Trân Văn (Thiên Hạ Luận)
Rất khó tìm những ý kiến tán thành bản án mà Tòa án tỉnh Đắk Nông công bố hôm 3 tháng 1 đối với Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường bị cáo buộc “giết người”, Đoàn Văn Diện bị cáo buộc “che giấu tội phạm” và Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Phạm Công Thiện cùng bị cáo buộc “hủy hoại tài sản”.
Vụ xung đột giữa dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông với nhân viên Công ty Long Sơn hồi tháng 10 năm 2016 đã làm ba người chết, 13 người bị thương. Tuy tất cả nạn nhân đều là nhân viên Công ty Long Sơn nhưng cả công chúng lẫn hệ thống tư pháp đều không xem doanh nghiệp này là bị hại, thậm chí Phó Giám đốc công ty (Nghiêm Xuân Thiên Sửu) và Trưởng ban Quản lý nhân sự (Phạm Công Thiện) còn bị truy tố, rồi bị phạt tù (ông Sửu sáu năm, ông Thiện bốn năm)…
Tuy ông Hiến, ông Bình, ông Trường tước đoạt tính mạng của ba người, gây thương tích cho 13 người khác song quyết định tử hình ông Hiến, phạt ông Bình 20 năm tù, ông Trường 12 năm tù, ông Diện 9 tháng tù vẫn bị công chúng chỉ trích là không “thấu tình, đạt lý”.
*
Thảm án hôm 23 tháng 10 năm 2016 ở Quảng Đức phát xuất từ việc Công ty Long Sơn được chính quyền tỉnh Đắc Nông giao 1.079 héc ta đất tại Tiểu khu 1536 để thực hiện “dự án nông – lâm nghiệp”.
Bởi đất đai vẫn thuộc “sở hữu toàn dân” nên sau khi được giao 1.079 héc ta công thổ, Công ty Long Sơn tổ chức “đẩy, đuổi” tất cả những gia đình đang cư trú và canh tác trên phần đất mà chính quyền đã giao cho họ.
Về nguyên tắc, khai phá – cư trú – canh tác trên công thổ là bất hợp pháp nên Công ty Long Sơn tuyên bố không bồi thường, hỗ trợ cho bất kỳ gia đình nào. Đó cũng là lý do dân chúng ở Quảng Đức đôn đáo ngược xuôi xin cứu xét. Dẫu huyện không màng, tỉnh không xét nhưng theo tường thuật của báo giới thì sau khi đến tận nơi thị sát, ông Trương Hòa Bình – Phó Thủ tướng, đại diện Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu hệ thống công quyền ở Đắk Nông ngăn chặn hoạt động cưỡng chế – thu hồi đất của Công ty Long Sơn lại để kiểm tra.
Đáng chú ý là yêu cầu của ông Bình cũng không được huyện và tỉnh… cứu xét. Công ty Long Sơn tiếp tục điều động các loại xe chuyên dụng và “công nhân” dỡ bỏ nhà cửa, hủy diệt những vườn tiêu, vườn điều, vườn cà phê,… trên phần đất được giao. Trong quá trình cưỡng chế – thu hồi đất, “công nhân” của Công ty Long Sơn đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều người chỉ vì họ “dám” bảo vệ nhà cửa, vườn tược vốn là của họ. Có người bị rựa vạt mất gần nửa hộp sọ, tuy may mắn không mất mạng nhưng sẽ sống với cái đầu bị móp ấy cho đến hết đời. Có phụ nữ bị trụy thai do “công nhân” của Công ty Long Sơn đạp vào bụng,…
Do hệ thống công quyền ở tỉnh Đắc Nông, bao gồm cả công an từ xã đến tỉnh giả câm và giả điếc trong tất cả các đợt cưỡng chế – thu hồi đất mà Công ty Long Sơn thực hiện nên dân Quảng Đức quyết định tự cứu bằng cách tự vũ trang với súng tự chế. Trong đợt cưỡng chế – thu hồi đất ngày 23 tháng 10 năm 2016, sau khi bị 30 “công nhân” Công ty Long Sơn hành hung vì ngăn cản Công ty Long Sơn dỡ nhà, phá vườn của mình, Đặng Văn Hiến chạy vào nhà lấy súng tự chế, bắn hai phát chỉ thiên để cảnh cáo nhưng “công nhân” Công ty Long Sơn vừa lao đến, vừa ném đá… Hiến có thêm sự hỗ trợ của Bình (tiếp đạn) chĩa thẳng súng vào đám đông bóp cò…
Hệ thống công quyền từ Đắk Nông đến Hà Nội chỉ chuyển động sau khi có ba người chết, 13 người bị thương. Lúc đầu, hệ thống công quyền chỉ nhắm tới chuyện trừng phạt Hiến, Bình, Trường,… Phải đến khi dư luận thành bão, hệ thống này mới chĩa mũi dùi vào Công ty Long Sơn. Chuyện doanh nghiệp này tự tổ chức cưỡng chế – thu hồi đất bằng cách trang bị dao, rựa, gậy gộc, khiên, đá,… để “công nhân” sử dụng mới được xác định là “trái pháp luật”. Cũng phải tới lúc đó, đại diện chính quyền tỉnh Đắk Nông mới phân trần, rằng thì là,… quyết định giao đất cho Công ty Long Sơn dựa vào bản đồ, chưa đo đạc thực địa nên không rõ hoạt động cưỡng chế – thu hồi đất của doanh nghiệp này có chính xác hay không!
*
Khi tường thuật về thảm án Quảng Đức, rất nhiều tờ báo tại Việt Nam không cho độc giả tham gia bình luận qua Internet. Đối với những tờ báo tiếp nhận – giới thiệu ý kiến độc giả thì số lượng bình luận đột nhiên khiêm tốn một cách khác thường. Chẳng hạn tin Đặng Văn Hiến bị phạt tử hình trên tờ Người Lao Động chỉ có hai bình luận. Cả hai đều không tán thành bản án. Độc giả Hoàng Trung Sỹ cho rằng, chưa thể đóng lại thảm án này vì Hội đồng xét xử chưa khách quan, bỏ qua nguyên nhân sâu sa dẫn tới thảm án.
Phản ứng của công chúng qua mạng xã hội khác hẳn diễn đàn điện tử của các cơ quan truyền thông chính thống.
Dẫn lời khai của một nhân chứng trước tòa trong phiên xử thảm án Quảng Đức được tờ Pháp Luật TP.HCM tường thuật hôm 2 tháng 1 (Nếu đất bị thu hồi, vườn tược bị phá, có mặt tại đó và có súng, nhân chứng cũng siết cò), Hoai Nam Nguyen nêu thắc mắc: Ai chống lưng cho Công ty Long Sơn? Đó cũng là thắc mắc chung của nhiều người suốt từ cuối năm ngoái đến nay nhưng hệ thống công quyền không trả lời. Dường như đó chính là lý do nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam tán thành hành động của ông Hiến, ông Bình, ông Trường. Dường như chỉ ở Việt Nam mới có chuyện đồng cảm, tán thành hành vị “giết người” như vậy!
Ngô Nguyệt Hữu – một trong những nhà báo từng tham gia thu thập thông tin, tường thuật về Công ty Long Sơn hồi năm ngoái – nhận định, bản án chỉ giải quyết phần ngọn, không thấy bóng dáng trách nhiệm của hệ thống công quyền. Những Hiến, Bình, Trường vì nghèo mà trôi giạt đến Đắk Nông, ba người chết và 13 người bị thương – những “công nhân” kiểu Chí Phèo trong tay Bá Kiến – cũng nghèo… Giờ, chỉ còn khói nhang cho người đã khuất, thời gian dài dằng dặc cho những người bị dồn đến cùng đường mà nổ súng, không biết ngày mai sẽ nhìn mặt trời theo hướng nào. Bạo lực giờ như một xu thế, theo Ngô Nguyệt Hữu, bạo lực sinh ra từ những mâm cao, cỗ đầy, rượu tuôn như suối, từ những cái bắt tay dưới gầm bàn… Không có những anh A ở tỉnh, những anh B ở huyện thì làm gì có công ty nào dám hành xử như Công ty Long Sơn.
*
Bàn về thảm án Quảng Đức, nhiều người nguyền rủa Công ty Long Sơn nhưng liệu giới lãnh đạo công ty này có đúng là những kẻ thủ ác?
Ở Đắk Nông từng có một scandal khác nhưng vì thiếu tiếng súng, thiếu người chết nên ít ai nhớ.
Hồi 2006, các ông: Đặng Văn Thuyết, Nguyễn Văn Dự, Nguyễn Đình Tám chia nhau mua 12 héc ta đất ở xã Thuận Hà, huyện Đắk Song tỉnh Đắk Nông. Họ làm nhà, lập rẫy mà không hề biết đất mình đã mua “thuộc” Lâm trường Thuận Tân.
Cả ba gia đình cư trú, trồng trọt trên 12 héc ta đó suốt chín năm và Lâm trường Thuận Tân không làm gì cả. Đến tháng 4 năm 2015, Ban Giám đốc Lâm trường Thuận Tân quyết định “giao” 12 héc ta đất của ba gia đình vừa kể cho ông Đào Văn Dũng. Ông Dũng ra lệnh cho ba gia đình phải rời khỏi khoảnh đất ông mới được “giao”. Tất nhiên là họ không chịu.
Ông Dũng đã bỏ 700 triệu để mướn Đinh Văn Đức – một trùm du đãng thay ông đuổi người, phá nhà. Từ đầu tháng 5 năm 2015, những kẻ lạ mặt bắt đầu hăm dọa ba gia đình của các ông: Đặng Văn Thuyết, Nguyễn Văn Dự, Nguyễn Đình Tám. Rồi xe hai bánh gắn máy của ông Tám, bồn chứa nước của nhà ông bị đập nát… Cả ba gia đình báo cho công an xã nhưng công an xã chỉ ghi nhận rồi để đó.
Bất lực trước du đãng, công an thì làm ngơ, sau một ngày làm rẫy, các ông Thuyết, Dự, Tám chỉ tạt về nhà thăm vợ con rồi tới nhà người khác ngủ nhờ. Họ hi vọng khi nhà chỉ còn phụ nữ và trẻ con, du đãng sẽ nhẹ tay…
Tối 19 tháng 5 năm 2015, khoảng 40 du đãng đổ đến rẫy của ông Tám, phá sạch các nọc tiêu. Nạn nhân cấp báo với cả công an xã lẫn công an huyện nhưng cả hai cấp cũng chỉ tiếp nhận rồi làm ngơ. Chiều 20 tháng 5, du đãng quay trở lại nhà ông Tám, lôi mẹ và vợ ông ra đánh thị uy và dọa sẽ đốt sạch.
Đến rạng sáng 21 tháng 5 năm 2015, du đãng quay lại nhà ông Tám, đuổi mẹ, vợ và các con ông Tám ra ngoài, bắt hai người phụ nữ đếm xem trên xe vận tải đi theo có bao nhiêu can xăng, sau đó đổ xăng đốt nhà rồi bỏ đi. Mẹ và vợ ông Tám lao vào dập lửa… Khoảng 30 phút sau không thấy đám cháy. Du đãng quay lại đổ xăng đốt nhà thêm một lần nữa và đứng giám sát cho tới khi lửa đã lan rộng mới bỏ đi.
Vợ ông Tám kể với báo giới rằng, bà xin du đãng cho vào nhà để lấy một ít quần áo ấm cho đám trẻ nhưng bị từ chối, cuối cùng, thấy lũ trẻ rúm ró vì lạnh, một trong những du đãng tham gia đốt nhà vứt cho mấy đứa trẻ một tấm chăn mỏng.
Ông Tám không chỉ mất nhà mà còn mất toàn bộ tài sản vì tất cả đã bị đốt thành tro. Hai ngày sau khi đốt nhà ông Tám mà ông Thuyết, ông Dự vẫn chưa dọn nhà, bỏ rẫy. Tối 23 tháng 5 năm 2015, du đãng đổ tới đập bỏ đồ gia dụng, dùng cưa cắt bỏ các cột cho mái sụp xuống rồi đổ xăng đốt nhà ông Thuyết và ông Dự.
Bị công chúng chỉ trích kịch liệt vì để du đãng lộng hành, công an tỉnh Đắk Nông mới chịu tìm bắt 22 du đãng. Năm 2016, 22 du đãng và ông Đào Văn Dũng – người thuê du đãng bị phạt tù vì “hủy hoại tài sản công dân”.
Dẫu mọi thứ đã rõ ràng nhưng liệu ông Đào Văn Dũng có thực sự là kẻ thủ ác?
Không có “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” thì có xảy ra chuyện “giao” đất, “giao” rừng một cách tùy tiện đẩy nhiều cá nhân và nhiều gia đình vào tuyệt lộ hay không? Nếu tam quyền phân lập, có sự tách biệt rạch ròi giữa lập pháp (làm luật), hành pháp (quản lý, điều hành theo qui định pháp luật), tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử một cách độc lập, không bị chỉ đạo, chi phối bởi tổ chức Đảng cùng cấp) để cả ba giám sát lẫn nhau thì lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, lãnh đạo huyện Tuy Đức, lãnh đạo xã Quảng Đức có thể ngồi nhà theo dõi phiên xử thảm án Quảng Đức hay không?
Trong khi phân quyền được nhân loại xem là nguyên tắc cần tôn trọng và thực thi để bảo đảm công bằng xã hội thì tại sao giới lãnh đạo Đảng CSVN lại thù ghét “tam quyền phân lập” đến mức, tháng 11 năm ngoái, ban hành Quy định 102 QĐ/TW, nhấn mạnh, sẽ khai trừ tất cả những đảng viên đòi thực thi định chế này?
T.V.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/dak-nong-dat-dai-nong-truong/4194346.html