Đừng đốt!

Trịnh Khả Nguyên

Thảm sát là giết người ghê rợn, dù ở Sơn Mỹ hay ở nơi khác, dù bị phát hiện hay không. Đốt sách là giết văn hóa.

Ngày 22/2/2018 Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn thư số 31 yêu cầu các cơ sở thờ tự, các tín đồ thuộc Hội bỏ tục đốt vàng mã https://tuoitre.vn/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-de-nghi-bo-tuc-dot-vang-ma-20180222092809043.htm. Trước hết, hoan nghênh văn thư trên, mặc dù đến bây giờ mới kêu gọi không đốt vàng mã, bỏ mê tín dị đoan là hơi muộn, lẽ ra nên sớm hơn và việc kêu gọi nầy cũng không phải là mới.

Cách đây rất lâu, một số người trong đó có nhóm “Tự lực Văn đoàn” đã hô hào bỏ các hủ tục, bỏ dị đoan mê tín. Rất lâu hơn nữa, 700 năm trước, vua Lê Thánh Tông một ông vua uyên bác hiểu rõ các lý, kinh điển thánh hiền, ông là “con trời”, là đại diện chính danh của hệ phong kiến (trên nguyên tắc, tệ hơn ngày nay) nhưng đã viết Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt/Giải oan chi mượn đến đàng tràng… (“Đề miếu nàng Trương”, Lê Thánh Tông). Ông cho rằng chỉ công lý (ánh sáng của Mặt Trời, Mặt Trăng) mới minh định một người, một việc nào đó là có tội hay không. Ông không tín “đàng tràng” có thể hóa giải tội lỗi.

Lai lịch của chuyện đốt vàng mã, mê tín dị đoan nói chung đã có từ xa xưa bên Tàu (cơ), rồi truyền sang Việt Nam https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dot-vang-ma-la-hu-tuc-nguon-goc-tu-trung-quoc-741458.tpo.

Ngoài vàng mã, văn tế, sớ thường dùng trong các đám cúng kỵ chắc cũng có nguồn gốc từ Tàu. Ngày nay, bản văn nầy tuy không còn viết theo chữ Hán, nhưng vẫn đọc theo âm Hán Việt. Đám càng lớn văn tế càng bài bản, ngay những gia đình văn hóa mới cũng thích văn tế kiểu nầy, chắc cho rằng thế mới đúng nghi thức. Nhưng những chữ, nhưng câu như ngày tháng, lễ vật, lời cầu khấn của người cúng, nếu diển tả bằng tiếng Việt thì cũng rõ ràng, trân trọng kém gì tiếng Hán đâu. Hô hào bảo tồn phát huy tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nhưng nước mình có chữ riêng, tiếng riêng mà khi cúng ông bà mình, mình lại nhờ chữ Tàu. Rõ ràng là tự nguyện lệ thuộc.

Đừng đốt vàng mã, đừng đọc văn cúng theo âm Tàu (pha Việt) nữa!

Đừng đốt” là tên một quyển nhật ký của Đặng Thùy Trâm. Thực ra, “Đừng đốt” không phải do tác giả đặt cho tập ghi chép của mình mà do “địch” bàn bạc với nhau khi nhặt được nó, có kẻ muốn đốt cho rồi, có kẻ muốn giữ lại và đã can đừng đốt. Tập nhật ký không bị đốt, còn được “bên kia” cất giữ bản gốc đến hôm nay, gia đình người quá cố nhận được bản “phô tô”. Một nhà văn đã biên tập lại rồi được dựng thành phim cùng tên “Đừng đốt” (Don’t Burn). Sơ lược vậy.

Trong chiến tranh, người lính đối mặt với sự chết. Họ, trước hết, phải lo bảo vệ tính mạng của mình, lo sợ bị giết đến nỗi sát hại cả dân lành vì nghi ngờ, như vụ thảm sát Sơn Mỹ, Quảng Ngãi 3/1968, chứ chẳng ai (rảnh) lo cất giữ tập nhật ký của người khác. Hay đối phương giữ nó như một tài liệu để khai thác tin tức chiến sự, chứ không phải do lòng tốt? Có thể lắm. Nhưng sau khi đoc, thấy không có gì thì có thể người ta bỏ rơi hoặc đốt. Đằng nầy người ta giữ nó, rồi lại thông báo cho gia đình của tác giả. Đấy là một việc hiếm có từ thời chiến tranh đến thời hòa bình.

Nếu tác giả còn sống, cùng với cuốn nhật ký của mình trở về, người chiến sĩ được đãi ngộ theo tiêu chuẩn là đương nhiên, nhưng tập ghi chép kia có được phổ biến như hiện tại hay tác giả cất giữ vì đấy là thứ riêng tư? Và nếu (lỡ) cuốn nhật ký kia bị đốt thì nay chẳng ai biết “đừng đốt” như thế nào. May có người can đừng đốt mà bây giờ “Đừng đốt” tồn tại vừa sách vừa phim.

Thảm sát là giết người ghê rợn, dù ở Sơn Mỹ hay ở nơi khác, dù bị phát hiện hay không. Đốt sách là giết văn hóa.

Đừng thảm sát, đừng đốt sách.

Ông Ngô Thế Vinh có viết bài “Con đường sách Sài Gòn và câu chuyện đốt sách”. https://server9.kproxy.com/servlet/redirect.srv/syku/swfeukcq/snop/p1/bai/53215.

Đường sách Sài Gòn” nhiều người đã đến, đã biết, không cần phải nói thêm. Đây là một đoạn đường ngắn sạch, râm mát, dễ thương. “Đường sách” dĩ nhiên là bán sách, giới thiệu các tác phẩm v.v…

Việc thành lập “Đường sách” là ý tưởng (phục hồi) hay. Trước 75 dọc vỉa hè đại lộ Lê Lợi-Sài Gòn, dài chừng vài trăm mét có những ki-ốt bán radio, băng từ, đĩa nhạc và chủ yếu là bán sách. Sách nhiều, các quầy nhỏ, không đủ kệ để trưng bày nên xếp từng chồng trên các tấm nylon trải trên đất. Đúng là “đường sách”. Mua sách ở đây, đôi khi phải đứng khom người để tìm, nhưng được cái là thoải mái, lại được giảm giá, nên rất nhiều người thích. Người mua tha hồ chọn, cầm lên mở ra đọc thử, không ưng, bỏ lại chẳng có gì gọi là văn hóa với không văn hóa.

Sau 4/75 “đường sách” tồn tại một thời gian ngắn. Lúc đó có người từ “ngoài” vào cũng lội “đường sách”, có người mua cái “đài”, cái máy thu băng, đồng hồ đeo tay, có người mua vài quyển sách miền Nam đọc chơi. Nhưng, giống nhau, ai cũng ngạc nhiên “đường sách”/“nhà sách” trước 75 bán đủ các loại sách, báo, sách báo “lề phải” không nói làm gì, sách báo “lề trái” cũng bán tùm lum. Các tác giả nầy viết đủ thứ, phê phán xã hội, chống chính quyền, chống chiến tranh, các triết thuyết hiện sinh, duy tâm, duy vật. Một số người có lập trường (tương đối) giống như của “bên kia”. Họ, một số, hiện còn đang sống. Có quán bán cả sách (cũ) của các tác giả đang ở ngoài Bắc.

Ông Ngô Thế Vinh dạo “Đường sách” (hiện nay) thấy trên pano có câu you don’t have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them (Bạn không cần đốt sách để tiêu diệt văn hóa. Chỉ cần làm cho người ta không đọc chúng), câu nầy ghi là của Mahatma Gandhi. Không chú thích, thì người ta cũng biết Gandhi là người Ấn Độ. (Nhiều người gọi ông là Thánh Cam Địa, ngưỡng mộ chủ trương đấu tranh bất bạo động của ông. Có lẽ, một phần, nhờ cách tranh đấu nầy mà Ấn Độ giành được độc lập nhưng không đổ máu). Còn ông Vinh trưng bằng chứng, câu trên là của Ray Bradbury, một người Mỹ. Đem câu nói của một ông Mỹ, ít người biết, gán cho một ông Ấn Độ, thiên hạ đều biết là hơi “ẩu”. Nhưng “ẩu” nhất là chuyện đốt sách. Dù M.Gandhi không nói câu trên, nhưng nếu hỏi Ngài, có nên đốt sách không, thì chắc chắn được nghe:

-Đừng đốt! Đốt sách là không tốt.

T.K.N.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in văn hoá, Xã Hội. Bookmark the permalink.