Giang Nam (VNTB)
Kẻ phạm tội thì ít, người im lặng thì nhiều, nhìn trên tổng thể cộng đồng xã hội
Báo chí và công luận chỉ chăm chú phân tích và lên án số ít kẻ xấu. Bỏ qua phần lớn còn lại của cộng đồng.
Nữ sinh Phạm Song Toàn can đảm và bên kia: cả lớp 11, cả trường Long Thới.
Nữ sinh lớp 3 uống nước giẻ lau bảng và bên kia: lớp 3A, cả hội đồng trường tiểu học và Phòng giáo dục An Dương.
Cô giáo quỳ và bên kia: nhà trường gồm hiệu trưởng và giáo viên, bao trùm hơn nữa là hệ thống chính trị pháp luật Long An.
Bên này thì ít, bên kia thì nhiều.
Các nhân vật phụ số nhiều mới thực là nhân vật chính qua các vụ HS bị bạo hành và làm nhục.
Số đông im lặng kia sẽ là nơi chứa đựng kẻ “phạm tội tiềm năng”.
Martin Lutherking nhà hoạt động nhân quyền Mĩ gốc Phi giải Nobel Hòa Bình năm 1964, cho rằng: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”.
Hãy tạm giả định những người im lặng là “người tốt”, theo quan niệm tạm bợ của số đông.
Con người sinh ra và lớn lên, họ luôn đối diện với nhiều trạng thái khác nhau trong cuộc sống. Xót xa là một cảm giác đau đớn, nuối tiếc vô cùng sâu sắc. Còn im lặng tức là không có hành động hay phản ứng tương ứng trước những tình huống, sự việc đáng lẽ cần có thái độ, có phản ứng.
Sự im lặng ấy trở nên đáng sợ.
Sự im lặng ấy là vô tình tiếp tay cho tội ác,
Có nghĩa là đồng phạm với tội ác.
Im lặng là đồng ý.
Đằng sau ‘thảm họa giáo dục” là tính háo danh và giả dối?
Đằng sau là sự ích kỷ lo thân mình trước.
Đau lòng vô cùng khi chứng kiến những chuyện không thể tưởng tượng nổi: từ cô giáo – học trò bị bắt quỳ lần lượt, cô giáo mấy tháng lên lớp “tịnh khẩu” với học trò, cô bắt học trò uống nước giẻ lau bảng đến học trò đâm thầy vì thầy nhắc nhở hình xăm của mình; học trò bóp cổ cô, thầy giáo bị đánh gãy xương mũi vì tát học trò…
Rồi giáo viên tố hiệu trưởng ép phá thai để giữ thành tích trường; rồi áp lực học khiến chỉ trong vài ngày, một nam sinh kỹ thuật Cao Thắng nhảy lầu, một học sinh trung học giỏi ở THPT NK tự tử vì áp lực học…
Cá biệt hay phổ biến?
Dù chỉ một số trường hợp, hãy tạm nói đây chỉ là hiện tượng cá biệt. Ngành giáo dục phản ứng ra sao? Có hiệu trưởng bị cách chức, có phụ huynh bị khai trừ Đảng, một số cô giáo thấy giáo bị kiểm điểm, cảnh cáo, đình chỉ hoặc thôi việc… Còn ở cấp cao nhất, làm việc với Tổ công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ biết tuyên bố: Sẽ chấn chỉnh, sẽ đẩy mạnh giáo dục đạo đức trong nhà trường, cả với thầy lẫn trò bằng quy tắc đạo đức.
Hễ ở đâu xảy chuyện, bộ trưởng Nhạ như cái máy “gửi công văn” đề nghị chủ tịch địa phương lưu ý.
Chỉ tính năm 2017, ngành giáo dục lòi ra vài chục ông bà giáo sư, phó giáo sư không đạt chuẩn. Vài chục bị loại ra vẫn là số nhỏ trong tổng số GS, PGS trót lọt. Vài chục năm qua chưa bào giờ rà soát. Tuy nhiên, những người đã xét công nhận cho họ từ khắp các cơ sở đến cấp nhà nước lại là số lớn.
Hiện tượng tranh chạy thành tích, chức danh tràn lan trong ngành, từ cấp cao nhất cho đến tận các trường tiểu học, mầm non như vậy bảo sao môi trường giáo dục không “sôi sục” được.
“Kẻ nào háo danh, việc làm thường giả dối” (Lã Khôn)
Sống trong môi trường có nhiều hành vi giả dối, tranh giành như vậy, có lẽ những thảm họa là một tất yếu, số lượng tăng dần là điều chắc chắn.
Chúng ta không phủ nhận những tác động của bên ngoài, xã hội và gia đình, nhưng môi trường mô phạm, tức khuôn mẫu cho học trò xưa nay phải là khuôn mẫu về nhân cách, trình độ của người thầy, dù cho cơ sở vật chất thế nào chăng nữa.
Trong đó, nhân cách lớn nhất mà nhà trường, ngành giáo dục cần phải xem là nhiệm vụ trọng tâm: đó phải là nơi truyền giảng yêu thương và xây dựng tính độc lập.
Khi có những học trò vẫn mất niềm tin chỗ dựa trong cuộc sống và gia đình thì trường lớp phải là tổ ấm cuối cùng, chứ không phải là “pháo đài” như vô số băng rôn trên đường phố, trước cổng trường, trong sân trường lâu nay.
Học trò sao không lên tiếng?
Vì ở Việt Nam các em không được dạy cần phải lên tiếng khi cần thiết.
VTV1 đưa tin liên tục về học sinh của hàng nghìn trường học ở Hoa Kì bãi khóa để tưởng niệm 15 nạn nhân của vụ xả súng kinh hoàng mấy năm trước. Các em tuần hành trong im lặng để bày tỏ thái độ để gửi thông điệp đến các chính trị gia, đến các nhà lập pháp, những người quản lí xã hội về quyền được sống trong môi trường an toàn.
Vậy là học trò Hoa Kì rất trưởng thành. Các em lên tiếng vì chính quyền lợi các em. Còn ở ta?
Tại một cái trường có tới hàng chục học trò bị xâm hại tình dục bởi thầy giáo chủ nhiệm thế nhưng chẳng thấy học trò lên tiếng phản đối! Tuyệt nhiên không thấy học trò ở cái trường ấy lên tiếng, hay các em lên tiếng nhưng không ai đưa tin?
Một cái lớp học 11 mấy chục học trò nhẫn nhục chịu đựng khi cô giáo “câm” cố ý suốt 4 tháng trời! Tại một lớp học khác lớp trưởng tuân lệnh cô giáo giặt giẻ lau bảng rồi vắt lấy nước giúp cô phạt bạn!
Bọn xả súng đáng đưa ra tòa. Nhưng dù sao thì chúng cũng là lũ “cá biệt” đầu đường xó chợ, tội phạm, bất lương.
Còn ở nhà trường ta thủ phạm/tội phạm lại có thể là chính người làm giáo dục.
Có thể vì thế mà ở ta, học trò không có lên tiếng như ở Mĩ chăng?
Hay vì lí do nào nữa?
Chúng ta kêu gọi hội nhập với thế giới nhưng học trò của ta như thế thì hội nhập cái gì?
Các em không lên tiếng vì bản thân mình thì bao giờ mới hình thành được những con người có tư cách độc lập?
Không có tư cách độc lập thì đừng bàn chuyện hội nhập gì cho nó rườm lời!
Vừa rồi phóng viên báo Tiền Phong vào tận lớp học, ghi hình, phỏng vấn học sinh lớp 3, tạo hiện trường các em học sinh khóc thương cô giáo để đăng bài kích động tẩy chay em bé bị uống nước giẻ lau bảng, biến em bé từ nạn nhân thành kẻ có tội, rằng “vì mày mà cô giáo bị đuổi dạy”! Mới học lớp 3 mà đã bị như vậy thì lớn lên làm sao chúng có thể thành người ngay thẳng?
Nhà trường tạo nên con người xã hội. Hiện nay ở đâu có người cất lên tiếng nói đấu tranh vì lẽ phải, ở đó sẽ có sự kì thị, cô lập đến mức không thể sống nổi. Cứng cỏi như thầy Đỗ Việt Khoa, được Bộ trưởng khen thưởng, được VTV biểu dương thành “Người đương thời” mà vẫn bị các Trường THPT và Sở GD Hà Nội cô lập, Đỗ Việt Khoa đã chuyển sang trường khác, người ta vẫn không chịu buông tha, thậm chí bị hành ra bã, huống hồ là một em học sinh thân phận mỏng manh.
Ngay cả bây giờ, có cụm từ nào để diễn tả về nền giáo dục nước nhà không? Xin thưa là một chữ: nát.
Khoa học ăn nói nước đôi
Bạn đồng nghiệp FB Tiến Đặng tường thuật vắn tắt và bình luận về VTV.
VTV1 vừa phát chương trình “Vì tầm vóc Việt”. Chương trình rất ngắn, lại nhiều người nói, nói rất nhanh, nhà báo ghi âm lại không nét nên nghe không thật rõ. Tham gia chương trình có người dẫn (giấu mặt) một ông tiến sĩ tâm lí và mấy học trò. Chủ đề của cuộc trò chuyện là xung quanh vụ “nước giẻ lau bảng”!
Những gì tôi nghe được đủ khiến cho tôi ghê tởm lối ăn nói nước đôi của người Việt mình!
Đặc biệt là ông tiến sĩ.
Đại thể là ông ấy biện hộ rằng: “Đừng cắt lấy cái khúc phạt uống ước giặt giẻ lau mà phải quan tâm đến khúc trước và cả khúc sau. Phải hiểu nguyên nhân nào dẫn đến việc làm của cô. Ông ta đưa ra mỗi chuỗi nguyên nhân: áp lực công việc, ngưỡng chịu đựng của nhà giáo khi học trò cứ lặp đi lặp lại chuyện mất trật tự, nào là cơn nóng giận không kiềm chế… Rồi còn kêu gọi hãy cứu chữa tâm lí sau khi vụ việc được phát giác… Có nghĩa là hành động phạt học trò của cô giáo nọ tuyệt đối không có nguyên nhân nào thuộc về cá nhân cô ta, của gia đình cô ta, của cái tập thể nhà trường cô ta… Rồi ông còn khuyên dư luận là không nên lên án, không nên kết tội gì đó nữa”.
Tôi chờ xem ông tiến sĩ nọ có nói gì về học trò buộc phải uống nước bẩn thì… tuyệt nhiên không! Ông không hề đưa giả thiết vì sao học trò lại mất trật tự, vì sao học trò không chịu nghe lời thầy cô! Vì sao học trò lại có thể bình thản giặt giẻ lau, vắt nước và đưa cho bạn uống, vì sao mà cả cái lớp học sinh kia lại không có trò nào phản đối hành động của cô giáo….
Lối ăn nói nước đôi khiến cho tôi thấy rất là bức xúc.
Đúng là phải tìm nguyên nhân dẫn đến hành động phạm pháp này nhưng lối ăn nói nước đôi của ông tiến sĩ cứ như là để bào chữa cho cô giáo nọ! Bào chữa thì cũng tốt thôi nhưng nó phải thấu lý chứ không phải chỉ xuất phát từ sự khoe khoang kiến thức và vô tình bênh che kẻ ác!
Còn các học trò phát biểu cũng thế. Các em có được đạo diễn hay không, tôi không biết nhưng các em phát biểu về việc làm phạm pháp của cô giáo kiểu “vừa nói vừa cười, có vẻ rất là thích thú” thì dứt khoát là không được, rất phản giáo dục. Tâm hồn trẻ thơ của các em cần phải dạy lối ứng xử dứt khoát mạnh mẽ chứ không phải dạy cho các em lối khôn ngoan vặt của kiểu ăn nói nước đôi!
Tôi nghĩ hãy nên có chương trình “Vì tầm vóc tiến sĩ” trước đã!
Một nền giáo dục còm cõi đẻ ra sản phẩm tệ hại
Qua những sự cố này, tôi khẳng định rằng, dù có trăm cuộc đổi mới hàng triệu tỉ đi nữa, giáo dục Việt Nam vẫn không thay đổi.
Bởi đó là nền giáo dục phản giáo dục. Chúng ta thiếu gì? Tiền ư, nhưng 20% ngân sách dành cho giáo dục vẫn là câu nói tự hào của ngành! Giáo sư và chuyên gia ư? Chúng ta vẫn đang trong tiến trình “phổ cập” TS, PGS, GS kia mà! Chỉ là, chúng ta thiếu gì một cái quyết tâm tâm thực sự trong ứng xử với giáo dục quốc gia!
Ngành giáo dục vẫn theo triết lý “đẽo cày giữa đường” mãi mãi.
G.N.
VNTB gửi BVN.