Nhìn lại những năm tháng Khủng bố Đỏ ở Liên Xô

Để dẫn bài này, có lẽ không gì thiết thực hơn là nhắc bạn đọc nhớ rằng vào ngày 20-1-2017, một bức tượng Dzerzhinsky đã được khánh thành tại Học viện Cảnh sát nhân dân ở Hà Nội.

Bauxite Việt Nam

Tháng 8-1918, một phụ nữ đã bắn súng vào lãnh đạo Liên Xô Vladimir Lenin khi ông đi thăm một nhà máy ở Moscow. Vụ ám sát này là một chất xúc tác cho hàng trăm ngàn cuộc hành quyết mà chính quyền Liên Xô đã thực hiện từ năm 1918 đến đầu những năm 1920.

Người ám sát đó là Fanya Kaplan, một nhà hoạt động xã hội bất mãn với chính quyền của Lenin. Vài ngày trước khi bị hành quyết, Kaplan nói cô chỉ hành động một mình. Tuy nhiên, có nhiều người đồng cảm với mối bất bình của cô.

Những người Bolshevik đã nhanh chóng thành lập chế độ độc tài chưa đầy một năm trước đó, trong Cách mạng Tháng Mười 1917. Họ đã cống nạp nhiều lãnh thổ cho Đức để đổi lấy hòa bình và giải thể cuộc thử nghiệm chế độ dân chủ đầu tiên trên đất nước này. Những sự phản bội đó đã làm nhiều người cộng sản và các nhà cách mạng cánh tả khác tức giận. Họ là những người từng giúp Lenin lên nắm quyền, bắt đầu từ những cuộc nổi dậy đầu năm 1917 nhằm lật đổ Nga Hoàng Nicholas II. Giờ đây, khi sự thành lập chế độ độc tài Mác-xít đã được quan tâm, những nhà cách mạng không thuộc Bolshevik dường như không còn hữu dụng nữa. Sau một vài cuộc nổi dậy của nhóm các nhà xã hội chủ nghĩa và ngay trước khi bị Kaplan ám sát, Lenin đã tuyên bố cần phải có một cuộc khủng bố tàn bạo để “làm sạch” các cuộc nổi dậy.

Và khủng bố đã đến, không chỉ dưới sự cai trị của Lenin mà trong nhiều thập kỉ sau cái chết của ông, từ Liên Xô đến Đông Âu, Trung Quốc, Bắc Hàn và mọi quốc gia khác không may nằm dưới sự cai trị của một đảng cộng sản.

Xây dựng Nhà nước cảnh sát Liên Xô

Dưới thời Lenin, việc bảo vệ cuộc cách mạng và củng cố ý thức hệ bạo lực của chính quyền đi cùng với sự khủng bố. Chỉ vài tuần sau cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917, Đảng Bolshevik đã thành lập Ủy ban Khẩn cấp, còn được biết đến với cái tên Cheka. Người đứng đầu ủy ban này là nhà quý tộc người Ba Lan Felix Dzerzhinsky, một người cuồng tín đã chuyển sang tôn thờ chủ nghĩa xã hội và sau đó là chủ nghĩa cộng sản từ khi còn trẻ. Với chỉ vài trăm thành viên vào năm 1917, Cheka nhanh chóng mở rộng khi những người Bolshevik tăng cường cuộc chiến chống lại quân Bạch vệ. Trong vòng 2 năm, tổ chức cảnh sát bí mật này đã có khoảng 200.000 thành viên.

Cuộc Khủng bố Đỏ

Vụ ám sát Lenin vào tháng 8-1918 là một chất xúc tác cho hàng trăm ngàn cuộc hành quyết mà Cheka ước tính đã thực hiện từ năm 1918 đến đầu những năm 1920. “Chúng tôi chủ trương khủng bố có tổ chức – điều này cần được thẳng thắn thừa nhận. Khủng bố là điều hoàn toàn cần thiết trong thời gian cách mạng… Chúng tôi xét xử nhanh chóng. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ cần một ngày để kết tội và tuyên án” – lãnh đạo Cheka, Dzerzhinsky cho biết vào tháng 7-1918.

Mang những bộ quần áo bằng da thuộc, các thành viên Cheka thường đi theo quân đội Bolshevik, bắt giữ những người bị tình nghi, bao gồm chủ sở hữu đất, người thuộc tầng lớp quý tộc, chủ doanh nghiệp và thậm chí đơn giản là những người đi lang thang sau giờ giới nghiêm. Sau những vụ bắt giữ này sẽ là các cuộc hành quyết tập thể.

Ngay từ năm 1924, sử gia Nga đào thoát tên là Sergei Melgunov đã tiết lộ trong cuốn sách của ông “Red Terror in Russia” (Khủng bố Đỏ ở Nga) đây là một cuộc tàn sát có hệ thống. Ông cũng cung cấp cả tài tiệu và hình ảnh về cuộc khủng bố này.

Chính Cheka cũng từng tự hào công bố các báo cáo về một phần số người bị chết. Ở nhiều vùng, mọi loại tội phạm – đã xác thực hoặc tình nghi – đều bị án tử hình.

Những hành động của Cheka đi theo triết lí của cuộc đấu tranh giai cấp, xa rời đạo đức và phẩm giá con người. Nó tuyên bố bất cứ điều gì chống lại tư tưởng này là phản cách mạng. Nạn nhân hoặc các thành viên trong gia đình họ thường bị ép cởi quần áo trước khi bị dẫn đến nơi hành quyết. Một số tù nhân khác bị tống vào sà-lan, đưa ra biển và chết đuối khi những người Bolshevik làm đắm tàu. Melgunov cho biết: “Ở Kiev, cách hành quyết là làm cho những người bị kết tội nằm sấp giữa máu đông trên sàn nhà trước khi bị bắn xuyên qua đầu hoặc não”.

Ngoài những vụ hành quyết tập thể, những người Cheka còn hứng thú với việc tra tấn tàn bạo và hãm hiếp phụ nữ.

Đối với chế độ cộng sản, giết chóc đã trở thành một công cụ hữu ích để kiểm soát người dân. Sau khi Lenin qua đời vào năm 1924, Cheka đã được đổi tên nhiều lần nhưng vẫn phục vụ cho mục đích tương tự. Joseph Stalin, người kế nhiệm Lenin và tiếp tục chế độ độc tài của Lenin, đã ca ngợi Dzerzhinsky là “một hiệp sĩ mộ đạo của giai cấp vô sản” khi ông này chết vào năm 1926.

Dưới thời Stalin, cuộc đàn áp chính trị ở Liên Xô đạt đến đỉnh cao với hàng loạt các vụ trấn áp được biết đến dưới tên Đại thanh trừng, trong đó hàng trăm ngàn nạn nhân là đồng bào Ba Lan của Dzerzhinsky.

Năm 1919, Lenin đã có chuyến đi bí mật tới chỗ Ivan Pavlov, nhà tâm lí học nổi tiếng với những thí nghiệm về việc huấn luyện kích thích có điều kiện ở chó. Theo nhà sử học Anh Orlando Figes, vị lãnh đạo Liên Xô nói:

– Tôi muốn dân chúng Nga đi theo một khuôn mẫu tư duy và phản ứng kiểu cộng sản.

– Có phải ý ông là ông muốn thuần hóa người Nga? Làm cho mọi người đều hành xử theo cùng một cách? – Pavlov ngạc nhiên.

– Chính xác! – Lenin nói – Con người có thể bị cải biến. Con người có thể làm những gì chúng ta muốn họ làm.

Hồng Liên (theo Epoch Times)

Nguồn: http://tinhhoa.net/nhin-lai-nhung-nam-thang-khung-bo-do-o-lien-xo.html

This entry was posted in Tư Liệu. Bookmark the permalink.