Cần một tòa án môi trường độc lập

 

Cát Tường (VNTB)

Có vẻ nhà chức trách dị ứng với bất kỳ đề xuất nào có dính đến cụm từ “độc lập”. Tuy nhiên đã đến lúc cần đến thành lập một tòa án chuyên biệt như vậy, khi mà môi trường sống đang bị đầu độc, bị bức tử từng phút, từng giờ.

Hệ lụy của “Đảng luôn đúng”

Đầu tháng 4-2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có một báo cáo gởi Bộ Công Thương cảnh báo về các nguy cơ tiềm ẩn về môi trường và sự cố môi trường của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư vượt 32.000 tỉ đồng. Trong đó có cảnh báo đến vấn đề chất lượng công trình, hệ thống xử lý môi trường của hai dự án đã xuống cấp…

Các cảnh báo này không bất ngờ vì hơn chục năm trước, các nhà khoa học và cả chuyên gia của TKV đều phản đối việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên bằng công nghệ nhập từ Trung Quốc. Tương tự như Formosa Hà Tĩnh, cả hai dự án bauxite đều vấp phản ứng mạnh về công nghệ xử lý ướt bùn đỏ hay xử lý khô bùn đỏ?

Hậu quả của chuyện tràn hồ, vỡ hồ xử lý ướt bùn đỏ cũng đã xảy ra. Chất thải có độ pH cao thấm vào nguồn nước ngầm suốt gần chục năm qua ở hai dự án này – nói như lời của TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược và Khoa học công nghệ Tập đoàn TKV: “Tự thân hai dự án này, kể cả khi chưa có sự cố, đã làm thay đổi cơ bản môi trường đất và môi trường nước trong khu vực. Các sự cố xảy ra thời gian qua, tuy có quy mô nhỏ, nhưng tính chất lại rất nguy hiểm vì nó đã xảy ra ngay từ khi dự án mới đi vào hoạt động”.

Không quá lời khi coi đây là hệ lụy của “Đảng luôn đúng”. Giữa tháng 4-2009, Bộ Chính trị đã nghe Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007 – 2015, có xét đến năm 2025. Thông báo đăng trên nhiều tờ báo cho hay điểm đầu tiên trong kết luận của Bộ Chính trị là: “Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bauxite là chủ trương nhất quán từ Ðại hội IX và Ðại hội X của Ðảng đến nay”. Bộ Chính trị chỉ đạo “Tiếp tục thực hiện chủ trương triển khai hai dự án ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông) do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài” [Nguồn: http://bit.ly/2HzmSRL].

Tòa án môi trường với các quyền độc lập?

Có lẽ thông tin sau đây ít phổ biến hơn: công ty An Viên – doanh nghiệp đã bán dịch vụ hạ tầng truyền hình AVG cho Mobifone, có một thành viên là An Viên B.P thành lập năm 2008. Theo kế hoạch, An Viên B.P sẽ được cấp giấy phép khai thác 2 dự án mỏ bauxite Thọ Sơn và mỏ Thống Nhất tại tỉnh Bình Phước. “Công ty khai thác bauxite “bí ẩn” trong thương vụ Mobifone mua AVG” đang là thông tin được nhiều tòa soạn cử phóng viên tìm hiểu.

Trở lại với câu chuyện công nghệ sản xuất liên quan môi trường. Formosa Hà Tĩnh, Lee&Man Hậu Giang, Nhiệt điện Vĩnh Tân… tiếp tục là những địa chỉ nóng về chuyện sản xuất bằng công nghệ được xác nhận ngay từ đầu là sẽ gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng tương tự như hai dự án bauxite nói trên, Bộ Công Thương gần như bỏ ngoài tai mọi khuyến cáo không chỉ từ công luận, mà ngay cả nơi đồng cấp là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sự ra đời của một tòa án môi trường độc lập là cần thiết?

Như tôi từng đề nghị cách đây 9 năm là Việt Nam cần có một tòa án môi trường chuyên biệt để thực thi luật môi trường, tới nay, dĩ nhiên Việt Nam vẫn cần một trọng tài độc lập làm việc dựa theo luật môi trường như vậy. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, để tránh xung đột lợi ích hay tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, một trọng tài môi trường (tương tự như tòa án thương mại xử lý các vụ tranh chấp thương mại) chuyên về luật môi trường sẽ tránh những trường hợp gây xáo trộn xung đột trong cộng đồng và giải quyết vấn đề ổn thỏa với sự đồng thuận cao”. TS. Nguyễn Đức Hiệp, chuyên gia khoa học về khí quyển ở Bộ Môi trường và Di sản, bang New South Wales, Úc, nói.

Mà môi trường sống đâu chỉ là gói trong những ô nhiễm do công nghệ, mà còn là các yêu cầu của bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa; gồm cả kiến trúc, lịch sử và tâm linh gắn liền với kiến trúc và cảnh quan đô thị.

Chia sẻ đề nghị của TS. Nguyễn Đức Hiệp, từ Kiên Giang, luật sư Trần Thành nói rằng thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, các thẩm phán còn thiếu chuyên môn, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành về xét xử vụ án liên quan đến môi trường nên chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án có liên quan đến môi trường chưa cao.

Một bản án tuyên về chuyện môi trường bị hủy diệt từ bauxite Tân Rai, bauxite Nhân Cơ hay từ Formosa Hà Tĩnh từ tòa môi trường chuyên biệt, chắc chắn sẽ thuyết phục và có tính răn đe mạnh mẽ hơn cho tất cả những dự án có công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường!”. Luật sư Trần Thành bày tỏ.

Tuy nhiên nhiều đồng nghiệp với ông Thành cho rằng nếu tòa án không có được sự độc lập, thì vẫn không giải quyết được gì.

Theo tôi, khó khăn lớn nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không hoàn toàn độc lập trong công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường của các dự án luyện alumina ở Tây Nguyên, tham vấn cộng đồng, quan trắc và xử lý các vi phạm nếu có của chủ đầu tư. Vì đây là công trình của Nhà nước và có sự chỉ đạo từ trên cao nên việc thẩm định, giám định và thi hành luật môi trường bị giới hạn. Suốt quá trình đưa ra đề án, hồ sơ đánh giá môi trường, tham vấn cộng đồng, thẩm định, xây dựng, vận hành nhà máy và quan trắc đã không đạt được”…. TS. Nguyễn Đức Hiệp, chia sẻ.

C.T.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.