Facebook coi lợi nhuận lớn hơn tự do ở Đông Nam Á?

 

Vũ Quốc Ngữ dịch

Công ty khổng lồ về truyền thông xã hội khổng lồ giải quyết bài toán làm thế nào để đối phó với kiểm duyệt nhà nước trong khu vực với thị trường quảng cáo phát triển nhanh nhất của nó.

Đó là những thời điểm có lợi nhuận nhưng thử thách đối với Facebook ở Đông Nam Á, một thị trường quảng cáo đang phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới của người khổng lồ đến từ Mỹ.

Vào ngày 25 tháng 4, công dân Thái Lan Wuttisan Wongtalay đã đưa hai đoạn video lên mạng chiếu trực tiếp việc ông giết đứa con gái 11 tháng tuổi của mình trước khi tự tử. Hai đoạn video được lưu hành trên Facebook trong gần 24 giờ và đã được theo dõi bởi một nửa triệu người trước khi bị Facebook xoá.

Ngày hôm sau, Giám đốc quản lý chính sách toàn cầu của Facebook Monika Bickert đã gặp quan chức của Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam để thảo luận cách gỡ bỏ nội dung vi phạm luật pháp của nước này.

Theo luật pháp Việt Nam, tội danh “tuyên truyền” chống lại nhà nước,” kể cả bằng các phương tiện truyền thông xã hội, là một tội phạm hình sự có thể bị phạt tù 20 năm.

Nhà chức trách Việt Nam đã bắt và kết án với mức án tù lâu năm cho nhiều nhà hoạt động và blogger khác theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự, theo đó tội danh “lạm dụng quyền tự do dân chủ” để xâm phạm lợi ích của nhà nước. Hầu hết các blogger độc lập ở Việt Nam, thường được gọi là ‘Facebookers’, lựa chọn Facebook làm nền tảng của họ.

Tháng 2, Hà Nội phàn nàn về những gì được gọi là bài viết “độc hại” chống chính phủ đăng trên Facebook và kêu gọi các công ty trong và ngoài nước rút quảng cáo từ trang web này cho đến khi chúng bị xoá bỏ. (Các công ty đa quốc gia như Ford, Unilever và Yamaha Motor đã đồng ý xoá quảng cáo của họ từ trang chia sẻ video YouTube, theo các báo cáo).

Việt Nam cho biết sau cuộc họp ngày 26 tháng 4 rằng Facebook đã đồng ý hợp tác với các yêu cầu kiểm duyệt và sẽ “ưu tiên các yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có thẩm quyền khác trong nước” để loại bỏ nội dung phản cảm.

Theo Thông tấn xã Việt Nam thì “Facebook cũng đã sẵn sàng để giúp các cơ quan nhà nước biết cách sử dụng Facebook để phổ biến rộng rãi các chính sách của Đảng và Nhà nước tới công chúng”. Không thể tiếp cận Facebook để đưa ra lời bình luận về tuyên bố này.

Tuy nhiên, khi Facebook nắm bắt cách đối phó toàn cầu với nội dung như video của Wuttisan, các nhà hoạt động về tự do ngôn luận cảnh báo rằng các chính quyền độc tài trong khu vực đang tìm cách mở rộng định nghĩa các tài liệu “không phù hợp” và “phản cảm” bao gồm những chỉ trích chính phủ.

Năm ngoái, Facebook đã đưa ra cái được gọi là một sáng kiến ​​cho “sự dũng cảm dân sự trực tuyến” trong nỗ lực ngăn chặn tiếng nói thù hận trực tuyến. Tuy nhiên, công ty đã bị chỉ trích vì sự kiểm duyệt có chọn lọc để xoá bỏ các bài viết, một sự vi phạm quyền chính trị, ví dụ như các cuộc tranh luận về di dân, trong khi làm ngơ những vấn đề khác.

Facebook không phải là công ty truyền thông đa quốc gia duy nhất có nguy cơ vi phạm các điều mà một số chính phủ ở Đông Nam Á coi là không phù hợp. Nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất của Inđônêxia là Telekom Indonesia, một công ty thuộc sở hữu nhà nước, đã chặn việc truy cập Netflix vì lo ngại rằng nội dung bạo lực và tình dục có thể vi phạm các luật nghiêm ngặt về đạo đức của quốc gia Hồi giáo.

Khi tỷ lệ sử dụng Internet tăng lên theo cấp số nhân ở khắp Đông Nam Á, thì đó cũng là cơ hội thị trường. Năm 2016, số người sử dụng Internet đã tăng hơn 30% trong khu vực. Gần một nửa dân số khu vực hiện nay được cho là hoạt động trực tuyến. Ở hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á, Facebook chiếm ưu thế trên thị trường truyền thông xã hội.

Theo các cơ quan công nghệ quốc tế WeAreSocial và Hootsuite, tính đến tháng 1 năm nay, số người sử dụng Facebook hoạt động hàng tháng đã tăng lên hơn 300 triệu. Con số này chiếm dưới một nửa tổng dân số khu vực và gần 1/6 trong tổng số người dùng Facebook trên toàn thế giới.

Trong khi là một công cụ giải trí trò chuyện giao tiếp cho nhiều người dùng, tại các quốc gia bị kiểm duyệt nặng nề hơn, các phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành hình thức liên lạc, giao tiếp và truyền bá thông tin cho phép công dân vượt qua kiểm duyệt và đàn áp tự do ngôn luận của nhà nước.

Điều này đặc biệt đúng ở các nước như Thái Lan và Việt Nam, cả hai đều được cai quản bởi chế độ độc tài. Những ngày sau khi xe tăng tràn vào Bangkok vào tháng 5 năm 2014 để thực hiện cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân sự, Bộ Công nghệ Thông tin do quân đội của nước này nắm giữ, đã tạm thời chặn Facebook để ngăn cản các cuộc mít tinh chống lại chính quyền quân sự.

Kể từ đó Facebook bị buộc phải tuân theo các yêu cẩu của chính phủ quân sự trong việc xóa các nội dung bị coi là xúc phạm gia đình hoàng gia Thái Lan, một hành vi phạm tội nghiêm trọng và có thể bị xử tù 15 năm. Ngày càng có nhiều người Thái Lan bị cầm tù vì các hoạt động truyền thông xã hội chống lại hoàng gia.

Vào tháng 6 năm 2014, khi các cuộc bạo loạn cộng đồng xảy ra tại thành phố Mandalay ở miền trung Myanmar, Chính phủ Myanmar đã chặn Facebook trong nhiều ngày. Chính phủ Malaysia tuyên bố vào năm 2014 rằng họ đang tìm ra các phương thức để chặn các trang trên Facebook, mặc dù Bộ trưởng Truyền thông và đa phương tiện bình luận vào thời điểm đó rằng bước đi này sẽ là “cực đoan và bất khả thi”.

Chỉ có Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên thành công trong việc chặn hoàn toàn Facebook. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia thiếu công nghệ để thực thi việc ngăn chặn triệt để như vậy mà không cần phải ngắt kết nối Internet. Các quốc gia Đông Nam Á thường truy tố cư dân mạng theo cáo buộc tội phạm mạng hoặc luật chống lại nhà nước về nội dung truyền thông xã hội mà cơ quan có thẩm quyền coi là có tính phản đối.

Tuy nhiên, Facebook vẫn là một công cụ dân chủ hóa mạnh mẽ. Khi Việt Nam tạm thời chặn Facebook vào tháng 5 năm 2016 sau khi các cuộc biểu tình lan rộng khắp đất nước về một vụ xả chất độc công nghiệp gây ô nhiễm khu vực ven biển miền Trung, nhiều cư dân mạng Việt Nam đã sử dụng các dịch vụ proxy và các mạng riêng ảo (VPN) để vượt qua sự ngăn chặn của nhà nước.

Facebook vẫn được sử dụng để huy động các cuộc phản đối chưa từng có trước thảm hoạ môi trường và Hà Nội bị coi là không có các phản ứng hợp lý và tức thời.

Các nhà hoạt động vì tự do ngôn luận và dân chủ lo ngại rằng khi Đông Nam Á trở nên quan trọng về mặt tài chính đối với Facebook, thì người khổng lồ này trong lĩnh vực phương tiện truyền thông xã hội, vì lợi nhuận của mình, đang bắt đầu uốn nắn theo ý muốn của các chính phủ độc tài để duy trì và phát triển thị trường.

Facebook đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện và các hoạt động trong khu vực. Singapore độc tài là trụ sở chính cho các hoạt động của Facebook tại Châu Á – Thái Bình Dương. Công ty mở văn phòng ở Indonesia vào năm 2014, tại Thái Lan vào năm 2015, và tại Malaysia và Philippines vào năm ngoái.

Đông Nam Á cũng là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới về quảng cáo doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông xã hội nói chung, một phần quan trọng trong chiến lược lợi nhuận của Facebook. Trong quý thứ ba năm 2016, doanh thu quảng cáo của Facebook đã tăng 59% so với năm ngoái, với thu nhập ròng tăng từ 896 triệu đô la Mỹ lên 2,38 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn này.

Năm ngoái, có tin rằng Facebook đã lặng lẽ phát triển phần mềm cho phép các bên thứ ba kiểm duyệt các bài đăng trước khi chúng xuất hiện ở một số khu vực địa lý cụ thể, một bước đi mà những nhà phê bình cho rằng Facebook muốn vừa lòng Chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc, thị trường truyền thông xã hội lớn nhất thế giới, đã chặn Facebook kể từ năm 2009.

Mark Zuckerberg, đồng sáng lập viên và Giám đốc điều hành của công ty truyền thông xã hội Facebook, được cho là đã ve vãn các quan chức cao cấp của Trung Quốc trong những năm gần đây, bao gồm một cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9 năm 2015. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ràng về giai đoạn phát triển của phần mềm nói trên và liệu nó sẽ được cung cấp cho Bắc Kinh để đổi lấy việc tiếp cận thị trường béo bở với hơn 1.3 tỷ dân.

Nếu nó được phát triển thành công và cấp cho Trung Quốc, những người ủng hộ tự do ngôn luận lo ngại các chính phủ khác ở châu Á cũng sẽ yêu cầu tiếp cận công cụ kiểm duyệt này. Điều đó có thể cho phép Facebook tránh xa quá trình kiểm duyệt trong khi cung cấp cho các chính phủ các công cụ có khả năng ngăn chặn các nội dung trên Facebook mà bị coi là không phù hợp với công chúng.

Bản gốc: Is Facebook putting profit before freedom in Southeast Asia?

VNTB gửi BVN

This entry was posted in báo chí. Bookmark the permalink.