Tô Văn Trường
“Phát” thì rất có nghề – như đã từng “phát” lia chia mà “động” thì… chẳng nhúc nhích gì! E rằng lại sẽ tương tự: “phát” thì có mà “triển” thì sẽ lại loay hoay như gà mắc tóc…
Nhiều người ca ngợi về chủ trương phát triển nông nghiệp khu công nghệ cao nhưng lại không hiểu ở Việt Nam đang có sự nhầm lẫn giữa nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp 4.0.
Đúng là từ “ao tù ra biển lớn” – nhưng, đừng quên rằng mấy con cá lớn ở ao tù vốn đã quá quen thói hiếp đáp tôm tép trong ao mà ra biển lớn chỉ đáng là mồi của các loại kình ngư nếu không có gai, có nọc, khôn khéo, ngụy trang hoặc lanh lẹ khi cần lẩn tránh.
“Hội” có đó nhưng “nhập” thế nào thì hoàn toàn không đơn giản. “Phát” thì rất có nghề – như đã từng “phát” lia chia mà “động” thì… chẳng nhúc nhích gì! E rằng lại sẽ tương tự: “phát” thì có mà “triển” thì sẽ lại loay hoay như gà mắc tóc vì vốn chỉ quen vá víu, đắp điếm, ăn đong, tới đâu hay đó, bóc ngắn cắn dài v.v…
Nông dân là tầng lớp cống hiến và hy sinh, thiệt thòi nhiều nhất trong cả thời chiến lẫn thời bình, nền nông nghiệp lại chịu nhiều rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh nên chính sách của nhà nước ưu tiên phát triển nông nghiệp là đúng đạo lý, hợp lòng người. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp có hiệu quả và bền vững phải tăng cường mọi khâu kỹ trị để giảm thiểu quan liêu, lãng phí, tham nhũng, qua đó giải phóng năng lượng cho kinh tế phát triển và đẩy mạnh làm ăn theo luật pháp và kinh tế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ cao, hạn chế những tổn thất do những yếu kém của công tác quản lý nhà nước hoặc do thiên tai.
Thực chất, các nước phát triển không có khái niệm nông nghiệp khu công nghệ cao vì toàn bộ nền nông nghiệp của họ đều ứng dụng công nghệ cao, chỉ có vấn đề nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp 4.0 cần làm rõ mà thôi. Tôi nghe kể câu chuyện có thật, khi ông Nguyễn Công Tạn còn làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sang tham quan ở Úc đề nghị được đi thăm khu nông nghiệp công nghệ cao, phía bạn Úc trả lời “Nước Úc không có khu nông nghiệp công nghệ cao, mà chỉ có nền nông nghiệp công nghệ cao”.
Chúng ta có thể hiểu một cách nôm na là công nghệ cao có thể ứng dụng vào tất cả các khâu từ đầu vào, quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, đến tiêu thụ sản phẩm (kể cả công nghệ quản lý) sao cho đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.
Cơ giới hỗ trợ tích cực cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp (Ảnh trên mạng).
Dư luận ở ta đang sôi nổi tựa như “lên đồng” xung quanh vấn đề nông nghiệp 4.0 cũng không ngoài những toan tính vụ lợi của một số nhóm lợi ích chứ chưa đi vào giải quyết cốt lõi vấn đề nổi cộm trong nông nghiệp.
Thời gian qua, Việt Nam xây dựng nhiều khu nông nghiệp công nghiệp cao, song sai lầm lớn nhất là không hiểu chức năng cơ bản của khu công nghệ cao là thương mại chứ không phải trình diễn công nghệ, mà ta thì trình diễn là chính. Thêm nữa, ứng dụng công nghệ cao phải là doanh nghiệp thì ta lại do nhà nước đầu tư, thì không thể tránh khỏi những khiếm khuyết. Quan điểm (phải lựa chọn được sản phẩm có thị trường, sau đó tìm công nghệ cho sản phẩm đó; tổ chức sản xuất…).
Ở nước ta, mặc dù nhà nước có chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng lại chú trọng nhiều hơn các dự án đầu tư hạ tầng, quy mô diện tích lớn (100 ha trở lên) bỏ qua quy mô nhỏ và vừa, trong khi ở ta thì chủ yếu nông dân quy mô nhỏ (dưới 1 ha) nên cả trang trại và nông dân không thể với được các ưu đãi mà Chính phủ muốn hỗ trợ. Nông nghiệp công nghệ cao chưa đầu tư thích đáng vào nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bền vững nên kết quả rất hạn chế, tốn phí tiền thuế của dân.
Có quan điểm cho rằng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải phát triển các “cánh đồng” nhà kính, nhà lưới được trang bị hiện đại và tự động hóa. Vì thế, nhiều nguồn lực của nhà nước đã được đầu tư để xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Từ 2004 đến tháng 12/2015, cả nước đã có 34 khu nông nghiệp công nghệ cao đã và đang được xây dựng tại 19 tỉnh thuộc 7 vùng kinh tế. Đến 2016, chỉ có 1 khu nông nghiệp công nghệ cao (rau, hoa ở Đà Lạt) có lãi rõ, 3 khu gồm Củ Chi (Tp. Hồ Chí Minh), An Thái (Bình Dương) và Suối Dầu (Khánh Hòa) hoạt động có thể tự tồn tại được. Còn 30 khu khác chưa hoặc không hiệu quả.
Quan điểm cho rằng nông nghiệp qui mô nhỏ, không làm được nông nghiệp 4.0 hay nông nghiệp công nghệ cao là sai lầm. Dẫn chứng, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan, những cánh đồng rất nhỏ, hộ nhỏ sao người ta làm được? Vấn đề là họ làm dưới chung một sự quản lý, theo qui trình và sản phẩm muốn làm phải đăng ký và có cơ chế quản lý thích hợp. Nếu làm khác đi, sản phẩm nông nghiệp sẽ không được thu mua, đương nhiên bị loai bỏ.
Làm nông nghiệp 4.0 cần hài hòa cả nông nghiệp 2.0 (cơ giới hóa), nông nghiệp 3.0 (tự động hóa/sản xuất hàng loạt…), rồi mới lựa chọn một số khâu để ứng dụng nông nghiệp 4.0 như Internet kết nối (thông tin thị trường, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh,…) trong mối quan hệ với Big-data, người máy, trong các dây chuyền của các khu công nghiệp. Hay nói cách khác, tức là hiện đại hóa ở mức sử dụng IT, nano, vi sinh, di truyền v.v… thì không nhất thiết phải gắn với quy mô đồ sộ mà các đại gia đang hô hào để chiếm đất của nông dân. Cốt lõi của nông nghiệp là vấn đề sở hữu đất đai ở VN vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là nông dân đang mong chờ nhà nước sửa lại luật đất đai.
Làm việc gì cũng phải hiểu trước khi nói và làm. Nông nghiệp truyền thống của nước ta làm còn ì ạch, trong đó có vấn đề hợp tác xã và trang trại, vấn đề “chứng nhận chất lượng sản phẩm”… và do đó thị trường rất bấp bênh, sản phẩm không có thương hiệu. Đó là do chính quyền và nông dân lâu nay làm việc gì cũng phải có chủ trương, chính sách, ngân sách, tín dụng… Cái đó phải có TW Đảng – Chính phủ có Nghị quyết, Thông tư, Chỉ thị. Bộ Nông nghiệp và Bộ Kế hoạch Đầu tư phải có kế hoạch, Bộ Tài chính phải ghi vốn, Ngân hàng có chủ trương cấp tín dụng… Thiếu những cái đó, không cơ quan nào làm, không nông dân nào hưởng ứng. Đặc biệt, khi có tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa nông dân và các đối tác không ai dám thưa kiện, mà có thưa cũng không ai dám xử vì sợ “mất lập trường, quan điểm” chí ít là sợ “mất tình cảm”!
Các nền kinh tế có chế độ thị trường tự do, có pháp quyền và xã hội công dân thì không cần “những chỉ thị đó”, vì đương nhiên ai cũng biết quyền của mình và tự liệu làm được có lời thì làm.
Câu chuyện nhà báo Kim Hạnh kể mới đây, nhân thấy Việt Nam có gian hàng nông sản (gạo) tại triển lãm, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đi qua rồi, còn quay lại xem và hỏi: “gạo có sạch không”? Kim Hạnh trả lời là “Sạch”. Ông hỏi tiếp: “Ai chứng nhận”? Kim Hạnh trả lời “Mỹ”. Thủ tướng Thái Lan khen “Thế là tốt”! Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cần có thương hiệu và được chứng nhận chất lượng sạch như thế, thì chẳng phải lo không có đầu ra, lại có giá trị kinh tế cao.
Một thực tế sẽ diễn ra trong thời gian sắp đến, đó là khi giảm biên chế mạnh khối công chức ăn lương ngân sách (và cả các đoàn thể) theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 của Đảng, thì việc giới thiệu cho họ những mô hình phù hợp của khu vực giao dịch phục vụ thị trường nói chung và nông nghiệp nói riêng sẽ là một hướng đi tốt cho tất cả cùng thắng (win-win).
T.V.T.
Tác giả gửi BVN.