Phạm Đình Trọng
Gặp nhau, biết nhau ở phố nhà binh Lý Nam Đế, Hà Nội. Báo Quân đội nhân dân của Bùi Văn Bồng và nơi làm việc của tôi, Xưởng phim Quân đội, cùng ở đầu phố Lý Nam Đế.
Cùng chuyển vào làm việc ở phương Nam đất nước, gia đình tôi và gia đình Bùi Văn Bồng lại cùng làm nhà trên khu đất quân đội đường Phạm Văn Bạch quận Tân Bình, trước năm 1975 là hàng rào kẽm gai và bãi mìn góc phía tây sân bay Tân Sơn Nhất. Gia đình tôi và gia đình anh cùng ở bên số chẵn đường Phạm Văn Bạch và cách nhau chỉ hai căn nhà.
Nhưng anh không ở Sài Gòn. Mang nặng duyên nợ với mảnh đất màu mỡ phù sa sông Tiền sông Hậu, anh xuống Tây Đô Cần Thơ làm trưởng đại diện báo Quân đội nhân dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau này đôi lần tôi và anh gặp lại nhau đều gặp trên mảnh đất duyên phận của anh. Ít gặp nhau trong đời nhưng hầu như đêm nào tôi và anh cũng thấy hình ảnh của nhau, cũng gặp suy nghĩ, nỗi niềm của nhau trên trang viết, trên trang blog trung thực và đầy trách nhiệm của anh và trên những trang báo mạng.
Trái tim người lính đã đập cùng nhịp đập với đất nước, đã đau cùng nỗi đau mất mát với nhân dân những năm tháng chiến tranh. Chiến tranh đã qua đi nhưng đất nước đang bị những nhóm lợi ích xâu xé, tàn phá tan hoang hơn cả thời chiến tranh. Chiến tranh đã qua đi nhưng nhân dân vẫn đang phải chịu những mất mát vô cùng lớn lao.
Trong chiến tranh có thể mất xương máu, mất tính mạng và người dân sẵn sàng hi sinh xương máu, hi sinh tính mạng để giành độc lập thống nhất đất nước. Thật vô lí, đất nước đã độc lập, thống nhất, trong cuộc sống hòa bình người dân lại bị quyền lực nhà nước độc tài cộng sản tước đoạt mất những giá trị cơ bản không thể thiếu của kiếp người, những giá trị làm người. Người dân chỉ là bầy nô lệ, không có quyền con người, không có quyền công dân, không có quyền làm chủ đất nước. Nền độc lập phải đổi bằng tính mạng của cả chục triệu người dân đã trở nên vô nghĩa.
Thời chiến tranh, tôi và anh cùng mặc áo lính, cùng đi vào những ngả đường máu lửa, cùng chia sẻ bom đạn, sốt rét, đói khát với những ngưới lính để cùng viết về người lính. Ngày nay tôi và anh cùng cởi bỏ chiếc áo lính, mang lại chiếc áo dân sự, đi cùng người dân viết về cuộc đấu tranh với nhà nước độc tài cộng sản, giành lại những giá trị làm người, giành lại quyền làm chủ đất nước của 90 triệu người dân Việt Nam.
Nghỉ hưu, tiếng gọi thì thầm nhưng tha thiết của quê hương gọi anh về với dòng sông Mã quê anh. Anh lại mang trang blog BÙI VĂN BỒNG sôi động sự sống, ấm áp tấm lòng đôn hậu của anh từ sông Hậu về sông Mã. Tưởng như sức sống mạnh mẽ của mảnh đất phù sa sông Mã cùng tình cảm ấm áp của chòm xóm quê hương sẽ là nguồn dinh dưỡng nuôi con người thể phách, nuôi con người tinh thần Bùi Văn Bồng mạnh mẽ như dòng sông Mã, bền bỉ như màu xanh cánh đồng Yên Định quê anh. Nào ngờ!
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác
Tôi lại đau trước bác mấy ngày
Làm sao bác vội đi ngay
Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời
Nỗi thảng thốt của nhà thơ Nguyễn Khuyến trước sự ra đi đột ngột của người bạn tri kỉ Dương Lâm cũng là nỗi thảng thốt của tôi tối ngày 4.4.2018 khi được tin sự rời bỏ dương thế đột ngột của bạn tôi, nhà báo, nhà thơ Bùi Văn Bồng.
Cùng thế hệ lớn lên phải dập mặt vào cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử Việt Nam triền miên chiến tranh nhưng tôi lớn hơn Bùi Văn Bồng mấy tuổi. Tôi lại mỏng cơm, nhẹ cân, mong manh hơn Bùi Văn Bồng nhiều. Vậy mà Bùi Văn Bồng lại giành phần đi trước.
Với sự ra đi vội vã, tức tưởi của Bùi Văn Bồng, tôi lại ngậm ngùi thương thế hệ chúng ta quá Bùi Văn Bồng ơi!
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN.