Chính quyền và Tính chính danh của chính quyền

(Chương 1 & Chương 2 – Phần 2, sách CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN của Phạm Đoan Trang)

Phạm Đoan Trang

 

Phần II – CHÍNH QUYỀN VÀ NHÀ NƯỚC

Trong Phần II này, chúng ta bàn đến đối tượng nghiên cứu trung tâm của chính trị học, đó là nhà nước, và nhà nước trong quan hệ với công dân, tức là chính quyền.

Ngoài ra, nói đến chính quyền, chúng ta cũng sẽ tìm hiểu một khái niệm có lẽ khá mới mẻ với độc giả Việt Nam, là tính chính danh. Điều thú vị là, tuy nó mới với người dân Việt Nam, nhưng với mọi chính quyền trên thế giới này, nhất là các chính thể độc tài, tính chính danh lại là điều cực kỳ quan trọng và luôn được chú ý gây dựng.

Chương I – ĐỊNH NGHĨA CHÍNH QUYỀN

Có nhiều định nghĩa về chính quyền, nhưng định nghĩa của Austin Ranney có lẽ chuẩn xác và súc tích nhất: “Chính quyền là một tập hợp các cá nhân và thiết chế với chức năng làm ra và thực thi luật pháp trong và cho một xã hội”. 1

Tập hợp ấy đương nhiên có tổ chức, hay nói cách khác, chính quyền là một tổ chức. Tuy thế, câu hỏi đặt ra là nếu như vậy thì nó khác gì với một tổ chức bình thường? Bạn hãy xem bảng sau:

So sánh chính quyền và tổ chức

Chính quyền

Tổ chức

1

Quyền lực bao trùm lên toàn xã hội

Quyền lực chỉ áp đặt đối với thành viên của tổ chức

2

Tư cách thành viên là không tự nguyện

Tư cách thành viên là tự nguyện

3

Quyền lực độc đoán. Lệ làng phải thua phép vua.

Quyền lực không độc đoán.

4

Là tổ chức duy nhất trong một quốc gia có quyền làm ra luật, cưỡng chế thi hành luật, và xử lý người vi phạm luật.

Trong một quốc gia, ngoài chính quyền ra thì không tổ chức nào có quyền làm ra luật, cưỡng chế thi hành luật và xử lý thành viên vi phạm.

Bạn hãy chú ý đặc điểm thứ 4: Chính quyền là “tổ chức duy nhất trong một quốc gia có quyền làm ra luật, cưỡng chế thi hành luật, và xử lý người vi phạm luật”.

Thế giả sử đảng 3K2 ở Mỹ tự cho chúng có quyền làm ra luật, cưỡng chế thi hành luật, và xử lý người vi phạm luật của chúng (và trên thực tế, chúng đã làm như thế thật), thì sao? Khi đó, chúng có trở thành chính quyền không?

Hẳn bạn sẽ trả lời là Không. Vậy, tại sao lại không? Tại sao đảng 3K, dù mạnh đến thế, lại không phải là chính quyền ở Mỹ?

Câu trả lời là: Bởi vì đảng 3K không có tính chính danh. Để được gọi là chính quyền, một tổ chức, hay một tập hợp con người và thiết chế, nhất định phải có tính chính danh. Đây cũng là khái niệm mà bạn có thể thường nghe nói đến, nhất là câu “nhà cầm quyền đã mất tính chính danh”. Nó là cái gì vậy?

—————-

Chú thích của Chương 1

1- “Governing: An Introduction to Political Science”, 8th edition, Austin Ranney, Prentice Hall xuất bản, trang 26.

2- 3K là viết tắt của Ku Klux Klan. 3K là một tổ chức cực đoan cánh hữu ở Mỹ, cổ súy cho sự phân biệt chủng tộc và “thanh lọc” xã hội Mỹ thông qua khủng bố. Họ chống người nhập cư, chống người Do Thái, chống Công giáo. Họ nổi lên thành ba phong trào, ở ba giai đoạn: 1865-thập niên 1870; 1915-1944; và 1946 đến nay.

* * *

Chương II – TÍNH CHÍNH DANH

Tính chính danh là niềm tin phổ biến của các thành viên trong một xã hội rằng quyền lực của chính quyền hay đảng cầm quyền là đúng, chính đáng, hợp lý, hợp pháp, và vì thế dân chúng phải phục tùng.

Tóm lại, chính quyền có chính danh tức là việc cầm quyền của họ là phù hợp, thích đáng trong suy nghĩ của người dân, và vì thế người dân chấp nhận phục tùng chính quyền ấy.

Do đó, có trường hợp chính quyền được thành lập hợp pháp, nhưng không được người dân cho là hợp lý, nên vẫn thiếu tính chính danh và cuối cùng sụp đổ. Nhiều chính quyền ở khối cộng sản Đông Âu cũ, như Đông Đức, Ba Lan, Hungary, mặc dù trên danh nghĩa được thành lập hợp pháp thông qua các cuộc bầu cử, song một khi đã hết tính chính danh – tức là không còn được số đông dân chúng ủng hộ, đã lần lượt sụp đổ vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.

Làm thế nào để một tổ chức có được tính chính danh để trở thành chính quyền?

Theo nhà xã hội học người Đức Max Weber (1864-1920), có ba cách 1:

1. Nhờ truyền thống (cha truyền con nối);

2. Nhờ có sức hấp dẫn của lãnh tụ, lãnh đạo;

3. Nhờ được thành lập hợp pháp và hợp lý.

1. Chính danh nhờ truyền thống

Đây là trường hợp các chính thể, các vương triều cha truyền con nối. (Anh, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Morocco [Ma-rốc], Saudi Arabia [Ả-rập Xê-út], Kuwait [Cô-oét], Thái Lan…). Những chính quyền này được coi là có tính chính danh bởi vì chúng được công nhận từ lâu trong lịch sử, hay nói cách khác, tính chính danh của chúng được truyền lại từ các triều đại trước. Người dân ở những xã hội này chấp nhận chính thể đương thời bởi vì chính thể ấy đã cầm quyền từ lâu, thành truyền thống, và không ai còn đặt vấn đề phải xem xét lại hay phá bỏ truyền thống ấy.

2. Chính danh nhờ có lãnh tụ kiệt xuất

Đó là những chính thể được công nhận là chính danh nhờ sự hấp dẫn của một cá nhân nào đó được công chúng sùng bái, và cá nhân đó đóng vai trò lãnh tụ, lãnh đạo. Ví dụ như các chính quyền Napoleon (Pháp), Mussolini (phát xít Ý), Hitler (Đức quốc xã), Fidel Castro (Cuba cộng sản), Khomeini (Hồi giáo Iran), Lenin, Staline (Liên Xô), Mao Trạch Đông (Trung Quốc cộng sản), dòng họ Kim Nhật ành (Bắc Triều Tiên), và Hồ Chí Minh (Việt Nam cộng sản), v.v.

Nói cách khác, những chính quyền đó có được tính chính danh nhờ việc họ có một gương mặt cá nhân nào đó có sức hấp dẫn to lớn đối với dân chúng, được ngợi ca bởi công đức trời biển, được tôn vinh như “tiên đế”, “cha già dân tộc”, “khai quốc công thần”. Chừng nào nhân vật ấy còn được sùng bái, chừng đó chính thể còn có tính chính danh, và ngược lại, khi sự sùng bái của người dân đối với lãnh tụ kiệt xuất bị suy giảm thì khi ấy, tính chính danh của chính thể bắt đầu lung lay. Đến khi lòng kính trọng, tin yêu của dân chúng đối với lãnh tụ hoàn toàn chấm hết, thì chế độ không còn lý do để tồn tại.

Đó là lý do vì sao các chính quyền cộng sản như Liên Xô, Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc, Việt Nam… phải sống chết bảo vệ hình ảnh vị “cha già dân tộc” của mình, kể cả hàng chục năm sau khi ông ta mất. Ở những xã hội này, sự kính trọng, tin yêu đối với lãnh tụ được xem như đạo đức, như một phẩm chất tốt đẹp. Nói xấu, phỉ báng lãnh tụ bị coi là trọng tội và bị pháp luật trừng phạt.

Trên thực tế, sùng bái cá nhân đã chỉ đưa đến và củng cố chế độ độc tài và nô lệ. Không xã hội nào tiến bộ về đạo đức và văn hóa chính trị nhờ việc dân chúng sùng bái lãnh tụ.

Vào ngày 12/10/2015, Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, chết lúc 7h tối tại bệnh viện Bạch Mai sau hai tháng bị công an huyện Chương Mỹ tạm giam ở Trại tạm giam số 3 (Công an TP. Hà Nội) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Trước đó, ngày 11/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra cho biết, Đỗ Đăng Dư bị bạn tù là Vũ Văn Bình đánh vì “rửa bát bẩn”.

Đêm 12/10 sau khi Dư chết và thi thể được đưa vào nhà xác, hàng chục nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội đã đến bệnh viện Bạch Mai an ủi, giúp đỡ gia đình và lên án công an bạo hành dân.

Ngày hôm sau, 13/10, facebooker Nguyễn Lân Thắng, 40 tuổi, đăng tải trên trang cá nhân một bức hình chụp ông cầm chiếc đĩa sứ có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, kèm bình luận: “Ngày xưa ông ấy rửa bát bẩn trên tàu thì Việt Nam đâu đến nỗi”. Bức hình được gần 5000 người “like” và hơn 300 người chia sẻ, nhưng nó cũng gây phẫn nộ lớn trong cộng đồng những người “yêu Đảng yêu Bác”. Vào ngày 17/10, ông Trần Nhật Quang, 58 tuổi, một nhân vật trong đội ngũ dư luận viên Hà Nội, tuyên bố thành lập nhóm phản ứng nhanh để “săn lùng” và “hỏi tội” “những tên phản động” mà trước mắt là Nguyễn Lân Thắng vì tội “xúc phạm Bác Hồ”.

Nói là làm, tối 21/10, Trần Nhật Quang và Đỗ Anh Minh kéo thêm một số nhân vật cực đoan trong lực lượng ủng hộ chế độ cộng sản ở Hà Nội đến nhà facebooker Nguyễn Lân Thắng quấy nhiễu: bấm chuông, gọi loa, phát truyền đơn thóa mạ ông Thắng. Họ rút đi khi các bạn của ông Thắng đến, tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục đe dọa gia đình ông Thắng trong nhiều ngày sau.

Nhiều độc giả của ông Nguyễn Lân Thắng, tuy ủng hộ ông hoạt động xã hội, đấu tranh dân chủ, nhưng cũng không tán thành việc ông “đem Bác Hồ ra làm trò cười”.

Tuy vậy, cũng không ai giải thích được tại sao kính trọng lãnh tụ lại là một thứ đạo đức.

Đó chính là bởi vì tâm lý sùng bái lãnh tụ trong dân chúng Việt Nam còn rất nặng, mà tâm lý ấy là kết quả của sự tuyên truyền không ngừng nghỉ của chính quyền cộng sản về ông Hồ Chí Minh như vị cha già dân tộc.

3. Chính danh nhờ hợp pháp và hợp lý

Đó là những chính quyền có được tính chính danh nhờ:

– Được thành lập một cách hợp pháp, hợp lý;

– Có hiến pháp, luật pháp giới hạn quyền lực của nhà nước để không xâm phạm vào tự do của người dân;

– Có nhà nước pháp trị, tam quyền phân lập, các chức vụ nhà nước đều có nhiệm kỳ và được bầu cử công bằng, tự do.

Tất nhiên là, như các bạn có thể thấy, các chính thể đều sẽ tự nhận mình là “chính danh nhờ hợp pháp và hợp lý”. Chẳng một chính thể nào lại nhận mình “cướp chính quyền” và không có tính chính danh.

Tương tự, tất cả các chính quyền trên thế giới này đều đã, đang và sẽ nhận họ là chính thể dân chủ. Không một chính thể nào lại tự nhận mình là độc tài, phi dân chủ. Có nghĩa là, dù có thể còn gây tranh cãi, nhưng dân chủ vẫn được toàn thế giới xem là một giá trị đáng có. Nửa cuối của Phần II sẽ bàn về giá trị này.

***

Max Weber đưa ra lý thuyết của ông về ba kiểu chính quyền có tính chính danh trong một tiểu luận xuất bản vào năm 1922. Tiểu luận rất nổi tiếng và lý thuyết của ông có ảnh hưởng từ đó đến nay. Về sau này, các học giả mới bổ sung thêm một kiểu chính danh nữa, đó là chính danh có được nhờ đạt thành tựu về kinh tế và/ hoặc đạo đức cũng như năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Bạn có thấy “nghe quen quen” không? Rất quen là đằng khác, bởi vì một nhà nước điển hình cho sự xây dựng tính chính danh kiểu này là láng giềng của Việt Nam, chung ý thức hệ cộng sản với Việt Nam: Trung Quốc.

Khi nhà nước cộng sản ở Bắc Kinh mới thiết lập được chính quyền (năm 1949), tính chính danh của nó có được nhờ những hứa hẹn với người dân về một đất nước hùng mạnh, xã hội cộng sản bình đẳng, quan chức trong sạch không tham nhũng, dân chúng ai nấy đều có việc làm ổn định và được bảo đảm về lương thực thực phẩm, y tế, giáo dục… Dần dần về sau, những thành tựu kinh tế nổi bật, một nền quốc phòng mạnh đủ làm khu vực và thế giới khiếp sợ, trở thành cơ sở chủ yếu để nhà cầm quyền Bắc Kinh tạo và giữ được tính chính danh với nhân dân. Người dân Trung Quốc cần những cái cớ để tự hào về đất nước, để lòng tự hào dân tộc của họ được ve vuốt, và có vẻ như đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền đã giúp họ có được và duy trì những cớ đó. Đổi lại, dân chúng sẽ trung thành với chế độ và chấp nhận hy sinh một số quyền dân sự và chính trị.

Tuy thế, thành tựu kinh tế và sức mạnh quốc phòng có thể làm nên tính chính danh của một nhà nước thì cũng có thể làm cho tính chính danh ấy bị bào mòn, thậm chí bị xóa sạch, đến mức nhà nước phải sụp đổ. Khi nào kinh tế Trung Quốc sa sút, bất bình đẳng xã hội gia tăng, quân đội Trung Quốc thất bại trước một đối thủ nào đó… thì Bắc Kinh mất chính danh. Cần nhớ rằng, kinh tế suy thoái, phúc lợi xã hội không đảm bảo, chất lượng sống thấp kém, cũng là những yếu tố dẫn đến sự mất tính chính danh của các đảng cộng sản cầm quyền ở Đông Âu ngày trước. (Trong khi đó, họ lại không có vị lãnh tụ kiệt xuất nào như Lenin hay Stalin của Liên Xô).

Nhiều người Đức cho rằng truyền hình (ngoài luồng) đóng một vai trò quan trọng khiến chế độ cộng sản ở Đông Đức cũ thất bại trước Tây Đức dân chủ tự do, và nước Đức thống nhất.

Ấy là do trước thời điểm thay đổi, những người dân Đông Đức đã được tiếp xúc với thông tin từ Tây Đức qua truyền hình. Đặc ủy nhân quyền Đức Christoph Strässer kể với người viết trong một cuộc trò chuyện vào sáng 5/6/2015 tại Hà Nội: “Ở CHDC Đức hồi đó, có quy định ăng-ten (antenna) chỉ được quay sang một hướng nhất định thôi, hướng đài truyền hình quốc gia. Nhưng nhiều người, ví dụ ở vùng Đông Berlin, vẫn sáng tạo lắm, họ làm cách nào đấy để nhận được thông tin, hình ảnh từ Tây Đức”.

Và thế là dân chúng Đông Đức hiểu rằng trong khi họ đang phải “xếp hàng cả ngày”, phải tiêu dùng những hàng hóa chất lượng tồi, phải sống đời sống văn hóa-tinh thần nghèo nàn, xám xịt và bị kiểm soát, thì ngay sát bên họ, có một nước Đức khác. Một Tây Đức phồn vinh, mức sống cao trong một xã hội tiêu thụ đầy màu sắc rực rỡ, và có những ban nhạc như Modern Talking, Scorpions…

Họ bắt đầu khao khát, ước mơ, hoặc là ghen tị, thèm muốn… Gọi là gì cũng được, tùy chúng ta nghĩ. Nhưng rõ ràng là đã có một thời truyền hình góp phần mở cửa ra thế giới, thúc đẩy ước mơ và dẫn đến thay đổi xã hội theo hướng dân chủ hóa.

Bài hát Geronimo’s Cadillac của Modern Talking (1986) có câu “chiếc xe Cadillac của Geronimo làm tất cả các cô gái đều phát khùng”. Có lẽ cuộc sống đầy màu sắc ở Tây Đức ngày đó cũng đã làm rất nhiều người Đông Đức “phát khùng”.

So với đồng nhiệm Trung Quốc, đảng Cộng sản Việt Nam khó có khả năng xây dựng tính chính danh nhờ thành tựu kinh tế và quốc phòng. Nhà nước CHXHCN Việt Nam thường bị dân chúng chỉ trích, hoặc ít nhất cũng nghi ngờ, về chính sách phát triển kinh tế và năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhất là chủ quyền biển đảo. Trong khi đó, hầu như chưa người dân Trung Quốc nào phải trải qua cảm giác đất nước họ thất bại về kinh tế, chính quyền của họ duy trì chính sách đối ngoại nhu nhược, luồn cúi trước ngoại bang.

Từ đó, các bạn có thể thấy rằng vấn đề kinh tế và đặc biệt là bảo vệ chủ quyền đã trở thành tử huyệt tiềm tàng của đảng Cộng sản Việt Nam.

***

Dựa vào lý thuyết của Max Weber, chúng ta thấy rằng, để một tổ chức có được tính chính danh và trở thành chính quyền, áp đặt quyền lực nhà nước lên toàn xã hội, thì tổ chức ấy:

Một là may mắn được thừa hưởng quyền lực từ triều đại trước (cha truyền con nối), ở những xã hội mà chính quyền có được tính chính danh nhờ truyền thống. Hoặc:

Hai là phải có được một nhân vật lãnh đạo có sức hấp dẫn đặc biệt đối với công chúng, một cá nhân kiệt xuất. Hoặc:

Ba là có được quyền lực một cách hợp lý và hợp pháp, và duy trì nó cũng với một cách hợp lý và hợp pháp: xây dựng và bảo vệ một bản hiến pháp dân chủ, đảm bảo nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập, bầu cử tự do và công bằng…

Xây dựng tính chính danh

Tuy nhiên, hẳn các bạn cũng đã thấy từ định nghĩa: Tính chính danh là niềm tin phổ biến của các thành viên trong một xã hội rằng quyền lực của chính quyền hay đảng cầm quyền là đúng, chính đáng, hợp lý, hợp pháp, và vì thế dân chúng phải phục tùng.

Xin nhấn mạnh từ “niềm tin” trong định nghĩa này. Như vậy có nghĩa là, về bản chất, chính quyền có tính chính danh là bởi vì dân chúng tin rằng chính quyền ấy cầm quyền là đúng. Điều này cũng hàm ý: Quan trọng là niềm tin; một chính quyền muốn tạo ra và duy trì tính chính danh thì phải làm cho dân chúng có niềm tin ấy.

Bằng cách nào? Có thể bằng bạo lực, đe dọa và khủng bố, để ép người dân phải tin “chính quyền này mạnh lắm và họ cầm quyền là đúng”. Cũng có thể bằng tuyên truyền và lừa dối. Hay tốt nhất là kết hợp cả hai: bạo lực và tuyên truyền.

Chính quyền có thể sử dụng tuyên truyền, quảng cáo, PR để tạo ra và/ hoặc làm tăng tính chính danh cho mình.

Một chính quyền có chính danh hay không là do chính quyền đó tuyên truyền giỏi đến đâu mà thôi.

(Beetham, 1991)

Người viết tin rằng, tà quyền thì sẽ dùng bạo lực và tuyên truyền để có được niềm tin của dân chúng, từ đó xây dựng và củng cố tính chính danh. Còn chính quyền thì sẽ xây dựng chính danh qua cách thứ ba – chính danh nhờ hợp pháp và hợp lý – hoặc cách thứ tư – đạt những thành tựu kinh tế vượt trội so với khu vực và thế giới. Song ngay cả cách thứ ba, thứ tư này cũng phải được kết hợp chặt chẽ, khéo léo với truyền thông chính trị. (Xem Chương II về tuyên truyền và truyền thông chính trị, trong Phần V, “Tương tác chính trị”).

Phá hủy tính chính danh của lực lượng đối lập

Với những nhà nước độc tài, muốn duy trì ách cai trị vĩnh viễn, thì song song với việc củng cố tính chính danh của mình là việc phá hủy tính chính danh của lực lượng đối lập. Bằng cách nào? Bằng cách tuyên truyền sâu rộng cho dân chúng thấy những người đối lập không xứng đáng để tham gia chính trị, không đủ tư cách, năng lực, tài đức v.v. để cầm quyền. Tóm lại, cách mà chắc chắn mọi thể chế độc tài sẽ thực hiện là phá hoại hình ảnh của lực lượng đối lập, ra sức cô lập, cách ly họ khỏi nhân dân.

Tại một hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo toàn quốc 2012, diễn ra sáng 9/1/2013 tại Hà Nội, ông Hồ Quang Lợi – nhà báo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội – phát biểu đại ý: Hà Nội đã tổ chức được đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng. Trong khi đó, báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm; thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh. Tổ chức “nhóm chuyên gia” đấu tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên Internet. Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng. 2

Đó là lần đầu tiên khái niệm “dư luận viên” được nhắc tới công khai, trên báo chí chính thống. Nhưng những người làm công việc đó thì hẳn đã có mặt ở Việt Nam từ lâu, dưới những cái tên như “tuyên truyền viên”, “cộng tác viên dư luận xã hội”. Trước khi Internet vào Việt Nam (cuối năm 1997), họ chủ yếu làm tuyên truyền miệng. Kể từ khi Internet xuất hiện, họ bắt đầu hoạt động mạnh trên mạng, có mặt ở khắp các diễn đàn, tung ý kiến “định hướng” diễn đàn và “đấu tranh” với các ý kiến phê phán, chỉ trích đảng và nhà nước cộng sản. Có thời họ được gọi là “hồng vệ binh”, vì phong cách đặc biệt hung hãn, dữ tợn, chẳng khác các hồng vệ binh ở Trung Quốc hồi Cách mạng Văn hóa.

Nhưng chỉ đến khi Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi nhắc đến cụm từ “dư luận viên” và được báo chí chính thống trích dẫn, hoạt động thuê người định hướng dư luận và phá hoại hình ảnh của đối lập mới được công khai thừa nhận ở Việt Nam.

Dư luận viên đã hoạt động mạnh trong thời gian sau đó. Hàng chục blog, website và facebook được mở ra, chuyên đăng bài vở bôi nhọ, lăng mạ các cá nhân và tổ chức hoạt động dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam, như: Mõ Làng, Tre Làng, Google Tiên Lãng, Người Con Đất Mẹ, facebook Việt Nam Thời Báo, facebook Đơn vị Tác chiến Điện tử, facebook Em yêu chú công an nhân dân, v.v.

Bên cạnh đó, lực lượng an ninh cũng ráo riết hoạt động, với những nghiệp vụ như rình mò, theo dõi những người bất đồng chính kiến, bới móc các chuyện cá nhân của họ, nhất là chuyện tình ái, công việc làm ăn, để tung lên mạng bêu riếu, sỉ nhục họ “vô đạo đức”, “đồi trụy”, “đồi bại”, “tham tiền”, “ăn tiền hải ngoại”, v.v.

Mục đích, không gì khác, chính là để phá hoại hình ảnh của các lực lượng chính trị khác ngoài đảng Cộng sản cầm quyền, tiêu diệt niềm tin của người dân vào phong trào dân chủ, cũng tức là tiêu diệt tính chính danh của đối lập.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, dư luận viên còn có thêm một chức năng là đe dọa, khủng bố tinh thần những người phản biện chính quyền, đặc biệt nếu đó là trí thức. Có lẽ bởi dư luận viên nắm bắt được tâm lý chung của trí thức là sợ bị xúc phạm, sợ thứ ngôn ngữ chợ búa và ngại “cãi cọ như hàng tôm hàng cá”, nhất là ở các môi trường công cộng như mạng xã hội facebook.

Ví dụ về một comment kiểu đe dọa: “… thích “cấp tiến” thì kiếm nồi cơm khác mà diễn. Xuyên tạc lịch sử để câu vìu đừng trách bị ăn chửi. Có nhiều cách để mày kiếm cơm, động vào những thứ linh thiêng thì mồm ngậm tiền nhưng răng không còn đâu.”…

Cũng cần nói thêm rằng sử dụng dư luận viên không phải sáng kiến của tuyên giáo và an ninh đảng Cộng sản Việt Nam. Khái niệm về một đội quân mạng được huy động để định hướng dư luận và tấn công những ý kiến phản biện đảng và nhà nước cộng sản ít nhất cũng đã xuất phát từ Trung Quốc. Vào tháng 10/2004, Sở Thông tin Tuyên truyền Changsha bắt đầu thuê các “bình luận viên chuyên nghiệp trên mạng Internet” – đây có lẽ là một trong những lần sớm nhất nghề này được nhắc tới ở Trung Quốc.

——–

Chú thích của Chương 2

1- “Die drei reinen Typen der legitimen Herrschaft” (Ba kiểu chính quyền có tính chính danh, tiếng Anh: The Three Types of Legitimate Rule”), một tiểu luận của Max Weber viết bằng tiếng Đức, xuất bản năm 1922.

2- “Tổ chức nhóm chuyên gia bút chiến trên Internet”, Đào Tuấn/ Lao Động số ra ngày 9/1/2013. Đây là bài báo đầu tiên nhắc tới khái niệm “dư luận viên”. Địa chỉ trên mạng: http://laodong.com.vn/chinh-tri/to-chuc-nhom-chuyen-gia-but-chien-tren- internet-98582.bld.

P.Đ.T.

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2018/02/Chinh-tri-binh-dan-Tai-ban-lan-1-2018-Pham-Doan-Trang.pdf

__________

Luật KhoaCuốn Chính trị bình dân được xuất bản qua trang thương mại điện tử Amazon với mức giá 20 USD (tương đương khoảng 450.000 đồng). Bản điện tử cũng được xuất bản trên Smashword với giá 5 USD (tương đương khoảng 120.000 đ).

Như tác giả đã nhiều lần thông báo trên Facebook cá nhân, toàn bộ số tiền bán sách được chuyển cho Quỹ Lương Tâm, một quỹ từ thiện được lập ra để giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Nếu đọc bản PDF và muốn trả tiền mua sách, bạn đọc có thể gửi tiền tới Quỹ Lương Tâm theo tài khoản ngân hàng:

Nguyễn Quang A

Số tài khoản: 0541000287869, Vietcombank Chương Dương, Hà Nội

Hoặc tài khoản Paypal: quyluongtamvn@gmail.com

Chúng tôi đề xuất mức giá đối với bản PDF là 50.000 đồng.

Bạn đọc ở các nước khác Việt Nam có thể đặt mua bản in cuốn này trên Amazon (https://goo.gl/pqNeR8) hoặc liên hệ với bà Mạc Việt Hồng (Ba Lan) qua Facebook (https://www.facebook.com/viethong.mac).

This entry was posted in Dân chủ, Sử Liệu. Bookmark the permalink.