Trung Quốc và Việt Nam: Còn đảng, còn tham nhũng?

Đoàn Nhã An

clip_image002

Tranh biếm họa Xi Jinping “đả hổ diệt ruồi” của Adolfo Arranz – SCMP.

Năm 2012, Xi Jinping (Tập Cận Bình) trở thành người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngay lập tức, Xi đã đẩy mạnh chiêu bài chống tham nhũng với câu khẩu hiệu “đả hổ diệt ruồi”, mà ngay cả người dân Việt Nam cũng nghe quen tai. Noi theo gương “nước bạn”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, “ném chuột không vỡ bình”. Nhưng cho dù là hổ, ruồi, hay chuột, thì sự thật vẫn là năm năm qua, từ 2012-2017, tình hình chống tham nhũng ở cả hai quốc gia đều không được lạc quan cho lắm.

Chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) cho biết, thang điểm của Trung Quốc trong năm năm vừa qua là: 39/100 năm 2012, 40/100 năm 2013, 36/100 năm 2014, 37/100 năm 2015, và 40/100 năm 2016.

Còn chỉ số của Việt Nam liên tục là 31/100 từ năm 2012 đến năm 2015, và tăng lên 33/100 năm 2016. Cả hai đều nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao, với Việt Nam xếp hạng 113/176 và Trung Quốc xếp hạng 79/176 toàn cầu năm vừa qua.

Công cuộc chống tham nhũng của các vị lãnh đạo quốc gia ở Trung Quốc và Việt Nam hầu như không khiến cho chỉ số này thay đổi đáng kể. Cả hai nước đều bị tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng rất thấp ở tất cả các hạng mục khảo sát về tính minh bạch trong năm 2016.

Trong đó, có mục khảo sát ý kiến của người dân về vấn đề chính phủ có làm tốt việc kiểm soát tham nhũng hay không, và họ có lạc quan về tình trạng khắc phục tham nhũng của quốc gia hay không. Từ trả lời của những người được khảo sát, có 60% người Việt Nam đánh giá chính phủ không kiểm soát tốt vấn đề tham nhũng, và 3/4 người Trung Quốc cho rằng, tình trạng tham nhũng tại đây ngày càng tệ hại hơn.

Theo Giáo sư John Lee của Đại học Quốc gia Úc (Australian National University) và là tác giả cuốn Liệu Trung Quốc có sụp đổ (Will China Fail), thì tham nhũng là một phần không thể tách rời khỏi mô hình nhà nước chuyên chế (authoritarian model). Và vì vậy, sở dĩ Trung Quốc không thể kiểm soát tình trạng tham nhũng, là bởi do mô hình thể chế.

Tại Trung Quốc, Giáo sư Lee đánh giá, nhóm người đầu tiên trong xã hội được hưởng các đặc quyền từ mô hình phát triển kinh tế và nhận được các cơ hội mà điều này mang đến, chủ yếu là đảng viên và quan chức nhà nước.

Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, chính quyền Trung Quốc đã nhận diện được mối đe dọa tiềm ẩn từ nhóm trí thức trung lưu. Đó là những kẻ sẽ không còn xem “đảng” là con đường tiến thân duy nhất trong xã hội nữa. Trong bất kỳ xã hội nào đang thực thi mô hình công nghiệp hóa đất nước một cách thần tốc, thì thành phần trí thức thành thị sẽ là lực lượng quyết định số phận của các chính thể chuyên chế, độc tài.

Vì vậy, Giáo sư Lee nhận định, đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ còn cách tạo ra giai cấp tinh hoa ấy từ nội bộ của mình, để củng cố quyền lực cho đảng và giúp chế độ tồn tại.

Mà để giai cấp này cúc cung tận tụy với đảng, thì phải cho họ mặc sức tự tung tự tác trong việc lũng đoạn nền kinh tế để mưu lợi riêng. Thế nên, nếu bây giờ chúng ta bảo rằng đảng Cộng sản phải thiết lập ra một cơ chế giải quyết dứt điểm và hữu hiệu tình trạng tham nhũng, thì không khác gì bảo họ phải hủy bỏ toàn bộ chiến lược chính trị nói trên.

Giờ đây, thành công về kinh tế và chính trị đã được xem là quá mức đan xen lẫn nhau. Một lượng lớn người tham gia chính trị hoặc chọn trở thành đảng viên, là để mưu cầu lợi ích kinh tế cho bản thân. Đây là một khế ước xã hội và chính trị có thật giữa đảng cộng sản Trung Quốc và giới tinh hoa.

Theo Báo cáo Hurun chuyên thống kê về tài sản ở Trung Quốc, trong năm 2015, đã có 203 vị đại biểu Quốc hội và các nhà lập pháp đứng trong danh sách 1.271 người giàu có nhất tại Trung Quốc, với tổng số giá trị ròng (net worth) là 463,8 tỷ đô la. 90% tổng số đảng viên Trung Quốc là những nhà doanh nghiệp và 98% tất cả vị trí lãnh đạo các tập đoàn lớn đều là những người mang thẻ đảng.

Không có gì đáng ngạc nhiên với những con số này, khi chính đảng Cộng sản đã và đang dùng lợi ích kinh tế để đổi lại lòng trung thành của đảng viên. Và con số người xếp hàng đăng ký tham gia vào đảng thì lên đến cả trăm triệu. Ngày nay, người ta vào đảng là tìm cơ hội “làm giàu không khó” cho bản thân.

Trong khi đó, theo Giáo sư Lee, từ năm 2013 đến năm 2015, chỉ có khoảng 200.000 đảng viên bị bắt giữ và kết án vì tội tham nhũng tại Trung Quốc, và con số này chỉ gần bằng 0,25% tổng số đảng viên tại đây.

Còn tài liệu từ phía Cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc thì cho biết, chỉ riêng năm 2015, họ đã xử lý 300.000 quan chức. Theo BBC, Trung Quốc công bố họ đã xử lý hơn một triệu quan tham từ năm 2014-2016, nhưng đó cũng chỉ là 1,18% tổng số đảng viên.

Thế nên, ngoại trừ vài cái tên trong các vụ đại án như Bo Xilai (Bạc Hy Lai) và Zhou Yongkang (Chu Vĩnh Khang), thì rõ ràng là chẳng có bao nhiêu “hổ và ruồi” đã bị diệt.

Trong một mô hình nhà nước, nơi mà địa vị chính trị – hoặc đơn giản chỉ là các mối quan hệ chính trị chồng chéo – mới là yếu tố quyết định cho sự thăng tiến về mặt vật chất trong xã hội, thì tham nhũng là một phần không thể tách rời.

Giáo sư Lee cho rằng, không thể nào tách tham nhũng ra khỏi cái cơ chế mà nhóm quyền lực có trong tay tất cả đất đai, vốn liếng quốc gia, và ngay cả sức lao động của nhân dân, chỉ để phục vụ cho các mục đích cá nhân.

“Đả hổ diệt ruồi” rất có thể là một câu khẩu hiệu êm tai dùng để vỗ về công chúng trong chốc lát, và còn có tác dụng đe dọa hay triệt hạ các kẻ đối lập chính trị. Nhưng trên thực tế, chính quyền Xi Jinping không thể nào ra tay “làm sạch” chính cái cơ chế đang bảo vệ cho đảng của ông ta được. Vì đảng Cộng sản chỉ có sức hấp dẫn khi nó còn tiếp tục mang lại các lợi ích về kinh tế cho cùng một đám hổ ấy, cũng như bọn ruồi nhặng bâu theo chúng.

Nếu không, nhóm tinh hoa trong đảng có cần quan tâm rằng lực lượng chính trị nào đang nắm quyền lãnh đạo đất nước nữa hay không? Không được đảm bảo về lợi ích kinh tế, Giáo sư Lee nhận định, họ chắc sẽ dám đòi cả nhà nước pháp quyền, chứ thèm để mắt đến “pháp quyền XHCN” của đảng.

Những giả thuyết và lập luận của Giáo sư Lee về mối tương quan giữa đảng Cộng sản và thành phần giai cấp được hưởng lợi ích trong xã hội Trung Quốc là lý do không thể trị dứt nạn tham nhũng, rất có thể sẽ áp dụng được cho tình hình Việt Nam hiện nay.

Trước hết, dân chúng có thể có ý kiến khác nhau về nhiều vấn đề, nhưng không ai không đồng ý là quan chức, lãnh đạo Việt Nam rất giàu có. Mà khối tài sản khổng lồ của họ – những biệt phủ, biệt viện, lô đất vàng, v.v – mỗi khi bị phanh phui trước dư luận, thường được giải thích rằng, họ có tiền từ việc bản thân hoặc người nhà “làm kinh tế” mà ra.

Lời giải thích của họ có vẻ khá hợp lý khi đảng Cộng sản Việt Nam cũng chính là lực lượng lãnh đạo kinh tế quốc gia. Liệu có phải việc đảng giao phó cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) toàn quyền quản lý các khu vực kinh tế chủ đạo, đã tạo điều kiện cho các quan chức và người nhà của họ được hưởng lợi ích từ đó mới trở nên giàu có?

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, DNNN được giao phó nguồn lực từ vốn liếng và tài nguyên quốc gia, với những ưu đãi, đặc quyền, và hỗ trợ của nhà nước. Vì vậy, họ có nhiều thuận lợi về đất đai, tiền vốn, và được giao những dự án lớn, có vị trí độc quyền.

Thế nhưng, tuy DNNN được hưởng nhiều ưu đãi như thế, nhưng chính thành phần kinh tế này lại “đóng góp” nhiều nhất cho tổng số nợ quốc gia, vốn đang ngày càng gia tăng.

Các thông tin về những sự cố thất thoát, gây lãng phí, hay kinh doanh không có hiệu quả, v.v., mà đỉnh điểm là các vụ đại án tham nhũng, từ PMU18, đến Vinashin, Vinalines, và gần đây là Trịnh Xuân Thanh – PVC, khiến cho người dân phải đặt câu hỏi, liệu tài sản tham nhũng của một số quan chức là đến từ số tài sản bị thất thoát này hay không?

Có lẽ, Việt Nam cũng đang trong cùng một hoàn cảnh với Trung Quốc khi đứng trước vấn nạn tham nhũng.

Mối quan hệ giữa đảng Cộng sản và nhóm tinh hoa được hưởng lợi ích chính trị và kinh tế, vốn không thể tách rời khỏi nhau được nữa. Để bảo vệ cho quyền lực của chính mình, thì đảng bắt buộc phải bảo vệ quyền lợi kinh tế của nhóm lợi ích, nên không thể nào thẳng tay “ném chuột” khi phải luôn canh cánh nỗi lo về một nguy cơ “vỡ bình”.

Nguy cơ đó chính là, một khi không còn khả năng đáp ứng cho giới tinh hoa trong nội bộ của họ quyền lực và lợi ích kinh tế, thì vị trí lãnh đạo của đảng liệu có thể duy trì tiếp tục được không?

Tài liệu tham khảo:

Forbes Magazine, Why Xi’s Anti-Corruption Campaign Won’t Work

Báo CafeF, TS. Trần Đình Thiên: DNNN chính là lực lượng “đóng góp” nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia!

Transparency International – People and Corruption: Asia Pacific – Global Corruption Barometer

Đ.N.A.

Nguồn: http://luatkhoa.org/2017/10/trung-quoc-va-viet-nam-con-dang-con-tham-nhung/

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.