Nguỵ Hữu Tâm
Linh hồn chiến thắng vật chất hay ngược lại. Nhân ngày Stephen Hawking vừa mới đi xa.
Trước đây 20 năm, để tìm tài liệu nhằm viết một bài báo của câu chuyện có tiêu đề trên trang nhất về cuộc tìm kiếm công thức giải bài toán vũ trụ, tôi đến thành phố Potsdam (ở CHLB Đức, nằm phía Tây Nam của Thủ đô Berlin và cách đó gần 100 km, đi bằng xe hỏa ven đô mất khoảng trên một giờ, nơi Đài Thiên văn Babelsberg có đặt kính thiên văn mà Albert Einstein từng có thời gian khoảng 1919 làm việc ở đây và rồi chứng minh được Thuyết Tương đối Rộng, NHT). Ở đó vừa khai mạc một Hội nghị Quốc tế về Lý thuyết Dây với sự tham gia của trên 400 nhà vật lý cùng với một nhà bác học phải ngồi xe lăn. Những người này nói về p-branes, về lý thuyết-M và về đa dạng Calabi-Yan 6 chiều. Còn người kia nói về Vũ trụ và về Chúa.
Đó là điều luôn xảy ra với Stephen Hawking. Ngay từ ngày ấy thì Ông đã là một Ngôi Sao Nhạc pop, chắc chắn là nhà khoa học nổi tiếng nhất toàn cầu. Những nhà tổ chức các hội nghị phải tính toán kỹ về những khoản đặc biệt khi mời Ông: những chi phí khổng lồ cho các nữ hộ lý, phải cân đối thu chi giữa trợ lý kỹ thuật và chăm sóc y tế với hiệu ứng quảng cáo vĩ đại. Đề tài cho một hội nghị vật lý dù cho có bí hiểm đến mấy đi chăng nữa; thế nhưng khi Stephen Hawking xuất hiện ở đó thì đối với những người tổ chức, mối quan tâm toàn xã hội nhất định là điều dĩ nhiên.
Về mặt khoa học thì từ lâu rồi, Hawking đã vượt ra khỏi đường chân trời của Ông. Tôi còn nhớ rõ, một số đồng nghiệp của Ông bực mình đến thế nào về vấn đề ấy. Trong khi họ phải hết sức nỗ lực để vén bức màn bí mật sâu thẳm nhất của chính nó lên cho thế giới, thì rồi khi kết thúc hội nghị, người trả lời phỏng vấn báo giới lại là Ông. Mọi người chẳng hề muốn biết một chút gì về những công thức của các nhà lý thuyết. Họ chỉ quan tâm tới những gì mà nhà tiên tri với cái giọng tổ hợp kim loại muốn nói.
Nếu như người ta trung thực thì, Hawking hầu như chỉ cung cấp ở đó những bản tuyên bố mà chính Ông đã chuẩn bị từ trước. Ngay từ những lý do thực dụng thì người ta cũng chỉ cho phép đặt nhiều nhất là hai, ba câu hỏi tự phát. Không gian im lặng bao trùm, kéo dài hàng phút trong khi Ông dùng ngón tay duy nhất còn cử động được của Ông gõ từng chữ một câu trả lời lên bàn phím máy vi tính của Ông, gia tăng sự căng thẳng.
Dĩ nhiên lòng ganh ghét phải giữ trong giới hạn. Chẳng có ai ở Potsdam lại có thể phủ nhận rằng, Stephen – các nhà Vũ trụ học ưu tiên gọi nhau bằng tên tục – là một điều gì đó cực kỳ đặc biệt. Để nhận thức ra được điều đó, người ta hoàn toàn chẳng cần phải hiểu các lý thuyết vật lý mà Ông vốn quan tâm đến chúng. Chỉ cần nhìn thấy Ông là đủ.
Ông đang ngồi kia, lọt thỏm trong chiếc xe lăn được trang bị kỹ thuật cao nhất, bị gấp lại hệt như một con rối bị đứt dây điều khiển, đôi bàn chân xoay xoay trông như một cách vô ý mà đã bị bỏ lại trên bàn đạp, cái đầu bị trượt nghiêng sang bên lên cổ áo quá rộng, trên khóe miệng còn vướng lại một sợi mảnh nước miếng.
Rồi trên bộ mặt như đã đông cứng này bỗng lóe lên cái con người tinh nghịch. Cứ như với những nét mặt của mình mà từ lâu đã bị mất quyền chủ ý kiểm sóat, bằng một cách nào đấy mà Ông đã biến hóa ra được cuộc sống. Bị tác động bởi đôi mắt Ông, cứ như chúng vừa bừng tỉnh, dẫu người ta chẳng nhận ra được một cái chớp mắt nào, tôi tự hỏi: Làm sao mà Ông làm được điều đó? Và: Chiến thắng của Tinh thần trước Vật chất có thể xuất hiện một cách hiển nhiên hơn thế chăng?
Sau đó thì Hawking lăn xe của mình về phía cái người phụ nữ trẻ đẹp nọ, chính là Bà phụ trách báo chí ở Potsdam. Rồi sau khi chiếc xe lăn của Ông đã đứng chốt lại chính trước nàng thì cái giọng máy vi tính nghe như giọng mũi, hệt tiếng gõ vào tôn, vang lên: „Do – you – want – to – come – DANCE – with – me?“ (Cô có muốn lại đây NHẢY với tôi không?, NHT).
Sau này bà ấy tường thuật về một buổi tối hết sức dị thường. Bằng chiếc minibus của Hawking thì họ, cùng nữ hộ lý và trợ lý kỹ thuật, đi đến một sàn nhảy ở Berlin. Rõ ràng là cuộc chen chúc lớn đến mức chẳng hề có ai đặc biệt chú ý tới người đàn ông nổi tiếng thế giới trên chiếc xe lăn mà người đó đang xoay những vòng tròn trên sàn nhảy. „Ông ấy là một người hướng đến cuộc đời, thân thiện đến thế“, bà ấy hào hứng kể lại.
Hawking hưởng thụ cuộc đời. Và Ông cũng hưởng thụ cái điều rằng, Ông là người nổi tiếng. Cho đến tận cuối đời, Ông vẫn thích được phát biểu trên công luận. Dù cho vấn đề ấy xoay quanh dự án là dùng súng đại bác laser bắn minisonde theo một chuyến du lịch giữa các ngôi sao lên Alpha Centauri; hay vấn đề là phải bảo vệ loài người trước cuộc tiếm quyền của những con killerrobot – người máy chuyên giết người, hay của những người ngoài hành tinh hay của trí tuệ nhân tạo; hay vấn đề là Ông muốn lên án việc hợp lý hóa trong ngành y tế: Hawking luôn lại cất cao cái giọng nhân tạo của Ông. Và Ông luôn có thể tin chắc rằng, Ông được mọi người lắng nghe. Cuối cùng thì thậm chí cả bộ phim hoạt hình nhiều tập „Simpsons“ cũng đã tôn vinh Ông như là người đàn ông thông minh nhất thế giới cơ mà.
Stephen Hawking là một trong số những người mà cuộc đời của họ có vẻ như khó tin tới mức rằng, đó là điều hoàn toàn không thể được, cái việc tách biệt giữa huyền thoại và đời thực. Trước tiên thì đấy là chẩn đoán bác sĩ: khi 21 tuổi, ở người thanh niên tài ba, sáng giá được h các bác sĩ phát hiện rằng, vì cái bệnh teo cơ ALS quái ác mà anh chỉ còn sống được hai, ba năm nữa. Tiếp theo đó là những cơn trầm cảm, rượu chè và thậm chí cả những kế hoạch tự vẫn. Rồi sau đó là tình yêu vĩ đại: Jane, cô gái vẫn cưới Ông dẫu tiên đoán (về cái chết) vẫn lơ lửng, và đã cứu Ông khỏi cái chết trước nỗi tuyệt vọng.
Rồi sau này chính cái cô Jane này lại cay đắng thanh toán với Ông. Trong cuốn sách 600 trang cô trình bày cuộc hôn nhân đầy khủng hoảng của cô, cô mô tả những sự lăng mạ mà cô phải chịu đựng, và sự khinh bỉ mà Ông đã dành cho cô. Ông đã chuyển những mối hận thù trong gia đình lên máy hát: Cô yêu Schubert, Ông lại đặt đĩa của Wagner lên máy (hai nhạc sĩ cổ điển, một người thuộc trường phái lãng mạn Áo, người kia tuy cũng thuộc trường phái lãng mạn Đức, nhưng theo chủ nghĩa dân tộc-bài Do Thái, nên sau này vào thời chủ nghĩa phát xít 1933-45 rất được nhà nước phát xít ngưỡng mộ, NHT).
Thế nhưng làm sao để cuộc chiến nhỏ nhoi trong vườn hồng này với những ý tưởng vật lý bay cao của Hawking? Phải chăng Ông thật sự là tài năng của thế kỷ mà Ông vẫn thường được ngợi ca? Hay Ông chỉ là một kẻ ba hoa mà hắn hay thì thào về nguồn gốc của Vũ trụ và chỉ trở nên nổi tiếng bởi lẽ hắn là kẻ tàn tật?
Khi tôi được làm quen với Ông ở Potsdam thì sức sáng tạo của Hawking đã cạn. Dẫu cho qua những thách đố có tác dụng đến công chúng, ở đó vấn đề chẳng hạn xoay quanh nghịch lý nổi tiếng về thông tin của lỗ đen hay cái gọi là những điểm kỳ dị trần trụi thì Ông vẫn làm cho mọi người phải chú ý đến mình. Thế nhưng đấy chỉ là tính thích làm đỏm mà thôi. Qua đó người ta không thể liên hệ được tới những nhận thức thật sự gây chấn động thế giới.
Thế nhưng các nhà vật lý ở Potsdam vẫn đón nhận đồng nghiệp Hawking của họ bằng một sự kính trọng nhất định, không chỉ vì và Ông đi xe lăn, mà cũng còn bởi lẽ họ coi trọng Ông ở tư cách là một nhà khoa học đã có đóng góp thật sự lớn vào thời trẻ.
Dù không hề phóng đại, vẫn có thể nói rằng Hawking là người đã thực hiện được bước duy nhất thật sự dài lên được con đường dẫn tới mục tiêu vô cùng lớn, xa vời của vật lý mà ở Potsdam mọi người đang thảo luận: Ông đã cấp cho ngành mình một công thức gần đến Vũ trụ hơn.
„Công thức Vũ trụ“ là một khái niệm hết sức mơ hồ mà nó có thể cho tất cả mọi nghĩa. Tuy nhiên các nhà vật lý lại mường tượng rất chính xác, họ phải hiểu nó thế nào. Họ đi tìm một lý thuyết mà nó thống nhất được hai ý tưởng quan trọng nhất của thế kỷ 20: Thuyết Tương đối Rộng và Cơ học Lượng tử.
Lý thuyết đầu do Albert Einstein tìm ra và mô tả lực hấp dẫn ngự trị thế giới vĩ mô các thiên hà và giữ chúng lại với nhau. Cơ học Lượng tử trái lại xảy ra trong thế giới vi mô, ở đấy vấn đề xoay quanh những vật nhỏ nhất có thể. Phạm vi ứng dụng của lý thuyết này bao gồm thế giới của các nguyên tử, các hạt quark và các điện tử.
Ngay sau khi hai lý thuyết trên được phát biểu thì các nhà vật lý đã biết ngay rằng, chúng không phù hợp với nhau. Thuyết Tương đối và Cơ học Lượng tử không thể đồng thời đúng.
Nhiều nhà vật lý nổi tiếng đã cố gắng hòa giải hai lý thuyết này với nhau. Nhưng họ đều thất bại cho dù có nỗ lực đến đâu chăng nữa. Cho đến ngày hôm nay các nhà nghiên cứu vẫn đau đầu về bài toán này nhưng họ chưa tiến triển được là bao.
Chỉ duy nhất có một người thành công với việc liên kết hai lý thuyết, dù chưa phải hôn lễ, thì cũng là lễ đính hôn. Chàng thanh niên 32 tuổi Stephen Hawking, khi ấy đã tàn tật hết sức nặng vì bệnh ALS, đã đạt kết quả bằng cách cho thêm một chút gia vị Cơ học Lượng tử vào Lý thuyết Hấp dẫn các Lỗ đen.
Các công thức từ đấy tìm ra cho ngay lập tức một sự bất ngờ thú vị: những Lỗ đen có thể hóa hơi – Hawking tìm ra được từ đó. Những vật hút vật chất có vẻ như chẳng bao giờ biết no mà về chúng các nhà nghiên cứu vẫn nghĩ rằng, ở đấy thì tất cả mọi thứ (thậm chí cả ánh sáng) sẽ vĩnh viễn biến mất, sẽ có thể dần dần mất năng lượng. Chúng sẽ phát ra các sóng điện từ mà để tưởng nhớ người tìm ra chúng, được gọi là bức xạ Hawking.
Tuy nhiên bức xạ Hawking cực kỳ nhỏ. Hầu như chưa có hy vọng, một ngày nào đó có thể tìm ra chúng. Thế nhưng dẫu cho một hiệu ứng nhỏ như vậy, nó vẫn đủ để gây chấn động lâu bền cho bức tranh về Vũ trụ của các nhà vật lý. Sau này Stephen Hawking còn cố gắng hoàn thiện lý thuyết các Lỗ đen của mình. Ông thử trên nhiều biến thể, nhưng tất cả chúng đều thất bại.
Nhưng dẫu sao trong cuộc sống riêng tư, Ông lại thành công ở việc thắng lực hấp dẫn. Sau lễ sinh nhật thứ 65, Ông tham gia chuyến bay theo hình parabôn mà phi công tạo được trạng thái không trọng lượng trong 30 giây.
Với Hawking, người vừa ra đi ở tuổi 76, trải nghiệm này phải hết sức vĩ đại. Từ hàng chục năm nay, Linh hồn Ông đã đấu tranh với các bí mật của Vật chất, chính là trọng lực. Và bây giờ thì cơ thể Ông, mà nó chẳng còn phải chống đối gì cái lực này nữa, lại có thể thoát ra khỏi nó.
Hawking luôn cố gắng dùng Linh hồn Ông để chiến thắng Vật chất. Thế nhưng ngược lại, phải hiểu chuyến bay theo hình parabôn như là thể hiện của việc Vật chất chiến thắng Linh hồn.
NHT dịch từ bài của Johann Grolle đăng trên tờ Spiegel số 12/2018