Đoàn Hưng Quốc
Trong những năm gần đây, nhiều chế độ độc tài bị lật đổ nhưng rồi các cuộc cách mạng dân chủ tiếp nối lại suy thoái theo những bước như sau:
-
Thể chế toàn trị bị lật đổ.
-
Nhà nước mới được bầu lên nhưng không xây dựng được một nền dân chủ lành mạnh, thay vào đó chính quyền trung ương yếu ớt vì nạn chia rẽ và bè phái khiến tham nhũng lan tràn, tình trạng mất an ninh, sự bộc phát của tầng lớp đầu sỏ chính trị và kinh tế (oligarchy) thao túng thị trường và chính trường khiến dân chúng thất vọng.
-
Phong trào dân túy xuất hiện, đáp ứng nỗi bức xức trong quần chúng nên được đám đông ủng hộ.
-
Một cuộc bầu cử tự do sau đó lại mang đến kết quả hạn chế nền dân chủ, khi người dân chán ngán với nền dân chủ hư hỏng (failed democracy) nên đặt kì vọng vào thành phần lãnh đạo mới và quyết đoán tái lập trật tự và ổn định.
-
Giới cầm quyền thắng cử bài trừ tham nhũng, thanh trừng những tập đoàn lợi ích và siết chặt an ninh, sẵn dịp thanh toán các đối thủ chính trị và bè phái thù nghịch nhằm ngăn chặn tiến tình dân chủ hóa, hòng cũng cố địa vị.
Đây là bài học của Nga và Phi Luật Tân, cùng nhiều trường hợp tương tự xảy ra ở Đông Âu, Ai Cập, Thái Lan, Ukraine. Cho nên năm 2017, Tập Cận Bình đề cao mô hình ổn định và phát triển theo kiểu Trung Quốc nhằm thay thế tiến trình dân chủ thất bại vốn được Tây phương khuyến khích.
Một yếu tố quan trọng trong thế kỉ 21 là sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội, trở thành mối đe doạ sống còn cho những chế độ độc tài. Nhưng đồng thời mạng xã hội lại khiến việc xây dựng một nền dân chủ phôi thai trở nên vô cùng khó khăn vì quá nhiều tiếng nói bất đồng trong xã hội. Cuối cùng mạng xã hội cũng tạo môi trường rất thuận tiện cho chủ nghĩa dân túy và khuynh hướng cực đoan sinh sôi, nẩy nở.
Khác với thế kỉ 20, những nền độc tài toàn trị ngày nay không còn tự khép kín sau bức màn sắt. Họ đón nhận thế giới bên ngoài nên cần phải tô vẽ bộ mặt chính danh đối với cả quốc tế và trong nước qua nhiều biện pháp khác nhau:
-
Chuyên chế nhưng mở cánh cửa đầu tư và xuất ngoại (trừ Bắc Hàn và Cuba). Tuy đối lập chính trị bị đàn áp nhưng người dân lại được hưởng nhiều quyền tự do khác so với thế kỉ 20. Dù khuyến khích kinh doanh tư nhân, nhà cầm quyền vẫn nắm giữ các ngành công nghệ chủ lực để kiểm soát nền kinh tế và dùng làm túi tiền riêng.
-
Giới lãnh đạo rút kinh nghiệm rằng mối đe dọa lớn nhất cho chế độ chính là lúc họ bị bịt mặt bởi đám đàn em nịnh bợ cho nên những nhà độc tài khôn ngoan không còn tin tưởng vào các báo cáo và thống kê chính thức.
-
Trái lại, họ chấp nhận cho vài tiếng nói phản biện chân chính (trái với đối lập giả hiệu) hoạt động nhưng luân phiên bắt giam số còn lại để phong trào không đủ đông hình thành lực lượng chống đối. Tuy đàn áp nhưng vẫn cần lắng nghe quan điểm đối lập để “bắt mạch” dư luận quần chúng (khi mà cán bộ cấp dưới chỉ báo cáo láo), chủ yếu nhằm đề phòng và sớm giải tỏa các bức xức trước khi tâm lí bất mãn bùng nổ, thổi ra làn sóng chống đối bất ngờ như từng xảy ra ở Ukraine, Tunesia, Ai Cập.
-
Mục tiêu ngoại giao khi chấp nhận cho những tiếng nói phản biện chân chính tồn tại nhằm tạo tấm bình phong dân chủ ra nước ngoài.
-
Nhà cầm quyền cho phép vài trí thức phản biện trong Quốc hội (thay vì chỉ toàn nghị gật) để cho thấy giới lãnh đạo không có dốt.
-
Chế độ toàn trị nhưng phải có vẻ tôn trọng pháp luật vì (a) nay làm ăn với ngoại quốc nên luật pháp cần tỏ ra công minh (b) tăng chính danh với dân chúng trong nước. Cho nên trong nhiều trường hợp, nhà cầm quyền đe dọa và bắt bớ đối lập chính trị nhưng chỉ dựa vào vi phạm hành chính, thuế má, du đãng… thay vì dùng công an hay xét xử theo tội bất đồng chính kiến.
-
Giải pháp tốt nhất đối với các nhà dân chủ nổi tiếng là áp lực để xuất ngoại vì nhà cầm quyền nhổ được gai nhọn mà không cần dùng đến những biện pháp bị quốc tế và dân chúng lên án.
-
Trái với thế giới từ sau Thế chiến II, khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa hiện đang thổi bùng không những từ Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ mà còn ở cả các nền dân chủ lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Đông Âu… theo mức độ nhiều ít khác nhau.
Lợi thế của các nền chuyên chế ngày nay nơi họ rút kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Liên Xô để né tránh tình trạng độc tài mù quáng. Yếu điểm là họ phải mở xú-páp cho thoát hơi nóng nhưng lại sợ mất quyền kiểm soát làm bung nắp nồì nên đâm ra bị ám ảnh (paranoia) về các thế lực thù địch nào đó rình rập ám hại mà quên rằng chính mô hình toàn trị mới là kẻ thù lớn nhất của chế độ.
Nhiều trường hợp cho thấy những chế độ độc tài tự biện minh bằng ổn định (stability) nhưng lại trở thành trì trệ (stagnation) như ở Nga, Ai Cập. Nhưng cạnh đó có mô hình Trung Quốc với nền kinh tế tăng vọt liên tục trong vòng 30 năm cho nên chưa thể kết luận dứt khoát về tương quan giữa chính trị và phát triển, ít nhất từ trung hạn cho đến ngắn hạn.
Các nhà dân chủ cũng uyển chuyển theo thời thế, dùng quyền tranh cử, kiến nghị và mạng xã hội để tấn công vào tính chính danh của nhà cầm quyền, dựa vào luật pháp để vạch trần những bất cập trong khi thi hành luật pháp (inconsistencies in the application of laws). Hiện độc tài chiếm ưu thế lớn so với đối lập ở Nga, Trung Quốc, Việt Nam… nhưng trò kéo cưa giữa hai bên chưa chấm dứt.
Các nền độc tài của thế kỉ 21 rút kinh nghiệm từ những thất bại trong thế kỉ 20 nên không còn mù quáng tự tôn mà trở nên thận trọng và thâm hiểm hơn trước đây [1]. Tuy không thể nào so sánh nhưng người viết nghĩ rằng những chế độ chuyên chế ngày nay phảng phất mô hình Quốc xã theo kiểu Hitler (và Goebbels) vào đầu thập niên 1930, vừa dụ dỗ vừa đàn áp, thay vì giống Stalin vốn chỉ dựa trên thanh trừng và khủng bố.
Đ.H.Q
(Tác giả gửi BVN)
[1] Xin đọc sách The Dictator’s Learning Curve (tạm dịch Các nhà độc tài đang học hỏi) của William Dobson (ký giả tờ Washingtong Post) rút tỉa kinh nghiệm ở Ai Cập, Nga, Trung Quốc, Venezuala v.v…