.
Những chuyển biến như vậy (dù nhỏ) cũng tạo ra một chuyển động về nhận thức tích cực và tính bao dung len lỏi trong xã hội Việt Nam, và dường như những chuyển động như thế càng khiến người Việt trở nên… đáng yêu hơn.
Đáng yêu hơn là cách nói dung dị nhất để khắc họa một trạng thức không còn sự đánh đố, hơn thua, bạo lực, đố kỵ, xỉ vả… Đáng yêu là để dung hòa, bởi suy cho cùng, tính người là cái phần bao dung, còn tính vật là tính cắn xé lẫn nhau.
Nhưng đâu đó, vẫn còn giữ gìn ‘tư duy chính trị mấy chục năm về trước, nay đã lỗi thời’ ấy. Bởi, thỉnh thoảng người viết cũng hay lướt các trang tin của nhóm người mang trong mình sự thù hằn ấy với quá khứ đã qua, trong đó nổi bật nhất là tin về đơn kiến nghị gửi Bộ Chính trị và ông TBT Nguyễn Phú Trọng của một Đảng viên trẻ (tên Quách Duy) đối với Bộ sách Lịch sử VN 15 tập. Người này hiện đang công tác tại Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã nhấn mạnh sự phản đối kịch liệt đối với việc không gọi ‘ngụy quyền – ngụy quân Sài Gòn’.
Có thể tưởng tượng được không khi một người sinh năm 1982 nói về quá khứ với một thái độ ‘Đào tận gốc, trốc tận rễ’? Ông Quách Duy đề cập việc không gọi ‘ngụy quân-ngụy quyền’ qua việc bài thơ Xuân năm 1969 của ông Hồ Chí Minh, nhưng ông có hiểu hơn rằng, ông Hồ Chí Minh cũng từng bày tỏ tính khoan dung qua câu nói: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ.”.
Chắc ông Quách Duy không hiểu, bởi sự hằn học quá lớn, và vì quá lớn, nên trong máu của ông hàm chứa tính bạo lực. Trong tâm thức của mình, người viết cảm thấy may mắn là ông không sinh ra trong thời chiến, nếu không, ông đã trở thành một đồ tể ‘tuyên án người như là rơm, là rác’. Và tiến trình hòa hợp, hòa giải ở Việt nam sẽ không thể hiện hữu bởi chính những con người như vậy, những con người thực sự ‘lạc lõng giữa thời bình’.
Sự lạc lõng ấy cũng trở lại với một số trang báo chính thống Việt nam gần đây khi đưa tin sự Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều. Thay vì nhấn mạnh tính ‘hòa bình, hòa giải’, thì một số trang lại lạc lõng khi cho rằng đó là ‘chiến thắng của ông Kim Jong-Un’ (như cách Triều Tiên ca ngợi cuộc gặp này là ‘thắng lợi bất diệt’ của vị Chủ tịch trọn đời). Người viết tự hỏi, từ bao giờ có chuyện thắng hay thua trong một cuộc gặp của hòa bình và hòa hợp?
Có người nói rằng, thừa kế tính chiến tranh chính là tạo lập một hòa bình và sự hòa giải từ nhiều phía. Điều này là đúng đắn, và nó không khác gì cách mà Kim Jong-Un và người đồng nhiệm Hàn Quốc cùng nỗ lực, và Việt nam cần học tập một cách chính đáng như vậy.
Nhà báo tự do Lê Diễn Đức bày tỏ trên Facebook cá nhân của mình: ‘Cho dù coi nhau như kẻ thù, một mất một còn, hoặc anh, hoặc tôi, nhưng vào một thời điểm nào đấy, con người có thể sáng suốt nhận ra rằng, nuôi dưỡng căm thù, uất hận, sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, nếu không nói là chỉ mang lại chia rẽ và tổn thất.’
Dù còn chia cắt, nhưng câu chuyện dắt nhau qua đường biên giới đã chứng minh phần nào cái cao quý nhất của con người là sự dung hợp, bởi cả hai quốc gia đều có cùng một dòng máu dân tộc đang chảy trong mỗi người.
Trở lại Việt nam, thực tế, câu chuyện nghĩa trang Biên Hòa, hay các hoạt động thúc đẩy của Thứ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn là đáng ghi nhận; những Việt kiều và nghệ sĩ về nước biểu diễn cũng tạo tiến trình hòa giải, từ nay, sự hận thù chôn vui trong dĩ vãng, chỉ còn hiện tại và tương lai.
‘Dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc’ là một tiến trình dài, những chuyển biến thời gian qua dẫu sao cũng đã cho thấy những điểm tích cực. Nhưng cần tích cực hơn nữa để người Việt có thể thực hành đầy đủ câu nói “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Bởi thống nhất địa lý mà chưa thống nhất về lòng người thì bản chất cuối cùng vẫn sẽ là phân ly.
30.04 là ngày nghỉ, là ngày để nói về hòa bình, ngày nói về hòa giải, hơn là ngày nhắc lại sự hận thù, bởi tất cả người Việt dù bên nào, thì cũng là anh em một nhà!
A.L.