Chu Thanh Vân
Cũng trong chiều 16-8-2017 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổng cục Thủy lợi và Tổng cục Phòng, chống thiên tai là 2 tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Càng ngày càng nhung nhúc đến phát tởm, lấy đâu ra giảm!
Bauxite Việt Nam
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, mới chỉ giảm được 1,1% biên chế hành chính và sự nghiệp công, nói đến giảm biên chế ai cũng đồng tình nhưng khi nhắc đến cơ quan, tổ chức, địa phương của mình thì không ai đồng ý giảm, toàn xin thêm.
Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 13, chiều 16-8-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Tham dự phiên họp có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Tình trạng “bộ trong bộ”
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội, trong giai đoạn 2011-2016, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức chưa đầy đủ, chưa có bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đặc biệt là đối với các công việc có liên quan tổ chức bộ máy, liên quan con người cụ thể. Hệ thống thể chế về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện nhưng vẫn chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất.
Ông Nguyễn Khắc Định cho biết cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định, tổ chức bộ quản lí đa ngành, đa lĩnh vực, bước đầu khắc phục được những chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lí nhưng vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hơn; chưa khắc phục được một cách triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ (vẫn còn 18 vấn đề giao thoa, có ý kiến khác nhau); cơ chế “chủ trì, phối hợp” trong quản lí nhà nước còn phổ biến.
Dự thảo báo cáo giám sát cũng chỉ ra rằng tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nặng nề, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân (gồm 198 đơn vị/22 bộ, cơ quan ngang bộ) dẫn đến tình trạng “bộ trong bộ”. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất do chưa có tiêu chí; một số cơ quan hành chính thực hiện chức năng quản lí nhà nước nhưng lại áp dụng cơ chế tài chính như đơn vị sự nghiệp công lập; vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu (945 phòng), chưa thực hiện đúng yêu cầu trong Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phù hợp đặc điểm của địa phương mà cơ bản được tổ chức đồng nhất, thậm chí là “cào bằng” như nhau, chưa phù hợp tinh thần Kết luận số 64-KL/TW. Cơ cấu tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng và tương đương trực thuộc. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố tăng nhanh (trên 130.000), chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động không rõ ràng trong khi mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở một số địa phương rất thấp, chỉ 0,2-0,3 mức lương cơ sở, gây nhiều khó khăn, tâm tư trong chính đội ngũ này. Biên chế công chức được quản lí chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm (trung bình giảm 4.000 biên chế), tuy vậy việc thực hiện các quy định về quản lí biên chế tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nghiêm, sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lí với số công chức tham mưu. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đẩy mạnh. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn tăng. Thủ tục hành chính còn phức tạp, phiền hà, vẫn còn nhiều quan ngại về tính minh bạch, công khai trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết
Băn khoăn về tổ chức bộ máy hiện nay, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề bộ máy đã bảo đảm hiệu lực, hiệu quả chưa? Bộ máy phình ra do yêu cầu quản lí hay do lí do khác?
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước có được nâng lên nhưng so với yêu cầu của tình hình mới thì chưa đạt yêu cầu, chất lượng bộ máy chưa tương xứng với đầu tư từ ngân sách. Có xu thế bộ máy ngày càng trở nên cồng kềnh, dẫn tới quan liêu, xa rời thực tiễn. Hình như ngoài 4 cấp chính quyền trung ương, tỉnh, huyện, xã đang thêm cấp chính quyền thôn, bản, ấp. Lẽ ra cán bộ xã xuống trực tiếp các thôn, bản thì lại gọi cán bộ thôn lên. Thôn là cánh tay nối dài của xã, càng nối dài bao nhiêu càng quan liêu bấy nhiêu. Câu chuyện này cần phân tích rõ ràng, bộ máy phình ra, khi xảy ra vấn đề là không xử lí được, ông Hiển nói.
Ông Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị báo cáo giám sát cần phân tích rõ, kĩ, nhiều nội dung cần sâu thêm, đầy đặn hơn, có tổng kết, đánh giá nhận định và minh chứng.
Liên quan tổ chức bộ máy và biên chế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng có tình trạng nói đến cải cách, tinh giản bộ máy ở cơ quan khác thì rất nhiệt tình nhưng đến cơ quan mình thì không làm được mấy. “Chúng tôi được Quốc hội giao tham mưu biên chế của Tòa án, Viện kiểm sát, xác định đề án vị trí việc làm, mỗi lần xem xét cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế, đại đa số các cơ quan này đều trình xin tăng thêm biên chế” – bà Nga thẳng thắn. Trên cơ sở đó, bà Nga đề nghị Chính phủ xem lại quy định về đề án vị trí việc làm, tổng kết lại việc thực hiện đề án, không để tình trạng khi quyết định biên chế không có đề án vị trí việc làm thì rất chặt, nhưng từ khi các cơ quan thực hiện xác định vị trí việc làm thì tăng hàng ngàn người. Đồng thời, Chính phủ cần xem lại cơ chế đánh giá cán bộ công chức, vẫn thiếu các tiêu chí cụ thể, còn đánh giá một cách cào bằng, không tạo động cơ, động lực thúc đẩy cán bộ công chức làm việc. Bà Nga đề nghị Chính phủ nên có báo cáo về một số đơn vị có vấn đề nổi cộm thời gian qua, bởi có đơn vị lãnh đạo nhiều hơn số nhân viên do hình thành nhiều cấp phòng, cấp vụ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là đúng và trúng trong giai đoạn hiện nay. Theo Chủ tịch Quốc hội, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, mới chỉ giảm được 1,1% biên chế hành chính và sự nghiệp công, có nghĩa là từ nay tới năm 2021 phải giảm tới 8,9% biên chế. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng nói đến giảm biên chế ai cũng đồng tình nhưng khi nhắc đến cơ quan, tổ chức, địa phương của mình thì không ai đồng ý giảm, toàn xin thêm. Về bài học kinh nghiệm, cơ bản là đúng nhưng chưa có gì mới. “Sợi dây kinh nghiệm là sợi dây dài nhất trong cuộc sống, ngành nào cũng rút, địa phương nào cũng rút, năm nào cũng rút, nhưng rút hoài không hết” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Có cái nhìn lạc quan, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng cần nhìn nhận rõ những mặt đạt được, đánh giá khách quan trong bộ máy. Bộ máy đóng góp rất lớn cho công cuộc phát triển của đất nước, “Không phải bộ máy là tiêu cực cả” – ông Việt cho hay.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiên cứu kĩ lưỡng những nhận định, đánh giá và các chỉ đạo của Quốc hội, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và các nội dung chỉ đạo điều hành với mục tiêu tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân. Từ thực tiễn công tác xây dựng thể chế và cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Phó thủ tướng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác kiểm tra dự án luật, pháp lệnh, không đưa các quy định về thành lập mới tổ chức và biên chế vào các văn bản chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước. Chính phủ cũng ráo riết chỉ đạo rà soát các luật, pháp lệnh đã có những quy định này theo kế hoạch để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
C.T.V (TTXVN)