Nguyên Thẩm phán TANDTC, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ
Đọc bài viết này sẽ thấy rõ hơn về một “nhà nước ăn cướp”.
Bauxite Việt Nam
Văn phòng Chính phủ ngày 11-12-2017 có Văn bản số 13156/VPCP-VI cho biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận được thư của luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Thẩm phán TANDTC phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan việc xét xử vụ án xảy ra tại OceanBank. Thủ tướng đã chỉ đạo chuyển thư của luật sư Nguyễn Trọng Tỵ đến Chánh án TANDTC để xem xét, xử lí theo quy định. Được sự đồng ý của luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Tạp chí Pháp lí xin trân trọng trích đăng một số phản ánh, kiến nghị của luật sư Nguyễn Trọng Tỵ về vụ án này. Nội dung phản ánh, kiến nghị thể hiện quan điểm cá nhân của luật sư Nguyễn Trọng Tỵ.
Tôi là luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, sinh năm 1929, còn ít ngày nữa tôi sẽ được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Tôi đã từng làm công tác điều tra hình sự, làm Kiểm sát viên Viện Kiểm sát quân sự trung ương, làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Sau khi nghỉ hưu, tôi làm luật sư trên 20 năm, trong đó có 8 năm làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Cả cuộc đời của mình, lúc nào tôi cũng cầu mong quốc thái, dân an, mong kẻ phạm tội phải bị trừng phạt; người vô tội không bị xử lí oan sai.
Hàng ngày, tôi vẫn thường xuyên theo dõi hoạt động của các cơ quan tố tụng, nhất là công tác tố tụng những vụ án nổi cộm trong đời sống xã hội; mong sao nền tư pháp nước nhà ngang tầm với các nước văn minh trên thế giới.
Gần đây, qua theo dõi việc xét xử các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng OceanBank (viết tắt là OJB) do Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên xử ngày 29-9-2017, tôi nhận thấy còn một số vấn đề cần quan tâm, làm sáng tỏ. Vì vậy, tôi viết thư này đề nghị các vị lãnh đạo, các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm, xem xét một cách khách quan, toàn diện, đúng bản chất vụ án, kẻ phạm tội phải bị trừng phạt nghiêm minh nhưng cũng không xử oan sai người vô tội.
Theo quan điểm cá nhân tôi, trong vụ án xảy ra tại Oceanbank, còn một số vấn đề mà các cơ quan tố tụng cần quan tâm làm rõ như sau:
1. Qua các tài liệu có trong hồ sơ, tôi nhận thấy có sự nhầm lẫn, nhận thức không đúng về tư cách pháp nhân của OJB là thuộc loại hình doanh nghiệp nào, sở hữu nhà nước hay sở hữu tư nhân? Theo tôi, Oceanbank rõ ràng thuộc loại sở hữu tập thể. Và như vậy, phương án kinh doanh, việc sử dụng nguồn vốn của OJB do Hội đồng quản trị thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông theo quy định, theo pháp luật, lãi cùng hưởng, lỗ cùng chịu. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị hay Tổng giám đốc làm trái với Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Quyết định của Hội đồng quản trị mà gây thiệt hại thì có thể phải bồi thường. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc chỉ phải chịu trách nhiệm trước tập thể. Vì khách thể trực tiếp bị xâm hại thuộc về tập thể, không thuộc về Nhà nước.
Có nhận thức đúng tư cách pháp nhân của OJB mới xác định rõ những người mang chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của OJB… đều không phải công chức nhà nước. Vì vậy, khi hoạt động tại OJB, nếu ông Nguyễn Xuân Sơn gây thiệt hại cho PVN thì PVN xử lí, gây thiệt hại cho OJB thì OJB xử lí theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Trường hợp ông Hà Văn Thắm, nếu quá tin tưởng ông Sơn, giao quyền hạn cho ông Sơn vượt quá quy định của Điều lệ mà gây thiệt hại cho OJB thì ông Thắm phải chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp OJB nếu có thua lỗ, phá sản thì ông Thắm, ông Sơn phải chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông của OJB mà không phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, tương tự hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp khác đã bị phá sản.
Theo tôi, trong vụ án này có sự nhầm lẫn, có lẽ người ta thấy Tập đoàn Dầu khí quốc gia (viết tắt là PVN) có góp vốn vào OJB nên coi OJB là của Nhà nước chăng? Theo quan điểm cá nhân tôi: hoàn toàn không thể coi OJB là của Nhà nước. OJB được thành lập từ ngày 30-12-1993 lấy tên là Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng. Ông Hà Văn Thắm mua lại và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đến ngày 9-1-/2007 ngân hàng này mới chuyển đổi thành OJB. Trong đó ông Thắm góp trên 62% vốn điều lệ. Sau đó, đến ngày 31-12-2008, PVN mới đóng góp 400 tỉ đồng, tương đương 10% vốn điều lệ. Đến ngày 27-10-2010 PVN mới đóng góp thêm 300 tỉ đồng và đến 17-5-2001 PVN đóng góp thêm 100 tỉ đồng. Tổng cộng cả ba đợt PVN đóng góp 800 tỉ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ. Ngoài PVN, OJB còn có hàng nghìn cổ đông khác, quyền và nghĩa vụ của PVN cũng bình đẳng như các cổ đông khác. Do đó, không thể coi OJB là của Nhà nước.
2. Vấn đề thứ hai cần làm sáng tỏ là việc quy kết cho ông Sơn lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt một khoản tiền trên 69 tỉ đồng, một khoản chiếm đoạt trên 49 tỉ đồng và một khoản 197 tỉ đồng. Ông Thắm cũng lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt trên 266 tỉ đồng (197 tỉ và 69 tỉ).
Vấn đề này, theo tôi trước hết các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ nguồn gốc số tiền ở đâu ra? Có phải tiền Nhà nước giao cho các ông này quản lí rồi các ông này chiếm đoạt hay không?
Đối với khoản 69 tỉ, các tài liệu có trong hồ sơ cho
thấy số tiền này được hình thành trong thời gian từ 22-5-2009 đến 31-1-2012 ( hai năm rưỡi) từ toàn bộ các cơ sở trên toàn quốc của OJB gồm các khoản: Thu phí của 210 hợp đồng giao dịch mua bán ngoại tệ; Thu chênh lệch lãi suất trong giao dịch vay mượn của 521 hợp đồng; Thu phí dịch vụ 80 hợp đồng mua bán tài sản.
Như vậy có thể nói số tiền này là tiền chính đáng của tập thể cán bộ công nhân viên OJB làm ra, không phải tiền của Nhà nước. Vấn đề cần làm rõ là số tiền này nếu bị ông Thắm, ông Sơn chiếm đoạt hết thì OJB lấy gì nuôi bộ máy của ngân hàng?
Đối với khoản 246 tỉ là tiền của OJB, do OJB quản lí kinh doanh, không phải là tài sản của PVN.
Do đó, cần nhấn mạnh rằng nếu buộc tội hai bị cáo này chiếm đoạt thì không hợp lí vì như vậy chẳng khác gì buộc tội ông Thắm chiếm đoạt tiền của chính ông ấy, chỉ có phần nhỏ là của các cổ đông khác. Còn ông Sơn, nếu có chiếm đoạt thật thì cũng chiếm đoạt tiền của OJB, không phải chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Vậy nên theo quan điểm cá nhân tôi, nếu quy kết ông Sơn tội tham ô tài sản của Nhà nước là chưa thỏa đáng, chưa đúng pháp luật.
Do đó, vấn đề này cần phải được các cơ quan tố tụng xem xét lại cho thấu đáo.
3. Vấn đề thứ ba cần quan tâm xem xét toàn diện, đó là vấn đề OJB bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua 0 đồng và vấn đề các bị cáo bị kết tội “Cố ý làm trái… gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo các tài liệu trong hồ sơ, hành vi làm trái ở OJB chỉ là việc chi lãi vượt trần 14% theo quy định của NHNN và có chế độ “chăm sóc khách hàng”. Theo tôi, việc làm trái này xét về bản chất là việc lôi kéo khách hàng để duy trì cho OJB không bị đổ vỡ, không có ý đồ làm hại đến quyền lợi của Nhà nước. Đối với khách hàng vay tiền của OJB, họ chấp nhận việc trả lãi vượt trần, nếu họ không đồng ý, OJB không thể bắt buộc họ. Đối với khách gửi vào, họ được hưởng thêm ngoài hợp đồng gọi là “chăm sóc khách hàng”, chắc rằng không ai phản đối.
Qua việc này, cần xem xét đến vai trò kiểm tra, giám sát của NHNN. Tại sao NHNN đã 3 lần kiểm tra mà việc làm trái của OJB vẫn tồn tại? Từ đó dư luận có quyền đặt câu hỏi rằng NHNN có được hưởng lợi gì từ việc làm trái của OJB hay không?
Việc NHNN mua OJB với giá 0 đồng cũng cần phải được đặt ra xem xét toàn diện.
Ngày 6-5-2015, NHNN ra quyết định mua OJB với giá 0 đồng là dựa trên cơ sở pháp lí nào? Không thấy có văn bản pháp luật nào, kể cả Luật Ngân hàng cũng không quy định NHNN có quyền ấy. Chính vì vậy, bản án sơ thẩm đã kiến nghị làm rõ vấn đề này.
OJB có một hội sở chính, 16 khối nghiệp vụ, 21 chi nhánh, 74 phòng giao dịch, 6 quỹ tiết kiệm đặt rải rác toàn quốc. Đến ngày 31-3-2014, vốn điều lệ của OJB có 4.000 tỉ đồng của 1.137 cổ đông, trong đó ông Hà Văn Thắm là Chủ tịch Hội đồng quản trị có trên 62% vốn điều lệ và có 4 cổ đông góp trên 5%, PVN có 20% vốn điều lệ. Với một tài sản như thế mà NHNN quyết định mua với giá 0 đồng là không bình thường.
Tại phiên tòa, Hà Văn Thắm đã khai và hồ sơ còn lưu cho thấy khi PVN có chủ trương thoái vốn, Hà Văn Thắm đã thương thảo được với 2 doanh nghiệp Việt Nam và Singapore mua lại toàn bộ cổ phần của PVN với giá 800 tỉ đồng. PVN đã có báo cáo số 2957/DKVN-TCKT ngày 7-5-2014 kính gửi Thủ tướng Chính phủ, xin phép cho PVN chuyển nhượng phần vốn góp của PVN tại OJB. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 4327/VPCP ngày 2-6-2014 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý để PVN thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp đó… Tiếc rằng sau đó Văn phòng Chính phủ lại thay đổi ý kiến, yêu cầu PVN dừng thoái vốn tại OJB. Rõ ràng, theo quan điểm của tôi, nếu cho phép PVN chuyển nhượng vốn thì không có chuyện thất thoát 800 tỉ đồng như sau này, khi NHNN mua OJB với giá 0 đồng.
Tôi còn được biết khi NHNN quyết định mua, OJB được kiểm toán chưa đúng quy định, cũng không thông báo trước cho các cổ đông biết việc mua bán này. Phải chăng đây mới chính là sự lạm quyền, cố ý làm trái, dẫn đến tổn thất của OJB là ngân hàng của trên 1000 cổ đông?
Theo tôi, việc làm này của NHNN đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền là: Cơ quan nhà nước và công chức, viên chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép còn công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. NHNN đã mua một ngân hàng thuộc sở hữu tập thể mà không có điều luật nào, cơ quan nào cho phép?
Cũng cần nói thêm về thủ tục tố tụng, đó là việc trưng cầu cơ quan giám định lại là NHNN. NHNN đã “mua” OJB với giá 0 đồng, lại đứng ra là cơ quan giám định thì sao có thể bảo đảm việc giám định được khách quan???
Tóm lại, với những vấn đề chưa được làm rõ, chưa được xem xét kĩ lưỡng mà tôi phân tích trên đây, tôi kính mong các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giải quyết vụ án này một cách khách quan, hợp với pháp lí và đạo lí, để bảo đảm một nguyên tắc tối thượng: “trừng trị nghiêm những kẻ có tội, vi phạm các quy định của pháp luật song cũng đừng để gây ra oan trái đối với người vô tội”.
N.T.T