Việt Nam và Mỹ cùng nêu vấn đề Biển Đông trước Diễn đàn An ninh Châu Á

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tại Đối thoại Shangri-La cho thấy lời phát biểu của ông Đại sứ Michalak hôm 30-4-2010 tại Washington DC, đúng như BVN nhận định, là một lời hứa thành thực, một bàn tay ân cần chìa ra cho Việt Nam. Những kẻ điếc đặc vì lóa mắt bởi “16 chữ vàng”, bỏ mất cơ hội để Việt Nam tìm được chỗ dựa đòi chủ quyền tại biển Đông chắc chắn sẽ đối diện với phán xét nghiêm khắc của lịch sử.

Bauxite Việt Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates họp song phương với đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh ngày 04/06/10 bên lề Đối thoại Shangri-La. IISS

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates họp song phương với đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh ngày 04/06/10 bên lề Đối thoại Shangri-La. IISS

Nếu có một vấn đề mà Trung Quốc không hề muốn bị nêu lên rộng rãi trên trường quốc tế, thì đó là tham vọng áp đặt chủ quyền của họ trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, bất chấp phản đối của các láng giềng. Thế nhưng, nhân hội nghị quốc tế mang tên Đối thoại Shangri-La diễn ra từ ngày mồng 4 đến mồng 6 tháng Sáu vừa qua tại Singapore, tham vọng này đã bị Việt Nam, và nhất là Hoa Kỳ nêu bật, cho dù không hề nêu đích danh Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg, phát biểu vào hôm qua, 06/06, Bộ trưởng bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã nêu lên vấn đề Biển Đông khi xác định: “Việt Nam đang từng bước đối thoại với các nước có liên quan để giải quyết vấn đề tranh chấp” thông qua “các cuộc đàm phán trong tinh thần láng giềng tốt, hữu nghị, hợp tác”.

Việt Nam hiện có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc hoàn toàn chiếm đóng từ năm 1974, và với Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Philippines trên một số hòn đảo tại vùng Trường Sa. Riêng về phần Trung Quốc, nước này đòi hỏi chủ quyền rộng khắp, trên khoảng 80% vùng Biển Đông. Trong thời gian gần đây, căng thẳng đã nẩy sinh trở lại giữa Hà Nội và Bắc Kinh sau một loạt các hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền của họ, nhất là tại vùng Hoàng Sa.

Về quan hệ với Trung Quốc liên quan tới chủ quyền trên biển, Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam đã công khai thừa nhận: “Chúng tôi vẫn có những tranh chấp, nhưng chúng tôi sẽ phải giải quyết toàn bộ vấn đề này trong khuôn khổ luật pháp quốc tế’’. Tướng Phùng Quang Thanh cũng lên tiếng trấn an: “Không ít thì nhiều, chúng tôi có thể duy trì ổn định trong vùng biển đó’’.

Lời lẽ nhẹ nhàng của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam trên vấn đề Biển Đông hoàn toàn trái ngược với yêu cẩu cứng rắn của đồng nhiệm Hoa Kỳ trên cùng hồ sơ Biển Đông hôm thứ bảy 05/06. Dù không nêu đích danh Trung Quốc là thủ phạm, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tỏ ý lo ngại vế chiều hướng Biển Đông đang trở thành một khu vực “gây quan ngại ngày càng nhiều do những tranh chấp lãnh thổ có thể đe dọa đến tự do lưu thông trên biển và việc phát triển kinh tế khu vực”.

Trong một lời dè chừng gián tiếp nhắm vào Trung Quốc, ông Robert Gates đã nhắc lại các hành động hù dọa của Trung Quốc nhắm vào các tập đoàn dầu khí Mỹ làm ăn với Việt Nam trong thời gian qua:  “Hoa Kỳ chống lại mọi hành động nhằm hù dọa các công ty Mỹ hay bất cứ quốc gia nào đang có hoạt động kinh tế chính đáng tại khu vực này”.

Theo ông Robert Gates, mục tiêu của Mỹ rất rõ ràng. Đó là duy trì một vùng biển ổn định, tự do lưu thông, phát triển kinh tế tự do và không bị cản trở. Lẽ dĩ nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhắc lại lập trường cố hữu của Hoa Kỳ là không chọn phe nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ và kêu gọi các bên giải quyết bất đồng bằng các phương pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế.

Quan điểm của Hoa Kỳ đã tiếp tục được Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương nhắc lại hôm nay nhân chuyến ghé thăm Việt Nam sau khi tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tham dự Đối thoại Shangri-La.

Đối thoại Shangri-La là một trong những diễn đàn hiếm hoi về an ninh tại vùng Châu Á Thái Bình Dương, nơi gặp gỡ thường niên của các Bộ trưởng cũng như giới chức quốc phòng trong toàn khu vực. Được Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế IISS rất có uy tín, trụ sở chính tại Luân Đôn khởi động từ năm 2002, với thời gian, diễn đàn này đã trở thành điểm hẹn không thể thiếu của gần 30 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, từ Hoa Kỳ, Trung Quốc cho đến Nga, Nhật hoặc các nước ASEAN…

Phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại Học Maine (Hoa Kỳ)

Trọng Nghĩa

Để hiểu rõ ý nghĩa các tuyên bố lập trường liên tiếp trên đây của phía Hoa Kỳ trên vấn đề Biển Đông, RFI đã phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ.

Theo Giáo sư Long, trước hết, tuyên bố của Hoa Kỳ tại cuộc Đối thoại Shangri-La không khác gì nhiều so với chính sách cố hữu của Mỹ, nhưng có một số yếu tố mới :

“Cái mới ở đây là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhắm trực diện vào Trung Quốc, phản đối mọi hành động hù dọa đối với công ty Mỹ hoặc bất cứ nước nào hoạt động kinh tế chính đáng ở đây. Không riêng các công ty Mỹ, mà bất cứ nước nào hoạt động kinh tế chính đáng trong khu vực, ví dụ như là ngư dân Việt Nam hay nước nào khác. Lời phản đối đưa ra trước một diễn đàn gồm đại diện gần 30 quốc gia tham dự, nhằm dằn mặt cho Trung Quốc biết là Mỹ không chiụ nổi thái độ của nước này trong mấy năm qua.

– Quan điểm của Mỹ cho đến bây giờ trên vấn đề tranh chấp Biển Đông là họ sẽ không dính dáng vào vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các nước. Các nước có tranh chấp phải đưa vấn đề này ra các cơ quan quốc tế. Nhưng mà khi tranh chấp đe dọa đến vấn đề thông thương trên Biển Đông, thì Mỹ sẽ có thái độ. Ông Gates nhắc đi nhắc lại mấy lần là phải có cuộc đối thoại và cố gắng đa phương để giải quyết các tranh chấp trong khu vực Biển Đông, một cách hòa bình trong khuôn khổ luật quốc tế.

– Ông nhắc lại bản Tuyên bố về các quy tắc ứng xử trên Biển Đông năm 2002 mà Trung Quốc đã ký kết nhưng không thi hành trong những năm qua. Hoa Kỳ một lần nữa dằn mặt cho Trung Quốc biết rằng “nếu anh nói một đằng mà làm một ngả thì chúng tôi hiện nay không thể để cho anh tiếp tục làm như vậy nữa”. Có thể là Mỹ đã nói riêng với Trung Quốc rất nhiều lần, nhưng Trung Quốc khăng khăng không chiụ, thì bây giờ Mỹ phải bắt buộc nói thẳng trước một diễn đàn của 30 nước trên thế giới.

Về các hành động đe dọa quyền tự do thông thương và tự do phát triển kinh tế mà Trung Quốc tiến hành trong vùng Biển Đông trong thời gian qua, Giáo sư Long ghi nhận là từ năm ngoái đến nay, Trung Quốc không gây sự cố với Hoa Kỳ nữa, mà chủ yếu nhắm vào Việt Nam :

– Trung Quốc rất giỏi trong vấn đề này. Họ hù Mỹ để dọa các nước khác. Thí dụ như năm 2008, Trung Quốc bắt đầu bằng cách đòi Mỹ là chia đôi Thái Binh Dương: Mỹ rút vế phía bên kia đảo Guam với Hawai, còn vùng bên này thì cho Trung Quốc kiểm soát. Mỹ không chiụ, thì Trung Quốc lập tức làm găng ở Biển Đông. Mà đó là để hù dọa các nước khác.

Đến gần đây, vào năm ngoái thì Trung Quốc thôi không nhắm vào Mỹ nữa. Chủ yếu là nước mà Trung Quốc hù dọa là Việt Nam. Tại vì Việt Nam có một lãnh hải và lãnh thổ dài suốt vùng Biển Đông. Việt Nam là nước tranh chấp các hòn đảo Trung Quốc giữ. Những ngư dân Việt Nam đi gần đến Hoàng Sa, thì Trung Quốc làm đủ mọi thứ. Nhưng mà Trung Quốc không làm vấn đề đó ở gần đảo Trường Sa, bởi vì tại đấy, họ sẽ đụng với các nước khác ở Đông Nam Á, cho nên Trung Quốc chủ yếu là chĩa mũi dùi vào Việt Nam.

Có hai vấn đề: Nếu Việt Nam sợ, không làm gì thì các nước khác cũng khó mà giúp đỡ Việt Nam. Nếu Việt Nam nhượng bộ hay tỏ ra sợ sệt, thì Chính phủ Việt Nam sẽ mất chính danh với nhân dân Việt Nam. Mà nếu Trung Quốc làm yếu được Việt Nam thì Trung Quốc sẽ mạnh được trong khu vực. Đó là vấn đề mà Trung Quốc muốn làm. Cho nên từ giữa năm qua đến nay, Trung Quốc không chĩa mũi dùi vào Mỹ nữa mà chỉ nhắm vào Việt Nam.

Tại sao ở cuộc hội thảo này, ông Gates lại nhấn mạnh là vấn đề an ninh trong khu vực Biển Đông rất quan trọng đối với Mỹ? Quan trọng hơn nữa là việc ông ấy nói tiếp ngay sau đó, là đối với nền an ninh trong khu vực thì chính sách quốc phòng của Mỹ là thiết lập khả năng của các đối tác trong khu vực, không những giúp họ bảo vệ an ninh cho chính lãnh thổ của mình mà còn có thể xuất khẩu an ninh cho các nước khác.

Như vậy tức là gì? Tức là Mỹ sẽ cố gắng giúp thiết lập và cũng cố một hệ thống bảo vệ an ninh trong khu vực, đối phó với bất cứ ai đe doạ an ninh trong khu vực này. Và như ông đã đề cập trong bài diễn văn, tuy không gọi thẳng tên nước, nhưng mà người đã và đang đe dọa an ninh trong khu vực là Trung Quốc. Đó là lý do tại sao ông Gates đã lặp đi lặp lại mấy lần là trong 60 năm qua, Hoa Kỳ đã có sự hiện diện quân sự rất lớn trong khu vực… Hàm ý của ông ấy là nói với Trung Quốc là giờ đây Hoa Kỳ không bao vây Trung Quốc, mà muốn có an ninh để cả khu vực phát triển, nhưng nếu mà Trung Quốc làm quá thì Hoa Kỳ bắt buộc phải có thái độ.

Cuộc Đối Thoại Shangri-La, theo Giáo sư Long rất quan trọng, vì là diễn đàn để các nước trong vùng bày tỏ quan điểm lập trường của mình. Riêng tại Cuộc họp lần này, Giáo sư Long đặc biệt ghi nhận sự kiện phía Mỹ đã lên tiếng hậu thuẫn cho Việt Nam trong việc tổ chức Hôi nghị Bộ trưởng Quóc phòng ASEAN mở rộng vào tháng 10 tới đây.

– Tôi nghĩ là cuộc Đối thoại Shangri-La rất quan trọng vì là nơi để mọi người phát biểu. Cho người khác biết lập trường của mình như thế nào là việc rất cần thiết. Mà cuộc họp này không chỉ gồm một vài nước lớn, mà có bao nhiêu nước khác, không chỉ có quan chức trong các nước mà còn có cả các nhà nghiên cứu. Thành ra tôi thấy rằng cuộc Đối thoại này rất quan trọng, để ngăn ngừa những việc không hay xẩy ra.

Đó cũng là chỗ để cho người ta tỏ thái độ. Như trong cuộc họp vừa qua, nhiều nước trên thế giới cho Trung Quốc thấy rằng họ bây giờ làm quá, mà làm quá là bị tẩy chay. Cho nên nhiều nước không gặp các quan chức Trung Quốc, mặc dầu năm ngoái họ tiếp xúc rất nhiều. Thí dụ như tại hội nghị này, tướng Trung Quốc Châu Thành Hổ ăn nói lung tung, so sánh vấn đề Triều Tiên với vấn đề bên Do Thái chẳng hạn, thì nhiều người không bằng lòng. Tỏ thái độ trong một cuộc họp như thế này rất quan trọng.

Hay cái việc ông Gates, nêu tên Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh và nói là ông rất ủng hộ việc được ông Phùng Quang Thanh mời đến dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng vào ngày 12/10/2010. Ông Gates như vậy đã tỏ quan điểm ủng hộ các việc làm đa phương, và ông ta đã nói đến mấy lần. Tất nhiên, ngay trong vấn đề này, Mỹ ủng hộ cách làm việc của Việt Nam, qua đó một phần nào cũng tỏ thái độ đối với Việt Nam và các nước khác.

Sau cuộc Đối thoại Shangri-La, một phái đoàn quốc phòng Mỹ ghé Việt Nam. Tôi thấy là điều này đúng với những lời tuyên bố của Mỹ, là họ sẽ củng cố vị trí của họ ở Châu Á Thái Bình Dương và giúp củng cố hay phát triển các khả năng bảo vệ an ninh trong khu vực, cho các nước trong khu vực.

This entry was posted in Hoa Kỳ, Hoàng Sa, Trường Sa. Bookmark the permalink.