Tường thuật các buổi lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Franz Kafka tại Hà Nội

Ngụy Hữu Tâm

Xin tường thuật và trình bày ngắn gọn cảm nghĩ cá nhân về sự kiện Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Franz Kafka tại Hà Nội.

Sự kiện lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Franz Kafka tại Hà Nội vừa kết thúc sau thời gian diễn ra đến cả gần một tháng. Lễ kỷ niệm này thật sự hoành tráng vì nó được thậm chí cả đến 5 Đại sứ quán EU tại Hà Nội là CH Séc, CHLB Đức, CH Áo, Liên bang Thụy Sĩ và CH Pháp tài trợ và có đến 8 công ty văn hóa trong nước và cơ quan văn hóa nước ngoài tham gia đồng tổ chức tại rất nhiều địa điểm quan trọng rải rác khắp thành phố.

Và vì với quy mô to lớn trên 8 địa điểm từ Nam Từ Liêm kéo qua Time-City cho đến Phố Cổ và thời gian kéo dài từ 05/tháng ba đến 14/tháng tư 2018 như vậy, nên nó được mang cái tên rất kêu là Chuỗi sự kiện văn hóa Kafka Festival 2018 tại Hà Nội, và bao gồm:

– 3 đợt triển lãm liên tục từ 05/tháng ba đến 14/tháng tư trưng bày và giới thiệu tác phẩm “Kafka’s corner-Gặp gỡ Kafka” ở hơn 20 không gian văn hóa khác nhau tại Hà Nội;

– Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Áo: Đọc và múa – “Vũ điệu Kafka” của hai nghệ sĩ Charlotte Spize và Ziga Jereb;

– Hội thảo khoa học “Kafka với nền văn học Châu Á”;

– Tọa đàm về cuộc đời, sự nghiệp và các tác phẩm của Kafka;

last not least, là 5 buổi chiếu phim, tất cả đều miễn phí.

Theo tôi, sự kiện này diễn ra tại Hà Nội có ý nghĩa khá đặc biệt, cho dù chỉ là kỷ niệm 135 năm ngày sinh, chẳng phải năm chẵn như bình thường ở những ngày lễ như thế này, dẫu cho chưa hề nói tới vị trị của Franz Kafka trong văn học nói riêng và văn hóa nhân loại nói chung. Cũng có thể là sau những căng thẳng ngoại giao gần đây, nay là dịp hòa giải chăng? Và để đề cao nhà nước pháp quyền.

Vì điều kiện không cho phép, tôi chỉ tham dự được có 3 buổi trong số hết sức nhiều sự kiện trên, nay vẫn xin kể ra:

1. Tại đêm “Kafka tanzt-dance-khiêu vũ” ở Trung tâm Văn hóa Phố Cổ, Đại sứ quán Áo – có Ngài Phó Đại sứ tới dự – đã trân trọng mời 2 nghệ sĩ nổi tiếng của nước họ đến Hà Nội rồi thuê một địa điểm trang trọng với số chỗ hạn chế ở khoảng 100 chỗ cho 2 nghệ sĩ ấy biểu diễn. Số khán giả tới có vẻ như quá dự kiến nên số người đến muộn đã phải đứng xem, nhưng lỗi ở họ vì vẫn còn chỗ, chỉ bởi lẽ họ lịch sự không muốn vào sâu bên trong làm ảnh hưởng người khác mà thôi.

Buổi diễn rất thành công, nghệ thuật múa hiện đại rất hay nên được khán giả, toàn hết sức trẻ, nhiệt liệt hưởng ứng. Tôi thấy chỉ có tôi và một ông nữa là cụ già. Ông này ngồi ngay cạnh tôi, và được cậu con trai tôi nhận xét: “Ông ấy ngủ gật suốt cả buổi biểu diễn mà!”. Ông ta thì tôi đã nhẵn mặt, vốn người bên An ninh mà ở hầu hết các buổi trình diễn nghệ thuật nước ngoài tổ chức, tôi đều thấy ông ta cả.

2. Ở buổi tọa đàm văn học “Franz Kafka – hơn cả một cái tên” ở một địa điểm xa ngoài ngoại ô – tôi đếm trên công-tơ-mét là 13 km – mà vẫn có trên 100 thính giả, cũng hết chỗ ngồi mà ban tổ chức phải đưa thêm ghế phụ ra. Cũng toàn là thính giả trẻ – chỉ có nữ giáo sư văn học Đặng Thị Anh Đào và tôi là cánh già – mọi người chăm chú lắng nghe và tham gia thảo luận sôi nổi về vị trí Kafka với văn học Việt Nam nói riêng và văn hóa thế giới nói chung. Ở nước ta thời trước, đáng tiếc là Kafka chỉ được biết đến với bạn đọc ở phía dưới vĩ tuyến 17. Tôi đặc biệt ấn tượng với nhận xét tinh tế của diễn giả, TS. Trần Ngọc Hiếu của Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, khi ông so sánh nhà văn Bùi Ngọc Tấn của nước ta, tác giả của cuốn tiểu thuyết vốn bị cấm lưu hành “Chuyện kể năm 2000”, với Kafka. Ở hai nhà văn có nhiều nét giống nhau, khác biệt chỉ là, ở người này thì chuyện tù tội là những điều tưởng tượng còn ở người kia, lại là những trải nghiệm trên chính mình. Nhất là khi ông thậm chí còn gọi tác giả sau này là Kafka Việt Nam.

3. Ở buổi tọa đàm “Triết học trong nghệ thuật Franz Kafka” trong một không gian hết sức ấm cúng là Nhã Nam Book and Coffee, Đại sứ quán Séc đã bỏ công mời PGS. TS. Verita Sritana của Bộ môn Anh Ngữ, Khoa Văn học – Nghệ thuật, Đại học Chulalongkorn, Băng Cốc, tới trình bày về “Franz Kafka và ba triết gia đương đại Günter Anders, Václav Havel và Donna Haraway”. Dù ở một địa điểm xa thành phố, lại vào giữa buổi chiều thứ sáu, vẫn có gần 100 bạn trẻ tới dự – chỉ có tôi là người già duy nhất. TS. Verita nói kỹ về mối tương đồng tư tưởng của các triết gia trên, và đưa ra những hình ảnh hết sức sinh động, chứng tỏ bà là nhà sư phạm rất diêu luyện. Bà đặc biệt nhấn mạnh ảnh hưởng của bốn triết gia này tới giới trẻ Thái Lan, một nước ASEAN rất gần chúng ta cả về địa lý lẫn văn hóa mà sau Thế chiến Hai khá tách biệt. Các nhà tư tưởng này đã tác động ra sao để những người trẻ Thái Lan – một nước dân chủ – xuống đường. Tôi cũng hết sức ấn tượng khi TS. Verita, một người cũng còn rất trẻ, tôi đoán chỉ mới sắp tới tuổi 40, đề cập tới Václav Havel với khái niệm hậu chủ nghĩa toàn trị của ông. Chắc bà muốn nhắn nhủ giới trẻ Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, dù sau khi đã có những thay đổi về thể chế chính trị xảy ra.

Sự kiện văn hóa lớn này vừa kết thúc, tôi chỉ xin có nhận xét vắn tắt như sau:

Với sự nỗ lực của 5 Đại sứ quán và nhiều công ty & cơ quan trong, ngoài nước, nó đã thành công hết sức tốt đẹp. Franz Kafka, nhà văn tài ba sinh ở Praha, cùng với nhà bác học lỗi lạc Albert Einstein và nhà tâm lý học Sigmund Freud, ba nhà tư tưởng Đức gốc Do Thái được giới học thuật thế giới đánh giá là đã làm thay đổi tư duy thế giới nói riêng và bộ mặt thế kỷ 20 nói chung, nay đã tìm được vị trí xứng đáng ở Việt Nam – dù hơi muộn.

Tôi đặc biệt ấn tượng về số bạn trẻ đã tham gia sự kiện này. Dù số lượng còn khiêm tốn – số người/lần tham gia chỉ cỡ trên dưới 300 – nhưng nó nói lên mối quan tâm của giới trẻ tới triết học, nhất là triết học Đức vốn bị đánh giá là quá ư cao siêu, và cả các vấn đề chính trị nữa. Họ đều là những bạn trẻ dưới 30 tuổi – mà tôi đặc biệt ghi nhận là phần đông lại thuộc giới nữ – mà đã dùng tốt tiếng Anh, đọc hết sức nhiều, am hiểu triết học.

Chứng tỏ vẫn còn rất nhiều hy vọng ở giới trí thức Việt Nam cho tương lai. Không nên chỉ nhìn vào những mặt tiêu cực ở các hiện tượng – tuy khá phổ biến – như coi thường thày giáo và bạo hành thày thuốc.

N.H.T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.