Sáu chiêu kiểm soát hệ thống chính trị của các gia tộc Philippines

VI YÊN

clip_image002

Tổng thống Philippines Joseph Estrada, người được xếp vào danh sách 10 lãnh đạo tham nhũng nhất thế giới. Ảnh: britannica.

Philippines, một đất nước tuy đã dân chủ hóa tự lâu mà vẫn nghèo nàn, thường bị nhiều người viện dẫn làm minh chứng để phê phán mô hình dân chủ.

Nhưng thực ra cội rễ của đói nghèo không đến từ thiết chế. Chính lịch sử áp đặt và vị thế địa chính trị đặc thù nơi quốc gia bị xé lẻ thành vô số hòn đảo nhỏ đã là cái nôi sản sinh ra những gia tộc chính trị kếch sù, mà ngày nay đang thâu tóm quyền lực chính trị về tay mình bất chấp vận nước.

Từ lâu, nền chính trị Philippines đã là cuộc chơi của giới đầu sỏ. Không một cá nhân nào từng ngồi ở thượng viện hoặc hạ viện là người nghèo. Các thiết chế chính trị không để cho người nghèo có chỗ ở quốc hội, nơi được coi là pháo đài của người giàu và tầng lớp đặc lợi.

Dù Philippines đã nỗ lực thiết kế một hệ thống những thiết chế dân chủ để giới hạn và phân tán quyền lực, song cũng bị các gia tộc chính trị vô hiệu hóa, thành ra chúng chỉ còn mang tính hình thức. Chính vì thế mà Philippines chưa bao giờ được coi là một nền dân chủ tự do. Có lẽ, chặng đường dẫn tới thịnh vượng của nước này hãy còn dài khi mà các gia tộc vẫn đang liên tục kiểm soát cả hệ thống chính trị bằng nhiều cách.

Bành trướng từ quyền lực chính trị sang quyền lực kinh tế

Chính vị cựu tổng thống Diosdado Macapagal của Philippines cũng phải thừa nhận rằng tổng thống và thành viên quốc hội nước này có quyền lực “lớn tới nỗi các thế lực kinh tế kết thành liên minh nhằm bảo hộ lẫn nhau, dẫn đến việc tập trung các lợi ích kinh tế vào trong chính liên minh ấy”.

Sau khi thu được khối tài sản lớn nhờ nắm giữ các chức vụ quyền lực, giới đầu sỏ lại tìm cách giữ ghế để bảo vệ các lợi ích riêng về kinh tế. Kiểu bành trướng qua lại giữa hai thứ quyền – tiền này là một biện pháp hữu hiệu để củng cố tầm kiểm soát chính trị. Kẻ giàu dễ mạnh lên, kẻ mạnh lại giàu lên, điều này phần nào giải thích tại sao khó mà phân phối của cải một cách công bằng trong nền chính trị quyền lực.

Việc sử dụng chức vụ để làm giàu phổ biến ở mọi cấp chính quyền. Song cái nghiêm trọng đáng nói ở đây là, giới chức Philippines coi chuyện làm giàu này là điều đương nhiên và không thể tránh khỏi. Chính ý nghĩ đó đã tạo nên một nền tảng vững chắc để làm nảy sinh tham nhũng, giảm bớt độ tín nhiệm với các lãnh đạo chính trị, và quan trọng nhất là làm xói mòn tính chính danh của thiết chế dân chủ. Trong những năm gần đây, các gia tộc chính trị nổi tiếng như Marcoses, Revillas, Estradas, Binays và Enriles luôn bị dính vào đủ các cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, bởi họ đã tích lũy được sức ảnh hưởng chính trị đáng kể, nên dường như chẳng luật pháp nào có thể chạm tới họ nổi.

Thâu tóm lợi ích nhờ nền chính trị thân hữu

Các lợi ích độc quyền lại được đem ra gầy dựng lực lượng ủng hộ. Bắt nguồn từ hệ thống chủ nô phong kiến, nền chính trị thân hữu xem mối quan hệ giữa quan chức và người dân là mối quan hệ giữa người bảo trợ (chủ) và khách hàng (nô). Lợi ích không được phân phối công bằng mà lại được chia theo lòng trung thành của người dân đối với quan chức.

Kiểu bảo trợ này giúp giới đầu sỏ Philippines vĩnh viễn hóa quyền lực của họ theo ba cách:

– Thứ nhất, người dân bị đặt vào vị thế phải dùng phiếu bầu để đổi lấy ích lợi trước mắt như là các dự án phát triển và nguồn hỗ trợ địa phương, chứ không phải để chọn ra người đại diện thực sự cho mình.

– Thứ hai, một mạng lưới các quan hệ chính trị được xây dựng và mở rộng, biến thành một bộ máy vững chắc để các gia tộc có thể đảm bảo chiến thắng trong các cuộc bầu cử.

– Thứ ba, nó phân chia người dân thành nhóm người trung thành và không trung thành, qua đó giúp các chính  kiểm soát tình hình chính trị tốt hơn.

clip_image004

Tình trạng nghèo đói ở Philippines khiến người dân có khuynh hướng tự biến thành “khách hàng trung thành” trong nền chính trị bảo trợ. Ảnh: poverties.org

Ở Philippines, chính sách dùng tiền ngân sách chi cho chính trị này được áp dụng lộ liễu, như các Quỹ phát triển nông thôn (CDF) và Quỹ ưu tiên hỗ trợ phát triển (PDAF) vẫn cung cấp ngân sách cho hai nghị viện hằng năm. Mỗi thượng nghị sỹ nhận được khoảng 200 triệu Peso/năm, trong khi đó mỗi hạ nghị sỹ nhận được 70 triệu Peso/năm từ các quỹ trên, để chi vào các dự án cho cử tri của họ, hay nói trắng ra là để mua chuộc cử tri.

Làm chủ các cuộc bầu cử

Không chỉ vậy, việc đi bầu cử ở Philippines cũng không được coi như một thực hành chính trị để người dân lựa chọn ra người nắm giữ chức vụ công.

Thay vào đó, bầu cử tại nước này là cuộc tranh giành trong giới đầu sỏ để giành lấy địa vị chính trị. Vì vậy, nó chỉ đơn thuần cho biết vị nào trong giới đầu sỏ sẽ nắm được quyền kiểm soát đối với của cải và các nguồn lực của đất nước.

clip_image006

Con trai của cựu tổng thống Marcos tham gia tranh cử vào năm 2016. Ảnh: Straitstime

Nhiều đảo ở Philippines thậm chí còn không có ứng cử viên khác tham gia tranh cử, không phải bởi thiếu người tài năng, mà bởi không có người đủ khả năng tài chính. Để có được một vị trí trong chính quyền, ứng cử viên phải chi ra một khoản tiền lớn để cạnh tranh. Những ai có tiền mới có thể trang trải cho việc mua phiếu, từ thiện, biếu tặng, cung cấp dịch vụ giải trí, tham gia vào các chiến dịch trên truyền hình, hối lộ quan chức, và vô số các phương tiện khác dù công bằng hay gian lận. Vì vậy, hầu như chỉ giới đầu sỏ mới có thể chạy đua cho các chức vụ công.

Thành lập đảng phái chính trị trá hình

Về lý thuyết, các đảng phái chính trị được tổ chức để định hướng các chính sách của chính quyền, do đó họ phải có một ý thức hệ nhất quán và các chương trình cụ thể.

Tuy nhiên, ở Philippines, các đảng phái không có ý thức hệ hay chương trình nghị sự rõ ràng, vì chúng chỉ đóng vai trò công cụ cho tham vọng phe cánh. Chúng không có một triết lý nhất quán. Rất khó để phân biệt xem đảng Partido Nationalista của Blas Ople có gì khác với đảng Kilusang Bagong Lipunan của Nicano Iñiguez về mặt ý thức hệ.

Khi ai đó gia nhập vào một đảng ở Philippines, không đồng nghĩa với việc anh ta tin theo ý thức hệ hay các đường hướng chính sách của đảng đó. Một chính trị gia có thể thay đổi dễ dàng lòng trung thành chính trị của mình trên các cơ sở thực dụng như việc liệu đảng của anh ta có giúp anh ta đạt được tham vọng của mình hay không.

Chẳng hạn, dù Marcos là thành viên của Đảng Tự do trong thời gian dài, song ông đã gia nhập đảng Quốc gia khi đảng ban đầu của ông chỉ định tổng thống đương nhiệm Diosdado Macapagal làm người tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp. Hoặc như Estrada đã tự tạo ra đảng phái của riêng mình để chạy đua giành ghế tổng thống khi đảng ban đầu không chọn ông làm ứng cử viên.

Hầu hết các đảng phái chính trị Philippines đều được xây dựng xung quanh các gia tộc chính trị hùng mạnh. Đảng phái không còn là nền tảng để tìm ra các nhân tài chính trị chia sẻ cùng ý thức hệ nữa. Các cuộc thảo luận trong đảng về nền tảng chính trị hay về các lựa chọn chính sách đã bị lép vế trước sự thống trị của các cá nhân và gia tộc. Khi thiếu tính tổ chức và sự nhất quán như vậy, ta dễ hiểu tại sao nền chính trị đảng phái lại hạ cấp thành nền chính trị của các cá nhân.

Vô hiệu hóa hiến pháp

Trong một nỗ lực ngăn chặn giới gia tộc tiếm quyền, Ủy ban Hiến pháp dưới thời tổng thống Aquino đã bổ sung điều 26 vào bản Hiến pháp 1987 rằng “Nhà nước phải trao việc tiếp cận các cơ hội phục vụ trong chính quyền một cách bình đẳng cho tất cả mọi người, và cấm các gia tộc chính trị theo quy định của luật pháp”.

Điều 26 này trao cho các nhà lập pháp của Philippines cơ sở để ban hành luật chống gia tộc chính trị. Đã có vài nỗ lực như khi Thượng nghị sỹ Miriam Defensor Santiago thúc đẩy dự luật 2649, cùng với dự luật 3413 của Teodoro Casino nhằm chống các gia tộc tham dự chính trị, song cả hai vẫn ở mãi trong tình trạng “đang xem xét”.

clip_image008

Phó Tổng thống Jejomar Binay và Thượng nghị sĩ Miriam Santiago trong một cuộc thảo luận về vấn đề gia tộc chính trị. Ảnh: Rappler

Rõ ràng các nhà lập pháp đã phớt lờ việc xác định xem thế nào là một gia tộc chính trị. Ít nhất một chục dự luật lập pháp đã được đệ trình từ năm 1987, nhưng tới nay vẫn chưa có dự luật nào được thông qua. Hiến pháp thừa nhận vấn đề, nhưng lại phó mặc việc giải quyết cho Quốc hội – vốn gồm những kẻ hưởng lợi từ chính vấn đề ấy.

Rõ ràng, với ước tính trên 70% số nghị sỹ có liên quan tới các gia tộc chính trị, thì khó mà trông đợi chính họ cho ra một thứ luật vì nghĩa diệt thân.

Can thiệp luật pháp

Không chỉ làm hiến pháp bị đình trệ, các gia tộc ở Philippines còn tìm cách nhúng tay vào luật pháp để một mặt làm lợi cho mình, mặt khác hòng kiểm soát toàn diện nền chính trị. Tiêu biểu có thể kể tới các đạo luật về dân chủ hóa của cải.

Từ thời Philippines nằm trong khối Thịnh vượng chung của Mỹ, chính quyền đã nỗ lực giải quyết các bất ổn xã hội thông qua ban hành cải cách ruộng đất như các Đạo luật 538, Đạo luật 1267, và Đạo luật 3844. Nhưng như tác giả cuốn “Triết lý xã hội trong bối cảnh Philippines” Pedro Salgado đã chỉ ra, “tất cả những luật này chưa bao giờ giải quyết được vấn đề người nghèo không có đất, vì chúng đâu được sinh ra để làm điều đó. Quốc hội toàn bao gồm các địa chủ, do đó luôn có lỗ hổng trong các bộ luật để cho địa chủ có thể lách luật”.

Đạo luật cải cách ruộng đất năm 1963 dưới thời cựu tổng thống Macapagal là một ví dụ. Phạm vi đất cải cách lại không bao gồm các loại đất sản xuất phục vụ xuất khẩu, dĩ nhiên đó là các đồn điền lớn, đất trồng quýt, cacao và các cây lâu năm khác. Ra một đạo luật như vậy chẳng khác gì nói rằng không thể đụng tới đất của giới gia tộc. Không chỉ vậy, chi phí cho chương trình ước tính tốn khoảng 200 triệu Peso cho năm đầu để thực hiện và 300 triệu Peso cho ba năm tiếp, thì Quốc hội lại chỉ cấp cho nó 1 triệu Peso để thực hiện.

Vào những năm 1970, Marcos tuyên bố thiết quân luật để phá hủy cấu trúc đầu sỏ của xã hội, nhưng ông lại tạo ra cái “chủ nghĩa tư bản thân hữu” khi phân phối độc quyền các lợi ích cho các thân hữu của mình. Khi Marcos bị lật đổ vào năm 1986, giới đầu sỏ quay trở lại và tái lập nền chính trị gia tộc trước đó. Từ đó đến nay, không có thay đổi gì nhiều về sự kiểm soát của giới đầu sỏ, còn đa số người dân vẫn ngụp lặn trong đói nghèo và bị loại khỏi tiến trình chính trị. Bởi vậy mà ngày nay nền chính trị Philippines gần như bị chi phối hoàn toàn bởi các cuộc chuyển đổi quyền lực từ tập hợp gia tộc này sang tập hợp gia tộc khác.

Rõ ràng, để nền chính trị Philippines để trở nên dân chủ thực sự, thì một trong những việc thiết yếu nhất là phải loại bỏ dần sự kiểm soát của giới gia tộc đối với hệ thống chính trị, để nó thực sự trở thành nhà nước của người dân Philippines.

Tài liệu tham khảo:

• Eron Anthony Guarde, Rufina C. Rosaroso, Fredrich Rama, Rolan Batac, Gerome Lasala; Political Dynasty in Public Governance: A Close Encounter with the Cebuanos; Asia Pacific Journal of Multidisciplinary Research; 5/2/2016.

• Ronald U. Mendoza, David B. Yap; Political Dynasties and Property: Evidence From the Philippines; 12th National Convention on Statistics; 1/10/2013.

• Rollin Tusalem, J. Pe-Aguirre; The Effects of Political Dynasties on Effective Democratic Governance: Evidence From the Philippines; Research Gate; 7/2013.

• Ronald U. Mendoza, Jan Fredrick Cruz; Politics: All in the Family in the Philippines; Asia Sentinel; 15/9/2015.

Ronald U. Mendoza; Dynasties in democracies: The political side of inequality; Rappler; 12/3/2012.

• Xem thêm: Vi Yên, Giới chính khách giàu có ở Philippines, Luật Khoa Tạp chí, 8/11/2017.

V.Y.

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2017/12/sau-chieu-kiem-soat-thong-chinh-tri-cua-cac-gia-toc-philippines/

***

Giới chính khách giàu có ở Philippines

VI YÊN

clip_image010

Ở Philippines, chính trị về cơ bản là trò chơi quyền lực của một nhóm nhỏ gồm những chính trị gia giàu có. Người ta gọi đó là nền chính trị đầu sỏ (oligarchy politics).

Tài sản của những nghị sỹ quốc hội lên tới hàng trăm triệu Peso (1 đô-la Mỹ bằng khoảng 51 Peso). Ảnh: Inquirer

Trong lịch sử Philippines, có lẽ chưa ai từng mang đến hy vọng cho người dân bằng diễn viên điện ảnh Joseph Estrada. Và cũng chưa ai khiến họ thất vọng hơn vị cựu tổng thống này.

Kể từ cuộc cách mạng năm 1986 loại bỏ những tay chính khách cướp bóc, những tưởng đời sống người dân Philippines sẽ cải thiện nhưng rồi người ta lại quá ngán ngẩm với tình trạng bất bình đẳng không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Thế rồi tới năm 1998, ứng cử viên Estrada kia giương cao khẩu hiệu tranh cử “vì người nghèo”. Điều đó khiến dân chúng Philippines đứng về phía ông với mức tín nhiệm cao chưa từng có.

Nhưng rồi, Estrada bị lật đổ khi chưa hết nhiệm kỳ và ra tòa với tội danh tham nhũng. Cáo trạng cho thấy ông biển thủ từ 78 tới 80 triệu đô-la Mỹ. Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines giai đoạn 1972 – 1986 cũng ước tính biển thủ khoảng năm tới mười tỷ đô-la.

Ở Philippines, chính trị về cơ bản là trò chơi quyền lực của một nhóm nhỏ gồm những chính trị gia giàu có như Marcos hay Estrada. Người ta gọi đó là nền chính trị đầu sỏ (oligarchy politics).

clip_image012

Cựu tổng thống Estrada, từng được dân chúng ủng hộ với mức tín nhiệm trên 60%, lại là vị lãnh đạo tham nhũng hạng mười trên thế giới. Ảnh: không rõ nguồn

Các gia tộc chính trị (political dynasty)

Từ thời Philippines còn là thuộc địa của Tây Ban Nha (1565-1898), giới địa chủ kiểm soát phần lớn đất đai và chi phối luôn nền chính trị nước này.

Dưới thời kỳ thuộc địa của Mỹ (1898-1946), quyền lực của những người này không những không bị phá hủy mà còn được củng cố. Họ có thể sử dụng địa vị của mình trong chính quyền thuộc địa để mở rộng kiểm soát sang các lĩnh vực khác như công nghiệp, thương mại, và ngân hàng.

Bằng việc nắm quyền trong một thời gian dài, nhiều chính trị gia đã coi chức vụ chính trị như thuộc về gia đình để truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp. Điều đó có nghĩa là quyền lực chính trị được vĩnh viễn hóa, dẫn đến sự xuất hiện của các gia tộc chính trị.

Từ khi độc lập năm 1946 tới trước thời của Tổng thống Marcos, Philippines đã trải qua nhiều thay đổi. Các thiết chế dân chủ đại diện theo mô hình phương Tây được thiết lập. Tuy nhiên, cấu trúc quyền lực thực tế vẫn như cũ, khi mà quyền lực luôn nằm trong tay các gia tộc giàu có ấy.

Năm 1965, Marcos lên nắm quyền, và điều hành đất nước bằng thiết quân luật từ năm 1972 đến năm 1981. Dựa vào đó, ông thay thế những tay đầu sỏ thời hậu chiến bằng nhóm của riêng mình, gọi là Marcoses. Nhưng rồi ông bị lật đổ trong cuộc cách mạng Quyền lực Nhân dân (EDSA) sau 21 năm tại vị, nhường chỗ cho giới giàu có quay trở lại và tái lập sự cai trị mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Giờ đây, nhìn con số thu nhập quốc gia gia tăng hàng năm của Philippines, ít ai nghĩ rằng hết ba phần tư số này nằm trong tay 40 người giàu nhất đất nước.

clip_image014

Cựu Tổng thống độc tài Ferdinand Marcos (1917-1989) đã dùng thiết quân luật để nỗ lực loại bỏ các gia tộc chính trị ra khỏi chính phủ trong suốt thời gian tại nhiệm của mình, song không thành. Ảnh: Quartz

Chính trị như một trò chơi riêng của giới chính khách

Theo số liệu năm 2013, Philippines có khoảng 178 gia tộc chính trị. Những cái tên như Aquinos, Cojuangcos, Aranetas hay là Lopezes không có gì là xa lạ với người dân xứ này.

Họ chi phối nền chính trị của Philippines bằng cách đưa người trong gia tộc hoặc có quan hệ với gia tộc vào trong các thiết chế quan trọng như quốc hội, đảng phái. Họ còn ra sức chiếm giữ các chức vụ địa phương.

Trong một bài báo đăng trên tờ Rappler, nhà nghiên cứu Ronald U. Mendoza đưa ra những con số đáng kinh ngạc. Tính tới năm 2012, người của các gia tộc chính trị chiếm tới 68% số hạ nghị sĩ và 80% số thượng nghị sĩ tại Quốc hội.

Thành viên của họ cũng chi phối các đảng chính trị lớn: 76% trong đảng Lakas-Kampi, 57% của Liberal Party, 74% của Nationalist People’s Coalition, và 81% của Nacionalista Party.

Còn ở cấp độ địa phương, 85% thống đốc, 75% phó thống đốc, 74% nghị sĩ quận, 66% thị trưởng, 50% phó thị trưởng là người thuộc các gia tộc này.

clip_image016

Gia đình Aquinos, một trong những gia tộc chính trị lớn nhất tại Philippines. Ảnh: Wallpart

Người nghèo gần như không có đại diện trong các đảng. Vì lẽ đó mà họ không có tiếng nói trong quá trình ra quyết sách của chính phủ.

Có thể mô tả nền chính trị Philippines như một cuộc đấu tranh quyền lực trong giới đầu sỏ, những người quan tâm nhiều đến quyền lợi của cá nhân và giai tầng riêng của họ thay vì quyền lợi của đa số người nghèo. Chức vụ trở thành tài sản gia đình, được giới này dùng để bảo vệ các lợi ích kinh doanh và các lợi ích khác của các gia tộc, và bảo vệ họ khỏi các đe dọa chính trị.

Điều đáng tiếc là tuy quyền lực ngày càng tập trung, nhưng lại không được dùng để thúc đẩy chính sách quốc gia như các quốc gia tập quyền kiểu Trung Quốc hay Singapore, mà nó bị gom vào tay các nhóm chính trị có khuynh hướng khư khư lo giữ ghế của mình. Philippines tự thể hiện mình như một quốc gia dân chủ, còn cơ cấu quyền lực như một quốc gia độc tài, song lại chẳng mang được chút ưu điểm nào của cả hai thể chế.

Chú thích

• Xem hệ số GINI của Philippines trong giai đoạn 1985-2000, Poverty in the Philippines: Causes, Constraints, and Opportunities, Asian Development Bank, trang 13.

• Xem chi tiết tiểu sử của Joseph Estrada tại Britannica.com.

• Những nhà độc tài tham nhũng nhất mọi thời đại trên thế giới, Global Corruption Report 2014, Transparency International, 25/3/2014, trang 13.

• Mức độ giàu có của các gia tộc: Economic growth for all, Philippines Daily Inquirer, 25/6/2012

• Số gia tộc chính trị ở Philippines: Jocelyn R. Uy, CBCP denounces political dynasties, Philippines Daily Inquirer, 30/1/2013.

Tỷ lệ gia tộc chính trị trong hệ thống chính phủ Philippines: Ronald U. Mendoza, Dynasties in democracies: The political side of inequality, Rappler, 12/3/2012.

V.Y.

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2017/11/gioi-chinh-khach-giau-co-o-philippines/

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.