Việt Nam qua các kỳ APEC

Thụy My

clip_image002

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang phát biểu trong diễn đàn doanh nghiệp APEC 2017 tại Đà Nẵng ngày 08/11/2017. REUTERS

Cách đây 11 năm Việt Nam đã là nước chủ nhà của Thượng đỉnh APEC. Từ đó đến nay kinh tế Việt Nam đã có nhiều biến chuyển. Nhân hội nghị APEC chính thúc khai mạc tại Đà Nẵng vào ngày 10/11 tới đây. RFI xin giới thiệu bài viết của tác giả Edmund Sim trên tạp chí The Diplomat nhìn lại những thay đổi về kinh tế của Việt Nam giữa hai lần đăng cai sự kiên quốc tế lớn này.

Hội nghị thượng đỉnh APEC quay lại với Việt Nam năm nay, sau 11 năm vắng bóng. Mặc dù Việt Nam vẫn tiếp tục tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng kể từ thượng đỉnh APEC năm 2006 tại Hà Nội, môi trường khu vực và toàn cầu đã thay đổi hẳn. APEC 2017 tại Đà Nẵng mang lại cho các nhà lãnh đạo Việt Nam cơ hội để đối mặt với các đổi thay này.

APEC 2006: Bắt đầu cuộc đua với thế giới

Chiến tranh kết thúc năm 1975, hai miền Nam Bắc Việt Nam thống nhất, khởi đầu cho một quá trình tái thiết lâu dài. Bị phương Tây cô lập, mâu thuẫn với đa số láng giềng, quan hệ kinh tế đối ngoại của Hà Nội lệ thuộc vào người bạn lớn Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Việt Nam buộc phải tự do hóa thương mại, tập trung cho phát triển kinh tế. Điều này có nghĩa là phải có quan hệ tốt đẹp với các láng giềng Đông Nam Á lẫn phương Tây.

Thế nên Việt Nam tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995. Hà Nội được hưởng lợi nhờ đầu tư và thương mại với ASEAN tăng lên thông qua hiệp định AFTA (Tự do mậu dịch ASEAN), và các FTA (Hiệp định tự do mậu dịch) giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.

Cấm vận kết thúc vào năm 1994, và Việt Nam bình thường hóa quan hệ thương mại với Hoa Kỳ năm 2000. Yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế Việt Nam là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào đầu năm 2007.

Thượng đỉnh APEC 2006 tại Hà Nội là dịp Việt Nam ra mắt, khởi đầu cho quá trình hội nhập với thế giới. Việc cải thiện quan hệ đã giúp tăng cường thương mại, đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm nội địa (GDB) của Việt Nam đã tăng gấp đôi, từ 25 tỉ đô la năm 1996 lên 66 tỉ đô la năm 2006. Thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người từ 310 đô la năm 1996 lên 760 đô la năm 2006. Tuy nhiên đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn dừng lại ở mức 2,4 tỉ đô la một năm trong thời kỳ này.

APEC 2017: Hội nhập hơn bao giờ hết

Kể từ APEC 2006, Việt Nam tiếp tục công cuộc hội nhập kinh tế với các nước láng giềng và các đối tác thương mại ở xa hơn. Việt Nam và các thành viên ASEAN khác đã mở rộng phạm vi của AFTA thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

ASEAN bắt đầu thương lượng để tăng cường FTA với sáu nước đối tác lâu nay về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Riêng Việt Nam còn ký hiệp định FTA song phương với Liên Hiệp Châu Âu (EU), Nhật Bản, Chilê, Liên minh Kinh tế Á-Âu (giữa Nga với bốn nước Liên Xô cũ là Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan).

Sau đó Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) quy mô và khởi đầu thương lượng FTA (thông qua ASEAN) với Hồng Kông, Hiệp hội Mậu dịch Tự do Châu Âu (gồm bốn nước Thụy Sĩ, Na Uy, Lichtenstein và Iceland), Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Kết quả của việc gia tăng hội nhập kinh tế là Việt Nam đã đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu. Theo thống kê Liên Hiệp Quốc, thặng dư xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 là 162 tỉ đô la. Hai mươi năm sau khi dỡ bỏ cấm vận, nay Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Hà Nội. EU là thị trường lớn thứ hai, tiếp đến là ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản.

Kinh tế tăng trưởng cùng với hội nhập. Theo số liệu của WB, năm 2016, GDB Việt Nam đạt 203 tỉ đô la, gấp ba lần so với 2006. Riêng FDI tăng gấp bốn, lên 11,8 tỉ đô la vào năm 2015, cho thấy các nhà đầu tư ngoại quốc đang chú ý đến Việt Nam.

APEC 2017: Cơn lốc chống toàn cầu hóa

Trong nhiều tình huống khác nhau, APEC 2017 có thể là một cơ hội khác để chứng tỏ Việt Nam tiếp tục phát triển thông qua toàn cầu hóa. Những sự kiện gần đây ở Hoa Kỳ và Anh quốc cho thấy xu hướng chống lại toàn cầu hóa, có thể ảnh hưởng đến nỗ lực hội nhập của Việt Nam.

Từ khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, tổ chức đa phương này đã không thành công trong việc xây dựng những hiệp định quan trọng có lợi cho Hà Nội. Chỉ có một thỏa thuận tạo điều kiện cho thương mại, chẳng đem lại lợi lộc gì mấy. Hơn nữa khi gia nhập, Việt Nam đã chấp nhận việc bị coi như một nền kinh tế phi thị trường (Nonmarket Economy – NME), khiến các đối tác thương mại có quyền áp đặt thuế chống phá giá.

Hà Nội nghĩ rằng sẽ thoát được tình trạng này vào năm 2019, theo thỏa thuận lúc gia nhập WTO. Tuy nhiên ngay cả Trung Quốc, gia nhập với các điều kiện tương tự, cũng vẫn tiếp tục bị coi là NME, cho thấy một tương lai không mấy sáng sủa cho Việt Nam. Đối với Hà Nội, lợi ích khi là thành viên WTO chỉ giới hạn ở việc giải quyết tranh chấp, khác xa so với những hy vọng ban đầu.

Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng có những vấn đề. Các sản phẩm của ASEAN trên nguyên tắc được miễn thuế, tuy nhiên các nhà xuất khẩu khó thể chứng minh xuất xứ và các trở ngại khác như tiêu chuẩn công nghiệp hoặc giấy phép nhập khẩu vẫn tồn tại.

Tự do di chuyển chỉ giới hạn cho giới chuyên môn và cán bộ lãnh đạo, dịch vụ thương mại vẫn phải đối mặt với quyền sở hữu và các hạn chế đầu tư. Nhiều lãnh vực kỹ nghệ vẫn đóng cửa với đầu tư trong nội bộ ASEAN. Như vậy cộng đồng này chủ yếu vẫn là một dự án thay vì một thị trường chung thực sự.

Thử thách FTA lớn nhất của Việt Nam là TPP. Hiệp định này giúp hàng Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất vào thị trường Mỹ, thị trường lớn nhất của nước này. Đổi lại, Hà Nội chấp nhận nhượng bộ về các quyền của người lao động và một số vấn đề nhạy cảm khác.

Đáng tiếc là cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ chủ chốt năm 2016 đều phản đối TPP. Khi ông Donald Trump lên nắm quyền đã rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định này. Việt Nam nay chẳng còn tha thiết lắm với một TPP không có Mỹ, vì đã có FTA với hầu hết các đối tác khác trong TPP. Những nước khác như Canada, Mêhicô thì cũng không phải là những thị trường rộng lớn, hấp dẫn. Hơn nữa, dù sớm khởi động thương thảo FTA trong khu vực, Washington vẫn chưa đưa ra sáng kiến kinh tế nào để thay thế.

Một FTA quy mô khác là RCEP được Bắc Kinh giới thiệu nhằm thay chân TPP, tuy nhiên RCEP không thiết lập cùng một mức độ cam kết. Thương lượng về RCEP nhiều lần bị sa lầy, vì mặc dù tất cả các bên của RCEP đều có FTA với ASEAN, các nước này lại không ký FTA với nhau, như trường hợp của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Thương lượng về hiệp định tự do mậu dịch giữa Việt Nam và EU đã kết thúc thành công, nhưng tiến trình phê chuẩn còn dài, còn phải chờ đợi từng nước thành viên thông qua. Quá trình này có vẻ gian nan, như mới đây FTA giữa Canada và EU đã gặp trở ngại vì một chính quyền vùng ở Bỉ. Cuối cùng, việc Anh ra khỏi EU khiến một số điều khoản phải được xem xét lại, và Việt Nam sẽ phải thương lượng một FTA riêng với Anh quốc.

APEC 2017: Bão chống toàn cầu hóa ập vào tận nhà

Áp lực chống toàn cầu hóa lên Việt Nam không chỉ cảm nhận ở thị trường nước ngoài, mà còn ngay trong nội địa. Trong lịch sử, quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam thường bị người láng giềng khổng lồ phương bắc là Trung Quốc thống trị. Quan hệ Việt-Trung thường xuyên hết nóng rồi lại lạnh, và bây giờ cũng chẳng khác.

Tất nhiên sự hiếu chiến của Bắc Kinh trên Biển Đông đang chế ngự quan hệ Việt-Trung hiện nay. Người Việt hết sức nhạy cảm về sự bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển này. Khi Bắc Kinh đưa một giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014, những vụ bạo động chống Trung Quốc đã nổ ra tại Việt Nam.

Quan hệ Việt-Trung còn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề thương mại và đầu tư. Cũng như hầu hết các nước, Trung Quốc là nguồn cung cấp hàng nhiều nhất cho Việt Nam; xuất siêu đến 33 tỉ đô la, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc.

Thị trường nội địa khổng lồ của Hoa lục và các công ty quốc doanh to lớn của Trung Quốc là các lợi thế cạnh tranh chính so với Việt Nam, vốn có thị trường nhỏ hơn và một nền kinh tế lệ thuộc nhiều hơn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tác động của Trung Quốc lên nền kinh tế Việt Nam còn nhiều. Tác giả Edmund Sim cho biết hồi đầu năm đã tổ chức một buổi hội thảo ở Hà Nội, dành cho các nông dân và nhà sản xuất nông sản phẩm Việt Nam, do cơ quan phát triển Đức German GiZ tài trợ. Mục đích là mở rộng cơ hội thương mại và đầu tư trong FTA giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA).

Nhiều công ty Việt Nam than phiền về các hàng rào phi thuế quan của Bắc Kinh như các tiêu chuẩn về thực phẩm, nông sản, cũng như việc kiểm tra tùy tiện. Họ cũng phản ứng trước tình trạng các nhà nhập khẩu Trung Quốc, với nguồn tín dụng rẻ và dồi dào, đã mua bao trọn mùa màng với giá rẻ, trước khi thu hoạch và vận chuyển đến Trung Quốc. Hậu quả là những lợi ích của tự do mậu dịch theo ACFTA hoàn toàn rơi vào túi của họ, chứ không phải các nhà nông Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam ý thức sâu sắc về tình cảm này, và theo tác giả bài viết, thì đúng là phải như thế. Dư luận quần chúng là quan trọng tại Việt Nam, cho dù không giống như ở phương Tây. Mạng xã hội ở Việt Nam tương đối ít bị kiểm soát. Hơn nữa, khác với Trung Quốc, ít có nhiều thủ tục quan liêu giữa chính quyền địa phương và trung ương, nhờ đó các vấn đề địa phương nhanh chóng mang tầm quốc gia. Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam thường có những cuộc bầu cử và chọn lựa trong nội bộ, nên dư luận trong Đảng cũng quan trọng.

APEC 202X: Vạch ra một đường hướng mới?

Các áp lực từ bên ngoài và bên trong, do các điều kiện toàn cầu thay đổi, đã đặt các nhà lãnh đạo Việt Nam vào một tình huống phức tạp hơn. Ngược với 11 năm đã qua kể từ APEC 2006, một sự hội nhập phi tập trung không phải là giải pháp cho mọi nhu cầu phát triển kinh tế còn lại của Việt Nam.

Nền kinh tế ngày càng lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc tạo ra thêm những cái giá phải trả về xã hội, kinh tế và an ninh khiến Việt Nam luôn phải dè chừng người láng giềng khổng lồ. Lấy lại cân bằng thông qua sự hỗ trợ và liên kết với các nhân tố quốc tế khác như Hoa Kỳ và Châu Âu thì lại phức tạp, và ngay cả quan hệ giữa Việt Nam với các láng giềng ASEAN cũng không hoàn toàn xuôi chèo mát mái.

Việc Việt Nam tổ chức thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng mang lại hơi hướm lịch sử đầy ý nghĩa. Trong cuộc chiến tranh vừa qua, Đà Nẵng và miền trung Việt Nam đóng vai trò tiền phương. Các phi cơ Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân rộng lớn ở Đà Nẵng, thường xuyên oanh kích các đường tiếp tế từ Bắc vào Nam.

Mặc dù các vấn đề của năm 2017 không trầm trọng như năm 1967, kinh tế rất quan trọng cho sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của Việt Nam. Các nhà lãnh đạo đất nước này sẽ phải bơi giữa dòng nước yên tĩnh của thịnh vượng và bãi cát hoang vu của sự cọ xát về an ninh xã hội.

Một lúc nào đó trong thập niên tới, Việt Nam sẽ lại là nước chủ nhà của thượng đỉnh APEC. Liệu APEC 202X sẽ lễ hội của thành công kinh tế Việt Nam, hay là tang lễ của những cơ hội mất đi, điều đó còn tùy thuộc vào sự lựa chọn của các nhà lãnh đạo Việt Nam và các đối tác của họ trong vài năm tới. Dù sao đi nữa, Việt Nam cũng phải chấn chỉnh khi bước vào một cuộc đua mới.

(Tổng hợp từ The Diplomat)

T.M.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20171108-viet-nam-qua-cac-mua-apec

This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.